Phóng viên (PV): Thưa ông, mới đây Nhà hát Kịch nói Quân đội ra mắt vở diễn “Vầng trăng trinh liệt” mà ông là tác giả kịch bản. Ông có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?

Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn: “Vầng trăng trinh liệt” là tác phẩm tôi viết về 10 cô gái làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông qua Ngã ba Đồng Lộc nhiều bom đạn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ngã ba Đồng Lộc là đầu mối của các con đường vận tải lên Đường 15, Đường 22 và đi nữa là đầu hai con đường chiến lược Đông-Tây Trường Sơn. Để chặn đường vận tải từ hậu phương vào mặt trận của ta, địch phá các đầu mối giao thông bằng bom. Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm, ngày nào máy bay Mỹ cũng giội bom. San lấp hố bom, hướng dẫn xe vận tải ngày đêm qua Ngã ba an toàn chỉ có 10 cô gái trẻ. Trước khi thành thanh niên xung phong (TNXP) giữ Ngã ba, các cô ở nhà quen với cày cấy, giản dị, hồn nhiên và xinh đẹp như các cô gái quê Hà Tĩnh. Nay đến Ngã ba, lăn lưng vào mở đường, sống giữa bom đạn, các cô dày dạn và từng trải, sống vì trách nhiệm bảo đảm thông đường trong mọi tình huống bom đạn đánh phá ác liệt. Nói không quá, các cô dành tình yêu cho Ngã ba Đồng Lộc. 

Tôi thu hẹp không gian và thời gian lại, đưa cả 10 nữ TNXP lên sân khấu để các cô kể về chính cuộc đời quật cường của các cô chừng một giờ rưỡi cho khán giả xem và nghe. Một câu chuyện không tô vẽ, càng giản dị, chân thật càng hấp dẫn người xem, lấy được nước mắt, nụ cười của người xem. Buồn, vui là trạng thái khởi thủy của sân khấu. Nhưng, sân khấu không chỉ mong đạt được trạng thái tình cảm buồn vui. Công chúng xem kịch về các cô phải nhận được điều mà các nghệ sĩ muốn nói, là con người, ở đây là các cô gái trẻ, khi đã yêu, khi đã trách nhiệm với điều mình yêu thì dấn thân, thì sống chết với nó. Các cô yêu và trách nhiệm với Ngã ba Đồng Lộc.                  

leftcenterrightdel

Cảnh trong vở kịch "Vầng trăng trinh liệt". Ảnh: CHÂU XUYÊN

PV: LLVT và CTCM là một đề tài thiêng liêng, có sức hút với đội ngũ sáng tác nói chung, sân khấu nói riêng. Theo ông, cái khó và dễ của đề tài này và yêu cầu đặt ra cho tác giả để có tác phẩm hay là gì? 

Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn: Tôi nghĩ đề tài thiêng liêng hay không phụ thuộc vào con người và viết về số phận con người đó như thế nào. Đề tài cũng không quyết định sự hay hay không hay của tác phẩm. Viết về một cô gái như Thúy Kiều, không phải anh hùng cái thế mà trở thành tuyệt tác đó thôi! Tuy nhiên, LLVT và CTCM là đề tài thu hút nhiều tác giả văn học nghệ thuật. Vì sao? Vì ở đó, trong môi trường sống, làm việc, cảnh giác chiến đấu và chiến đấu, con người phải vượt qua nhiều thử thách. Khi con người trong thử thách quyết liệt, thử thách sống chết thì thường có số phận bi tráng, bộc lộ yêu thương và căm giận, bộc lộ những phẩm chất cao quý và cả phẩm chất chưa hoàn thiện. Những con người có số phận như vậy là tặng thưởng cho người viết.

Cái khó khi viết về đề tài LLVT và CTCM là vốn sống. Vốn sống không có nghĩa là phải sống cùng mà phải hiểu về con người sẽ viết. Nhiều tác giả có sống cùng thời với Hùng Vương, Mỵ Châu, Trọng Thủy đâu mà viết về nhân vật xưa vẫn hay. Cho nên tôi nói là phải hiểu. Hiểu chứ không phải biết. Biết muôn sự nhưng có khi lại không hiểu gì thì viết không được. Muốn viết về anh bộ đội thì không chỉ khoác lên vai nhân vật bộ quân phục là xong, mà phải biết về số phận của họ, từ lối sống, khao khát, buồn vui và công việc của họ. Điều này cũng hơi cách rách với một số tác giả. Tuy nhiên không phải là điều cản trở, nếu tác giả tâm huyết thật sự và muốn viết về anh bộ đội yêu quý thì cách rách cũng dễ dàng vượt qua.

