PV: Cho đến thời điểm này đã đi qua hơn nửa nhiệm kỳ, hoạt động của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vẫn luôn rộn ràng và liên tục với nhiều sự kiện văn chương. Đâu là điều giữ được sự bền bỉ này, thưa chị?

Nhà văn Bích Ngân: Nói đến làm hoạt động hội là nói đến sự kết nối. Kết nối được nhiều điều, nhiều người, nhiều ban, ngành, đoàn thể, nhiều đơn vị để tạo nên sức mạnh chung. Muốn kết nối được mình phải tạo ra nhiều hoạt động, và phải tìm đến đúng nơi để kết nối. Nhiều hoạt động hay, diễn ra thành công cũng là tiền đề để những hoạt động sau luôn được ủng hộ. Từ đó hoạt động hội sẽ tạo được vị trí của mình. Đó là điều rất quan trọng. Thật ra, nói cho đúng thì kết quả đó là công lao của cả tập thể, rất nhiều người. Nếu BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh rời ra từng người có lẽ chúng tôi không đủ mạnh. Nhưng khi cùng vì lợi ích chung cho hội, cho văn chương, BCH cùng nhau sát cánh mà làm thì sẽ thành công. Tôi quý trọng điều này. Dĩ nhiên ở cương vị chủ tịch hội, tôi phải nỗ lực, phải xâu chuỗi lại, và còn phải luôn giữ lửa. Dù đôi khi tôi phải rút rỉa từ chính mình nhưng nếu tôi không giữ lửa chung thì không cháy lên những sự ấm áp dành cho hội viên, cho văn chương. Một điều tôi tâm niệm, trước tiên hoạt động hội là khơi thông thế mạnh của tập thể, thế mạnh của tình người. Điều này sẽ khiến sự nâng đỡ một thế hệ viết tiếp nối. Cứ vậy, thế hệ này nâng đỡ, dìu dắt thế hệ kia thì sẽ tạo nên những thế hệ văn chương thật vững vàng.

PV: Trong vài năm trở lại đây, văn trẻ bắt đầu thu hút độc giả và những nhà văn trẻ bắt đầu tìm đến hội để sinh hoạt nhiều hơn. Là thế hệ đi trước luôn tâm niệm tận hiến với văn chương, theo chị, làm sao để thế hệ viết trẻ ngày nay giữ được đam mê với nghề viết nhọc nhằn này?

Nhà văn Bích Ngân: Có một tín hiệu vui là những người cầm bút trẻ bắt đầu quay trở lại với việc sinh hoạt hội. Điển hình như hai năm nay, số lượng đơn xin vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh từ người trẻ rất nhiều. Chúng tôi luôn tạo điều kiện, thậm chí tìm kiếm các em để khuyến khích đưa vào hội.

Tôi nghĩ có hai thứ mà chúng tôi thu hút được các bạn trẻ văn chương tham gia hội. Thứ nhất là cái tình, thứ hai là sự chân thành. Nếu thiếu sự chân thành thì không đến được với nhau, không thể kết nối mọi người, không thể làm công tác hội. Mà kỳ thực những người viết họ rất nhạy, mình không chân thành là họ biết liền. Trái tim như một siêu linh. Như tôi từng viết "Một siêu linh có trăm ngàn con mắt". Đối với nhà văn phải sáng tác, dù sự sáng tác đó là âm thầm, cô độc. Trong cô độc, trong sự ồn ả, xáo trộn, mình vẫn vượt lên tạo một không gian riêng biệt trong suy tưởng, trong khát vọng để mình có thể viết. Dĩ nhiên, văn chương không đùa với áo cơm. Có lẽ vì thế đa số nhà văn trẻ hiện nay viết các thể loại ngắn, ít viết các thể lại dài. Nhưng với tôi, tôi không quan trọng thể loại ngắn hay dài, quan trọng là nó hay.

leftcenterrightdel
Trao giải Cuộc thi bút ký "Những hy sinh thầm lặng" của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Thưa chị, như vậy có thể thấy tiểu thuyết-thể loại dài, luôn đầy thách thức, nhất là với người viết trẻ?

