Những công trình thế kỷ

Chắc hẳn rất nhiều người đã từng biết tới cuốn “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên. Đây là cuốn sách được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1988 đến nay đã được tái bản hàng chục lần. Thực tế, không ít bạn đọc, nhà nghiên cứu ngôn ngữ sử dụng cuốn sách này thường gọi luôn tên sách là “Từ điển Hoàng Phê” để phân biệt với các cuốn “Từ điển tiếng Việt” khác.

Là một trong những người học trò, đồng nghiệp của GS Hoàng Phê trong quá trình biên soạn cuốn từ điển này, PGS, TS Phạm Hùng Việt, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, nhớ lại: “Năm 1979, khi tôi về công tác ở Phòng Từ điển học thì lúc này phòng đang thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao là tổ chức biên soạn cuốn “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên. Ấn tượng đầu tiên của tôi là không khí làm việc nơi đây thật khẩn trương, khoa học... Ở vai trò chủ biên, GS Hoàng Phê đã dành hết tâm trí vào việc hoàn thành công trình trọng điểm. Tất cả các định nghĩa trong từ điển đều được ông duyệt sửa. Có nghĩa là ông đã đọc, duyệt sửa hơn 36.000 mục từ, gồm hơn 72.000 phiếu định nghĩa (thời kỳ đó còn làm thủ công trên từng tờ phiếu). Mỗi phiếu định nghĩa đều còn lưu lại nét bút sửa chữa của ông”...

Cuốn sách sau khi xuất bản đã được đông đảo người dùng, xã hội đón nhận với thái độ rất trân trọng và tin tưởng. Trong lời giới thiệu cuốn sách này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Từ điển tiếng Việt” này là quyển từ điển đầu tiên ở nước ta do một tập thể cán bộ ngôn ngữ học biên soạn trên cơ sở tư liệu tương đối đầy đủ. Nó có tác dụng thiết thực đối với việc chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là cuốn sách cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, học tập, trau dồi tiếng Việt”. Theo nhà nghiên cứu, học giả Hồ Hải Thụy, “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên có thể được coi là một công trình đứng đắn, mẫu mực, đáng tin cậy nhất, ít nhất cho đến thời điểm hiện nay và so với các đồng dạng của nó. Tất nhiên sau nó cũng có những hậu sinh có đóng góp đáng được quan tâm song nó vẫn lừng lững như một cây đại thụ độc tôn”.

Tọa đàm khoa học “GS Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt” ngày 19-1-2019, tại Hà Nội, thu hút gần 100 đại biểu tham dự. Ảnh: MINH THÀNH.

Năm 2019 ghi dấu mốc tròn 100 năm Ngày sinh của GS Hoàng Phê. Ông sinh ngày 15-7-1919 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Mặc dù không được đào tạo một cách bài bản về ngôn ngữ nhưng sự tự học, tự nghiên cứu rồi trở thành chuyên gia hàng đầu ngôn ngữ Việt Nam của ông thực sự khiến bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò vô cùng khâm phục. Tại cuộc Tọa đàm khoa học “GS Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học và Trung tâm Từ điển học phối hợp tổ chức cuối tuần qua, các nhà khoa học đã khẳng định vai trò to lớn của ông trong việc đặt nền móng cho sự ra đời một số cơ quan, tổ chức, bộ môn về ngôn ngữ và từ điển ở nước ta. Đồng thời cũng đóng góp công sức cho việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Cuộc đời hoạt động khoa học của GS Hoàng Phê lúc sinh thời dường như rất có duyên với hai từ “đầu tiên”. Ông là người sáng lập Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và là vị chủ tịch đầu tiên của hội. Giáo sư cũng là người đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Ngôn ngữ (thành lập năm 1959)-tiền thân của Viện Ngôn ngữ học hiện nay và là một trong 4 người được giao trọng trách thành lập Viện Ngôn ngữ học... Vào thập niên 1990, khi công nghệ thông tin phát triển sâu rộng trên mọi mặt đời sống của xã hội, nhận thấy tầm quan trọng của việc tổ chức, lưu trữ thông tin và biên soạn từ điển tiếng Việt, GS Hoàng Phê đã sáng lập Trung tâm Từ điển học (gọi tắt là Vietlex), đặt nền móng cho việc xây dựng Hệ cơ sở ngữ liệu tiếng Việt lần đầu tiên ở nước ta để sử dụng trên hệ thống máy vi tính...

Với sự tận tụy, miệt mài nghiên cứu khoa học hơn nửa thế kỷ, GS Hoàng Phê đã để lại cho hậu thế những công trình khoa học giá trị về ngôn ngữ, từ điển, logic và ngữ nghĩa như: “Tình hình tiếng Việt và mấy nhiệm vụ cấp bách”, “Vấn đề chữ quốc ngữ”, “Về quan điểm và phương hướng chuẩn hóa tiếng Việt”, “Vấn đề chuẩn chính tả”, “Từ điển tiếng Việt”, “Từ điển vần”, “Từ điển chính tả”, “Từ điển chính tả tiếng Việt”, “Dạy và học chính tả”, “Logic-Ngôn ngữ học”... và hàng chục công trình nghiên cứu, bài báo khoa học khác. Ông đã được trao tặng hai giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ: Giải thưởng cá nhân về “Chính tả tiếng Việt” và Giải thưởng tập thể về “Từ điển tiếng Việt”.

