Điều cần nhất là tự học và say mê
Phóng viên (PV): Trước khi trở thành nhà thơ theo nghiệp văn chương chuyên nghiệp, ông đã là một bác sĩ nhiều năm. Con đường nào đưa ông từ một bác sĩ thành một thi sĩ?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Năm 1970, tôi đang công tác ở Bộ Y tế, thì nhà thơ Chế Lan Viên khi đó là Trưởng tiểu ban Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, Hội cần tuyển thêm một số anh em trẻ về làm công tác biên tập, xuất bản. Anh nói, anh Bằng Việt và tôi nên chuyển sang Hội sẽ được gần gũi thơ văn và có nhiều thời gian làm văn chương hơn, chứ làm nghề khác thì chỉ có thể tranh thủ thời gian cho văn chương thôi. Anh Bằng Việt thì chuyển ngay sang. Nhưng tôi thì mất thêm hai năm mới "bỏ" được nghề y...
Tôi mồ côi bố khi chưa đầy 6 tuổi, mẹ tôi vất vả ngược xuôi nuôi các con, mà tôi cũng không được ai định hướng chọn nghề nên khi tốt nghiệp phổ thông, tôi cứ lấy câu “nhất y, nhì dược” mà theo, dù cũng mê văn. Tôi phải đấu tranh tư tưởng mãi, là bởi thực tình, tôi cũng thấy thích ngành y. Lại thêm hồi ấy, nhà tôi ở gần ga Hàng Cỏ, thỉnh thoảng bạn thơ ở các tỉnh đến Hà Nội hay ghé chơi, hoặc lỡ tàu xe vào nghỉ nhờ, gặp nhau cười nói rổn rảng. Mẹ tôi thấy anh em bạn thơ hầu như ai cũng vất vả, sấp ngửa, càng không đồng ý để tôi bỏ ngành y theo văn chương.
Lấn cấn mãi, rồi nghe anh Chế Lan Viên thuyết phục, phân tích thêm đủ điều, tôi quyết tâm thôi nghề y để chuyển hẳn sang theo nghiệp văn chương, bằng việc về Đài Tiếng nói Việt Nam làm chuyên mục Tiếng Thơ. Vậy là sau 6 năm học, 7 năm làm bác sĩ, tôi mới làm ở lĩnh vực mình yêu thích thực sự. Tới giờ, tôi vẫn trách là ban đầu mình đã không chọn chính xác nghề hợp với mình, để lỡ mất nhiều năm như thế. Nhưng may là 13 năm ngành y cũng không bỏ phí, nó vẫn giúp ích cho cuộc sống, sức khỏe của tôi ít nhiều.
PV: Theo ông, nghề văn có nhất thiết cần được đào tạo bài bản không?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cách đây một năm, tôi mới phát hiện ra một điều mà tôi thấy rất tâm đắc về cách Nguyễn Du miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, nhưng khi tôi chia sẻ với bạn ở Viện Văn học thì mới biết rằng chuyện ấy đã được các thầy dạy văn nói tới lâu rồi. Năm nay 84 tuổi, cũng được coi có thâm niên trong nghề, tôi thấy nếu được học hành bài bản đương nhiên sẽ tốt hơn, sẽ được mở mang nhiều lắm.
Từ khi tôi bỏ ngành y sang văn chương đến giờ vẫn chưa học lớp bổ túc nào về văn học cả. Thế nên, tôi phải tự học. Hồi sinh viên, tôi thường sang thư viện Đại học Tổng hợp ở bên cạnh, học xong bài thì mượn thêm giáo trình văn học đọc. Tốt nghiệp trường y thì tôi cũng gần như đọc được hết những giáo trình, tài liệu chuyên ngành văn học, nắm được những kiến thức cơ bản, diễn đạt một cách nôm na.
|
|
Nhà thơ Vũ Quần Phương. Ảnh: THU HÒA
|
Tôi có cái thiệt là từ ngành nghề khác rẽ sang văn chương, nhưng những năm theo ngành y cũng là vốn quý của tôi cho thơ văn sau này. Thời làm ở Bộ Y tế, tôi được giao theo dõi và kiện toàn các cơ sở y tế lao động và cấp cứu chiến thương tại các công-nông-lâm trường, xí nghiệp các tỉnh vùng “cán soong” từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh nên cũng có “thực tế” chiến tranh, giúp ích cho việc sáng tác. Mà ngành y với thơ ngẫm ra cũng nhiều cái tương đồng.