Nhà văn Bích Ngân: Tiểu thuyết như ngôi nhà lầu, nó phải vững chãi, nó phải đẹp, tạo nên một không gian sống. Đôi khi mình cũng tạo nên một ngôi nhà thật lớn nhưng đó là không gian chết. Tôi luôn nói quan trọng vẫn là hay. Như gần đây có nhà văn Lưu Vĩ Lân, viết cuốn tiểu thuyết “Mật đạo” rất hay. Bề dày vốn sống, kiến thức, rất nhiều điều, những xê dịch, những khát vọng. Như Lưu Vĩ Lân đã chia sẻ, anh có khát vọng viết tiểu thuyết từ năm 10 tuổi. Thật ra ít ai có khả năng viết tiểu thuyết, bởi tiểu thuyết rất khó viết. Quan trọng là chiều sâu bản thể. Chứ không phải cứ tiểu thuyết là mênh mông chữ trong đó, mà không đọng lại ở sự suy niệm vỉa tầng nghĩa lắng sâu của chữ.

Với tôi một truyện ngắn hay cũng sẽ gây ấn tượng và ghi dấu. Như “Nắng quái Tây Nam thành” của Kim Hòa, tạo một câu chuyện khiến tôi ấn tượng. Một không gian được xây dựng bằng chữ nghĩa rất tinh tế. Chữ nghĩa đối với văn chương là phương tiện để chuyển tải. Cái đặc biệt của văn chương là ngôn từ. Vậy nên, tiểu thuyết cần một sự trường hơi của người viết.

PV: Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức được nhiều cuộc thi liên tiếp, thậm chí ngay trong mùa dịch. Điều đó hẳn đã tạo được một không khí sôi nổi trên văn đàn?

Nhà văn Bích Ngân: Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lan tỏa ngay mùa dịch là điều tôi rất trân quý. Trong đau thương, trong mất mát, chính nghĩa tình đó là liều thuốc tinh thần giúp chúng ta bình tâm mà đi qua cơn đại dịch. Thú thật lúc đó tôi cũng không suy nghĩ nhiều, quyết là làm, thậm chí phải vận động tài trợ ngay cả lúc cuộc thi đã bắt đầu đăng trên website của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Nói thật là cứ liều mình, bằng hết sức, bằng tâm niệm của tôi, của tập thể BCH. Không ngờ cuộc thi lan tỏa một cách rộng rãi. Cảm xúc văn chương đem lại được nhiều thứ hơn tôi nghĩ. Dù còn khó khăn nhưng tôi nghĩ những điều tốt đẹp sẽ gặp được những điều tốt đẹp.

Chính vì thế, tôi luôn cố gắng phối hợp cùng nhiều đơn vị, ban, ngành, tạo ra nhiều cuộc thi như: “Những hy sinh thầm lặng”, “Truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh”... để là nơi các nhà văn thỏa sức sáng tạo. Cũng từ đó, chúng ta phát hiện thêm nhiều nhân tố mới, lan tỏa đi thông điệp sống tử tế trong cuộc đời này.

PV: Với lịch trình hoạt động dày đặc, thế nhưng, độc giả và người hâm mộ vẫn thấy nhà văn Bích Ngân thường xuyên viết chia sẻ những câu chuyện, cảm nhận, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Có phải đó cũng là thông điệp từ chính người đang giữ lửa văn chương của TP Hồ Chí Minh?

