Phóng viên (PV): Sau 4 năm học áp dụng SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo ông, đâu là những ưu điểm mà SGK mới mang lại trong quá trình dạy và học?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Đầu tiên, nói đến ưu điểm của SGK mới là phải nói từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về chương trình có một số SGK cho mỗi môn học. Khi thực hiện một chương trình nhiều bộ sách thì chương trình là yếu tố quan trọng nhất, quy định về nội dung yêu cầu cần đạt của người học. Như vậy, để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu ấy thì SGK có thể thể hiện chi tiết các nội dung yêu cầu khác nhau nhưng đều phải bám sát theo chương trình. Có nghĩa là học liệu, tư liệu, ngữ liệu được lựa chọn đưa vào các bộ SGK để thể hiện yêu cầu của chương trình sẽ sinh động hơn, phong phú hơn. Vậy nên ngoài việc chọn các ngữ liệu, hình ảnh, dữ liệu đưa vào sách thì cũng phải thực hiện yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học, qua đó phát triển phẩm chất, năng lực người học. Khi đó, từ nội dung sách đến phương pháp được thể hiện trong sách phải đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cần đạt được của chương trình đề ra.

Thời gian qua, lần đầu chúng ta làm quen với chương trình giáo dục có nhiều bộ SGK. Vì vậy, giai đoạn đầu triển khai SGK mới có thể các thầy, cô giáo chưa quen, phụ huynh chưa yên tâm. Nhưng đến giờ, sau quá trình sử dụng trong nhà trường có thể thấy rõ, SGK hỗ trợ giáo viên rất tốt trong giảng dạy, xã hội cũng dần quen, hiểu và nhận thấy những hiệu quả tích cực của SGK mới. 


leftcenterrightdel

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: THU HÒA

PV: Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hiện nay, các địa phương đã hoàn thành chọn SGK năm học 2024-2025. Khi giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt SGK có giải quyết được các bất cập trong lựa chọn SGK từng phát sinh không? Những vấn đề đặt ra cần quan tâm là gì, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Trước đây ở các nhà trường, việc chọn SGK được tiến hành từ tổ chuyên môn đề xuất lên đến trường. Nhà trường tổng hợp đưa lên phòng giáo dục (đối với cấp tiểu học và THCS) và đưa lên sở (đối với cấp THPT) tổng hợp để hội đồng chọn SGK cấp tỉnh lựa chọn. Giáo viên ở các tổ bộ môn, trường chỉ là đề xuất chọn sách. Hiện nay, giáo viên được giao quyền chọn SGK, tự chủ trong công tác chuyên môn. Nhà trường xem xét, tổng hợp kết quả lựa chọn của giáo viên rồi trình các cấp. Cuối cùng là UBND cấp tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn SGK. Như vậy, tính tự chủ về chuyên môn của nhà trường được đề cao hơn.

Mặt khác, khi UBND cấp tỉnh được phân cấp quản lý giáo dục của địa phương thì phải có trách nhiệm về phê duyệt chọn SGK cũng như những vấn đề liên quan, tạo các điều kiện để bảo đảm việc thực hiện chọn sách của các trường đúng và hiệu quả nhất. Đó là điều thuận lợi cơ bản cho các nhà trường.

Vấn đề quan trọng cần quan tâm trong việc này là các địa phương thực hiện đúng trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được đề cập trong Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thì việc chọn SGK sẽ bảo đảm thuận lợi, hiệu quả. Bên cạnh đó, theo Thông tư 27, các nhà trường cũng nên quan tâm tới việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Khi lựa chọn ổn định có thể tiết kiệm chi phí hằng năm, tận dụng được sách, giúp học sinh có sự chủ động, mà sự ổn định đối với người dạy cũng rất tốt, giúp khai thác, sử dụng SGK hiệu quả hơn.

