Sức lay động từ một đề tài

Phóng viên (PV): Tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Bằng cách riêng, văn học-nghệ thuật, trong đó có điện ảnh cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. Đề tài TBLS đã được thể hiện thế nào trong điện ảnh nước ta, thưa ông?

GS, TS Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ đề tài TBLS là một đề tài lớn, một phần quan trọng không tách rời đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng-đề tài chủ yếu trong lịch sử điện ảnh cách mạng. Hình tượng người chiến sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc có thể thấy đã tạo nên sự chân thực, sự xúc động mạnh mẽ trong nhiều phim truyện và phim tài liệu thành công của điện ảnh Việt Nam.

Trong bộ phim truyện nhựa dài tập đầu tiên "Vĩ tuyến 17, ngày và đêm" (sản xuất năm 1972) của đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hải Ninh, bên cạnh nhân vật Dịu rất thành công do Trà Giang đóng, người xem không thể quên nhân vật bác cả Thuận, Bí thư Chi bộ (do Lại Phú Cương đóng) khi ông chẳng may sa vào tay giặc. Trước khi bị địch thiêu sống, ông đã nói với kẻ thù: “Tao quỳ nửa đời người rồi. Đã đứng lên thì không quỳ nữa”. Ông nói với bà con bằng niềm tin không gì lay chuyển nổi: “Gia đình, làng xóm sẽ sum họp. Kẻ thù có thể thiêu đốt tôi nhưng không thể thiêu đốt cả làng Cát này”. Lời của nhân vật hào sảng và xúc động, có sức mạnh cổ vũ người dân.

Năm 1978, Hãng phim Giải phóng cho ra đời bộ phim truyện "Mùa gió chướng" của đạo diễn, NSND Hồng Sến. Trong phim "Mùa gió chướng", nhân vật Tám Quyện bị sa vào tay giặc. Trước khi bị địch chôn sống, bác Tám Quyện bình thản nói với bà con: “Thím Tư, tôi còn nợ thím 200 đồng với 4 lút gạo, giờ tôi xin chú thím... Chị Chín, tôi hứa sửa lại cho chị cái mái nhà... Chú Năm, tôi có lỗi với chú vì tôi không bảo vệ được chú. Xin chú, xin bà con hãy thứ lỗi cho tôi nghe”. Nhân vật Tám Quyện thể hiện những ân tình sâu nặng, sự gắn bó với con người và mảnh đất mình đã sống.

Trong bộ phim "Con chim vành khuyên" của đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông và NSND Trần Vũ, nhân vật bé Nga do Tố Uyên đóng đã bất chấp hiểm nguy, thông báo cho cán bộ kháng chiến cạm bẫy của kẻ thù. Hành động cuối cùng sau khi trúng đạn địch của bé Nga là thả con chim vành khuyên lên bầu trời. Bộ phim là bài ca về sự sống bất diệt.

Từ các bộ phim rất thành công nêu trên có thể thấy rằng, cách xây dựng nhân vật có thể khác nhau, diễn tả sự hy sinh có thể khác nhau nhưng cảm hứng chung vẫn là sự ngợi ca, sự tri ân và sự diễn tả sâu sắc, xúc động về những người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Sự hy sinh của những người con ưu tú để lại cho văn hóa dân tộc Việt Nam một lẽ sống cao đẹp.

 Sau bộ phim tài liệu đầy xúc động "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi", điện ảnh Việt Nam cho ra đời bộ phim truyện "Nguyễn Văn Trỗi" (NSND Bùi Đình Hạc đạo diễn). Người dân ở nhiều làng quê đã "trống giong cờ mở" đi đón bộ phim truyện "Nguyễn Văn Trỗi" như đón anh Trỗi về làng, để rồi sống theo gương người anh hùng. Có thể kể nhiều bộ phim thành công khác, như: "Bao giờ cho đến tháng mười", "Đừng đốt" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; "Ngã ba Đồng Lộc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh; "Mùi cỏ cháy" của đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hữu Mười; mới đây là "Bình minh đỏ" của đạo diễn, NSND Thanh Vân... và nhiều phim khác nữa.

