Khi không chọn theo lối mòn

Phóng viên (PV): Thưa anh, hai bộ phim do anh đạo diễn và viết kịch bản là “Cha cõng con” (năm 2017) và “578: Phát đạn của kẻ điên” (năm 2022) đều được chọn là phim đại diện Việt Nam dự tranh Giải Oscar. Chưa nói đến việc có thể mang lại thành tích hay không, nhưng chỉ riêng việc hai bộ phim được chọn đã là điều không nhiều đạo diễn Việt Nam làm được?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” được lựa chọn dự tranh Giải Oscar lần thứ 95 là việc quan trọng và rất vinh dự đối với tôi. Việc này giống như thông điệp khẳng định chất lượng của bộ phim một cách mạnh mẽ. Kèm theo đó, tôi cũng nghĩ mình là người may mắn khi đạo diễn hai phim ra rạp thì đều được đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Giải Oscar. Để chọn “578: Phát đạn của kẻ điên” là bộ phim đại diện điện ảnh Việt Nam, tôi hiểu, đó không phải là điều dễ dàng với hội đồng tuyển chọn, nhưng nó thể hiện cách nhìn độc lập, kiên định, không bị chi phối và vượt qua dư luận của họ.

PV: Còn nhớ phim “Cha cõng con” khi mới công chiếu không nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả, nhưng sau đó đã chứng minh được chất lượng qua hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc tế. Anh có nghĩ “578: Phát đạn của kẻ điên” cũng như vậy, khi hiện tại dù được kỳ vọng với thể loại phim hành động nhưng cũng không phải là phim được đánh giá thành công phòng vé và còn nhiều ý kiến khen-chê?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Khi thực hiện một bộ phim, tôi cố gắng tập trung nhiều nhất để dẫn khán giả khám phá câu chuyện mình muốn nói, muốn thể hiện. Nó là con đường độc lập của tôi khi nhìn nhận và làm công việc của mình.

leftcenterrightdel
“578: Phát đạn của kẻ điên” được chọn là phim đại diện cho Việt Nam dự tranh Giải Oscar lần thứ 95. 

Tôi hiểu. Nếu mình gật đầu đi theo lối mòn thì chẳng ai phản ứng gì. Nhưng tôi đã xác định đi một đường riêng nên chuyện nhận phản ứng, thậm chí quá đà là đương nhiên. Nhiều tác giả phải đợi vài chục năm trôi qua, tác phẩm của họ mới được công nhận. Tôi thì không kiên nhẫn như thế, bởi sự công nhận của một số người, nói thật cũng chẳng giá trị gì đối với nghề điện ảnh, chưa nói đến điện ảnh quốc tế, nó chỉ cho vui theo kiểu ngồi chè chén với nhau thôi. Vừa rồi phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (tên tiếng Anh: “578 Magnum”) là bộ phim hành động đầu tiên của Việt Nam vào vòng cạnh tranh hạng mục chính thức tại Liên hoan phim Black Nights lần thứ 26 (top 14 liên hoan phim hạng A được quốc tế công nhận). Đó mới là sự khẳng định về chất lượng của phim, dù trước đó cũng có những lời khen-chê.

Có một sự thật là môi trường phê bình điện ảnh ở Việt Nam rất thiếu bài bản và chuyên nghiệp, nó là một phần tác nhân “phá nát” và gây ra sự lộn xộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của điện ảnh Việt. Xét về nhiều khía cạnh, điều đó khiến điện ảnh đang rơi vào thế nguy hiểm, ảnh hưởng đến thương hiệu điện ảnh Việt Nam về lâu dài. Thỉnh thoảng, tôi thấy buồn là các phim Việt cứ tranh cãi nhau về giải thưởng này và giải thưởng kia, trong khi trên thế giới có hàng trăm liên hoan phim uy tín, mình ra đó “quần nhau” với nền điện ảnh nước khác có thích hơn không, nếu mang vinh quang hay quảng bá cho đất nước thì lại càng quý.

Sự cô đơn của những người làm phim thực thụ

PV: Anh từng chia sẻ, thị trường điện ảnh Việt hiện giờ, người làm phim phải lựa chọn làm phim nhanh, thậm chí chộp giật để phim nhanh ra rạp; còn nếu quá đầu tư hay cố tạo sự khác biệt về chất lượng sẽ trở nên cô đơn, thiệt thòi trong chợ phim, thậm chí bị cho là ngu ngốc! Có phải vì vậy mà gần đây anh chuyển hướng sang làm các phim có yếu tố giải trí nhiều hơn?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Nói điều đó là bởi tôi đang là người ở trong cuộc và tôi phải thừa nhận sự cô đơn của các nhà làm phim điện ảnh thực thụ. Chính sách hỗ trợ và kiểm soát ở nước ta cũng chưa kịp hòa nhập cùng môi trường điện ảnh đang phát triển mỗi ngày. Nếu cố gắng làm phim điện ảnh một cách nghiêm túc thì trong lúc đó một số nhà sản xuất khác đã tranh thủ cơ hội chộp giật các đề tài “dễ ăn”. Bạn cũng thấy đấy, một số phim sau khi được truyền thông ồn ào, có thể nói là “lừa” được khán giả đến rạp xong, thu được nhiều tiền rồi thì bỏ mặc khán giả tức tối, thất vọng và theo đó là trút giận lên rất nhiều phim Việt có tư tưởng trong lành. Kết quả là các nhà làm phim đang cố gắng tìm kiếm một con đường đi riêng dành cho điện ảnh Việt, mang màu sắc Việt sẽ thiệt thòi. Như vậy là không ổn rồi! Hiện giờ, mục tiêu làm phim tôi xác định đã khác, ít nhất trong vài năm nữa để mỗi phim phải vượt trội về doanh thu. 

