AI không đe dọa trực tiếp đến người sáng tác

Phóng viên (PV): Thời gian qua những sản phẩm AI có thể làm thay con người ở những lĩnh vực đòi hỏi cao về tính cá nhân. Chẳng hạn có thể tạo ra một bài thơ, bài hát... khá hoàn chỉnh. Theo anh, điều đó có được coi là thách thức, “đe dọa” tới người sáng tác?

PGS, TS Lê Hoàng Sơn: Thực tế, AI chỉ là cỗ máy do con người lập trình; nó thiếu sự đồng cảm, khả năng chia sẻ và hiểu cảm xúc của người khác-vốn là trọng tâm trong sự tương tác của con người. AI hoạt động dựa trên các thuật toán được lập trình, không có cảm giác đúng hay sai. Trong những tình huống đòi hỏi sự phán xét hoặc quyết định mang tính đạo đức, AI sẽ không thành công. Bên cạnh đó, AI cũng gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm trừu tượng, tăng cường sự sáng tạo và nhận biết cảm xúc và ý thức, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dữ liệu phức tạp và phi cấu trúc trong bối cảnh cho trước. AI chỉ có thể biết cảm xúc của người, nhưng không biết phán đoán về thái độ của người đó theo cảm xúc đã phân tích. Ngoài ra, AI sẽ lúng túng với những công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và trực giác hay các nhiệm vụ đòi hỏi sự hiểu biết và giải thích các thành ngữ mà cần sự hiểu biết thông thường về thế giới.

leftcenterrightdel
PGS, TS Lê Hoàng Sơn.

Trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, việc công nghệ AI có thể sáng tác thơ hay đoạn văn giờ không hiếm. Riêng trong ngày 8-3-2023, gần 10 triệu người sử dụng Zalo Mini App để sáng tác hơn 3,3 triệu bài thơ với thuật toán sinh tự động câu. Gần đây, OpenAI đã có thể xây dựng bộ phim ngắn từ đoạn mô tả ngắn. Khả năng phi thường của AI sẽ hỗ trợ cho những nhà sản xuất phim và nghệ sĩ trong sáng tác các tác phẩm, tuy nhiên nó không đe dọa trực tiếp đến người sáng tác. AI có thể được sử dụng như một công cụ hỗ trợ, cung cấp ý tưởng mới cho nghệ sĩ và giúp họ mở rộng khả năng sáng tạo của mình. Nghệ sĩ có thể sử dụng AI như một công cụ để tạo ra những tác phẩm mang tính đột phá và khám phá những khía cạnh mới trong nghệ thuật. Quan trọng nhất là người sáng tác vẫn giữ được giá trị sáng tạo và độc đáo trong công việc của mình. Sáng tạo, tình cảm và cái nhìn riêng của con người không thể thay thế bằng AI. Đồng thời, việc sử dụng công nghệ AI trong nghệ thuật sẽ tạo ra một nguồn cung cấp sáng tạo mới, đa dạng nhưng cũng đặt ra những thách thức và câu hỏi về việc bảo đảm sự công bằng, tôn trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ.

PV: Việc con người và AI kết hợp để tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ là điều khả thi. Việc này cần nhìn nhận thế nào khi chúng ta chưa có hệ thống pháp lý liên quan đến AI?

PGS, TS Lê Hoàng Sơn: Trong tương lai, các nhà lập pháp cần tính đến vai trò pháp lý của các công cụ AI trong việc hỗ trợ xây dựng các tác phẩm nghệ thuật. Việc định rõ quyền sở hữu do người hay AI cũng rất quan trọng trong bản quyền trí tuệ để bảo đảm rằng cả con người và AI đều được công nhận và ghi nhận công sức, đóng góp của mình trong tác phẩm. Khi có tranh chấp xảy ra về sở hữu trí tuệ liên quan đến tác phẩm, cũng cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý của người sáng tác, nhà phát triển AI, hoặc tổ chức sử dụng AI. Điều này cần sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà lập pháp, chuyên gia pháp lý, văn nghệ sĩ và nhóm phát triển công nghệ. Quá trình này cần thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc các yếu tố đạo đức, công bằng và sự phát triển bền vững của lĩnh vực nghệ thuật.

AI có trách nhiệm, đạo đức trong AI

PV: AI ngày càng phát triển và được ứng dụng phổ biến trong đời sống, chúng ta nhìn nhận mặt tích cực và nguy cơ mà AI mang tới cho con người ra sao, thưa anh?

PGS, TS Lê Hoàng Sơn: AI ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Các giá trị mà AI mang lại, không chỉ giúp hỗ trợ quản lý vận hành các hệ thống nghiệp vụ hiệu quả mà còn đem lại lợi ích lớn trong tối ưu hóa nguồn lực và quy trình, từ đó mang lại trải nghiệm cho người dùng hiệu quả cao. Các nền tảng thương mại điện tử đa quốc gia Amazon của Mỹ tận dụng công nghệ Amazon Personalize để đề xuất sản phẩm cho người dùng dựa trên sở thích của họ. Ở Việt Nam, có các sản phẩm của Tiki, Sen Đỏ... cũng đang dần tiệm cận công nghệ này. Trong lĩnh vực nghệ thuật-giải trí, mạng xã hội TikTok đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng với những bộ phim ngắn về các chủ đề mà người dùng quan tâm, dựa trên công nghệ gợi ý phim từ các thông tin khi người dùng sử dụng trên TikTok.

