Cảm hứng bất tận về một đề tài

PV: Thưa đồng chí, Trại sáng tác Âm nhạc toàn quân năm 2023 đang diễn ra mà Trường Đại học VHNT Quân đội là cơ quan thường trực tổ chức, so với những năm trước có gì đặc biệt?

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Nhiều năm nay, Trường Đại học VHNT Quân đội được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND Việt Nam giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của các hoạt động trọng điểm về âm nhạc với việc tổ chức trại sáng tác âm nhạc toàn quân, sáng tác, quảng bá các tác phẩm về đề tài LLVT và CTCM. Giống như những năm trước, lần này chúng tôi cũng mời nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp từ các đơn vị nghệ thuật trong toàn quân, nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tham dự.

Nội dung hoạt động của Trại sáng tác năm nay phong phú với việc tổ chức các buổi trao đổi, nói chuyện về nhiều chuyên đề: “Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học nghệ thuật”; “Âm nhạc đồng hành cùng lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển QĐND Việt Nam, 35 năm Quốc phòng toàn dân, 80 năm TCCT; vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm âm nhạc về chủ đề “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ hôm nay”... Ngoài ra, Trại sáng tác năm nay cũng tập trung chủ đề bộ đội Phòng không-Không quân với việc tổ chức trao đổi, tìm hiểu về lịch sử, thành tích của Quân chủng Phòng không-Không quân, tổ chức đoàn thâm nhập thực tế tại đơn vị và vận động sáng tác về chủ đề này.

Chỉ sau một tuần diễn ra, nhiều nhạc sĩ đã có sáng tác mới gửi về Ban tổ chức. Tôi tin, Trại sáng tác năm nay sẽ mang lại những kết quả tích cực như các lần tổ chức trước đó.

PV: Là người gắn bó với những hoạt động trọng điểm về âm nhạc toàn quân nhiều năm qua, đồng chí đánh giá thế nào về ý nghĩa và hiệu quả từ các trại sáng tác âm nhạc?

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Với các hoạt động trọng điểm về âm nhạc, có thể nói những năm qua, Bộ Quốc phòng, TCCT luôn đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho các nhạc sĩ trong và ngoài Quân đội có cơ hội tìm hiểu, thâm nhập thực tế đời sống cán bộ, chiến sĩ; qua đó sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc khắc họa, tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới với những hy sinh, đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ riêng khoảng 10 năm gần đây, qua những trại sáng tác đã đưa nhiều nhạc sĩ đến các đơn vị, từ chủ lực tới địa phương, các đoàn kinh tế, đặc biệt là các đơn vị ở biên giới, hải đảo... Mỗi trại sáng tác thường tập trung vào chủ đề riêng để nhấn mạnh, tô đậm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ cũng như bản sắc riêng của mỗi lực lượng, đơn vị. Các nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ ngoài Quân đội cũng có điều kiện để hiểu thêm về bộ đội và nhiệm vụ của Quân đội trong thời bình. Qua mỗi trại sáng tác, ban tổ chức thường thu về 40-50 tác phẩm và mỗi đợt tổng kết 5 năm Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài LLVT và CTCM đã thu được hàng trăm tác phẩm.

Đặc biệt, sau vận động sáng tác, công tác quảng bá tác phẩm đến công chúng trong và ngoài Quân đội cũng luôn được quan tâm. Từ các trại sáng tác, đã có rất nhiều tác phẩm đi vào đời sống bộ đội, nhân dân, như là: "Tượng đài chiến thắng" của Nguyễn Xuân Thủy, "Những bông hoa hỏa tuyến", "Cảm ơn mẹ" của Đức Trịnh, "Chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ" của Triệu Quốc Đạt... Với chức năng đặc biệt của nghệ thuật, các sáng tác âm nhạc ấy không chỉ phản ánh một đề tài thiêng liêng mà trực tiếp góp phần cổ vũ, động viên, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, thực sự là mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

leftcenterrightdel

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn. Ảnh: THU HÒA

PV: Ngoài trại sáng tác, để có những tác phẩm khắc họa chân dung người chiến sĩ hôm nay, trở thành bài ca đi cùng năm tháng, chúng ta cần quan tâm tới điều gì, thưa đồng chí?