PV: Vậy còn ước mong mà anh từng nói, là tạo nên những bộ phim mang đậm bản sắc Việt và gây quỹ cho các bạn trẻ yêu điện ảnh cùng nhau xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt đặc trưng, không hòa lẫn thì sao, thưa anh?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi chưa bao giờ ngừng khát vọng về điều đó trong sự nghiệp của mình. Hiện tại, tôi đang điều chỉnh kế hoạch này chậm đi một chút mà thôi. Đầu năm tới, tôi sẽ mở một khóa học dành cho đạo diễn, dẫn dắt các bạn trở thành một đạo diễn tốt. Sau nữa, tôi sẽ có những khóa học dành cho các bạn trẻ yêu phim lâu dài.

leftcenterrightdel
Đạo diễn Lương Đình Dũng. 

Điện ảnh luôn cần sự đầu tư

PV: Anh nghĩ sao khi sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những tưởng điện ảnh Việt trở lại sẽ có nhiều khởi sắc như các nền điện ảnh khác, nhưng lại được cho là đang rơi vào khủng hoảng khi hầu như phim ra rạp lỗ và lỗ nặng, không mấy phim được đánh giá cao về chất lượng, trong khi chúng ta đang hướng đến xây dựng nền công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh là ngành mũi nhọn, vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tất cả phải chạy đua trong thị trường khá hỗn độn hiện tại. Mạnh ai người ấy chạy. Như tôi nói, đầu tư nhiều, khó thu hồi vốn, còn đầu tư ít, làm nhanh nhanh để ra rạp thì làm sao chất lượng được. Không trách ai được cả. Ở ngoài nói thì dễ nhưng ở trong cuộc thì mới thấy khó. Nhiều nhà sản xuất phim ở ta đang coi yếu tố truyền thông hơn chất lượng. Nên nhiều phim hay, doanh thu cao ở Việt Nam đôi khi do truyền thông chứ không phải do thực chất từ tác phẩm. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói đại ý rằng, Việt Nam có một nền điện ảnh của truyền thông. Nó là một câu nói khiến nhiều người đau lòng. Nhìn doanh thu của một vài phim Việt thấy lớn, nhưng nếu nghiên cứu kỹ trên tổng thể thì nó chỉ phục vụ được một vài cá nhân, không có lợi cho thương hiệu điện ảnh Việt và thậm chí nó ẩn chứa một hiểm họa cho điện ảnh về lâu dài.

PV: Thực tế không ít bộ phim thời gian qua được đánh giá chất lượng tốt, đặc biệt là có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, mang đậm bản sắc dân tộc nhưng lại gặp khó về kinh phí. Trong khi đó, để ghi dấu với quốc tế cũng như định hình nền điện ảnh Việt, luôn cần những bộ phim như vậy. Chúng ta cần làm thế nào để khuyến khích có những bộ phim như thế, ở cả phim Nhà nước và nhất là tư nhân đầu tư, thưa anh?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Trước đây hơn 10 năm thì chúng ta cần khuyến khích và trông chờ vào dòng phim độc lập để hỗ trợ điện ảnh Việt ra quốc tế. Còn thời điểm bây giờ thì không trông vào đó được nữa, bởi nguồn phim độc lập không ổn định cho sự phát triển một nền điện ảnh quốc gia, đặc biệt trong thế giới ngày nay, điện ảnh là một vũ khí quan trọng quảng bá hình ảnh, con người và đất nước, nếu có chiến lược tốt thì đó cũng là một ngành kinh tế mũi nhọn không thua kém gì những ngành sản xuất khác. Mà Việt Nam thì tiềm tàng nhiều điều kiện, bối cảnh cho những bộ phim hay và còn có một thị trường yêu điện ảnh rất lớn, phát triển nhanh.

Tôi nghĩ cần chiến lược đầu tư song song cả phim độc lập và phim điện ảnh kinh phí lớn, càng nhiều dự án càng tốt. Tư nhân nếu làm phim điện ảnh tử tế trong môi trường hiện tại thì 90% thua lỗ, họ không thể làm trong khi phải cân nhắc sự tồn tại của doanh nghiệp. Thị trường cạnh tranh rất mạnh, trong khi các nhà sản xuất Việt khá mong manh về năng lực đang phải cạnh tranh trực tiếp với phim nước ngoài. Nếu chỉ thắng được về tinh thần là không đủ, bởi nó không phải là yếu tố thực tế trong ngành điện ảnh. Điện ảnh đầu tiên là phải có tiền đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần đi đầu trong đầu tư hỗ trợ đều đặn. Khi mọi thứ phát triển thì các thành phần kinh tế-xã hội sẽ chủ động tách và làm độc lập. Lúc đó điện ảnh mới có thể phát triển ổn định. Điện ảnh Việt không thể chờ đợi lâu hơn nữa, không nhanh, chúng ta sẽ trở thành một nền điện ảnh rất yếu trong khu vực. Tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn làm được, nếu có sự ủng hộ của Nhà nước và một tinh thần nhất quán của những người làm điện ảnh trong nhiều góc cạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)