Đề tài TBLS cũng được triển khai nhiều và khá phong phú trong các phim tài liệu với nhiều nội dung mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Xuyên suốt các bộ phim là vẻ đẹp của con người. Nhiều vấn đề xã hội, đạo đức được đặt ra trong các phim "Trên chiếc xe lăn", "Trở lại Ngư Thủy" của đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích, "Chị Năm Khùng" của đạo diễn, NSƯT Lại Văn Sinh.

leftcenterrightdel
"Mùi cỏ cháy" là bộ phim thành công thể hiện đề tài thương binh - liệt sĩ. 

Ở đề tài này, Điện ảnh Quân đội nhân dân có rất nhiều đóng góp mà tôi nghĩ có thể làm một cuốn sách hấp dẫn về phim của những người làm phim quân đội. Lăn lộn với thực tế, sống cuộc sống của người chiến sĩ, gặp nhiều người, tận mắt chứng kiến những con người với những số phận khác nhau, phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân chứa đựng những giá trị tinh thần rất có ý nghĩa. Phim "Đi tìm đồng đội" của biên kịch Phan Kiều và đạo diễn, NSƯT Trịnh Rãng (Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam) là những thước phim nhựa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ghi lại chân thực, xúc động cảnh tìm hài cốt giữa muôn vàn khó khăn, trở ngại của những người lính. Phim "Ngôi sao không tắt" của đạo diễn, NSƯT Trần Phi từ ngôi sao trên mộ liệt sĩ kể về một chiến công. Phim "Có một bài ca" của đạo diễn, NSƯT Trần Vinh kể về một thương binh bị liệt nhưng ký ức hào hùng luôn sống trong anh, trên giường bệnh vẫn sáng tác bài ca đầy xúc động về hương sắc rừng tràm.

Thế hệ làm phim trẻ của Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn tiếp tục được truyền thống quý báu ấy. Có thể kể đến các phim: "Người trở về" của biên kịch Thu Dung, đạo diễn Đặng Thái Huyền; "Ngày về" của biên kịch Nguyễn Đức Thực, đạo diễn Phạm Thanh Hùng; "Chưtankra" của đạo diễn Vũ Minh Phương...

Những bộ phim đã cho thấy, đây là một đề tài có sức lay động rất lớn với người làm phim và khán giả cũng như xã hội.

Không thể có người xem nếu làm phim dễ dãi

PV: Từ hơn 30 năm trước, ông đã tham gia nhiều bộ phim về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, hy sinh của TBLS với vai trò tác giả kịch bản, biên tập, đạo diễn. Với ông, khó-dễ của phim về đề này là gì?

GS, TS Trần Thanh Hiệp: Khó-dễ của việc làm phim đề tài này là gì ư? Đúng là trong cuộc đời của mỗi người làm phim đều có thể gặp muôn vàn trở ngại do khách quan mang lại. Không con đường nào được trải thảm cả, nhất là khi tâm lý người xem có sự biến đổi, đã có sự lựa chọn khác nhau khi xem phim. Điện ảnh khi được quan niệm là một ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa đang phải đứng trước sự cạnh tranh rất lớn. Nếu phim làm dễ dãi, kể chuyện theo lối mòn, không có sự bứt phá sáng tạo thì không thể có người xem. Lạm dụng phương tiện kỹ thuật cũng vậy. Yếu tố quan trọng nhất đó là phẩm chất, tài năng, tâm, tầm của người làm phim. Tôi nghĩ làm phim đề tài này là sự khám phá đầy tài năng về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định nhân cách và hệ giá trị tinh thần, góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hôm nay những phẩm chất cần có trong không gian sinh tồn mới.