PV: Đến nay vẫn có nội dung trong SGK được cho là “sạn”, gây tranh luận, phản ứng xã hội. Những vấn đề đó cần nhìn nhận thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Thực tế thời gian qua cũng có những vấn đề tranh luận, ý kiến khác nhau về SGK. Nhất là giai đoạn đầu áp dụng còn nhiều điều mới, đâu đó trong sách lớp 1 còn dùng phương ngữ chưa phù hợp. Bộ GD-ĐT và các đơn vị xuất bản đã tiếp thu những ý kiến và điều chỉnh. Hiện nay vẫn còn một số ý kiến về “sạn” ở bài văn này, bài văn kia, rồi chọn ngữ liệu phù hợp hay không phù hợp... Có những tranh luận là bởi quan điểm khai thác ở các khía cạnh khác của văn bản cũng như cách sử dụng ngữ liệu ấy. Bộ GD-ĐT vẫn luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến. Tuy nhiên cũng phải chia sẻ thêm rằng, chương trình SGK có các chuẩn, tiêu chí, chỉ báo quy định cụ thể trong việc làm sách. Chưa kể sách đã được hội đồng thẩm định là những người có kinh nghiệm thảo luận kỹ lưỡng. Vì thế, nếu đâu đó vẫn nói về những “sạn” của SGK thì chủ yếu là những vấn đề mang tính quan điểm khác nhau.

leftcenterrightdel

Giờ học của cô và trò Trường THCS Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: HẢI ANH

PV: Hiện nay, việc phát hành bản sách điện tử (theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 88 của Quốc hội) đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Việc thử nghiệm phát hành SGK điện tử hiện nay đang được triển khai. Trong bối cảnh xã hội hóa SGK, việc này phụ thuộc vào chính các tổ chức, cá nhân xuất bản. Riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT đã được Bộ chỉ đạo bắt đầu thực hiện thí điểm SGK điện tử. Tuy nhiên, SGK là một xuất bản phẩm đặc thù, vì thế, chuyển thể từ bản sách in thành phiên bản điện tử như thế nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế. Sau khi có kết quả thí điểm và đánh giá toàn diện, Bộ sẽ xây dựng văn bản làm hành lang pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện.

PV: Tới đây, việc Nhà nước thống nhất giá SGK (từ tháng 7-2024) mang lại lợi ích gì và có gây áp lực cho các đơn vị làm sách?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Bởi vì SGK có đặc thù, không khác gì những mặt hàng thiết yếu mà gia đình nào cũng phải mua, vì thế, quy định về giá trần SGK đã thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước để vừa bảo vệ quyền lợi của người dân vừa bảo đảm tính cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân làm sách. Các tổ chức, cá nhân tham gia làm SGK khi đó sẽ phải suy nghĩ về công nghệ, quy trình, biên soạn, nội dung... sao cho việc làm sách tinh giản, tiết kiệm nhất để cạnh tranh. Chẳng hạn, hệ thống bài tập lựa chọn trong sách cũng phải chắt lọc hơn để tối thiểu về số lượng nhưng tối đa về dạng.

PV: Các đơn vị làm SGK phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì tương lai không xa, có thể nhiều đơn vị sẽ rút khỏi thị trường SGK. Theo ông, liệu có quay về câu chuyện phải có một đơn vị Nhà nước đứng ra bảo đảm việc làm SGK?

PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Nói đến thị trường không thể không nói đến câu chuyện cạnh tranh. Với những đơn vị kinh doanh không đủ tiềm lực, không đủ năng lực, đương nhiên sẽ không đứng vững được lâu dài. Vấn đề không phải là có bao nhiêu bộ sách, bao nhiêu đầu sách mà quan trọng nhất là chất lượng. Kể cả đơn vị làm sách có những quyển sách được rất nhiều giáo viên, học sinh lựa chọn, sau một thời gian người dùng có thể sẽ thay đổi, chọn quyển khác nếu thấy chất lượng hơn. Bởi vậy, đã là cơ chế thị trường thì rõ ràng phải trau dồi cho sản phẩm, dù làm một quyển hay nhiều quyển. Thậm chí có đơn vị chỉ tập trung làm một quyển sách chất lượng tốt vẫn được nhiều người lựa chọn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khi lựa chọn SGK, điều trước tiên mà người mua cần quan tâm là nội dung kiến thức của sách; phải thực sự bám sát những yêu cầu của môn học đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kiến thức của các khối lớp trước với các khối lớp sau phải gắn kết, có tính liên tục để không tạo khoảng trống, gây nên tâm lý sợ học và ngại học đối với các em. Bên cạnh đó, chất lượng in và tiêu chuẩn giấy in cũng cần được chú ý. Chọn sách có hình ảnh, chữ in sắc nét, giấy có độ chống lóa tốt để quá trình sử dụng không làm ảnh hưởng tới thị lực của học sinh. (Nhà giáo ĐÀO QUỐC VỊNH, Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, TP Hà Nội)

THU HÒA (thực hiện)