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, xu hướng sử dụng AI trong cuộc sống hằng ngày sẽ có thể khiến con người lệ thuộc vào công cụ này. Trong chuỗi sản xuất lao động khi các công việc đơn giản dần biến mất và các công việc chất lượng cao đòi hỏi tri thức của con người đang bị đe dọa bởi công nghệ AI, con người cần phát triển thêm nữa về mặt kỹ năng, xác định những vai trò và nhiệm vụ mới để thích nghi. Việc sử dụng thông tin AI mang lại như thế nào để tạo ra giá trị thương mại cao sẽ cần phải xác định cụ thể.

Một vấn đề quan trọng nữa đối với việc sử dụng các công cụ này là bảo đảm tính riêng tư của các thông tin trong hệ thống AI. Thử tưởng tượng các thông tin về lịch trình đi trên các nền tảng chia sẻ xe như Grab, FastGo, Xanh SM... bị phát tán với các mục đích xấu thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng cá nhân. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023 cũng đã quy định rõ dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng không được phép phát tán và chia sẻ. Tuy nhiên các hoạt động sử dụng trái phép dữ liệu này từ bên thứ ba vẫn còn là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

PV: Từ thực tiễn và dự báo tương lai mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra, chúng ta cần quan tâm tới vấn đề gì trong phát triển AI, thưa anh?

PGS, TS Lê Hoàng Sơn: Trong hội thảo tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua về phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng: “AI có trách nhiệm, đạo đức trong AI đang là vấn đề nghị sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới. Đây không đơn thuần là vấn đề học thuật, cũng không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà liên quan đến sự phát triển của con người, của quốc gia và nhân loại”. Thực vậy, vấn đề đạo đức trong việc xây dựng các hệ thống AI cần được quan tâm kỹ lưỡng hiện nay. Các tập đoàn lớn có thể bóp méo hoặc làm sai lệch/thiên lệch dữ liệu để thu hút khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh. Hacker có thể điều chỉnh thuật toán lái tự động của xe tự hành gây tai nạn... Chính vì thế, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đối với AI vào tháng 4-2021 nhằm đưa ra các quy tắc mang tính bước ngoặt về thỏa thuận quản lý AI. Tuy nhiên việc thực thi còn nhiều vấn đề trở ngại do thiếu chính sách đồng bộ từ chính phủ cho đến doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ.

Mặc dù AI mang lại tiềm năng lớn, nhưng việc đối mặt với những nguy cơ, thách thức này đòi hỏi sự nhận thức và quản lý cẩn thận. Điều quan trọng là phát triển, áp dụng AI một cách hợp lý, có đạo đức, bảo vệ quyền riêng tư và tạo ra các chính sách, quy định phù hợp để bảo đảm rằng AI phục vụ lợi ích chung của con người và xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có AI nào có thể thay thế con người và xã hội, mà chỉ làm cho con người và xã hội ngày một tốt đẹp hơn từ trong nội tại của chính mình.

Để làm được điều này, cần xây dựng các chương trình đào tạo về AI định hướng ứng dụng trong cả bậc đại học và sau đại học với các trụ cột về AI phục vụ cộng đồng từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ cho đến khoa học xã hội. Trong các chương trình đào tạo về AI định hướng ứng dụng này, các vấn đề nền tảng như đạo đức và pháp lý, các công nghệ tiên tiến, xây dựng dữ liệu AI có “văn hóa”, quy trình xây dựng... cần được chú trọng thay vì chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh công nghệ và thuật toán xử lý. Nếu làm được như vậy thì cả con người và AI sẽ dần tốt hơn, tạo nên một xã hội mới.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Nhà văn trẻ Đức Anh: Tôi cho rằng sự ảnh hưởng từ AI nhất định là có. Rõ nhất là nó sẽ phân tầng các nhà văn: Những người không thể vượt qua AI và những người làm được những điều AI không làm được. Phê bình văn học cũng sẽ thay đổi, sẽ ra đời những lý thuyết mới giúp phân biệt nhân tính và yếu tố phi nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Những thay đổi đó rất đáng để chờ đợi... Nhà văn, nhà sáng tạo trong một viễn tượng thế giới như vậy sẽ cần phải giỏi hơn, nghiêm túc hơn với nghề sáng tạo, đặc biệt hơn là quan tâm hơn đến lịch sử, đến cách vận hành của thế giới, của xã hội và các vấn đề của thân phận con người...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Có thể AI sẽ thông minh để viết được đoạn văn hoàn chỉnh, ráp những câu từ đúng chính tả vào một đoạn giai điệu hoàn chỉnh. Nhưng sáng tác cần có hai điều quan trọng nhất là trải nghiệm và cảm xúc được hình thành dựa trên quan điểm sống, góc nhìn riêng, độ nhạy cảm... mà tạo nên những độ rung động thăng hoa trong tác phẩm. Đó là điều AI không thể làm được.

DƯƠNG THU (thực hiện)