Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc phỏng vấn PGS, TS Phạm Văn Tình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học về phòng, chống lệch lạc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.

Sáng tạo nhưng không làm méo mó tiếng Việt

Phóng viên (PV): Thưa ông, là một chuyên gia về ngôn ngữ, ông cảm nhận như thế nào về cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, nói, viết của thế hệ trẻ hiện nay?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Có thể nói, lớp trẻ (thường được gọi là thế hệ sinh vào thập niên 1980, 1990 và 2000) hiện tại chiếm một số lượng lớn trong cơ cấu dân số toàn dân. Họ là thế hệ đang lên, có mặt trong mọi hoạt động xã hội. Họ là những người trẻ trung, giàu tri thức, nhạy bén với cái mới. Ngôn từ của lớp trẻ gần đây cũng rất đặc biệt. Lớp trẻ năng động, điều kiện sống tốt hơn xưa nhiều, lại tiếp cận với tri thức mới, công nghệ mới nên ngôn từ của họ cũng mới.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Lớp trẻ dĩ nhiên vẫn dùng một tiếng Việt bao đời nay mà toàn dân vẫn dùng. Nhưng họ đã có một ký hiệu, tín hiệu riêng để giao tiếp. Cái gọi là "ngôn ngữ tuổi teen", “lóng học đường”, “ngôn ngữ ký hiệu” đang là đặc sản của họ. Chẳng hạn, học trò gọi bố mẹ là “tiền bối”, gọi bạn gái là “gà tóc nâu”, gọi bạn trai là “xe trâu”, gọi tiền tiêu là “máu khô”, bị gọi lên bảng kiểm điểm là “chào cờ”... Khen bạn gái trẻ, xinh là “thủ lệ”, “chè tươi”; chê bạn trai viển vông là “hay hồng lâu mộng”; chê bạn gái kiêu kỳ là “yết kiêu”, đề cao việc chơi bời xả láng là “ăn chơi sợ gì mưa rơi”; chào nhau ban ngày thì “Hai, oai phai”; chúc ngủ ngon ban đêm thì “G9”... Nhiều lắm! Trong các cuốn “Từ điển Từ mới” của Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học-Bách khoa thư, thống kê được khoảng gần 2.000 từ mới xuất hiện trong 20 năm đổi mới (1990-2010), có một số từ ngữ lớp trẻ đã dùng. Tuy nhiên, khá nhiều từ không được chấp nhận.

PV: Có thể thấy, trong quá trình tiếp biến văn hóa, bên cạnh sự năng động sáng tạo và hội nhập tích cực của học sinh, sinh viên thì không ít người cũng bày tỏ sự lo ngại về cách nói, cách viết, nhắn tin của một bộ phận giới trẻ hiện nay sẽ làm méo mó tiếng Việt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Công bằng mà nói, giới trẻ đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Không ít từ mới, ngoại sinh hay nội sinh bắt đầu từ việc tiếp nhận và sử dụng của các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, đặc biệt là từ ngữ công nghệ như: Bộ nhớ, con chip, giao diện, laptop, CD ROM, RAM, shipper, shopping, vi xử lý... Nhưng rất tiếc là lớp trẻ đang có xu hướng sử dụng ngôn từ khác lạ, cố tình phá vỡ các chuẩn mực của ngôn ngữ chung, dùng một từ có sẵn để diễn tả với nghĩa khác, như một dạng lóng: À ơi (tán tỉnh), bệnh viện (nhà giam), cạn tàu (hết lời), lặn (trốn mất), quay phim (xem trộm), delete (quên đi), tởm (đạt trình độ cao, đáng khâm phục), undo (quay lại, nối lại tình duyên); hay đưa vào các biểu tượng kém văn hóa... Cách nói khác thường này sống ký sinh trong lòng ngôn ngữ toàn dân và làm ảnh hưởng (vẩn đục) tới ngôn ngữ toàn dân.

Điều rất đáng lo ngại là lớp trẻ lại thích thú với những kiểu nói đó và tiếp tục nhân rộng. Nhiều khi bị giới trẻ nhầm lẫn với cái tôi và cái sáng tạo, cái hay. Những cái mới lạ lạc điệu đó rất dễ lây lan, khi đã lây nhiễm rồi nó bám rất chặt, rất khó gỡ bỏ.

PV: Rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên còn lấy nghệ danh là tiếng nước ngoài, bằng những thứ ngôn ngữ do họ nghĩ ra, sai lệch cách viết tiếng Việt. Quả thực là khó chấn chỉnh khi chưa có văn bản quy định về vấn đề này nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Tên riêng, biệt hiệu, nghệ danh là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, tên riêng lại có vấn đề văn hóa. Theo tôi, người Việt nên lấy tên phù hợp (thuần Việt, Hán Việt) trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài (vì có bố hoặc mẹ là người nước ngoài). Còn do sở thích mà chêm xen từ ngoại một cách vô lối rõ ràng là sính chữ, rởm. Theo quy định của cơ quan chức năng thì tên riêng không quá dài (dưới 25 ký tự). Còn việc lấy tên nước ngoài (để đặt) thì chưa có quy định cụ thể, nhưng các cơ quan thi hành pháp luật và cả những nhà văn hóa khuyến khích dùng tên phù hợp với ngôn ngữ và phong tục văn hóa Việt Nam.

leftcenterrightdel

PGS, TS Phạm Văn Tình. Ảnh: PHẠM TÂM 

Cần có Luật Ngôn ngữ?

