Dòng chảy âm nhạc cách mạng

Phóng viên (PV): Thưa ông, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong dòng chảy âm nhạc nước nhà, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam có thể được tính bắt đầu từ khi nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Nếu như nền tân nhạc Việt Nam được tính bắt đầu từ năm 1938 thì âm nhạc cách mạng Việt Nam xuất hiện sớm hơn, từ khi có Đảng, nhất là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Nó được đánh dấu bởi ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” dành cho đội quân cách mạng của chiến sĩ cách mạng Đinh Nhu. Sau đó là những sáng tác của các tác giả là chiến sĩ cách mạng viết trong nhà tù. Âm nhạc cách mạng xuất hiện mang đến hơi thở hùng ca, sức chiến đấu mạnh mẽ, ngược lại hoàn toàn với dòng âm nhạc lãng mạn bắt đầu khởi sự lúc bấy giờ.

Đến những năm 1940, có hai dòng chảy âm nhạc gần nhau, bổ trợ cho nhau, đó là âm nhạc yêu nước với những ca khúc của Hoàng Quý, Văn Cao, Lưu Hữu Phước... Song hành với đó, âm nhạc cách mạng vẫn xuất hiện trong các nhà tù với những ca khúc của Đỗ Nhuận, Vương Gia Khương...

Không lâu, khoảng năm 1944, những người viết về âm nhạc yêu nước được giác ngộ cách mạng đã bắt đầu viết ngả về âm nhạc cách mạng. Nếu như Hoàng Quý vẫn sáng tác tại chỗ ở Hải Phòng, đỉnh điểm với “Cảm tử quân”, “Sa trường tiến hành khúc”; Văn Cao viết “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiến quân ca”; Nguyễn Đình Thi có “Diệt phát xít”; trong tù, Đỗ Nhuận viết “Côn Đảo”, “Du kích ca”; Vương Gia Khương có “Cờ giải phóng” còn Lưu Hữu Phước lại bỏ học ở Hà Nội để Nam tiến và viết “Lên đàng”...

Ở giai đoạn này, chỉ có Nguyễn Xuân Khoát từng học Nhạc viện Viễn Đông (người Pháp mở từ năm 1927 đến 1930) được coi là qua đào tạo âm nhạc chính quy, còn lại hầu hết tác giả chỉ học qua môn âm nhạc ở trường phổ thông. Nhưng bằng tài năng và cảm xúc, thực tế cuộc sống lúc đó, họ đã cho ra đời những ca khúc hay, ý nghĩa. Với đa số ở thể loại hành khúc, các ca khúc như những quả bom ném vào doanh lũy thực dân lúc đó, đặc biệt góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết trong quần chúng đứng lên giành chính quyền. Những ca khúc như “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”, “Lên đàng”... được người dân cả ngoài Bắc, trong Nam đều hát. Và ngay trong ngày 19-8-1945, bài hát mới “19 tháng 8” của Xuân Oanh xuất hiện như là trường hợp thật đặc biệt. Khi tác giả từ Thanh Trì hòa vào dòng người tiến về khu vực trung tâm TP Hà Nội dự buổi mít tinh, ông vừa đi, vừa viết, vừa hát, vừa dạy cho người xung quanh, đến Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội thì sáng tác xong bài hát. Ngay buổi chiều, ông đến nhà bạn ở phố Huế in bài hát và chỉ tối hôm đó, bài hát đã được phổ biến rộng khắp Hà Nội.

Hay trước đó, vào mùa Xuân năm 1945, Đỗ Nhuận khi đang trong nhà tù Sơn La đã được nghe nói về một đội quân giải phóng. Trong niềm tin và hy vọng về ngày chiến thắng, ông hình dung về đoàn quân và viết “Du kích ca”. Bài hát làm nức lòng những người chiến sĩ và chính bài hát đã thúc giục nhóm chiến sĩ cách mạng trong tù vượt ngục. Khi ra khỏi tù, Đỗ Nhuận chuyển bài hát cho Văn Cao ấn loát in trên tờ Lao động.