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Nhiều người cho rằng, hiện nay không nhiều bài hát đi cùng năm tháng về người chiến sĩ. Tôi nghĩ điều đó chưa hẳn đúng. Chỉ nói riêng giai đoạn chiến tranh, đã có hàng vạn bài hát ra đời và được sàng lọc qua thời gian, đọng lại tới hôm nay, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng mà chúng ta vẫn nhớ đến, yêu thích. Đến giai đoạn hiện nay cũng vậy, để có những tác phẩm mà tương lai sẽ trở thành bài ca đi cùng năm tháng thì đầu tiên chúng ta phải vận động sáng tác, tạo điều kiện cho đông đảo tác giả sáng tác về đề tài LLVT, về người chiến sĩ; sau đó đẩy mạnh về chất bằng cách đưa các nhạc sĩ thâm nhập thực tế để có những tác phẩm mang hơi thở của bộ đội hôm nay; cùng với tổ chức hội thảo, tọa đàm định hướng tư tưởng, đề tài cho đội ngũ sáng tác để có tác phẩm hay, bám vào đời sống chiến sĩ, có chỗ đứng trong lòng khán giả. Và tôi cho rằng, thực tế chúng ta đã làm được, minh chứng là sau chiến tranh, đã có những bài hát trải qua khoảng thời gian dài để khẳng định vị trí cho đến hôm nay như: “Thơ tình của núi” của nhạc sĩ An Thuyên hay “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh là những minh chứng cụ thể.

Bên cạnh sáng tác chuyên nghiệp, TCCT, cụ thể là Cục Tuyên huấn cũng định kỳ tổ chức trại sáng tác cho hạt nhân quần chúng có năng khiếu. Trường Đại học VHNT Quân đội thường xuyên tham gia với việc cử giảng viên tập huấn, hướng dẫn, dạy sáng tác, sửa bài, thậm chí hỗ trợ các tác giả dàn dựng, công bố tác phẩm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn truyền thông đa phương tiện, bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến tác phẩm tới công chúng là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp, thì chính các nhạc sĩ cũng đã chủ động quan tâm hơn tới quảng bá tác phẩm của mình. Thời gian qua, ngoài những kênh truyền thống như truyền hình, phát thanh thì Trường Đại học VHNT Quân đội với vai trò là cơ quan thường trực các hoạt động trọng điểm về âm nhạc toàn quân, cũng chú trọng việc quảng bá các tác phẩm về đề tài LLVT và CTCM trên các nền tảng số, như Facebook, YouTube, các trang âm nhạc... để lan tỏa những sáng tác âm nhạc mới về người chiến sĩ đến với công chúng rộng rãi và hiệu quả hơn. 

Sáng tác với tinh thần phục vụ bộ đội, nhân dân

PV: Bản thân là một chiến sĩ-nhạc sĩ, đề tài LLVT và CTCM có sức hấp dẫn như thế nào đối với đồng chí?