Bảo vệ giá trị văn hóa cốt lõi

PV: Phim về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, TBLS đến nay vẫn được cho là kén người làm phim và cả khán giả. Phải chăng như nhiều người cho rằng, vì phim đề tài này chủ yếu là dòng phim tài liệu nên kém hấp dẫn và hầu như do Nhà nước đặt hàng để phục vụ tuyên truyền nên ít tính cạnh tranh để đòi hỏi phải đầu tư sáng tạo, thưa ông?

GS, TS Trần Thanh Hiệp: Đề tài TBLS là đề tài dễ động tới trái tim của hàng chục triệu người Việt Nam bởi gia đình nào cũng có những ký ức không thể quên về chiến tranh. Tôi không nghĩ đây là đề tài kén khán giả. Vấn đề là phim có hay không, có chân thực, hấp dẫn không, có cách làm mới mẻ, chứa đựng sự khám phá, phát hiện phù hợp với tâm lý, thị hiếu người xem hôm nay không. Điều này vô cùng quan trọng, nhất là khi trên thị trường điện ảnh đang phát triển rất năng động của Việt Nam, phim Việt Nam hôm nay không còn "một mình một chợ".

Hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam có khoảng 180 rạp với 1.000 màn ảnh. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, một năm chiếu khoảng 230 phim truyện nước ngoài, 40 phim truyện do Việt Nam sản xuất. Phim truyện nước ngoài hầu hết là sản phẩm của những nền điện ảnh lớn. Bức tranh trên cho thấy sự hội nhập sâu với thế giới, đồng thời còn cho thấy có sự cạnh tranh lớn, khốc liệt trong thị trường Việt. Nhiều nhà điện ảnh tư nhân của Việt Nam đã tìm đến các đề tài, các thể loại từng mang lại thành công về doanh thu của các nhà làm phim nước ngoài. Phim ma, phim xác sống, phim kinh dị, phim hành động, phim đồng tính, phim tâm lý tình cảm... Không ít phim làm theo kịch bản nước ngoài được Việt hóa. Điều đáng chú ý là đến nay, chưa có cơ sở làm phim tư nhân nào làm phim về đề tài TBLS, đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.

Thực tế trên đặt ra những điều rất đáng suy nghĩ đối với những người làm phim và những người làm công tác quản lý điện ảnh, quản lý văn hóa.

leftcenterrightdel

GS, TS Trần Thanh Hiệp. Ảnh do nhân vật cung cấp

PV: Trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam và thế giới, theo ông, làm thế nào để phim về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng nói chung, cũng như phim về TBLS mang hơi thở đương đại, đáp ứng thị hiếu khán giả, nhất là khán giả trẻ, giúp lan tỏa nhiều hơn những giá trị nhân văn tới xã hội?

GS, TS Trần Thanh Hiệp: Trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, ở quốc gia nào cũng đều có điều luật, có chính sách bảo vệ các giá trị văn hóa cốt lõi của mình. Các đề tài quan trọng đều có chính sách khuyến khích, có dự án khác nhau. Mỹ như vậy, Nga như vậy, Pháp cũng như vậy. Trong một chuyến công tác mà tôi được tham gia khảo sát văn nghệ Trung Quốc, nước bạn đưa ra phương châm đang thực thi là "Trăm hoa đua nở, hát vang giai điệu chính". Bạn giải thích, "trăm hoa đua nở" nghĩa là khuyến khích, tạo điều kiện cho tự do sáng tác. Riêng "giai điệu chính" sẽ rất khuyến khích và tạo điều kiện, kể cả tài trợ. Tôi hỏi: "Giai điệu chính" là gì? Bạn trả lời, "giai điệu chính" là chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc, là hiện đại hóa, cải cách, mở cửa.

 Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã đưa ra các chính sách phát triển điện ảnh dân tộc. Vấn đề hiện nay là đưa luật vào cuộc sống và người làm phim phải đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người xem hôm nay.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)