Tác phẩm hay thường khó đánh giá, còn phải trao đổi nhiều. Tôi chọn tác phẩm ý nghĩa. Tác phẩm có ý nghĩa là không chỉ tầm vóc của nhân vật mà rốt cuộc nhân vật múa may trên sân khấu ấy định nói gì. Nếu múa mãi, hát mãi, diễn mãi mà không nói được gì, chỉ mua vui thôi, thì cũng là một lẽ để giải trí, còn cao hơn giải trí là nhân vật của tác phẩm nói gì với công chúng. Người ta quen nói đó là tư tưởng của tác phẩm. Thường tác phẩm nào, to nhỏ cũng có tư tưởng của nó. Đặc biệt là tác phẩm viết về người chiến sĩ. Hành động của họ không để giải trí mà là gìn giữ những điều cao cả, điều cốt yếu của con người là đời sống hòa bình và hạnh phúc. Những hành động có ý nghĩa, có tư tưởng chủ đạo là lòng yêu nước, yêu dân. Thách thức của đề tài LLVT là ở đây, thách thức về khả năng xây dựng nhân vật có tầm vóc bình dị nhưng cao lớn về tinh thần để làm những việc có ý nghĩa cao cả là vì con người.                            

PV: Là nhà văn gắn bó với đề tài LLVT và CTCM và không chỉ có nhiều kịch bản sân khấu, ông còn có cả kịch bản phim tài liệu về đề tài này, như năm vừa rồi có “Trời Hà Nội mãi xanh” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Phải chăng việc từng trải qua thời gian dài trong quân ngũ, trải qua chiến tranh là lợi thế của ông để sáng tác về đề tài này?

Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn: Tôi chăm làm việc, thích làm việc, viết nhiều thể loại văn học nghệ thuật. Dăm năm lại đây, năm nào tôi cũng xuất bản một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Rồi làm thêm phim, viết kịch, viết báo và vài việc vặt khác. "Trời Hà Nội mãi xanh" đã cũ rồi. Sau đó tôi còn làm tiếp vài phim dài nữa ở hãng này, hãng kia. Tôi cảm ơn rất nhiều khoảng thời gian trong quân ngũ, dù ngắn thôi, chỉ hơn 20 năm. Tôi hay nói, thời gian quân ngũ cho tôi một nền tảng để sống. Thời nay, nhiều giá trị nhanh đảo lộn, nhanh thay đổi, hôm nay thế này mai đã khác. Nếu thiếu một nền tảng, kiểu như trong tay thiếu cái thước đo làm chuẩn sẽ dễ sa đà, dễ lẫn lộn. Nền tảng Quân đội cho tôi cái thước đo vững vàng giữa cuộc sống nhiều biến động. Thời gian ở Quân đội cho tôi vốn sống. Mà vốn sống rất kỳ là khi ta đã có nó thì vốn sống là cái kho không đáy, khai thác không bao giờ cạn.  

PV: Ông từng nói đại ý rằng, sân khấu hay vì là đối thoại trực tiếp của tác giả đối với đời sống, với khán giả về những vấn đề xã hội, vấn đề con người một cách mạnh mẽ... Vậy làm sao để đưa hơi thở ngày hôm nay vào các tác phẩm sân khấu đề tài LLVT và CTCM với những câu chuyện trong quá khứ cách ngày nay nhiều chục năm, thưa ông?

Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn: Người viết nói cho cùng, dù viết câu chuyện nghìn năm trước, cũng là viết về hôm nay, viết bằng cái hiểu, cái nhìn, cái tâm thế hôm nay. Viết bằng cái nhìn hôm nay mới nói như bạn, là đối thoại với người hôm nay. Văn học thì đọc trên trang sách. Sân khấu thì nhìn lên sàn diễn. Độc giả và khán giả đọc sách hoặc nhìn lên sàn diễn dù bằng cách liên tưởng nào cũng phải thấy bóng dáng của mình trong các nhân vật mà họ tiếp cận. Nhân vật trong tác phẩm càng chia sẻ bao nhiêu với người đọc, người xem, tác phẩm càng thành công. Tại sao các bà nhà quê hay bói Kiều? Truyện Kiều lớn ở chỗ, mở ra bất cứ trang viết nào người đọc cũng thấy bóng dáng ước mơ, bóng dáng tương lai của mình ở đó. Nói như bạn, sân khấu đối thoại với khán giả bằng vở diễn ấy nếu đặt ra vấn đề, tư tưởng mà công chúng muốn đối thoại. Làm sân khấu nhiều năm tôi biết chút ít, là viết dù là lịch sử hay đương đại, nhưng chạm vào các vấn đề nóng của xã hội, công chúng sẽ quan tâm và muốn đối thoại. Một vở kịch làm nóng khán phòng thường là vở kịch thành công.

Đối thoại với khán giả là yêu cầu của sân khấu. Sân khấu diễn mà khán giả xem hờ hững, nhạt phèo, hoặc không để ý đến thì diễn làm gì? Điều này sân khấu của các cụ làm rất tài. Các cụ định nói điều gì, thì trước hết phải làm hấp dẫn, cuốn hút câu chuyện, rồi xem xong mới à lên, là ra thế. Xem “Quan Âm Thị Kính” chẳng hạn, các cụ dựng toàn các mảnh trò khiến người xem ngả nghiêng cười, lén lút lau nước mắt, rồi à lên, ra các cụ muốn nói con người có quả, có phúc, sống thế nào để có phúc về sau thì liều liệu mà sống cho phải. Ý tôi muốn nói là sân khấu đối thoại với khán giả bằng hình tượng nghệ thuật, không chỉ bằng vài lời thoại, vài câu hát.       

leftcenterrightdel

 Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn. Ảnh do nhân vật cung cấp

PV: Ông có nghĩ, đề tài LLVT và CTCM với những câu chuyện của hôm nay sẽ là thách thức với tác giả trẻ, nếu như thế hệ các ông dần lớn tuổi và thưa bóng?

Nhà văn, nhà biên kịch Hà Đình Cẩn: Tác giả sân khấu lâu nay vẫn vậy thôi, không nhiều cũng không thiếu. Sân khấu nói cho cùng vừa là nghệ thuật, vừa làm hàng để bán. Anh làm vở mà không bán được thì lấy gì nuôi diễn viên, nuôi nghệ thuật tiến tới. Vì phải làm hàng, nên có kén chọn tay nghề. Tay nghề anh vụng, anh không khéo, làm hàng bán cho ai? Ai mua? Đó là tôi nói sân khấu nói chung. Sân khấu vừa làm nghệ thuật, vừa làm hàng để bán khó lắm, ít người xắn tay áo bước vào, nhất là bạn trẻ. Tuy nhiên nhìn rộng ra, người viết kịch, kể cả trẻ, vẫn còn khá đủ cho sân khấu phát triển. Ở TP Hồ Chí Minh có hẳn phong trào viết kịch trẻ. Họ viết rất linh hoạt, dựng những vở cho sân khấu nhỏ, diễn ở nơi chỉ cần một chiếu nghỉ, với một nhóm diễn viên đa năng. Đêm trong thành phố có hàng chục điểm diễn nhỏ cho ít khán giả. Sân khấu thành phố có tác giả của nó, có khán giả của nó, vẫn nói được cho công chúng những tư tưởng cốt lõi về nhân sinh, vậy là thành công cả về vở diễn, cả về đào tạo diễn viên và đội ngũ tác giả.              

Những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu hay nói với nhau, con chị nó đi, con dì nó lớn. Việc thay đổi thế hệ tác giả là bình thường, đừng lo, cái gì cần nó sẽ đến. CTCM là đề tài lớn, lớn thì bao giờ đề tài cũng lôi kéo được nhiều tác giả đến với LLVT.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông!  

DƯƠNG THU (thực hiện)