PV: Ngay những năm đầu xuất hiện, âm nhạc cách mạng Việt Nam đã tạo nên các tác phẩm và tác giả nổi bật của nền âm nhạc nước ta. Điều đó đã thúc đẩy sự phát triển của dòng chảy âm nhạc cách mạng như thế nào, thưa ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, âm nhạc cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển và bắt đầu xuất hiện âm nhạc cách mạng cho thiếu nhi, mà người tiên phong là Phong Nhã với “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

leftcenterrightdel

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.

 Ảnh: NGUYỄN HẢI 

Nếu như âm nhạc lãng mạn thể hiện cái tôi thì âm nhạc cách mạng giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mang sự tươi mới, thể hiện tinh thần của đám đông quần chúng, cái chung dân tộc. Nhiều người viết ở nhiều lĩnh vực, đề tài nhưng cơ bản có chung một lý tưởng yêu nước. Khi thực dân Pháp xâm lược trở lại nước ta, âm nhạc cách mạng đã xuất hiện các lực lượng mang màu sắc các vùng miền: Việt Bắc, Thanh-Nghệ-Tĩnh, Nam Bộ... như dòng chảy hòa chung vào âm nhạc cả nước. Cùng với đề tài đa dạng, âm nhạc còn đi theo các thể loại, xuất hiện các tác phẩm lớn như: Hợp xướng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương...

Đặc biệt, từ năm 1954 và sự kiện Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời, vừa tôn vinh những giá trị âm nhạc đã có, đồng thời phục vụ phong trào cách mạng, âm nhạc cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, thể hiện khát vọng thống nhất hai miền đất nước. Trong lúc đó, cùng dòng âm nhạc trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, với những “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo” (Xuân Hồng)... và nhiều sáng tác hay của các nhạc sĩ miền Bắc vào Nam như: “Giải phóng miền Nam” (Lưu Hữu Phước), “Bài hát giải phóng quân” (Long Hưng); âm nhạc miền Bắc lại tỏa hai hướng: Chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc với những “Phải giết lũ giặc Mỹ” (Trọng Loan); “Giặc đến nhà ta đánh” (Đỗ Nhuận)... và ca ngợi những người lính vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, đã cho ra đời rất nhiều bài hát về Trường Sơn.

Cứ thế, lực lượng âm nhạc như một binh đoàn cùng các binh đoàn chiến sĩ trực tiếp ra trận, với những phong trào như “Tiếng hát át tiếng bom”, đã đồng hành với cả dân tộc trong cuộc kháng chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, miền Nam tiếp nhận nhạc nhẹ trước miền Bắc và sự xuất hiện của nhạc điện tử, đã phát triển dần cho đến hôm nay. Nổi bật giai đoạn này là các tác phẩm mới mang phong cách nhạc nhẹ viết về công cuộc xây dựng quê hương đất nước, mang tinh thần chung là ngợi ca, lý tưởng hóa. Cho đến thời kỳ đổi mới, xuất hiện những dòng âm nhạc mới, đa dạng. Và mang giọng điệu riêng mới mẻ có thể kể đến như Thanh Tùng, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ...

Khẳng định sức sống bất tử

PV: Có thể nói rất nhiều ca khúc cách mạng từ giai đoạn đầu đến nay vẫn mang sức sống mạnh mẽ, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Dù đã trải qua thời gian dài, âm nhạc cách mạng vẫn mang những giá trị thời đại to lớn, thưa ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Trong một hội thảo, có người đã phát biểu rằng, hãy cứu lấy âm nhạc cách mạng. Nhưng tôi lại không đồng tình với ý kiến đó. Tôi nghĩ, chẳng có gì phải cứu cả. Bởi âm nhạc cách mạng Việt Nam luôn có đời sống của nó và khẳng định sự bất tử, còn mãi với dân tộc. Nếu quan tâm đến đời sống âm nhạc, chúng ta có thể nhận thấy giới trẻ bây giờ, ngoài những xu hướng, trào lưu âm nhạc mới, thì ngày càng có nhiều người thích hát, thích nghe, tìm thấy chất riêng ở nhạc cách mạng. Sự hấp dẫn của Chương trình “Giai điệu tự hào” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam là một minh chứng cho điều đó. Các bạn trẻ bằng cách nhìn, cảm nhận riêng, đã làm mới các ca khúc cách mạng, làm mới âm nhạc dân gian Việt Nam, để phù hợp với khán giả hôm nay. Tôi nghĩ đó cũng là một thành tựu của âm nhạc cách mạng giai đoạn hiện nay.