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Tôi gắn bó với Trường Đại học VHNT Quân đội từ khi 13 tuổi, trưởng thành từ học viên sơ cấp, trung cấp, đại học, cao học, đến các vị trí công tác, quản lý như hiện nay. Từ khi làm trợ giảng, tôi thường xuyên được thầy An Thuyên giao làm trợ lý cho các hoạt động trọng điểm âm nhạc mà nhà trường phụ trách. Và chính việc gắn bó từ những trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác, quảng bá về đề tài LLVT và CTCM, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi được kết nối, giao lưu với các nhạc sĩ trong và ngoài Quân đội. Qua đó, tôi học hỏi được rất nhiều và bản thân cũng có động lực, tích cực quan tâm, dành nhiều thời gian sáng tác về đề tài này, trong đó nhiều bài hát đã thành công ghi dấu với khán giả, như: “Khúc tình ca trên sóng”, “Bản hùng ca giữa biển khơi”, “Tổ quốc bốn mùa hoa”, “Vinh quang Việt Nam”, “Khát vọng hùng cường”, “Thênh thang đổi mới”... hay bài “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ” đã được giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tôi sinh ra ở Nghệ An, được thấm đẫm âm hưởng dân ca trong mình. Quá trình học, tôi càng yêu âm nhạc dân tộc, từ đó tạo cho mình định hướng sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian. Tôi lại thường đi biểu diễn, dàn dựng các chương trình ở nhiều địa phương, nhất là khi đến các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi luôn thấy yêu thiên nhiên, thích tìm hiểu đời sống, văn hóa, âm nhạc của đồng bào nơi đây. “Gọi trăng”, “Tây Bắc thả chiều vào tranh”, “Đất thiêng”... là các tác phẩm ra đời từ cảm hứng ở vùng đất tôi đi qua như thế. Hay, vùng đồng bằng có: “Yếm đào sắc xuân”, “Guốc mộc”, “Lời chào Tràng An”... Ngoài ra, nhạc nhẹ cũng là dòng nhạc mà tôi yêu thích và có những ca khúc được khán giả nhớ đến, như: “Sao anh và sao em”, “Khúc tình ca trên sóng”, “Muốn nói với em”...

PV: Với đồng chí, yếu tố nào cần cho một nhạc sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, để luôn giữ được cảm hứng?

Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Từ khi vào học ở nhà trường, tôi đã là bạn đọc thường xuyên của thư viện trường. Tôi thích đọc sách, nhất là sách văn học, từ văn học trong nước, nước ngoài, hồi ký, gần như không cuốn sách nào trong thư viện trường mà tôi chưa đọc. Sáng tác với tôi là kết quả của quá trình tích lũy từ những điều đọc được, học được, trải nghiệm, rồi được đào tạo bài bản về âm nhạc, thêm sự yêu thích âm nhạc dân tộc mà thành. Vì thế, tôi cho rằng, với nhạc sĩ, kỹ năng chuyên môn là điều đương nhiên cần có, bên cạnh đó, nhạc sĩ còn cần trau dồi cho mình vốn văn học, vốn sống, chất liệu âm nhạc.

Cũng có người hỏi tôi rằng, liệu công việc quản lý bận rộn, nhiều áp lực có làm ảnh hưởng tới việc sáng tác? Thật ra với tôi, sáng tác gần như giải tỏa những áp lực khi mỗi lần viết được tác phẩm mới, tôi thấy mình có thêm những năng lượng tích cực. Tất nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi người đều trải qua các giai đoạn, ban đầu viết bằng năng lượng tuổi trẻ; viết khỏe khi có độ chín về nghề; đến giai đoạn đỉnh cao rồi thì sau đó rất khó để vượt qua chính mình, nhất là làm sao để tìm ra cái riêng, cái mới khi đứng trước những dấu chân người đi trước và dấu chân chính mình.

Hiện nay, bên cạnh công tác quản lý, tôi vẫn sáng tác. Ngoài sáng tác ca khúc, còn có hợp xướng, nhạc múa và dàn dựng, đạo diễn chương trình nghệ thuật cho các đơn vị, địa phương; dành thời gian tham gia hoạt động nghề nghiệp với vai trò Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Cũng trong sáng tác, mỗi người thích theo đuổi phong cách riêng, còn tôi lại quan niệm sáng tác dành cho nhiều đối tượng, cho bộ đội. Và vì thế, sáng tạo nghệ thuật với tôi không đơn thuần phục vụ nhu cầu cá nhân, viết về cái tôi nữa, mà bằng tinh thần phục vụ bộ đội, phục vụ đông đảo quần chúng, tìm thấy cái chung từ những cái riêng cá nhân trong mỗi tác phẩm. Có lẽ chính điều đó làm cho những tác phẩm của tôi thường mang tinh thần tươi sáng, truyền cảm hứng tới người nghe. Tôi nghĩ đó là đặc trưng và cũng là trách nhiệm, yếu tố cần phải có của một nhạc sĩ Quân đội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYÊN THẮNG - DƯƠNG THU (thực hiện)