Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc phỏng vấn họa sĩ Lê Huy Văn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp về câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Việt Nam có hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với các sản phẩm phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Việc sáng tạo và phát triển sản phẩm ở các làng nghề hiện nay ra sao?

Họa sĩ Lê Huy Văn: Nhìn lại các cuộc triển lãm về thủ công mỹ nghệ từ Trung ương đến địa phương trong hơn hai thập kỷ qua thì thấy rằng, nhiều mẫu mới nhờ có công nghệ mới nên rất phát triển. Từ thời kỳ nung gốm bằng lò bầu đốt than quả bàng, than củi đa dụng đã được thay bằng các lò gas, tránh được ô nhiễm môi trường. Từ việc xẻ gỗ bằng thủ công, nay đã có máy móc thay thế... Song việc bức xúc của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ lại không nằm ở chỗ đó. Nó nằm ở chỗ, hàng chục năm nay, ở nhiều làng nghề không có mẫu mới xuất hiện, những quan niệm thẩm mỹ cổ lỗ sĩ, cũ kỹ, lối mòn vẫn ăn sâu bám rễ vào nhận thức của các nghệ nhân, thợ giỏi. Những đề tài quá quen thuộc hoặc nếu có thay đổi thì do kỹ thuật tác động, nhiều mẫu mã bị biến dạng, sai lệch về tỷ lệ, hình dáng.

Với những năng lực dồi dào, với tay nghề, bằng sự kết hợp công nghệ và kỹ thuật thời đại 4.0 thì ngày nay, cái gì nghệ nhân cũng có thể làm được. Nhưng kết quả của nó cho đến nay lại hoàn toàn ngược lại.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Lê Huy Văn.

Trong các cuộc thi để trưng bày triển lãm, tôi đã chứng kiến những sản phẩm rất “đặc biệt”, như: Bộ tam đa làm bằng gốm nung nặng lửa cao hơn 2m được trang trí cầu kỳ; có những chiếc nón đường kính rộng hơn 1m, bên ngoài sơn phủ một màu xanh lét; có những hàng đậu bạc kỳ công nhưng hoa văn lại của xứ sở Ba Tư; có những hộp sơn mài, hộp mây tre đan công phu trong gia công nhưng lại sử dụng những bản lề thô kệch, lạc lõng; có những tranh thêu kỳ công nhưng sắp xếp hình hoa lá lủng củng, lộn xộn, thậm chí sao chép từ ảnh ra không hề nâng cấp; có cả những mẫu mã sơn mài từ kết cấu, hình dáng đến hoa văn trang trí rất chỉn chu không thể chê được nhưng lại lấy cắp từ mẫu của nước ngoài... Đấy là chưa kể những sập gụ tủ chè hình dáng, trang trí vẫn nguyên một kiểu như hàng thế kỷ trước đây.

Từ đó có thể rút ra rất nhiều điều, nhưng có một điều đúc kết ngắn gọn, đó là chúng ta đang thiếu thiết kế.

PV: Chúng ta có thể hiểu như thế nào về thiết kế, tạo dáng sản phẩm, thưa ông?

Họa sĩ Lê Huy Văn: Nói một cách đơn giản thì thiết kế là sự sáng tạo, đem lại giá trị mới cho sự vật. Thiết kế là nghĩ xem “làm một sản phẩm như thế nào?”. Đó là việc hoạch định kiểu dáng, công dụng và ấn tượng của sản phẩm. Thiết kế liên quan đến mọi mặt của việc chế tạo sản phẩm.

Thiết kế có lịch sử lâu đời. Việt Nam từ xưa đã có thiết kế. Các đồ dùng và công cụ truyền thống làm bằng gỗ và tre vừa hữu dụng lại vừa đẹp, đa dạng về mẫu mã đã tạo ra sự thú vị trong đời sống sinh hoạt của mọi người. Trang phục áo dài và nón lá là một thiết kế thời trang quyến rũ. Nó đã làm tăng thêm vẻ thanh khiết và yêu kiều của các thiếu nữ, cùng với vẻ đẹp toát lên từ chất liệu mát mẻ hợp với khí hậu Việt Nam và thể hiện vẻ đẹp tinh thần của người Việt Nam. Chuẩn bị lễ cúng, cỗ bàn cho ngày Tết và ngày lễ, hay tiếp đãi họ hàng, bạn bè là những thiết kế tổng thể được sắp xếp để đón khách và chia sẻ thời gian vui vẻ.

Thiết kế có một lịch sử lâu đời ở Việt Nam, nhưng sao giờ đây chúng ta lại nói về nhu cầu thiết kế? Các sản phẩm ngày xưa do những người hiểu biết rõ về người sử dụng làm ra. Những sản phẩm mới cũng dần phải nghiên cứu đối tượng sử dụng là ai, có vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tất cả những điều đó đều phải trải qua một quá trình để hình thành được một hình dáng dễ sử dụng, dễ xếp gọn và bảo quản cũng như để được trang trí bằng hoa văn thích hợp với kiểu dáng đó.

PV: Như ông nói thì thiết kế thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam đã có lịch sử lâu đời, vậy nó có gì đặc biệt, thưa ông?

Họa sĩ Lê Huy Văn: Từ những năm 60 của thế kỷ 20, giáo sư Walter Heisig, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học chuyên ngành thủ công mỹ nghệ Berlin (Đức), có ghé Hà Nội để khảo sát về thủ công mỹ nghệ các vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã đánh giá: “Người Việt Nam khéo tay đã tạo nên những mặt hàng thủ công mỹ nghệ vô cùng tinh xảo và đặc sắc (Tạp chí FORM, năm 1960).

