Nhiều nguy cơ đặt ra cho di sản

Phóng viên (PV): Thưa ông, Việt Nam có kho tàng DSVH đồ sộ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó, nhiều di sản được UNESCO công nhận, vinh danh. Điều này đặt ra thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH ra sao?

PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Với sự phong phú, đa dạng ở các loại hình di sản, lại ở các vùng miền, dân tộc, các di sản như vốn văn hóa, tài sản, nguồn lực vô giá cho sự phát triển của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Các DSVH, nhất là di sản mà UNESCO vinh danh, được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, có những kế hoạch để bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị và đã mang lại những kết quả nhất định. Sự vinh danh các DSVH chính là nhằm khơi gợi niềm tự hào của người dân địa phương và từ niềm tự hào ấy, thúc đẩy họ có trách nhiệm với việc bảo tồn di sản. Đó là mặt tốt, mặt mạnh nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguy cơ, thách thức đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mà chúng ta cần quan tâm. Như là, tác động của điều kiện tự nhiên, sự xâm hại của con người trong quá trình trùng tu, gây hư hại đến các công trình di sản; việc khai thác thiếu bền vững không những với tài nguyên di sản thiên nhiên mà cả tài nguyên văn hóa-những di sản vật thể và nhất là di sản phi vật thể; hiểu biết chưa đầy đủ, đúng đắn về vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể, làm mai một di sản...

Đặc biệt, theo tôi nghĩ mối quan hệ giữa di sản được thực hành với hoạt động du lịch ở nhiều địa phương hiện nay đang đặt ra những vấn đề đương đại khá cấp bách trong công tác bảo tồn và phát huy DSVH ở nước đang phát triển như Việt Nam. Một vấn đề nữa theo tôi cũng cần suy nghĩ là đầu tư và truyền thông như thế nào là hợp lý với những di sản được UNESCO vinh danh có mặt ở nhiều địa phương, nhiều chủ thể, cộng đồng khác nhau như cồng chiêng Tây Nguyên, hát ví giặm, bài chòi và mới đây là hát then, múa xòe... Một ví dụ từ lễ hội Gióng, là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại có hai cộng đồng chủ thể, một ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và một ở đền Sóc (Sóc Sơn). Có thời gian hội Gióng đền Sóc được tập trung đầu tư nhiều, mà ít đầu tư ở hội Gióng Phù Đổng, tạo sự vênh lệch không hợp lý, khiến người ta thường chỉ biết đến hội đền Sóc mà ít biết đến hội đền Phù Đổng trong khi hội diễn ra không chỉ ở nơi vị Thánh Gióng hóa mà cả ở nơi Thánh Gióng sinh thành. Vì vậy khi đầu tư, khi truyền thông đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm hợp lý, hài hòa ở những nơi khác nhau cùng là chủ thể của di sản.

leftcenterrightdel

PGS, TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh: THU HÒA

Nhưng với di sản, mỗi khi được đầu tư thì lại luôn phải thận trọng nghiên cứu kỹ lưỡng, quy hoạch khoa học để phát huy được hiệu quả đầu tư, không làm mất cảnh quan vốn có hay mai một những giá trị của DSVH. Trong quá trình đó, giữa tư duy của người xưa, tiền nhân và thế hệ chủ thể ngày nay, giữa cộng đồng là chủ thể di sản và người làm văn hóa có thể nảy sinh sự khác biệt và từ đó có những quyết định và thực hành mới với DSVH. Văn hóa không bất biến mà thay đổi theo thời cuộc. Cho nên trong những trường hợp có sự khác biệt như thế phải biết tìm cách giải quyết cho phù hợp. Làm thế nào để chủ thể văn hóa có những quyết đáp phù hợp với sự phát triển bền vững của di sản nhất? Đó là những câu hỏi đang đặt ra cho vấn đề quản lý di sản bền vững.

Thận trọng khi khai thác du lịch

PV: Không chỉ với các di sản thiên nhiên mà các DSVH phi vật thể như lễ hội thời gian gần đây cũng được nhiều địa phương khai thác thế mạnh để phát triển du lịch. Quá trình đó cần quan tâm điều gì để hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Đúng là di sản khi kết hợp với du lịch một cách phù hợp sẽ góp phần phát huy giá trị di sản, đồng thời tham gia phát triển kinh tế-xã hội, nhưng đừng biến tất cả di sản nhằm phục vụ du lịch hoặc di sản hướng tới mục đích chính là du lịch. Bởi nếu di sản vận hành theo định hướng, thị hiếu của du lịch thì sẽ có nguy cơ làm mất tính địa phương, giảm sự gắn kết cộng đồng thông qua tham gia các hoạt động văn hóa. Du lịch DSVH là một xu hướng không cưỡng lại được nhưng cũng phải cân nhắc, suy nghĩ rất cẩn trọng ở khía cạnh văn hóa bền vững nếu không sẽ làm sai lệch, hủy hoại di sản.

Mấy năm gần đây, nhiều địa phương tổ chức lễ hội hoành tráng, quy mô hàng nghìn người, dường như không giống bản chất vốn có mà để quảng bá, thu hút du lịch, tạo kỷ lục. Mới đây di sản nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Người ta quyết định lễ hội có hàng nghìn người múa xòe như chúng ta thấy. Có đợt người ta từng phê bình việc tôi phản đối hàng nghìn người cùng hát quan họ bởi quan họ là hát giao duyên, không phải đồng ca... Rõ ràng tổ chức hàng nghìn người tham gia như vậy là đang quảng bá di sản nhằm vào phát triển du lịch. Đó là điều đáng suy nghĩ. Và vấn đề nổi cộm ngày nay là giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản bền vững, phát huy giá trị DSVH và phát triển du lịch.