Có lần chúng tôi đi buồng theo GS Tôn Thất Tùng, qua cầu thang thì có một cậu bị trượt chân, ông dừng lại hỏi: “Cậu có biết bậc trên và dưới cách nhau bao nhiêu centimet không? Làm ngành y đòi hỏi biết nhiều kiến thức, phải biết cả những điều như thế để giúp người bệnh”. Tôi cũng nghĩ, ngành y giống thơ, là phải dò được những vấn đề của con người, có những tâm tư, tình cảm của con người mà mình có thể khám phá được. Sau này tôi cũng thấy, ai vào nghề thơ sau khi từng làm nghề khác thì thường có nhiều cái để viết hơn.
Vì thế, tôi cho rằng điều quan trọng là tự học cộng với sự say mê. Thơ văn kỳ lạ và dễ làm nhiều người say mê lắm mà tôi chỉ nhận mình thuộc hàng say mê bình thường thôi. Và nếu như muốn theo nghiệp văn chương chuyên nghiệp, muốn văn chương trở thành nghề, nghiệp của mình thì nên dành toàn tâm, toàn ý cho nó.
Chỉ cần khen đúng đã đáng quý rồi
PV: Thưa ông, có thể nói nước ta chưa khi nào người làm thơ, các câu lạc bộ, hội, nhóm thơ lại nhiều như hiện nay, nhưng như có lần ông từng nhận định rằng, người làm thơ đông lên còn người đọc thì lại ít đi. Vì sao vậy?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thơ theo tôi đầu tiên phải đạt được tiêu chí nghệ thuật thơ. Còn nội dung thì có thể viết về đề tài nào cũng được chỉ cần qua đó đưa được thông điệp tới độc giả. Thông điệp ấy có thể biến đổi theo thời cuộc, phong phú lắm, hoặc thậm chí là có thể mâu thuẫn nhau cũng không sao, người đọc sẽ tự có cách để chọn lựa. Nhưng đúng là bây giờ nhiều câu lạc bộ thơ, hội thơ, nhiều người làm thơ và người ta dễ dàng gọi nhau là nhà thơ. Mà nếu tính như vậy thì nước ta có cả triệu nhà thơ.
Cùng với thuận lợi trong xuất bản khiến phong trào làm thơ, in thơ rộn ràng, sôi động hơn. Điều đó cũng rất hay. Tất nhiên, tôi nghĩ việc làm thơ, in thơ, bán như thế nào là quyền của mỗi người. Nhưng khi anh đưa ra xã hội sản phẩm để bán, nhất là sản phẩm nuôi dưỡng thể chất hay tâm hồn con người thì phải có chất lượng, không độc hại. Nó như việc anh không thể tung ra thị trường loại thuốc không chữa được bệnh nhưng lại quảng cáo là chữa bệnh thì là anh đang lấy tiền của người ta mà lại giết người ta.
Thơ cũng vậy, phải đến ngưỡng nào đó chứ không phải thơ nào cũng mang ra thị trường bán được. Nếu phải mua tới hàng chục tập thơ mới tìm ra một tập đọc được thì liệu người mua có mua không? Mua đến lần thứ 3 mà vẫn thấy chán thì người ta dễ sẽ thất vọng và không mua thơ nữa, khi ấy cả thơ hay cũng ế theo.
Có thời kỳ, sách văn học cơ bản được bạn đọc phân loại theo các nhà xuất bản. Trước đây, có nhà xuất bản từng chủ trương khi in tác phẩm chất lượng có gắn thêm ở bìa dòng chữ “Tủ sách văn học Việt Nam hiện đại”, như một dấu hiệu để người đọc nhận biết, nhưng rồi tác động của kinh tế thị trường thì những điều ấy có thể không còn giữ được ý nghĩa ban đầu nữa. Nhưng tôi theo dõi thấy hiện nay, một số nhà sách cũng bắt đầu chọn lọc tác giả, tác phẩm chất lượng để cộng tác, đầu tư xuất bản. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
PV: Ông có nghĩ tới vai trò, trách nhiệm của phê bình văn học ở đây?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Như tôi nói thì hiện nay, người muốn đọc thơ khó chọn thơ hay, nguyên nhân đầu tiên là thơ nhiều quá, giống như “nước lội thì có mà nước uống thì không”. Vì thế, cần có giải pháp để giúp người đọc, yêu thơ được định hướng, chọn lọc sản phẩm chất lượng.
