Phim tài liệu không hề khô khan

Phóng viên (PV): Chúc mừng chị với bộ phim tài liệu dài “Những đứa trẻ trong sương” giành được nhiều giải thưởng và chính thức công chiếu tại Việt Nam. Chị có thể chia sẻ về hành trình thực hiện bộ phim này?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Năm 2017, tôi tham gia một dự án hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho thiếu niên người Mông ở Sa Pa (Lào Cai). Tôi ở tại một gia đình người Mông, rồi hay theo chân cô con gái 12 tuổi Má Thị Di cùng các bạn chơi đùa. Sự hồn nhiên của cô bé và các bạn làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Di có nhiều nét giống tôi lúc nhỏ, từ gương mặt, tính tò mò, dễ vui, dễ giận, có phần bồng bột; đến việc lớn lên ở miền núi trong gia đình dân tộc thiểu số... Những điều đó làm tôi nảy ra ý định ghi lại hành trình trưởng thành của Di-một cô gái người Mông. Trong quá trình đó, Di đã phải đối diện với những nỗi niềm, sự thay đổi của bản thân, những thách thức, xung đột mạnh mẽ giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong cộng đồng dân tộc mình.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Má Thị Di trong phim "Những đứa trẻ trong sương".

"Những đứa trẻ trong sương" dài 90 phút, được thực hiện trong 5 năm. Trong đó, thời gian tôi quay là 3 năm rưỡi, còn lại là quá trình dựng thô, dịch tiếng Mông sang tiếng Việt, tiếng Anh và các khâu hậu kỳ khác. Nhiều người hỏi tôi về thông điệp hay những vấn đề phim muốn đề cập. Thú thực tôi không nghĩ to tát, phức tạp đến vậy. Từ đầu, tôi chỉ đơn giản muốn làm bộ phim của mình, muốn ghi lại câu chuyện của Di, kể về sự cô đơn và nỗi buồn của một đứa trẻ khi phải lớn lên và đối mặt với những rắc rối của thế giới người lớn. Phim cũng có thể xem như là tiếng nói của những đứa trẻ, dù ở bất cứ dân tộc, đất nước nào, cũng có quyền được thấu hiểu từ gia đình và xã hội, quyền được đi học và lựa chọn tương lai của chính mình. Còn chính khán giả, ở những lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau khi xem phim sẽ có cảm nhận, đánh giá, tìm thấy những thông điệp cho riêng mình.

PV: Phim tài liệu dài dường như không phải thể loại được nhiều người trẻ chọn theo, thưa chị?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Trên thế giới, phim tài liệu dài rất phổ biến, nhiều thể loại, chứ không chỉ như những phim tài liệu khán giả Việt thường xem trên truyền hình. Phim tài liệu bởi đi ra từ đời sống nên nó mang lại nhiều cung bậc cảm xúc chân thật, sống động, hấp dẫn chứ không phải như những tưởng tượng về phim tài liệu khô khan, đơn điệu, kén người xem như nhiều người vẫn nghĩ. Rất nhiều liên hoan phim quốc tế lâu đời cho phim tài liệu. Rất nhiều rạp chiếu phim phát hành các bản phim tài liệu dài, bán vé và trình chiếu phổ biến như phim truyện trên toàn thế giới.

leftcenterrightdel
Đạo diễn Hà Lệ Diễm 

Năm 2011, khi đang là sinh viên Khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi tham gia khóa học phim tài liệu miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD)-Hội Điện ảnh Việt Nam và bén duyên với phim tài liệu, cũng đã làm một vài phim. Rồi năm 2016, khi tham gia khóa học của Varan Việt Nam-một tổ chức đào tạo người làm phim tài liệu-tôi càng nhận ra mình thật sự thích dòng phim này và đặc biệt phù hợp với cách làm phim tài liệu trực tiếp bởi chỉ cần ê kíp 1-2 người, ít tốn kém chi phí. Tôi thích được xem những bộ phim tài liệu hay, thích cảm giác được cầm máy quay phim, được tìm hiểu vùng đất, nhân vật của mình. Tôi cũng hiểu, khi làm phim tài liệu mình sẽ phải học hỏi không ngừng, học về lịch sử, học văn hóa, phong tục, về vùng đất, con người... Bắt tay vào mỗi dự án phim, tôi chỉ mong muốn làm thế nào hoàn thành một cách tốt nhất trong khả năng của mình. Và điều đó thôi thúc tôi, một người vốn rất lười và chậm chạp, không thể nào lười được nữa, nếu không thì mình sẽ tệ lắm.

Hành trình không ít thách thức, khó khăn

PV: Người trẻ làm phim độc lập như chị sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Ngay cả khi học xong hai khóa học về làm phim tài liệu, tôi chỉ biết là mình thích và muốn làm phim tài liệu, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy nhiều điều khó, khó nhất là mình có nhân vật, có câu chuyện muốn kể nhưng không biết bắt đầu thế nào, quay ra làm sao. Dù trước đó đã làm một số phim tài liệu ngắn nhưng tôi biết làm phim dài sẽ rất khác, cụ thể là gì thì lại không rõ nên càng hoang mang. Tôi đã tâm sự với đạo diễn Trần Phương Thảo là giảng viên của khóa học ở Varan Việt Nam, hết gửi email rồi lại nhắn tin để hỏi về dự án phim đang làm. Đôi khi tôi cũng thấy áy náy vì phiền chị nhiều quá. Sau hơn một năm kiên trì, chăm chỉ lên hiện trường làm việc rồi lại gửi cho chị xem, tôi mừng rớt nước mắt khi chị nhận lời xem nháp phim cho tôi mỗi lần quay xong. Thế là tôi đã có người hỗ trợ khâu khó khăn nhất là có một cố vấn nghệ thuật cho phim của mình. Sau này, tôi càng nhận ra rằng, tìm được người cố vấn hiểu và hợp với mình rất quan trọng. Không nhiều bạn trẻ làm phim có được may mắn như tôi.