Đầu năm nay, một nhóm ở Phù Đổng có thành lập Hợp tác xã du lịch hội Gióng Phù Đổng nhằm tổ chức tái diễn hội Gióng để trình diễn theo nhu cầu của các đoàn khách du lịch. Những người trình diễn đều là người từng tham gia các vai khác nhau như ông Hiệu, cô Tướng trong hội Gióng ở làng Phù Đổng, là chính chủ thể văn hóa. Đúng-sai tôi chưa bàn đến nhưng đó là vấn đề đương đại đang xảy ra mà người làm di sản, văn hóa phải quan tâm xem xét bởi từ đó sẽ có nhiều hệ lụy khác nhau. Còn vấn đề quan trọng nữa mà tôi với tư cách người làm nghiên cứu, nhận thấy, đó là hội làng, nhất là những hội cổ xưa giữ được từ đời này sang đời khác là đều có tính thiêng. Khi tập trung những ông Hiệu, cô Tướng trình diễn hằng ngày phục vụ du lịch dịch vụ thì còn giữ được tính thiêng của lễ hội ban đầu không? Mà lễ hội mất tính thiêng thì sẽ mất hồn cốt, đó là điều đáng lo ngại. Sức sống của di sản chính là ở chỗ nó đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Khi cộng đồng không cảm thấy tính thiêng trong hội làng của mình nữa thì sẽ là nguy cơ cho việc gìn giữ di sản, dẫn đến dần mai một trong tương lai. Bởi vậy, trong phát triển, hài hòa mối quan hệ với di sản và chủ thể văn hóa là điều rất đáng quan tâm.

Chủ thể chưa hẳn đã đúng...

PV: Người dân là chủ thể của di sản. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải đưa di sản vào đời sống đương đại và phù hợp với mong muốn, nhu cầu của người dân đương thời, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Phải nói rằng, chủ thể văn hóa bây giờ không chỉ có người dân đơn thuần mà rất đa dạng, như còn có đại điện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương. Di sản phù hợp với đời sống đương đại là tất yếu, nhưng khi chủ thể là người quyết định thì họ cần lắng nghe ý kiến như thế nào để đưa ra được quyết đáp hài hòa, hợp lý cho di sản. Hát múa Ải Lao là điệu hát múa thờ được đánh giá là cổ xưa nhất còn giữ lại được, nhưng trong xã hội đương đại cũng bắt đầu thay đổi do những điều kiện khác nhau. Trước đây, người Hội Xá ở phường hát múa Ải Lao và Phù Đổng cùng một xã nhưng sau này địa giới thay đổi, Hội Xá thuộc quận Long Biên, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm. Trước đây đến lễ hội Hội Xá thành lập phường hát Ải Lao sang phục vụ hội Gióng Phù Đổng. Mấy năm gần đây, người Ải Lao có sáng kiến đưa ông Hổ từ miếu vào trong đình thờ, tổ chức rước, hát múa Ải Lao quanh đình làng mình. Đây là một hiện tượng rất mới, hoàn toàn mới do chính người Hội Xá, những người ở phường Ải Lao quyết định.

Câu hỏi đặt ra là, có phải tất cả thay đổi của chính chủ thể đều đúng và nên?

Phường hát Ải Lao chuyên hát thờ ở đền Phù Đổng, hát phục vụ Thánh Gióng nay còn trình diễn ngoài không gian lễ hội để hát ở làng mình, những việc như thế còn giữ được tính thiêng hay không? Đó là những diễn biến mới, mà tôi muốn dẫn chứng chi tiết qua câu chuyện hội Gióng. Dường như càng ở DSVH đã được xếp hạng quốc gia, được thế giới ghi danh thì nguy cơ lại càng nhiều hơn. Với các di sản chưa được vinh danh nhưng rất nổi tiếng như hội Giá thờ Lý Phục Man ở Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội), thì tôi thấy có vẻ an tâm hơn nhiều bởi chủ yếu đáp ứng nhu cầu người dân, cộng đồng chứ không hướng nhiều đến thương mại, du lịch... nên ít bị tác động, thay đổi hơn.

PV: Theo ông, bảo tồn và phát triển bền vững DSVH, chúng ta cần bắt đầu từ đâu?

PGS, TS Nguyễn Văn Huy: Từ đó đặt ra vấn đề cho những người làm quản lý nhà nước về văn hóa, những người quản lý di tích cần phải có kiến thức, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, cách ứng xử với di sản và nhất là di sản với du lịch, kinh nghiệm thế giới để vận dụng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản... Tôi muốn nói nhiều hơn đến vai trò của chính cộng đồng có di sản. Đó là những người quyết định việc gìn giữ hay vô tình làm mai một DSVH của địa phương. Hiện nay, đội ngũ làm văn hóa trong cộng đồng đa số là người đã nghỉ hưu với nhiều ngành nghề khác nhau, người lớn tuổi nhiệt tình với việc làng xã nhưng thiếu tri thức, phương pháp ứng xử với di sản nên dễ chạy theo xu hướng xã hội.

Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho người dân, nhất là những người tham gia trực tiếp công tác bảo tồn, phát huy di sản địa phương. Khi chủ thể văn hóa có đủ năng lực, hiểu biết thì sẽ không còn tình trạng chính người dân làm hỏng di sản, bởi họ sẽ biết muốn sửa chữa, tu bổ đình, chùa, di tích đã xếp hạng hay muốn lễ hội tốt hơn, không cứ phải hoành tráng hơn, đông đúc hơn và biết cần làm gì, nên làm gì.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)