Có bộ phận rơi vào ích kỷ

Phóng viên (PV): Thưa ông, Hội Nhà văn Việt Nam hiện chỉ có khoảng 1% hội viên dưới 35 tuổi. Không ít người lo ngại về thế hệ kế cận của văn chương Việt Nam. Phải chăng là bởi lực lượng cầm bút trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghiệp viết?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Hiện trạng về tuổi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam quả thực là như vậy. Số nhà văn trẻ chiếm tỷ lệ quá ít trong hội do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, lâu nay, Hội Nhà văn Việt Nam tạo ra cảm giác chỉ những người viết nhiều năm, lớn tuổi mới có thể trở thành hội viên, cho dù trong dăm năm trở lại đây, số người trẻ được kết nạp vào hội tăng lên nhiều so với trước kia. Thứ hai, nhiều người trẻ không mấy quan tâm đến việc vào hội hay không. Cho dù nguyên do thế nào thì thực trạng ấy cũng là trách nhiệm của Ban chấp hành. Bởi thế, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã có thay đổi mang tính chiến lược cho sự phát triển đội ngũ là tập trung vào các nhà văn trẻ. Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã có Giải thưởng Tác giả Trẻ. Hơn nữa, chúng tôi cũng vận động các nhà văn trẻ có tài và dấn thân cho sáng tạo vào hội.

Về chất lượng tác phẩm của các nhà văn trẻ thì ngay Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2021 đã cho thấy khá rõ ràng. Nếu những tác phẩm này xuất hiện cách đây 30 năm, 50 năm, tôi tin sẽ tạo được dư âm rộng lớn hơn rất nhiều. Nhưng ngày nay, cái nền của văn chương Việt Nam đã cao hơn nhiều, bởi thế, để một tác phẩm tạo được dư luận khó khăn hơn thời chúng tôi còn trẻ. Tất nhiên, có không ít người trẻ xuất phát đầy hy vọng nhưng rồi họ rẽ sang lối khác mà không theo đuổi sự nghiệp văn chương.

PV: Đánh giá về đội ngũ viết văn trẻ hiện nay, theo ông, đâu là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chưa bao giờ những người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những tri thức, xu hướng văn học, nghệ thuật, câu chuyện trên thế giới thuận lợi như hiện nay. Khởi đầu của họ so với các nhà văn trẻ cách đây 30-50 năm khác rất nhiều, ở một nền tảng cao hơn về tri thức và nghệ thuật viết. Nhưng vấn đề là lương tâm của người cầm bút, là lương tri của anh có nhiều hơn các nhà văn thế hệ trước? Và tôi cảm giác tư thế và tâm thế của nhiều người viết trẻ hiện nay không giống các nhà văn trẻ trước đây, nhất là trước khi đất nước thống nhất-khi người viết trẻ bước vào thách thức và sứ mệnh lớn lao đồng hành với dân tộc để thống nhất đất nước. Người viết trẻ hôm nay sống trong điều kiện tự do, sự phát triển kinh tế-xã hội với nhiều điều kiện về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là những bước đi dân chủ rộng lớn mang lại cho họ rất nhiều quyền lợi để sáng tạo, nhưng ở đó có vấn đề khác trong sự sáng tạo của họ.

Ấy là có bộ phận rơi vào sự ích kỷ, khi cầm bút không nghĩ đến người khác, không nghĩ đến mang lại điều gì cho bạn đọc. Đó là thực tế đang diễn ra trong một bộ phận những người viết, không chỉ những người viết trẻ.

Trăn trở lý do cầm bút

PV: Có phải vì thế mà hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tới đây mang chủ đề, cũng là câu hỏi đặt ra: “Vì sao chúng ta viết?”, như là để mỗi người xác định lại động cơ cầm bút của mình, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chủ đề cũng là một câu hỏi lớn của Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X là “Vì sao chúng ta viết?”. Câu hỏi này tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với những người viết trẻ lúc này. Nếu những nhà văn trẻ và ngay cả các nhà văn đã thành danh khi viết không ý thức được mình viết vì lý do gì thì đó là điều đáng thất vọng.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (bên trái) trong buổi ra mắt sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: THU HÒA

Như tôi đã nói, người viết trẻ hiện nay có tri thức, có nghệ thuật, nhưng người viết ở Việt Nam nói chung có cái gì đó xa rời đời sống con người và thứ nữa là họ thường viết vì cái gì đó rất cá nhân. Chúng ta tôn trọng họ nhưng phải đặt ra câu hỏi là: Vì sao chúng ta viết? Chúng ta phải khám phá ra những vẻ đẹp của cuộc sống và lan tỏa nó. Họ có thể viết bất cứ dòng văn học nào nhưng khi hiện diện phải vì con người, vì dân tộc, đồng hành với dân tộc, viết vì những điều tốt đẹp, chống lại cái ác và gieo vào lòng con người những hạt giống của những điều tử tế, tốt đẹp.

Và sứ mệnh của những người cầm bút là phải trả lời câu hỏi đó. Thế hệ chúng tôi hay xa hơn, khi đọc được một cuốn sách hay thường nhen lên mong ước làm những gì tử tế, lớn lao, dù có thể không thực hiện được những mục đích thực sự lớn lao trong cuộc đời nhưng con đường của ta luôn nghĩ, hành động về điều đó. Viết như thế nào là nghệ thuật, nhưng viết cho ai, viết về cái gì là phụng sự của văn chương với đời sống này. Ở đó phải mở ra những vẻ đẹp, niềm hy vọng cho dù họ có thể sống trong thời kỳ bình yên hay có lúc đầy thách thức, thăng trầm của dân tộc.