Tất nhiên, sau đó, việc làm bộ phim tài liệu lại trong thời gian dài như vậy cũng có nhiều vấn đề cần đối mặt. Tôi đã phải sắp xếp công việc, cuộc sống để bảo đảm vừa làm phim, vừa làm được những việc khác. Xếp lịch tới hiện trường trước, rồi xếp các lịch cho gia đình, đi làm kiếm tiền sau, các lịch học online xen kẽ. Trong hơn 3 năm quay phim, mỗi năm tôi đến hiện trường, ở nhà Di 5-6 lần, có lần cả tháng, vừa để quay, vừa là tôi rất thích cuộc sống nơi đây. Kinh phí trong mấy năm ấy từ tiền lương làm báo của tôi và các công việc khác, thiết bị làm phim thì mượn của bạn. Sau đó, phim xin được tài trợ của một số quỹ điện ảnh, văn hóa thì mới tiến hành dịch phim, dựng phim và hậu kỳ. Cũng có một số nhà đầu tư đề nghị hợp tác nhưng tôi đã từ chối vì không muốn có sự can thiệp vào bản phim của mình. 

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Má Thị Di trong phim "Những đứa trẻ trong sương".

PV: Vì sao sau khi đã phát hành và dành khá nhiều giải thưởng quốc tế, phim mới được ra mắt khán giả ở Việt Nam, thưa chị? Và việc đưa một phim tài liệu ra rạp ở Việt Nam có phải là quyết định khá mạo hiểm về doanh thu?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Bộ phim nhận được tài trợ, có nhà phát hành quốc tế, chiếu rạp ở nước ngoài. Thế nhưng, ở Việt Nam để tìm nhà phát hành và rạp chiếu lại là việc khó khăn về nhiều vấn đề, trong đó có tài chính. Chúng tôi đã phải tính toán rất nhiều nhưng vẫn quyết định đưa phim ra rạp vì muốn phim được xuất hiện một cách đường hoàng nhất, khán giả được xem bộ phim một cách tốt nhất ở môi trường mà nó vốn thuộc về là rạp chiếu phim, chứ không phải là những bản xem lậu, kém chất lượng. Mua vé vào rạp xem phim cũng là một cách thiết thực nhất để người yêu điện ảnh cổ vũ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần với đoàn phim và sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Khi phát hành ở nước ngoài, khán giả quốc tế phản hồi rất thích bộ phim và hứng thú, tò mò với những nhân vật, muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam... Sau một thời gian ngắn phim ra rạp trong nước, tôi đọc được nhiều bình luận, nhận xét tích cực, động viên của khán giả. Ngay từ đầu, nếu tôi đặt nặng vấn đề kinh tế hay danh vọng thì khó lòng làm được bộ phim này. Đến giờ, có thể nói thứ lớn nhất bộ phim mang lại cho tôi và ê kíp là giá trị tinh thần và nghề nghiệp. Tôi mong phim ra rạp đến được với càng nhiều khán giả càng tốt và lỗ ít nhất có thể!

Cần nhiều cơ hội cho phim và người làm phim

PV: Từ câu chuyện của chính mình, chị nghĩ những người làm phim trẻ cần điều gì để phát triển?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Trên thế giới từ lâu đã có những quỹ điện ảnh từ các liên hoan phim hay viện văn hóa sẵn sàng tài trợ cho những dự án phim triển vọng, một cách vô tư mà không can thiệp gì về ý tưởng hoặc bất kỳ nội dung nào của phim. Ở Việt Nam, hiện tại chưa có quỹ cho điện ảnh, và việc tìm kiếm tài trợ cũng vô cùng khó khăn nếu không nói là gần như không thể, nhất là với những người làm phim trẻ. Bên cạnh đó, thời gian kiểm duyệt, cấp phép phổ biến lâu, khó khăn chung về công tác phát hành... cũng là những trở ngại cho người làm phim trẻ vốn ít cơ hội và khó khăn về kinh phí.

Tôi mong muốn sẽ có các trường học, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chất lượng về phim cho các bạn trẻ với sự hỗ trợ về học phí, cố vấn về chuyên môn; có các quỹ điện ảnh của Việt Nam hỗ trợ những dự án phim, nhất là với người làm phim trẻ; có sự cởi mở về chính sách hỗ trợ và cấp phép phổ biến cho phim, kể cả hỗ trợ về chính sách duyệt nhanh và kinh phí duyệt với những phim độc lập của tác giả trẻ để phim cũng như người làm phim có nhiều cơ hội hơn; Thêm nữa, cần có sự hỗ trợ về phát hành và rạp chiếu phim cho các phim độc lập để quá trình đến với khán giả thuận lợi, rộng rãi hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ trên!

Hà Lệ Diễm sinh năm 1991, là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Chị từng đoạt giải thưởng Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2013 với phim tài liệu ngắn “Con đường đi học” (đạo diễn và quay phim); đạo diễn, quay phim một số dự án phim tài liệu khác.
Với “Những đứa trẻ trong sương”, Hà Lệ Diễm đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” và tuyên dương của ban giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại “Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam” (IDFA) cuối năm 2021, được xem là liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Đến nay, "Những đứa trẻ trong sương" đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới và giành 34 giải thưởng; được trình chiếu tại nhiều quốc gia.

DƯƠNG THU (thực hiện)