Trong giai đoạn hiện nay, tăng cường các sáng tác mới và lan tỏa rộng rãi giá trị, ý nghĩa của tác phẩm tới công chúng là việc cần được các đơn vị nghệ thuật phát huy. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội diễn) xung quanh câu chuyện này.

Dư âm từ một hội diễn

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Hội diễn đã qua nhưng dư âm, ấn tượng đẹp vẫn lan tỏa tích cực tới các đơn vị nghệ thuật tham gia và công chúng?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Quả thực, dù Hội diễn đã bế mạc nhiều ngày nhưng dư âm tốt đẹp vẫn còn lan tỏa tới công chúng trong và ngoài Quân đội, nhất là các đơn vị nghệ thuật tham gia, tạo không khí phấn khởi, thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến đối với mỗi cán bộ, nghệ sĩ. Nhìn lại thời gian dài chuẩn bị và 13 ngày diễn ra Hội diễn làm việc khẩn trương, với ý thức trách nhiệm cao, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, cùng sự nỗ lực, cố gắng, có thể nói, Hội diễn năm 2023 đã thành công tốt đẹp.

Hội diễn năm nay có sự phát triển mới về quy mô, tầm vóc, khi lần đầu tiên có sự phối hợp của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thái Nguyên và các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, cử các đơn vị nghệ thuật trực thuộc tham dự; sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của UBND TP Hà Nội... Đặc biệt Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã quan tâm về mọi mặt; ban chỉ đạo, ban tổ chức phát huy tinh thần trách nhiệm cao; các đoàn chuẩn bị, xây dựng chương trình, tổ chức luyện tập và tham gia Hội diễn với nhiệt huyết, tâm thế vững vàng, tự tin. Bởi vậy, công tác tổ chức, bảo đảm của Hội diễn đã bắt nhịp được với yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của một sân chơi nghệ thuật lớn, mang tính chuyên nghiệp cao. Hơn thế, Hội diễn đã tạo nên một không khí sinh hoạt nghề nghiệp sôi động, chuyên nghiệp nhưng cũng tràn đầy cảm xúc.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Lê Xuân Sang. 

PV: Theo dõi Hội diễn có thể nhận ra các chương trình nghệ thuật tham gia đều được đầu tư công phu, so với những lần tổ chức trước cho thấy điều gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Mỗi hội diễn, liên hoan nghệ thuật là dịp để chúng ta thấy bức tranh đời sống nghệ thuật đương đại toàn quân nói chung, mỗi đơn vị nghệ thuật nói riêng; từ đó các cấp tham mưu, quản lý nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn để đề xuất, đưa ra những chủ trương, chính sách cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Qua Hội diễn vừa rồi, có thể khẳng định rằng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở các đơn vị trong toàn quân 5 năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ; được thể hiện ngay trong sự đầu tư cho tổng thể chương trình, từ việc xác định chủ đề, tên chương trình tới những tìm tòi, sáng tạo mới lạ, độc đáo, hấp dẫn; vừa phát huy được năng lực của các cá nhân, vừa tạo được dấu ấn, bản sắc văn hóa, vùng miền, chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị...

Cụ thể là trong công tác chỉ đạo nghệ thuật với hầu hết là các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đã quy tụ, phát huy được những tài năng trong ê kíp sáng tạo để không chỉ có các tiết mục thanh nhạc, khí nhạc, múa, sân khấu, chương trình được dàn dựng công phu, tính chuyên nghiệp cao; mà việc xử lý không gian sân khấu, cảnh trí, đạo cụ, minh họa, âm thanh, ánh sáng bổ trợ... cũng đã thể hiện rõ sự tìm tòi, sáng tạo của các đơn vị. Trong đó, nhiều đơn vị như: Đoàn Văn công Quân khu 1, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, Đoàn Văn công Quân khu 7, Nhà hát Kịch nói Quân đội... đã sử dụng hiệu quả các yếu tố hỗ trợ để thể hiện tốt ý đồ, ý tưởng, làm tăng sức hấp dẫn, sinh động cho chương trình.

Không chỉ tôi mà các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật và khán giả đều có cảm nhận rằng mỗi tiết mục, mỗi chương trình, mỗi vở diễn là một bản hùng ca mới về một đề tài vốn không mới nhưng luôn có sức hấp dẫn và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

Hướng tới những tác phẩm chất lượng cao

PV: Đồng chí có cho rằng, QPTD vẫn luôn tạo được nguồn cảm hứng cho các tác giả sáng tác về đề tài này?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Từ Hội diễn vừa qua với hơn 20 chương trình, vở diễn bám sát chủ đề “Vang mãi khúc quân hành” ở nhiều loại hình nghệ thuật, đã cho thấy một bức tranh nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài QPTD có chất lượng chuyên môn cao với những điểm nổi trội về tính nghệ thuật, tính chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo. Nhiều sáng tác mới, như: “Quân khu 4 tiếp bước quân hành” của Đoàn Văn công Quân khu 4, “Đường lên Tây Bắc” của Đoàn Văn công Quân khu 2 hay “Tiếp bước” của Đoàn Văn công Quân khu 7... đã được các giám khảo đánh giá cao, tạo ấn tượng, cuốn hút khán giả.

leftcenterrightdel
Tiết mục "Hoa thép” trong Chương trình nghệ thuật “Dấu ấn thời đại” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tham gia Hội diễn. Ảnh: THÁI HƯNG 

