QĐND - “Cái quý giá vô cùng mà chúng ta cần gìn giữ là tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của cha ông tự ngàn xưa để lại cho chúng ta” - Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu như vậy năm 1966. Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5-11-2016 cũng nhằm mục tiêu trên và đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc ĐàiTiếng nói Việt Nam, Trưởng ban tổ chức hội thảo.

PV: Thưa đồng chí, lâu nay chúng ta vẫn nhắc đến tình trạng tiếng Việt bị lai căng, hay tiếng Việt không còn thuần Việt đang diễn ra trong cuộc sống và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó có phải là nguyên nhân thúc đẩy việc tổ chức hội thảo khoa học lần này?

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta được biết ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của con người. Chỉ có con người mới có một ngôn ngữ thực sự để giao tiếp với nhau về tư tưởng, tình cảm, thông tin. Trong kho tàng ngôn ngữ phong phú và quý giá của nhân loại, tiếng Việt được coi là một ngôn ngữ giàu âm sắc, nhạc điệu. Từ xưa đến nay, ông cha ta luôn coi trọng việc làm cho vốn liếng tiếng Việt ngày càng đa dạng, trong sáng. Tuy nhiên, trong những năm mở cửa hội nhập, đất nước phát triển mạnh mẽ thì tiếng Việt được sử dụng có phần xô bồ, du nhập khá nhiều từ mới. Rồi việc giáo dục trong nhà trường có những lúc nào đó, nơi nào đó vẫn chưa được coi trọng cho nên tiếng Việt cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh những người đang giúp tiếng Việt giàu có hơn, phong phú hơn thì cũng có một bộ phận đang làm cho tiếng Việt không được trong sáng thậm chí lệch lạc. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì toàn xã hội phải quan tâm, từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và cá nhân. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng có vai trò rất quan trọng. Bởi vì, đây là kênh giao tiếp hằng ngày vẫn sử dụng một khối lượng ngôn ngữ tiếng Việt rất lớn.

Từ nhiều năm nay, các cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có cùng một trăn trở, ấp ủ tiến hành một cuộc hội thảo về vấn đề này. Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách là một cơ quan truyền thông lớn của quốc gia, nơi sử dụng tiếng Việt ngôn bản, âm thanh, khẩu ngữ vào hàng nhiều nhất mỗi ngày; chúng tôi thấy trách nhiệm của mình phải tổ chức một cuộc hội thảo như thế. Ý tưởng của chúng tôi khi nêu ra được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Hội Ngôn ngữ học Việt Nam do GS, TS Lê Quang Thiêm làm Chủ tịch hội rất ủng hộ. Từ khi khởi xướng đến nay mới chỉ có 3 tháng nhưng chúng tôi đã nhận được khoảng 250 báo cáo khoa học và gần 100 ý kiến, bài viết tham gia hội thảo.

Hơn 70 năm trước (năm 1943), Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng đã khẳng định ba nguyên tắc vận động văn hóa Việt Nam thời kỳ mới là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương văn hóa xác định các công việc cần phải làm, trong đó nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, về tông phái văn nghệ thì phải coi trọng "tranh đấu về tiếng nói, chữ viết", bao gồm "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; ấn định mẹo văn ta; cải cách chữ Quốc ngữ". Còn 50 năm trước (tháng 2-1966), giữa lúc đế quốc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc thì Hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu: "Cần phải đánh giá một cách tổng quát về tiếng Việt của ta, nhìn thấy chất của nó, giá trị, bản sắc, tinh hoa của nó, nhận rõ hai đức tính của nó là giàu và đẹp, nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của nó".

Hội thảo lần này, chúng tôi xem đó là những luận điểm có giá trị định hướng, nhưng hướng vào lĩnh vực thông tin đại chúng, một lĩnh vực mà tiếng Việt được sử dụng với nhiều dung lượng, mức độ, sắc thái khác nhau; có ưu điểm, có khuyết điểm nhưng điều quan trọng hơn là nó tác động mạnh mẽ, liên tục, sâu sắc tới đông đảo công chúng cả trong và ngoài nước.