Nhà văn Bích Ngân: Thật ra tôi vẫn duy trì việc viết những đoạn ngắn trên mạng xã hội như một sự cố gắng để không chỉ giữ lửa mà còn truyền đi một thông điệp sống. Nhiều khi tôi nghỉ viết vài ngày là có người nhắn tin hỏi. Đôi khi chỉ mấy dòng nhưng phải suy nghĩ, nghiền ngẫm rồi mới viết. Cũng tốn thời gian nhưng nó tập cho mình tư duy viết. Hoặc đôi khi tôi dùng mạng xã hội nói về sự kiện văn chương, nói về tác giả, tác phẩm. Các thông điệp tôi gởi vào các bài viết dù ngắn nhưng lại có nhiều sự lan tỏa, nhanh, rộng và hiệu ứng đo lường tức thì. Thế mạnh truyền thông được phát huy rất mạnh mẽ. Ví dụ như sự kiện của chị Nguyễn Thị Minh Ngọc ra mắt sách “Cô đào hát” vào ngày 19-9 mà Hội cùng NXB Sân Khấu, nơi làm "bà đỡ" cho quyển sách này cùng tổ chức. Tôi nghĩ văn chương nghĩa tình sẽ không bao giờ bỏ người tận hiến, đó cũng chính là giá trị của văn chương. Dù có khó khăn hay tốn công sức thời gian bao nhiêu tôi vẫn phải làm. Và bởi tình yêu văn chương, tình yêu sân khấu trong tôi rất lớn. Hội mời Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vào tham gia sự kiện. Rồi mời thêm nhiều cô chú, anh chị gạo cội của văn chương, sân khấu, những người bạn của chị Ngọc để làm sao tôn vinh cho xứng đáng với những đóng góp của chị Minh Ngọc. Tôi nghĩ chính những điều tôi trải lòng qua các bài viết trên mạng xã hội cũng là một kênh để lan tỏa giá trị văn chương đến với công chúng.

leftcenterrightdel
Nhà văn Bích Ngân 

PV: Thưa chị, nhiều hoạt động liên tiếp, thậm chí như chị nói đôi khi phải tự rút rỉa từ chính mình, có bao giờ chị phải đối diện với áp lực và sự mệt mỏi?

Nhà văn Bích Ngân: Với văn chương, tôi không bao giờ mệt mỏi. Bởi chính hoạt động như thế sẽ đưa văn chương đến gần công chúng. Để văn chương tỏa sáng xứng đáng với giá trị của nó trong xã hội. Như tôi thử liệt kê ra để thấy chúng tôi phải chạy như thế nào cho sự rộn ràng văn chương này. Ngày 12-10, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Văn Hiến tổ chức tưởng nhớ nhà thơ Đỗ Nam Cao, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của ông và ra mắt tập "Di cảo". Tiếp đến ngày 19-10 thì ra mắt tập thơ Lê Thị Kim, một nhà thơ đóng góp đáng kể cho hoạt động thi ca và hoạt động xã hội. Ở cuộc ra mắt tập thơ này, cũng sẽ bán đấu giá tranh để đóng góp cho quỹ học bổng mô tô của nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền. Dự kiến tháng 11 phối hợp với Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh làm một sự kiện tưởng nhớ Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị. Rồi tháng 12 thì làm sự kiện 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như-người rất đặc biệt, bởi ông chính là một trong những người viết về Bác Hồ hay nhất...

Song song với đó, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đang dốc sức để làm bộ 4 cuốn sách trong dự án “Văn chương TP Hồ Chí Minh sâu nặng nghĩa tình” gồm cả truyện ngắn, bút ký, thơ, lý luận phê bình. Bộ sách phải hoàn thành trước tháng 12, và chuẩn bị tọa đàm cho từng cuốn sách. Rồi đang làm đề án “50 năm TP Hồ Chí Minh-Những bài thơ hay được phổ nhạc”. Văn học bao giờ cũng là gốc rễ cho các ngành nghệ thuật khác, mọi sự sáng tạo. Những bài hát hay đôi khi bắt nguồn từ một bài thơ. Tôi nghĩ bằng cách này hay cách khác, vị trí của văn chương phải được tôn trọng xứng đáng.

Đôi khi tôi nghĩ mình là đầu tàu thì phải có trách nhiệm xốc, lôi rồi nâng. Cứ vậy mà tôi kéo mọi người cùng làm, xốc tinh thần, đôn đốc công việc để nâng dần chất lượng hoạt động hội lên. Nhiều khi tôi thấy niềm tin từ hội viên chính là trách nhiệm của mình. Chỉ cần ánh mắt, nụ cười của hội viên, đó đã là sức mạnh để tôi bền bỉ hoạt động.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

TỐNG PHƯỚC BẢO (thực hiện)