Lịch sử phải hiểu tường tận

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, là người gắn bó với khoa học lịch sử nhiều năm, theo ông, công tác nghiên cứu lịch sử hiện nay đặt ra yêu cầu, đòi hỏi gì để thích ứng với đời sống đương đại?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Từ rất sớm, nhân dân ta đã có truyền thống trọng sử, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ôn cố tri tân”, chính là nhớ về quá khứ, hiểu thời đã qua, học các bài học từ lịch sử, để biết mới, hiểu mới và làm cái mới. Ngay từ ngày đầu tiên về nước năm 1941, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Hồ viết cuốn “Lịch sử nước ta” và câu đầu tiên Người nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tức là, đã là người Việt Nam thì phải biết lịch sử Việt Nam, biết ngọn nguồn tường tận, có thế ta mới biết ta là ai, ta cần phải làm gì.

Lịch sử luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống đương đại, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chức năng của sử học là nghiên cứu, mô tả, giới thiệu lại những sự việc, sự kiện, hiện tượng như là nó từng diễn ra trong quá khứ. Muốn vậy, phải nghiên cứu lịch sử hết sức căn cơ, từ tư liệu gốc hay hướng đến tư liệu nguyên gốc để có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách khách quan, trung thực. Tôi nhớ Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định lời thề cao nhất của các nhà sử học chân chính là “Trung thực, trung thực và trung thực”.

PV: Ông đánh giá như nào về vai trò, sức mạnh của lịch sử, nguồn lực lịch sử đối với sự hình thành nhân cách của mỗi người cũng như sự phát triển của đất nước?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Khi quân Nguyên Mông đang ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai, nhà Trần hơn lúc nào hết cần phải huy động cao độ sức đóng góp của cả nước, của toàn dân vì sự tồn vong của quốc gia, giống nòi và nguồn lực lịch sử được coi là quan trọng số một. Lê Văn Hưu, một trí thức hàng đầu đất nước với tấm gương nhân cách ngời sáng, đã được vua Trần Thánh Tông giao cho sứ mệnh cao cả là biên soạn quốc sử. Bộ sách “Đại Việt sử ký” ra đời cách đây tròn 750 năm, trong hoàn cảnh lịch sử ấy, đã có đóng góp xứng tầm vào kỳ tích của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII, trở thành bộ sách mở đầu truyền thống viết sử Việt Nam và Lê Văn Hưu được đời đời tôn vinh là Tổ sư của Sử học Việt Nam.

leftcenterrightdel

Bãi cọc Cao Quỳ được TP Hải Phòng đầu tư bảo tồn thu hút đông đảo người dân và nhà nghiên cứu tới tham quan. Ảnh: GIANG CHINH

Một ví dụ gần đây về việc phát huy giá trị lịch sử, nguồn lực lịch sử cho kế hoạch phát triển của địa phương. Nghiên cứu lịch sử phát hiện các bãi cọc Cao Quỳ, bãi cọc Đầm Thượng, Di tích Thiên Long Uyển... và hình dung chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là cả một chiến dịch Bạch Đằng diễn ra trên một không gian rộng lớn. Trên cơ sở đó, các địa phương đã đẩy mạnh nghiên cứu phát huy giá trị những di tích lịch sử văn hóa dọc theo tuyến đường sông đó. TP Hải Phòng đã dành một khoản kinh phí lớn đầu tư bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, coi đó là biểu tượng của truyền thống quê hương; và Di tích bãi cọc Cao Quỳ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Và điều quan trọng nữa là từ những kết quả nghiên cứu này, TP Hải Phòng đã lấy làm cơ sở quan trọng để quy hoạch lại huyện Thủy Nguyên, nâng cấp lên thành TP Thủy Nguyên, phát triển hiện đại trên nền tảng truyền thống vững vàng. Như vậy, nghiên cứu lịch sử đã đem đến cho Thủy Nguyên cả một chiến lược phát triển bền vững.

Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn luôn huy động sức mạnh của cả “40 thế kỷ cùng ra trận”, làm nên những trang sử vàng của lịch sử đất nước. Những kinh nghiệm quý giá cho cuộc sống hôm nay và tương lai đều được đúc rút từ những bài học thành công (và không thành công) trong quá khứ... Ai mang được trong hành trang của mình càng nhiều vốn lịch sử thì càng có nhiều kinh nghiệm. Đối với một con người là vậy, với mỗi địa phương, đất nước cũng vậy. Lịch sử phải được coi như một vốn tri thức như thể chính nó là nguồn lực quan trọng để đào tạo con người, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Dạy thật, học thật và thi thật