PV: Thưa đồng chí, báo chí với tư cách là thư ký của cuộc sống, có trách nhiệm phản ánh trung thực ngôn ngữ đời sống, mà ngôn ngữ đời sống thì bao hàm cả mặt tốt và mặt xấu. Vậy phải làm thế nào để vừa phản ánh trung thực ngôn ngữ đời sống, vừa giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Ngôn ngữ báo chí nói riêng, ngôn ngữ truyền thông đại chúng nói chung là một mặt biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân. Nói "ngôn ngữ báo chí" là ta muốn nhấn mạnh tính đặc thù của một mảng biểu hiện của hoạt động truyền thông đại chúng qua kênh báo chí. Trong hệ thống phân loại phong cách học, ít người đặt phong cách báo chí thành một loại riêng, có thể do báo chí là tổng hòa nhiều phong cách. Ngôn ngữ báo chí luôn vận động, phát triển, sinh động, tươi mới nhưng không xa lạ, không "dị ứng" với mọi người. Với đông đảo công chúng trong xã hội, báo chí phải "nói", phải thể hiện một ngôn ngữ thông dụng, chuẩn mực và mang tính văn hóa.

Đội Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày bài hát "Bài học đầu tiên" tại hội thảo.

Tính thông dụng đòi hỏi ngôn ngữ báo chí phải sử dụng từ ngữ, cách viết câu, diễn đạt sao cho dễ hiểu, gần với ngôn ngữ đời thường. Cách viết "hàn lâm" kinh viện sẽ rất khó đi vào công chúng rộng rãi. Báo chí là loại hình truyền thông tiếp cận cuộc sống một cách gần gũi, sát sao nhất; vì vậy ngôn ngữ báo chí phải phản ánh được hơi thở của nhịp sống đương đại. Những năm qua, Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư đã công bố cuốn từ điển mới với hơn 3.000 đơn vị. Đó là những từ mới trong thời kỳ đổi mới, hội nhập mạnh mẽ với bên ngoài, ngữ liệu thu thập được chủ yếu qua kênh báo chí. Trong thực tế, một khối lượng từ vựng không nhỏ được bổ sung qua giao tiếp thường ngày và được báo chí ghi lại chân thực, sống động. Chẳn hạn: con chip, quán cóc, ISO, marketing, internet, chợ lao động, ô sin, cửu vạn, sành điệu, soái ca... Báo chí như một người thư ký âm thầm và trung thực ghi nhận những đổi thay của cuộc sống, trong đó có ngôn ngữ.

Chuẩn ngôn ngữ là một vấn đề ngôn ngữ văn hóa. Báo chí là món ăn tinh thần dành cho nhiều người, ở các bối cảnh giao tiếp khác nhau. Giao tiếp xã hội đòi hỏi người nói và người nghe phải thận trọng, cân nhắc để đưa các phát ngôn phù hợp, không gây phản cảm. Nếu chỉ là các câu nói dành cho một vài người hay nhóm nhỏ nghe thì vấn đề chuẩn mực không được đặt ra một cách quá khắt khe, nhưng trong bối cảnh đông người thì một phát ngôn thiếu nghiêm túc, nói tếu táo hay nói nhịu, lỡ lời đều có thể gây ra hiệu ứng bất lợi. Không ít trường hợp bị "ném đá", bị "đấu tố". Đó là vấn đề văn hóa giao tiếp. Khi chúng ta nói đến văn hóa ngôn từ là chúng ta nói đến chuẩn mực mà nói đến chuẩn mực là nói đến sự lựa chọn khả năng thích hợp về từ ngữ, đoạn, câu... trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau.

PV: Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện tình trạng "sính ngoại” ngôn ngữ. Trên cả báo in, truyền hình, phát thanh của quốc gia có rất nhiều hiện tượng nhà báo, phát thanh viên dùng các từ đệm của nước ngoài thay cho ngôn ngữ trong nước. Theo đồng chí, chúng ta có nên xử lý vấn đề này không, hay là chúng ta chấp nhận điều đó?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Không! Hiện tượng "sính ngoại" thì cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phê bình từ lâu. Chúng ta không chấp nhận việc vay mượn từ nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ tương ứng. Tôi nghĩ giải quyết vấn đề này phải có trách nhiệm từ nhiều phía. Thứ nhất, chúng ta phải yêu cầu sự tự giác của mọi người. Vì chỉ có tự giác thì mới thực hành lâu dài và mới thành công. Thứ hai phải có những quy định của cấp Nhà nước, Chính phủ, của các bộ, ngành. Cần có cả quy định từ các cơ quan báo chí, các ban biên tập. Ví dụ tại sao chúng ta lại dùng từ MC (em-xi) thay cho từ người dẫn chương trình, từ của ta đẹp và dễ hiểu như thế, vay mượn là không cần thiết. Chúng ta phải luôn luôn dùng cách diễn đạt làm sao cho tiện ích, dễ hiểu và thuần Việt. Hay như hiện nay chúng ta có những Festival như Festival Huế, Festival pháo hoa Đà Nẵng. Tại sao chúng ta không dùng là gặp gỡ hay liên hoan văn hóa cố đô Huế hay liên hoan pháo hoa Đà Nẵng. Từ thuần Việt của chúng ta đủ sức diễn tả các sự kiện đó.