Có lẽ chưa bao giờ những người viết có thể có tự do và điều kiện xuất bản, công bố tác phẩm thuận lợi như bây giờ. Rất nhiều nhà văn đã can đảm đấu tranh chống lại những cái ác trong đời sống này, nhưng không ít người đã không lấy cho mình đôi cánh tự do ấy để bay lên trên bầu trời đẹp đẽ của sự sáng tạo, mà họ tự cho mình đôi chân tùy tiện sa lầy vào những cái ích kỷ, cá nhân, thậm chí nguyền rủa, chửi bới con người. Ranh giới giữa tự do và tùy tiện trong thời đại cầm bút hiện nay mong manh như hơi thở, đặc biệt là với các nhà văn trẻ. Bởi văn chương, nếu không vì con người, vì cái đẹp, cái thiện và chống lại cái ác, bất công, chống lại những cái gieo vào lòng con người sự hận thù, ích kỷ thì văn chương sẽ trở nên vô nghĩa, không còn là văn chương nữa.

 Câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” không chỉ đặt ra trong hội nghị mà đó chính là trách nhiệm của nhà văn với con người và cộng đồng mỗi khi cầm bút viết. Câu hỏi đó phải được đặt ra ngày ngày như một thái độ sống và sáng tạo của nhà văn.

Quan tâm, khuyến khích người trẻ dấn thân

PV: Giải thưởng Tác giả Trẻ lần đầu được trao năm 2021 đã cho thấy sự quan tâm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với các tác giả trẻ, qua đó cũng thể hiện một phần quan điểm, thái độ định hướng của hội trước những tư tưởng, xu hướng sáng tác đa dạng của đông đảo người viết trẻ hiện nay. Tuy nhiên, sau tôn vinh, trao giải, thiết nghĩ hội cần nhiều hơn những hoạt động hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người viết trẻ, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam có giải thưởng cho các nhà văn trẻ, được giới văn nghệ sĩ và xã hội ủng hộ. Giải thưởng ủng hộ mọi khuynh hướng tìm tòi trong sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân cho văn học của các tác giả trẻ. Nhưng Hội Nhà văn Việt Nam không phải là người bước tới trao cho tác giả trẻ một giải thưởng rồi bỏ đi. Câu hỏi của chị cũng chính là chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam đối với thế hệ nhà văn trẻ. Chúng tôi sẽ tìm cách để giới thiệu tác phẩm của họ đến bạn đọc trong một diện rộng khắp hơn, tìm cách hỗ trợ họ trong những điều kiện có thể và tạo cho họ những cơ hội được tiếp xúc với các nền văn học và văn hóa khác.

Cụ thể, đầu tiên là chúng tôi trao giải thưởng cho họ, tôn trọng họ. Tiếp đó, sẽ tìm nguồn tài trợ để in những cuốn sách tiếp theo của họ. Hằng năm, sau Giải thưởng Tác giả Trẻ, chúng tôi sẽ mở hội thảo, tọa đàm về chính những tác phẩm đoạt giải để bạn đọc cũng như giới chuyên môn hiểu hơn, chia sẻ và có đánh giá sâu hơn giúp cho sự phát triển của tác giả. Tôi nghĩ họ cũng cần phải được giao lưu với những nền văn hóa, văn học khác trên thế giới. Nếu trước đây, những chuyến đi như vậy hay dành cho nhà văn lớn tuổi thì bây giờ tôi nghĩ những người trẻ cần được tham dự, kể cả chưa phải hội viên.

Bản thân tôi trước kia có điều kiện đi và tiếp xúc, mỗi lần được tiếp xúc với các trí thức, nhà văn, nhà văn hóa nước ngoài sẽ thấy rõ khiếm khuyết của mình và biết ta đang ở đâu để làm được điều tốt hơn. Những việc cơ bản như in sách, tạo cơ hội trao đổi nghề nghiệp, tổ chức các cuộc quảng bá tác phẩm, tác giả... tôi nghĩ đó là đang mở ra thời đại với những điều kiện rất mới cho tác giả trẻ nói chung. Ngoài ra, chúng tôi vẫn quan tâm, như việc chọn lựa in một số cuốn sách, tác phẩm của người viết trẻ có dấu hiệu hay. Và lần đầu tiên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tìm đến họ, nghe họ, đọc tác phẩm của họ và tìm cách quảng bá tác phẩm của họ khi họ chưa có điều kiện. Khi tôi đọc được trên Facebook cá nhân của tác giả Lê Đình Tiến những bài thơ lục bát rất hay, vô cùng chân quê, chúng tôi tìm đến cùng trao đổi, khích lệ tác giả viết và sẽ in một tập thơ lục bát của bạn ấy. Nghĩa là, chúng tôi quan tâm, ủng hộ các tín hiệu cho những tác giả tốt trong tương lai và những tác giả đó cũng muốn dâng hiến, dấn thân theo con đường văn chương thì chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Tất nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là phần rất nhỏ, với kinh phí rất ít ỏi, dù chúng tôi đã nỗ lực xã hội hóa để giúp họ không chỉ bằng tiền, lời nói mà còn các cơ hội khác, nhưng tôi nghĩ cần có chiến lược chung cho những tác giả trẻ với sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước và các đơn vị khác.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)