Thứ hai, phải tạo dư luận có tính hàn lâm về văn học tới công chúng, nhưng bây giờ, người viết phê bình thực sự quá ít, một số thì tập trung viết sách nghiên cứu. Thú thực thì phê bình khó lắm, bởi khen thì không sao nhưng chê thì sợ mất lòng bạn bè, anh em. Tôi cũng phải rất chọn lựa tác giả, tác phẩm để viết. Tôi nghĩ chỉ cần khen đúng, đừng khen lấy được, không đáng khen mà vẫn khen vì lý do này, lý do kia; hoặc đừng lợi dụng phê bình để cố bôi đen tác giả, tác phẩm vì yêu-ghét cá nhân... thì đã đáng quý rồi.
PV: Nhiều năm nay, ông vẫn thường xuyên, nhiệt tình tham gia các cuộc nói chuyện về thơ. Đó có phải cách để ông đưa thơ đến với công chúng gần gũi hơn?
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Những năm tôi làm ở Hội Văn nghệ Hà Nội, tôi có nhận được từ Thành ủy Hà Nội đề nghị tổ chức buổi đọc thơ, nói chuyện thơ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10). Còn trước đó, khi tôi làm ở buổi Tiếng thơ, chúng tôi còn được Đài Tiếng nói Việt Nam cấp kinh phí để tổ chức 3 đêm thơ tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi cùng anh chị em cũng đi cả các tỉnh để trình diễn, ngâm thơ, nói chuyện thơ. Có lần đến địa phương, bà con đang làm đường, chưa đi qua được, tranh thủ lúc đợi chúng tôi liền giới thiệu vài bài thơ, bà con xúm vào nghe ngâm thơ quên cả làm đường.
Sau này về Hội Nhà văn Việt Nam công tác, tôi chia sẻ với anh Phạm Tiến Duật về ý tưởng nên tổ chức ngày thơ hằng năm theo hình thức một ngày hội có tính dân gian vào dịp Giêng Hai mùa lễ hội. Anh nghe thích quá bảo lấy luôn tên bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ làm tên ngày thơ, chọn ngày rằm tháng Giêng tổ chức.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, đang là Chủ tịch Hội, đồng ý và giao chúng tôi làm thí điểm. Thế là năm 2002, tổ chức ngày thơ “Nguyên tiêu” đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giao cho tôi lo. Tôi còn nhớ đã soạn một bài nói chuyện thơ dài, tóm tắt từ thời Lý, Trần, Lê... tới hiện đại. Tôi đứng cạnh bàn thờ trong Thái miếu nói vọng ra. Người nghe ngồi ghế đẩu nhựa ngoài sân, theo dõi chăm chú. Nhưng buổi ấy có người chê đứng chê ngồi, bảo là cuộc nói chuyện thơ chứ chẳng phải hội thơ. Năm sau thì anh Duật lo, có thêm buổi tối đọc thơ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phải tới năm thứ 3, Ban Chấp hành Hội đứng ra tổ chức, có kinh phí, thông báo rộng rãi tới các tỉnh mời cùng tổ chức, huy động tài trợ từ nhiều nguồn thì hội thơ được tổ chức bài bản, quy mô và duy trì hằng năm cho tới bây giờ.
Tôi nghĩ, qua hội thơ như vậy hoặc những lần nói chuyện về thơ của nhiều nhà thơ suốt những năm qua, sẽ góp phần tôn vinh giá trị đích thực của thơ ca và đưa thơ đến với công chúng gần gũi hơn, giúp công chúng phần nào hiểu thơ hơn, yêu thơ hơn và bằng thơ ca giúp bồi đắp tâm hồn mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)