PV: Hiện tại, các cơ quan báo chí quốc gia, nhất là phát thanh, truyền hình đang sử dụng những phát thanh viên nói tiếng địa phương. Theo đồng chí, khuynh hướng này có nên ủng hộ không?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Điều này đã được bàn từ hơn chục năm nay và có điều đã hiển nhiên như thế này: Khi hai miền Nam Bắc còn bị chia cắt thì bên kia vĩ tuyến 17, các ca sĩ trong đó khi lên hát đều hát giọng Hà Nội. Giọng Hà Nội là giọng kinh kỳ từ cả nghìn năm trước, là giọng Thăng Long-Đông Đô. Vị trí, vai trò, ý nghĩa của giọng Hà Nội chi phối về cả chính trị, văn hóa đến tư tưởng, tình cảm của công chúng. Cho nên chọn tiếng Hà Nội là tiếng chuẩn của Việt Nam là đúng. Tiếng chuẩn của Việt Nam vẫn là giọng Hà Nội. Nhưng để tiếng Hà Nội thực sự chuẩn thì chúng ta cũng phải điều chỉnh về phát âm. Một điều liên quan nữa về khoa học ngôn ngữ, đó là cuộc sống luôn phát triển. Cho nên chữ viết là để ghi lại ngữ âm mà ngữ âm luôn biến đổi, do đó người ta nhiều khi cũng phải chấp nhận sự biến đổi đó. Ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều vấn đề thú vị, đa dạng nhưng cũng phức tạp. Chúng ta cần phải xây dựng được cơ sở quy chuẩn nhất định, chuẩn mực này không thể, không hẳn là chuẩn mực hoàn toàn nhưng phải thuyết phục được số đông mọi người. Trong giao tiếp của báo phát thanh, truyền hình thì bản thân tôi vẫn nghĩ phải dùng tiếng của Hà Nội. Còn sử dụng tiếng địa phương cũng cần thiết. Điển hình như nhà báo Hoài Anh là phát thanh viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Giọng của Hoài Anh thì người miền Bắc nghe cũng rất là rõ còn công chúng phía Nam thì đương nhiên sẽ rất thích. Riêng đối với giọng Huế thì trầm, đều và giọng đó có vẻ như hơi chậm khi truyền tải nội dung của bản tin thời sự cần tiết tấu phải nhanh.  

PV: Theo chúng tôi được biết thì đây là cuộc hội thảo về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tầm cỡ quốc gia lần thứ 3. Đồng chí có suy nghĩ gì về kết quả của cuộc hội thảo lần này, liệu hội thảo có đủ sức lan tỏa ra các cơ quan truyền thông đại chúng để hy vọng về một sự chuyển biến, khắc phục được những hạn chế trong sử dụng tiếng Việt hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi nghĩ với sự quan tâm đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt thì hội thảo lần này sẽ thành công tốt đẹp. Khi mà mọi người đã quan tâm và vào cuộc, nhất là các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý của Nhà nước cũng vào cuộc, thì nhất định vấn đề này sẽ có chuyển biến. Đặc biệt là tất cả các cơ quan báo chí luôn xác định đây một việc cần làm hằng ngày. Không chỉ có ban biên tập mà mỗi cán bộ, nhân viên, biên tập viên, phóng viên đều chung tay góp sức. Đây là một chương trình văn hóa vô cùng bổ ích và không hề nặng nề. Chúng ta tin tưởng là mỗi người Việt Nam đều tâm huyết, trách nhiệm để góp phần thiết thực giúp tiếng Việt luôn luôn trong sáng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG HẢI - ANH MINH (thực hiện)