Tuy vậy, Hội diễn cũng thể hiện bức tranh chung hoạt động sáng tác hiện nay, rằng có nhiều tác phẩm mới đề tài QPTD nói chung cũng như đề tài LLVT và CTCM, nhưng tỷ lệ tác phẩm có chất lượng xuất sắc còn ít, còn thiếu vắng tác phẩm về người lính với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội và quá trình hội nhập quốc tế; việc nghiên cứu, đầu tư dàn dựng ở một số đơn vị còn đơn điệu. Đây là thách thức cũng là trách nhiệm đặt ra đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật, nhất là đội ngũ sáng tác cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

PV: Làm thế nào để phát huy tài năng tại các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội tạo ra tác phẩm mới chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như thị hiếu của công chúng, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Trước hết, mỗi chiến sĩ-nghệ sĩ cần tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, phù hợp với thị hiếu của bộ đội và nhân dân. Muốn vậy, nghệ sĩ cần trau dồi không chỉ về chuyên môn, kiến thức, mà còn cần đi sâu vào đời sống bộ đội và nhân dân để thấu hiểu, thấy được cái đẹp, cái hay và tạo ra tác phẩm phản ánh được hơi thở cuộc sống, gần gũi với bộ đội và nhân dân. Có như vậy, tác phẩm mới đi vào đời sống và phát huy được ý nghĩa, giá trị sâu rộng.

Cùng với đó, chỉ huy, quản lý các đơn vị nghệ thuật phải biết phát huy nội lực, bằng cách tạo điều kiện, khích lệ, động viên các thành phần sáng tạo sáng tác, đầu tư dàn dựng, sử dụng tác phẩm... Hiện nay, nhiều đơn vị đã và đang làm rất tốt việc này, nhưng một số đơn vị còn phụ thuộc, dựa vào chuyên gia, tác giả ngoài đơn vị. Về lâu dài, điều này gián tiếp ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, hạn chế trong phát huy tính chủ động của đơn vị cũng như trong phát huy khả năng của các cá nhân.

PV: Tác phẩm dù có chất lượng tốt đến đâu cũng chỉ thực sự phát huy giá trị khi được lan tỏa rộng rãi, có đời sống của riêng mình, đồng chí suy nghĩ gì về điều này?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Đúng vậy! Tác phẩm dù đi thi được giải thưởng cao nhưng rồi về để đấy thì cũng không phát huy được giá trị của nó. Tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi có đời sống và nếu đời sống đủ lâu dài nó sẽ trở thành những “bài ca đi cùng năm tháng”.

Một trong những điều làm nên thành công và tạo sự lan tỏa rộng rãi của Hội diễn lần này chính là công tác truyền thông, quảng bá. Trước và trong thời gian diễn ra Hội diễn, các cơ quan báo, đài, đặc biệt là sự phối hợp và tham gia nhiệt tình của Đài Truyền hình Việt Nam; Báo Quân đội nhân dân; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội..., bằng nhiều hình thức tuyên truyền trên nhiều nền tảng, đã giúp lan tỏa rộng rãi các tác phẩm đến với khán giả cả nước. Ngoài ra, ban tổ chức còn phối hợp với các đơn vị tổ chức 13 đoàn ca múa nhạc lưu diễn phục vụ hơn 20.000 lượt khán giả tại 14 điểm là các đơn vị, nhà trường Quân đội, Công an và một số địa điểm tại Hà Nội. Thực tế cho thấy các buổi biểu diễn tạo được không khí sôi nổi, thiết thực lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật về đề tài QPTD đến với công chúng trong và ngoài Quân đội.

Bởi vậy, các đơn vị nghệ thuật khi có tác phẩm mới rồi thì việc quan trọng nữa là nghiên cứu dàn dựng, tổ chức biểu diễn và tăng cường biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Cùng với đó cũng cần tuyên truyền, lan tỏa, giới thiệu tác phẩm mới bằng các hình thức khác như phối hợp ghi hình phát sóng trên truyền hình, trên các nền tảng mạng xã hội... Qua đó, làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng và thiết thực phát huy giá trị của tác phẩm mới cũng như tạo động lực cho hoạt động sáng tác trong toàn quân phát triển cả về lượng và chất.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Đã có ít nhất 20 năm theo dõi các hội diễn trong và ngoài Quân đội, nhưng tôi và nhiều thành viên Hội đồng nghệ thuật đều thấy choáng ngợp bởi sự đầu tư, chất lượng tác phẩm tham gia Hội diễn. Ngoài các tác giả trong Quân đội, có những tác giả là người Việt đang ở nước ngoài gửi tác phẩm về tham gia Hội diễn, nhiều tác giả lần đầu viết về Quân đội, nhiều tác giả trẻ nhiệt huyết, hay sự tham gia của nhạc sĩ gạo cội, như: Đỗ Hồng Quân, Ngọc Khuê, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn... đã cho thấy đề tài QPTD nói chung và LLVT, CTCM vẫn thu hút, là nguồn cảm hứng bất tận với các tác giả trong và ngoài Quân đội.

Dù không nhiều, nhưng tôi khẳng định là chúng ta đã có những tác phẩm xuất sắc và sẽ còn có thêm. Tuy nhiên, qua thời gian, các tác phẩm cần được tiếp tục tuyên truyền để phát huy giá trị, ý nghĩa rộng rãi. Và như thế, ngoài sự chủ động của các đơn vị, rất cần đến vai trò của các ban tổ chức, ban chỉ đạo các hội diễn, liên hoan quan tâm đầu tư công tác truyền thông, quảng bá các chương trình, tác phẩm; động viên, khen thưởng kịp thời; sự quan tâm, chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát huy đội ngũ sáng tác và các đoàn nghệ thuật trong quảng bá các tác phẩm nghệ thuật về đề tài QPTD tới rộng rãi công chúng khán giả trong và ngoài Quân đội.

THU HÒA (thực hiện)