PV: Như ông nói thì lịch sử phải được coi là vốn tri thức, nguồn lực quan trọng để đào tạo con người, đáp ứng yêu cầu phát triển. Ông đánh giá thế nào về chương trình giáo dục môn Lịch sử ở nước ta hiện nay?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Trong những nền giáo dục tiến bộ, các ngành học đều có đóng góp tương xứng của mình vào quá trình hình thành tư cách, phẩm chất và nhân cách của học sinh, nhưng sòng phẳng mà nói thì Lịch sử là môn học có lợi thế hơn cả. Vì thế mà Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao giáo dục lịch sử. Cũng hiếm thấy nước nào mà trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), được thể hiện ngay trong Luật Giáo dục năm 2003 và 2019, ghi rõ 3 môn học cơ bản cốt lõi là Toán, Tiếng Việt, Lịch sử dân tộc. Cũng chưa thấy nước nào mà Quốc hội nhiều lần bàn thảo về việc giữ Lịch sử là môn học độc lập bắt buộc ở chương trình GDPT nhiều như nước ta. Vấn đề này cũng được từ các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước cho đến những người dân ở các làng quê đều đặc biệt quan tâm.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, rõ ràng có thời điểm môn Lịch sử bị đẩy xuống vị trí thấp đến thảm hại. 3 môn cơ bản cốt lõi xếp ngang nhau, nhưng thực tế bố trí thời lượng dạy môn Lịch sử không bằng 1/3 môn Toán và Tiếng Việt, thậm chí kém hơn nhiều môn phụ khác. Ở các trường THPT, giáo viên cũng nhận thức vai trò của môn Lịch sử, nhưng vì thời lượng ít nên đã coi đây là môn phụ. Thậm chí, nhiều trường không bố trí giáo viên đúng chuyên môn mà cho giáo viên môn khác dạy kiêm nhiệm. Vì bố trí chương trình như vậy, cũng làm học sinh tập trung cho môn khác nhiều hơn. Vì bố trí như vậy nên ngay giáo viên Lịch sử hiện nay cũng không được chú trọng nâng cao chuyên môn, khiến chất lượng giáo dục môn Lịch sử từ đại học đến THPT suy giảm nghiêm trọng. Thế nên, có lúc kiểm tra, chúng ta nhận thấy chất lượng môn Lịch sử quá thấp. Khi đó, thậm chí môn Lịch sử còn bị nhiều người xa lánh, ngại học. Điều đó làm cho xã hội, ngay cả người làm giáo dục cũng hoang mang nghĩ đến khả năng môn Lịch sử đang bị mất đi vị trí vốn có của nó trong chương trình GDPT?

Nguyên do là vậy, chứ không phải vì người Việt Nam, học sinh, sinh viên Việt Nam không thích hay đã quay lưng lại với lịch sử dân tộc.

leftcenterrightdel

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: DƯƠNG THU

PV: Theo ông, làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, khuyến khích học sinh yêu thích và hiểu về lịch sử dân tộc?

GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc: Tôi đặc biệt đề cao và đề nghị chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra là phải dạy thật, học thật, thi thật, khi đó sẽ có chất lượng thật. Muốn dạy tốt phải có cơ sở là giáo trình, sách giáo khoa, chương trình học thật tốt, chuẩn, rồi tới bố trí thời gian, phương pháp, điều kiện lên lớp. Nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử, theo tôi, cái cần quan tâm trước hết là phải dạy học sự thật lịch sử một cách khách quan, trung thực, cả bài học thành công và không thành công. Chúng ta không nhất thiết phải dạy toàn bộ diễn trình lịch sử đất nước, mà cần phải chọn lựa những nội dung cốt lõi, đặc trưng nhất; và đã dạy, đã học thì phải đi đến ngọn đến nguồn, đến nơi, đến chốn, phải gợi cho học sinh cách thức có thể tìm đến tận cùng sự thật. Điều đó phụ thuộc vào những người xây dựng chương trình đào tạo và làm sách giáo khoa, phải rất căn bản, hệ thống, hợp lý theo khả năng nhận thức và yêu cầu của mỗi lớp học, cấp học.

Tiếp theo là cần đội ngũ giáo viên môn Lịch sử chuẩn. Ngoài kiến thức chuyên môn tốt, giáo viên còn phải có tình yêu và trách nhiệm với nghề dạy học, với lịch sử, khi đó họ sẽ dành tâm huyết nâng cao chuyên môn, tìm ra phương pháp dạy, cách dạy tốt nhất và phù hợp nhất.

Có một số người đưa lý do học sinh sợ học lịch sử vì phải nhớ nhiều. Học gì cũng cần nhớ nhiều, tại sao lại chỉ là môn Lịch sử? Vấn đề là giáo viên có dạy cho học sinh cái cần phải nhớ và cái có đáng nhớ hay không mà thôi. Điều cần thiết hơn cả là phải dạy cách tư duy, cách hiểu để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của người học, chứ không nên áp đặt, bắt học sinh phải nhớ một cách máy móc, nhớ cả những chi tiết vụn vặt mà nhiều khi lại không phải là sự thật lịch sử.

Tôi có hơn 50 năm gắn bó với môn học Lịch sử nên cũng hiểu được đôi nét về các bước thăng trầm của ngành học mình trong hơn nửa thế kỷ qua. Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có năm điểm tuyển khối C lên đến 22,5 điểm; nhưng cũng có năm điểm chuẩn hạ xuống chỉ còn 13, 14 điểm mà cũng không tuyển được mấy người. Làm giáo dục đại học nhiều năm, tôi nhận thấy chất lượng đầu vào mà quá thấp thì chất lượng đầu ra cũng không cải thiện được là bao. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÒA (thực hiện)