PV: Theo ông, nguyên nhân của sự lai căng, lai tạp văn hóa trong sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ là do đâu?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Có nhiều nhân tố chi phối: Một là: Thiếu một cơ sở văn hóa Việt cần thiết. Đó là nền tảng để đi đến các hành động, trong đó có hành động ngôn từ. Hai là: Thiếu ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc một cách có trách nhiệm. Vì vậy, lớp trẻ ngoài việc học hành, tiếp thu tri thức tổng hợp cần phải trau dồi các kỹ năng ngôn ngữ, lấy truyền thống ứng xử ngôn ngữ toàn dân làm nền tảng. Có thế họ mới là những người “vừa hồng vừa chuyên” như Bác Hồ đã căn dặn.

PV: Vâng! Cách đây hơn 60 năm, Bác Hồ đã chỉ ra một trong những khuyết điểm của báo chí nước ta là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Tình trạng này hiện nay xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cách đặt tên các tòa chung cư, khu đô thị mới... Theo ông, trách nhiệm về lĩnh vực này thuộc về ai?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Tôi đã có nghiên cứu về cách đặt tên các chung cư, khách sạn, khu đô thị mới ở một vài vùng tại Hà Nội và thấy xu hướng “Anh hóa” đang giữ vai trò chủ đạo. Một kết quả khảo sát về tên gọi khách sạn ở một số quận nội thành Hà Nội, như quận Hoàn Kiếm thì đa số các khách sạn đều mang tên Tây: Moonshine Palace (Bát Đàn), Golden Plaza (Hàng Trống), Golden Lake (Hàng Mành), Luxury (Phủ Doãn), Mike’s Amazing (Hàng Phèn), Sunshine 1, Sunshine 3 (Mã Mây), Triumphal, Rising Dragon 2 (Hàng Gà), Prince II (Hàng Giầy), Astoria (Hàng Bông), Lucky Star (Bát Đàn), Asia Palace (Hàng Tre), Paramount (Ngõ Huyện), Asian Ruby (Tạ Hiện), Indochina (Lò Sũ)... Ở các quận bên cạnh như: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... thì tỷ lệ đặt tên nước ngoài cũng chiếm đa số...

Khảo sát tên gọi các khu đô thị mới ở Hà Nội cũng tương tự: Times City, Royal City, Garmuda City, Garden City, Ocean Park, The Pride, Vinhome Riverside, Mipec Riverside, Ciputra, Ecopark, The Mano, Geleximco...

Đặt tên các chung cư, khu đô thị, khách sạn là quyền của chủ sở hữu. Nhưng nói thế không có nghĩa vai trò của chính quyền là vô can. Họ cần phải có sự đánh giá, chấn chỉnh cho phù hợp. Phải lấy tên Việt Nam làm chuẩn. Ngay cả trong trường hợp “ông chủ” là người nước ngoài thì tên tiếng Việt vẫn phải đưa lên trước (tên tiếng Anh hay tiếng nước nào đó đặt sau). Có thế chúng ta mới thấy bản ngữ tiếng Việt được tôn trọng.

PV: Được biết Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học thuộc Viện Nghiên cứu Việt Nam học (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) mới được thành lập với sứ mệnh là nghiên cứu tất cả các vấn đề về văn hóa, văn học, sử học, ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam. Trên cương vị là Giám đốc Trung tâm này, ông có thể chia sẻ một số ưu tiên của Trung tâm trong thời gian tới về bảo vệ ngôn ngữ quốc gia?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Trung tâm Việt Nam học mới thành lập năm 2021. Nhiệm vụ của Trung tâm là “Tập hợp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các cán bộ có trình độ để nghiên cứu các vấn đề Việt Nam học; thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn, tổ chức các hoạt động học thuật trong lĩnh vực Việt Nam học, nhằm đóng góp vào sự phát triển cộng đồng về đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam. Định hướng của Trung tâm là đi sâu nghiên cứu Việt Nam học theo các chuyên ngành cụ thể, như: Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Văn học, Sử học, Xã hội học, Văn hóa học, Tôn giáo học...” trong đó “tiêu điểm” là những vấn đề làm nên hồn cốt mỗi dân tộc: Quốc văn, Quốc sử, Quốc ngữ. Vấn đề tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt sẽ được Trung tâm lưu ý, đặt lên hàng đầu.

PV: Theo ông, chúng ta có cần ban hành Luật Sử dụng tiếng Việt (Ngôn ngữ) để phòng, chống lệch lạc, bảo đảm sự chuẩn mực nhất định, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chúng ta ngày càng giàu đẹp, phong phú...?

PGS, TS Phạm Văn Tình: Trước hết, chúng ta cần xúc tiến việc cho ra đời Luật Ngôn ngữ. Đó là những vấn đề liên quan tới chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta. Trong Luật Ngôn ngữ sẽ có quy định về vai trò của tiếng Việt với tư cách là “ngôn ngữ quốc gia” (Việt Nam có 54 dân tộc với nhiều ngôn ngữ đang tồn tại). Lúc đó, sẽ có những quy định bắt buộc về quy cách sử dụng tiếng Việt (nói và viết) theo các lĩnh vực (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) và trong các bối cảnh ngôn ngữ khác nhau (gia đình, nhà trường, xã hội) theo các chuẩn mực khác nhau. Theo tôi, việc này đã được xã hội, dư luận quan tâm và mong ban hành Luật Ngôn ngữ (liên quan tới tiếng Việt) càng sớm càng tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HÀ THANH MINH (thực hiện)