Đề tài dễ chạm trái tim người viết và người đọc
Phóng viên (PV): Thưa ông, cách đây không lâu, Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động viết về đề tài TBLS. Kết quả cuộc vận động đến nay ra sao? Với vai trò Chủ tịch Hội đồng chung khảo giải thưởng, ông kỳ vọng gì ở cuộc vận động viết này?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Viết về những người có công với đất nước nói chung và TBLS nói riêng là đề tài rộng lớn, xuyên suốt của văn chương. Ở góc độ khác, đó là món nợ của những người cầm bút, đặc biệt là người viết đã có một thời trực tiếp cầm súng, mặc áo lính bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cuối năm 2021, Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc vận động viết về đề tài này. Lúc đầu, chúng tôi dự kiến phát động cuộc thi viết. Nhưng rồi chuyển sang cuộc vận động viết với mục đích nhằm lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả vì đất nước của liệt sĩ, thương binh và gia đình liệt sĩ.
Để tạo điều kiện cho nhà văn, nhà báo nói riêng và người viết nói chung có tác phẩm đạt chất lượng cao, chúng tôi cung cấp thông tin và cùng nhà văn Trình Quang Phú tổ chức trại viết tại Khu du lịch Đồi Thơm-Sao Việt (Phú Yên); phối hợp với UBND huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tổ chức chuyến đi sáng tác cho các nhà văn tại Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia khu vực đồn Long Khốt (Long An)...
Sau những chuyến đi ấy, chúng tôi thu hoạch bất ngờ. Người viết chuyên nghiệp và không chuyên đã gửi về ban tổ chức hàng trăm tác phẩm. Ban sơ khảo cuộc vận động do nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh làm trưởng ban đã chọn nhiều tác phẩm đạt tiêu chí dự giải đăng trên Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh và đặc san Linh khí Quốc gia thuộc Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh. Ban giám khảo là những nhà văn có uy tín, giàu kinh nghiệm nghề nghiệp được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chọn mời. Theo kế hoạch, cuối tháng 9-2022, chúng tôi khép lại đợt 1 (thể loại bút ký) để chọn các tác phẩm đạt yêu cầu trao giải và chuẩn bị xuất bản tập sách về chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”.
Giờ này để nói gì cũng còn quá sớm, nhưng tôi tin cuộc vận động viết này sẽ đạt kết quả như mong muốn. Bởi lẽ, như tôi nói đề tài tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ, dễ chạm vào trái tim cả người viết và người đọc. Hơn nữa, sự phối hợp của 3 đơn vị cùng sự đồng hành của các đơn vị, cơ quan, trong đó có các nhà tài trợ là yếu tố bảo đảm cho sự thành công. Vấn đề còn lại là tổ chức và tổ chức. Tổ chức lan tỏa cuộc vận động viết để nhiều người tham gia. Tổ chức lựa chọn, trao giải, quảng bá các tác phẩm có giá trị. Và tổ chức để các tác phẩm ấy “đi vào cuộc sống”.
Để có tác phẩm xuất sắc
PV: Đánh giá chung về văn học viết về đề tài TBLS, ông có nhận định thế nào?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Đề tài TBLS chính là món nợ khôn nguôi của người đang sống nói chung và những người viết nói riêng đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước, quân đội đã có nhiều chủ trương, biện pháp tạo điều kiện cho các nhà văn “trả món nợ” này. Nhưng công bằng mà nói, chưa có nhiều tác phẩm tương xứng với sự hy sinh cao cả, to lớn ấy. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có hai vấn đề chính. Thứ nhất, chúng ta chưa đầu tư đúng mức tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà văn. Đôi khi có đầu tư nhưng thường “đầu voi đuôi chuột”.
Thứ hai, về phía người viết, các nhà văn, đặc biệt là nhà văn trải qua chiến tranh chưa bền bỉ đeo bám để “đẻ trứng vàng”. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lùi xa. Tiếp đến là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ biển, đảo và làm nghĩa vụ quốc tế. Sự kiện chồng lên sự kiện. Món nợ của người cầm bút càng nặng thêm. Đó là điều đáng suy ngẫm. Dù trăm công nghìn việc nhưng tôi nghĩ những người có trách nhiệm cần chú ý đến điều này. Việc đánh giá, quảng bá các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nói chung, đề tài TBLS nói riêng đã đúng mức chưa? Có không các giải thưởng văn chương gần đây chú trọng các tác phẩm có nét riêng, nặng về cuộc sống đương đại mà thiếu vắng những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến?