PV: Âm nhạc cách mạng luôn mang sự hào hùng, sâu lắng, gắn với những dấu ấn lịch sử dân tộc. Làm mới những ca khúc cách mạng không phải là điều dễ dàng với thế hệ trẻ hôm nay, thưa ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Điều quan trọng nhất là dù làm mới thế nào cũng phải giữ được cái hồn của tác phẩm. Một câu chuyện cụ thể gần đây là nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền đã tìm tòi chuyển soạn tác phẩm “Tiến quân ca” đầy mới lạ cho phiên bản độc tấu đàn violon. Màn biểu diễn của chị cũng như MV “Quốc ca” khi ra mắt nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của công chúng và giới chuyên môn, tạo hiệu ứng rất lớn tới xã hội.

Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, nhiều bạn trẻ bây giờ thích bề nổi, ích kỷ và tham vọng nổi tiếng nhiều hơn, mà tính dấn thân, tính dâng hiến, tâm huyết ít đi. Vì thế, người trẻ hôm nay muốn giữ được hồn cốt tác phẩm ra đời trước đó hàng chục năm, thì phải đọc, phải học để hiểu tác phẩm, tác giả, hiểu về lịch sử dân tộc mới có thể cảm nhận được hồn cốt, tinh thần của tác phẩm. Còn nếu chỉ đơn giản là sự mới mẻ trên nốt nhạc thì không thể hiện được điều gì cả.

PV: Thưa ông, ngoài những bài ca đi cùng năm tháng, chúng ta cũng rất cần các ca khúc mới thể hiện cuộc sống hôm nay. Nhưng dường như, chúng ta đang thiếu, hoặc có nhiều nhưng không mấy chạm vào được tâm hồn số đông?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Đúng là chúng ta yêu cầu cần có những tác phẩm mới mang hơi thở đương đại. Điều đó rất quan trọng và cũng là thử thách với thế hệ sáng tác hôm nay.

Ở thời nào cũng vậy, âm nhạc cách mạng đều có những bài hát khô cứng, bởi đây vốn là dòng nhạc đòi hỏi tác giả nhiều yếu tố để có được tác phẩm hay. Chúng ta không nên xót ruột khi âm nhạc hay các lĩnh vực văn học, nghệ thuật phản ánh đời sống hôm nay chưa nhiều, chưa hay. Sáng tác, thành tựu nghệ thuật là cả quá trình và có quyền tìm kiếm những thể nghiệm. Qua thời gian, bằng sự chọn lọc của công chúng, những bài hát hay, ý nghĩa sẽ còn lại với các thế hệ sau.

Thực ra, tôi lại đang khá lạc quan và nhận thấy tín hiệu rất mừng khi có những nhạc sĩ trẻ đã đi vào ngóc ngách các vấn đề lớn của đất nước để khai thác và thể hiện dòng nhạc cách mạng bằng màu sắc riêng. Ví như An Hiếu viết “Lính trẻ hôm nay” và nhiều ca khúc trẻ trung về người lính hôm nay; Huyền Ngọc với “Hát lên tôi yêu Việt Nam” (thơ Vũ Tuấn) vui tươi, hiện đại, gần gũi giới trẻ; Hoàng Hồng Ngọc với những ca khúc về Đảng, người lính mới lạ, hấp dẫn... Bằng tâm hồn mới, trẻ trung và tình cảm, trách nhiệm với quê hương, đất nước, họ đã bắt đầu hình thành đội hình viết cho thế kỷ mới và tôi tin rằng họ sẽ trưởng thành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

DƯƠNG THU (thực hiện)