GS Hoàng Phê (1919-2005). Ảnh tư liệu.

Nhà khoa học... đứng làm việc

“Lịch sử phát triển xã hội cho thấy, bất cứ một giai đoạn phát triển trong mọi lĩnh vực khoa học nào cũng gắn liền với tên tuổi các nhà khoa học đầu ngành, đánh dấu một bước tiến so với giai đoạn trước đó. Nền từ điển học Việt Nam nửa thế kỷ 20 đã gắn liền với tên tuổi GS Hoàng Phê, người đã có những cống hiến xuất sắc cho việc xây dựng một chuyên ngành non trẻ...”-PGS, TSKH Nguyễn Tuyết Minh, nguyên cán bộ Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã dành những lời trân trọng khi nói về bậc tiền bối của mình. Bà kể, từ những năm 60 của thế kỷ trước, bà đã nghe tiếng GS Hoàng Phê là nhà ngôn ngữ học đầu ngành nhưng mãi đến những năm 80 mới có dịp làm việc với ông trong quá trình biên soạn cuốn “Đại từ điển Việt-Nga”. Ấn tượng đầu tiên của bà về nhà từ điển học hàng đầu Việt Nam này là sự khiêm nhường, biết lắng nghe người đối thoại, ham hiểu biết, đặc biệt là có bề dày kiến thức về ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ học liên ngành và từ điển học tường giải...

Bìa cuốn sách “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên.

Không chỉ có kiến thức uyên thâm, cách làm việc khoa học, GS Hoàng Phê luôn là một tấm gương sáng về tinh thần làm việc bền bỉ, không biết mệt mỏi, nhà khoa học tâm huyết. Theo TS Hoàng Tuyền Linh, Giám đốc Trung tâm Từ điển học (cháu ruột của GS Hoàng Phê) cho biết, khoảng 10 năm cuối đời làm việc tại Trung tâm Từ điển học, GS Hoàng Phê được làm những công việc mà ông yêu thích. Nhiều lần Giáo sư nói rằng: “Ước gì tôi có đầy đủ điều kiện để làm tốt việc mình đang làm. Sau này, khi tôi mất đi thì có người tiếp tục làm và làm tốt hơn tôi...”. Chính vì luôn hết mình vì công việc nên ông tranh thủ mọi thời gian để làm việc. “Làm việc nhiều, ngồi nhiều, không tránh khỏi bệnh về lưng, về vai gáy. Có thời kỳ bị đau nặng, không ngồi làm việc được, ông đã cải tạo chỗ làm việc ở nhà để có thể đứng làm việc được. Trong một lần đến làm việc với ông, tôi đã chứng kiến cảnh ông đứng mà sửa phiếu từ điển như vậy”-PGS, TS Phạm Hùng Việt kể lại. Thậm chí cuối thập niên 1990, khi sức khỏe không còn được tốt nhưng trên bàn của GS Hoàng Phê vẫn có máy tính đang làm việc biên soạn cuốn “Từ điển Hán-Nôm”. Trong các bữa cơm gia đình, những từ, những phiếu định nghĩa mà ông đang sửa chữa... lại trở thành câu chuyện chủ yếu để ông trao đổi, chia sẻ với người thân của mình.

Hình ảnh đứng làm việc cũng như niềm say mê đọc sách, chịu khó học ngoại ngữ và cập nhật cái mới của GS Hoàng Phê là điều khiến cho những người đồng nghiệp và học trò luôn cảm phục mỗi khi nhắc nhớ về ông. Ông để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí mọi người là một hình ảnh người thầy tận tâm nhưng cũng rất nghiêm khắc, rất kiệm lời khen. Ông cũng rất nghiêm khắc với bản thân và công phu đến mức cầu toàn trong khoa học... “Có thể nhiều người cho rằng ông độc đoán, nghiêm khắc quá, nhưng thực tế trong công việc GS Hoàng Phê rất tôn trọng ý kiến người khác. Với tôi, GS Hoàng Phê là một người thầy đã dìu dắt, ảnh hưởng với tôi về mọi phương diện, cả chuyên môn lẫn nhân cách sống, đúng như câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”-TS Chu Bích Thu, nguyên Trưởng phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, xúc động chia sẻ.

GS Hoàng Phê trút hơi thở cuối cùng vào một ngày mùa xuân (29-1-2005) trong khi bao dự định, ước mơ về xây dựng Hệ cơ sở ngữ liệu tiếng Việt và các cuốn từ điển khác vẫn còn dang dở. Tuy nhiên, tên tuổi của ông vẫn luôn sống mãi trên các bìa sách từ điển tiếng Việt, chính tả, ngôn ngữ... cùng bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.

HÀ THANH MINH