PV: Như ông đánh giá, viết về chiến tranh cách mạng nói chung, đề tài TBLS nói riêng vẫn được cho là chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc, xứng tầm. Phải chăng, một phần do thế hệ cầm bút từng trải qua chiến tranh có nhiều trải nghiệm đã dần vắng bóng, còn với thế hệ cầm bút trẻ, đây là một đề tài đầy thách thức?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Như trên tôi đã nói, món nợ này của những người viết đã từng trải qua chiến tranh là khôn nguôi, còn rất nặng. Theo quy luật tạo hóa, những nhà văn qua chiến tranh đã lớn tuổi và lần lượt đi theo tổ tiên. Những nhà văn chưa qua chiến tranh, dù có điều kiện học hành bài bản và trái tim bỏng cháy nghề nghiệp nhưng họ thiếu thực tế, vốn sống chiến tranh. Cần tạo cảm hứng cho họ sáng tác để các tác phẩm của họ vừa có hồn vía của quá khứ, vừa có hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại. Điều quan trọng là các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang phải truyền hơi ấm đến người đọc, lưu giữ ký ức chiến tranh và thấy rõ trách nhiệm của thế hệ nối tiếp.
PV: Nhiều tác phẩm nổi bật của các tác giả trẻ thời gian gần đây về đề tài này thường được tác giả thực hiện sau thời gian nhiều năm nung nấu, tìm hiểu. Ông có nghĩ, dành nhiều tâm huyết, thời gian là điều bắt buộc với người viết trẻ, để khắc phục được hạn chế về trải nghiệm?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Tâm huyết là điều tiên quyết. Thời gian là yếu tố không đồng nhất của người sáng tác. Tuy nhiên, cần thời gian suy ngẫm và trải nghiệm thực tế là điều cần có để sáng tạo một tác phẩm văn chương đạt tới sự mong muốn. Về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có việc không phải ai trải qua chiến tranh cũng có thể cho ra đời các tác phẩm có giá trị và ngược lại. Vấn đề là tài năng của người viết. Nhà văn không thực tài, không tâm huyết thật khó trình làng những tác phẩm có giá trị. Khi nhà văn có tài, lại được trải nghiệm, được khuyến khích, đầu tư, tôi nghĩ đó là yếu tố cần và đủ để xuất hiện những tác phẩm có giá trị cả về nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện.
Khai thác đời sống đương đại
PV: Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến nay, nước ta vẫn đang có hàng triệu thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công đang từng ngày, từng giờ vươn lên trong cuộc sống. Đây có phải là một mảng của đề tài mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn không, thưa ông?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Đó cũng chính là một trong những tiêu chí mà ban tổ chức cuộc vận động viết của chúng tôi đề ra. Không chỉ ca ngợi, lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả của TBLS mà còn đề cập tới sự hy sinh, chịu đựng thầm lặng của thân nhân liệt sĩ, thương binh. Đó là những người mẹ mòn mỏi đợi con, những người vợ mòn mỏi chờ chồng, những đứa con khắc khoải đợi cha... Người nằm xuống “xanh cỏ đỏ ngực”, nhưng người ở lại phải đương đầu với một cuộc chiến không kém phần cam go, khốc liệt. Đó là hội chứng “phía sau mặt trời” mà văn học phải khám phá, lý giải... Và một điều đáng trân trọng mà văn chương chưa đề cập hết, đó là việc vượt lên chính mình của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Nhiều vợ, con liệt sĩ, nhiều thương binh, bệnh binh “tàn mà không phế” đang đứng mũi chịu sào những tập đoàn kinh tế, văn hóa...
Chúng tôi khuyến khích và mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm viết về họ, viết về mảng đề tài này.
PV: Thưa ông, giai đoạn hiện nay, đối tượng người đọc và cả người viết hầu hết sinh ra sau chiến tranh, cùng sự phát triển của đời sống xã hội trong thời kỳ bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế. Điều đó đòi hỏi người cầm bút nói chung, nhất là thế hệ trẻ phải có cách tiếp cận, thể hiện ra sao khi viết về TBLS để đáp ứng yêu cầu thời đại?
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển: Con người là sản phẩm xã hội. Xã hội nào con người nấy. Dẫu thế, vẫn có mẫu số chung đó là phẩm chất người của mỗi con người cụ thể và con người thời đại. Ví dụ, Quân đội ta sắp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập. Bộ đội Cụ Hồ mỗi giai đoạn có nét biểu hiện riêng nhưng mẫu số chung đều giống nhau. Đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, đất nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc... Cần thông tin và tạo điều kiện để những người viết trẻ tiếp cận, khám phá điều ấy. Đó cũng là một kênh tạo cảm hứng sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của người cầm bút.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG HÒA (thực hiện)