Đến năm 1986, khi nước ta bắt đầu mở cửa hội nhập, những chuyên gia hàng đầu của Cộng hòa dân chủ Đức đã đi khảo sát về thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Sau đó, để đánh giá toàn bộ tình hình các ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở nước ta, giáo sư, tiến sĩ, nhà lý luận và nghiên cứu lịch sử design Horst Oelke có bài viết “Tạo dáng ở Việt Nam-cái riêng và sự xa lạ” đăng trên Tạp chí FORM năm 1988, Viện Mỹ thuật công nghiệp Berlin (tôi có dịch sang tiếng Việt và đăng trong Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1997).

Vậy thì cái riêng của nghề thủ công truyền thống ở ta là gì? Và sự xa lạ là gì? Ở đây Oelke muốn nói đến tính độc đáo, sự khéo léo từ những bàn tay vàng của thợ thủ công Việt Nam đã tạo nên bản sắc riêng. Nhưng khi hòa nhập vào thế giới thì đã xảy ra những khác biệt về văn hóa tiêu dùng. Thủ công mỹ nghệ lúc này không còn đơn thuần là những mặt hàng trang trí nữa. Ví như, một cái ấm trà người ta mua về để sử dụng chứ không phải chỉ để ngắm nhìn. Vòi ấm khi rót nước phải ngắt được nước không thể để nó chảy ra bàn. Điều này đòi hỏi người sản xuất không chỉ nghiên cứu hình dáng mà còn phải nghiên cứu cả công năng cho sản phẩm.

PV: Theo ông, quá trình nghiên cứu ấy, từ thiết kế đến sản phẩm cần phải quan tâm đến những yếu tố nào?

Họa sĩ Lê Huy Văn: Gần đây, phương tiện truyền thông có nói nhiều về cốc bia hơi Hà Nội đã tồn tại gần nửa thế kỷ do tôi thiết kế. Cái quan trọng là trước khi thiết kế, tôi đã nghiên cứu, phân tích từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, đã tìm hiểu rõ công nghệ sản xuất thủ công và phát hiện ra nguồn nguyên liệu là thủy tinh tái chế vô tận (không phải nhập khẩu) lại rất phù hợp và thích ứng cho các lò thổi thủy tinh của ta lúc bấy giờ. Khi thiết kế, bao giờ tôi cũng tuân thủ triết lý: Hình thức phải phụ thuộc vào nội dung; hình dáng phải phụ thuộc công năng; cái tốt đồng thời là cái đẹp. Tôi nghĩ, cốc bia hơi Hà Nội vì đã đáp ứng được triết lý trên nên nó mới được người dân ưa chuộng và ngày nay nó đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Người dân tham quan, mua sắm tại gian hàng các làng nghề thủ công trong Chương trình xúc tiến thương mại, tuần văn hóa, thiết kế sáng tạo quận Hoàng Mai, tháng 11-2023. Ảnh: THU HÒA

PV: Trong cơ chế thị trường hiện nay, vai trò của thiết kế cần được phát huy ra sao để góp phần phát triển kinh tế, đồng thời gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thưa ông?

Họa sĩ Lê Huy Văn: Thiết kế là vấn đề khó và cần được đào tạo. Nhiều người cũng đồng tình với ý kiến của tôi rằng, những bất cập của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay là một vòng xoáy mà vấn đề nằm ở đào tạo, trong khi ở Việt Nam hiện nay khâu này đang yếu. Không chỉ là đào tạo người làm nghề mà còn ở người dùng. Tại sao có sản phẩm xấu, lỗi như thế vẫn có người dùng? Bởi trình độ, nhu cầu thẩm mỹ của người dùng chỉ có thế. Hoặc chính người dùng, bởi không hiểu biết, mà yêu cầu, đặt hàng những sản phẩm có yếu tố lai tạp về văn hóa. Nhu cầu đời sống quyết định phần lớn tới sản phẩm, nếu nhu cầu không nâng lên thì vẫn tồn tại những sản phẩm kém chất lượng, khó có thị trường rộng rãi. Vì thế, phê phán chỉ là một phần nhưng quan trọng hơn là, qua mỗi mùa triển lãm, chất lượng sản phẩm phải tốt hơn trước.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế khen thưởng những sáng chế tốt, quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền để khuyến khích, bảo vệ người thiết kế. Cũng cần có lưu giữ, so sánh, bảo vệ các thiết kế.

Hiện nay, nhiều làng nghề như gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) đã bước đầu quan tâm tới việc đào tạo nhân lực, cho con em học hành, thậm chí đi học cả ở nước ngoài, nhờ đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Rõ ràng trong cơ chế thị trường nhiều cạnh tranh hiện nay, dù là sản phẩm gì thì nếu làm ẩu, chất lượng kém, thiếu thẩm mỹ cũng sẽ không tồn tại được lâu dài. Hướng đến phát triển bền vững là hướng đi tất yếu và để làm được điều đó không thể thiếu công tác giáo dục, đào tạo, từ tạo dáng sản phẩm tới thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Chúng ta cần quan tâm, phát huy các nhà trường đào tạo chuyên ngành thiết kế mỹ thuật thủ công nghiệp, dạy nghề để những nghệ sĩ, thợ thủ công thiết kế được nhiều mẫu mã mới giàu hàm lượng tri thức, thẩm mỹ và văn hóa dân tộc. Qua đó, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn bồi đắp sức mạnh văn hóa nội sinh và quảng bá, lan tỏa nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)