Phóng viên (PV): Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 vừa qua, hai vở diễn “Hố đen” và “Người con gái sông Bồ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội tham gia đều được đánh giá cao. Thành tích 1 huy chương vàng cho vở diễn; giải thưởng âm nhạc xuất sắc; 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 2 huy chương đồng cá nhân đã phần nào khẳng định được bản lĩnh cũng như nỗ lực của sân khấu kịch nói quân đội trong hai năm sân khấu cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19, thưa anh?

Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng: Quả thực, sân khấu kịch nói quân đội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy vậy, ngoại trừ chỉ tiêu đêm diễn bởi lý do khách quan, chúng tôi đã nỗ lực để hoàn thành được hầu hết các chỉ tiêu đề ra: Dàn dựng thành công hai vở mới mỗi năm; tổ chức tập huấn, trại sáng tác hằng năm; tham dự Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2020... Tổng kết năm 2021, nhà hát được thủ trưởng Tổng cục Chính trị tặng cờ thi đua.

leftcenterrightdel
Đại tá Nghiêm Đình Thắng. Ảnh: THU HÒA 

Chúng tôi xác định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vấn đề quan trọng đầu tiên, tiên quyết chính là con người, phải có sự đồng lòng, phát huy được sức mạnh của tập thể. Bởi vậy, chỉ riêng trong công tác chuyên môn, 5 thành viên hội đồng nghệ thuật và 9 thành viên hội đồng thẩm định kịch bản đã làm việc trên tiêu chí công tâm, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi quan hệ thân sơ, cảm tính... để chọn ra những kịch bản chất lượng theo đúng những tiêu chí của nhà hát đặt ra. Đặc biệt, đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang luôn phải là đề tài xuyên suốt với sân khấu quân đội. Vì vậy, tác phẩm phải bảo đảm mang tính tư tưởng cao, nội dung phản ánh được hình tượng người chiến sĩ, nhất là người chiến sĩ hôm nay.

“Người con gái sông Bồ” của tác giả Xuân Đức là tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng không mới nhưng vẫn nói được câu chuyện, mang hơi thở ngày hôm nay. Đó là ý Đảng, lòng dân và tình quân dân gắn bó mà thời nào cũng rất cần và quan trọng, như Nguyễn Trãi từng nói “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hay với “Hố đen” của tác giả Bùi Vũ Minh, đó là kịch bản gây ấn tượng với riêng tôi ngay từ khi đọc lần đầu sau cuộc vận động sáng tác. Và thật vui là các thành viên hội đồng nghệ thuật cũng cùng quan điểm cho rằng đây là một kịch bản tốt khi thể hiện hình tượng người chiến sĩ sau chiến tranh. Tác phẩm đã thẳng thắn phản ánh có những người khi trở về cuộc sống đời thường đã không giữ được mình, vấp ngã, sai lầm... Nhưng cuối cùng, trên hết vẫn là thông điệp ngợi ca phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ được tiếp nối từ cuộc kháng chiến đến thời bình xây dựng đất nước. 

Cùng với việc phát huy tối đa năng lực, sở trường của các diễn viên và thành phần sáng tạo khác, chúng tôi đã minh chứng được sức mạnh tập thể bằng chính những tác phẩm giá trị, đi vào lòng người như thế.

PV: Nói thêm về vở diễn “Hố đen”. Nhân vật chính-chủ tịch UBND tỉnh Chiến-từng là một người lính nhưng sau chiến tranh, những xấu xa: Lừa gạt người yêu, đồng đội, sống cơ hội; một đảng viên, lãnh đạo tham ô, biến chất, vụ lợi trên mồ hôi nước mắt của dân; một người cha, người chồng thiếu trách nhiệm... đều hội tụ trong con người ông. Nhân vật như ông Chiến trên sân khấu lâu nay không hiếm, nhưng thường chỉ là nhân vật phụ bởi đó không phải điển hình. Trong khi, với sân khấu nói chung, với sân khấu quân đội nói riêng, hình tượng bộ đội vẫn thường được khắc họa theo mô-típ rất mẫu mực, đẹp đẽ, thì ở “Hố đen”, cái xấu lại được thể hiện nhiều quá, rõ nét quá...?

Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng: Tôi hiểu ý của bạn, đó cũng là điều nhiều người bày tỏ với tôi. Nhưng khi quyết định chọn làm vở diễn này, chúng tôi có niềm tin rất lớn vở diễn sẽ mang lại những thông điệp ý nghĩa và cũng sẵn sàng để nhận những ý kiến trái chiều. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, bên cạnh những người luôn tô thắm, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thì cũng có cá nhân đã không giữ được mình, đã sai lầm và phải trả giá. Văn học, nghệ thuật nếu chỉ nhìn phiến diện, ca ngợi một chiều sẽ dễ gây nhàm chán, thiếu sức thuyết phục. Văn học, nghệ thuật nói chung, sân khấu kịch nói riêng cần phản ánh đa chiều, có nhiều cách thể hiện khác nhau, làm phong phú nội dung cũng như góc nhìn về người lính để gần gũi hơn với công chúng. Và dù thế nào thì điều quan trọng nhất chính là tác phẩm phải hướng con người tới giá trị chân-thiện-mỹ.

Ông Chiến trong “Hố đen” có rất nhiều cái xấu xa, tưởng chừng cuộc đời ông sẽ trượt dài trong những dối trá, lừa lọc, đánh mất lương tri, mất hết tình thân, bạn bè. Nhưng khi ngã bệnh, trong cơn mê man ông đã thấy linh hồn những đồng đội, người yêu bị ông dối lừa... và ông được thức tỉnh. Ông biết hối hận, ăn năn, biết dừng lại để suy ngẫm đúng-sai và sẵn sàng từ chức, nộp lại tài sản tham ô, cố gắng bù đắp lại phần nào những sai lầm của mình... Đâu đó, vẫn có người lính mắc sai lầm nhưng đó không phải tất cả và bản chất Bộ đội Cụ Hồ sẽ không bao giờ mất đi, dù có thể lúc nào đó, có phần nào đó bị che mờ đi. Lâu nay, có nhiều chi tiết, cách thể hiện trên sân khấu mà chúng ta vẫn cho là nhạy cảm, khó thể hiện, khó được duyệt, nhưng các nhà thẩm định cũng có cái nhìn rất công tâm, đa chiều bởi cái lớn hơn chúng ta cần quan tâm là tính nhân văn, thông điệp, tư tưởng gửi đến người xem. Tôi cho rằng, sân khấu kịch đang cần nhiều hơn những tác phẩm như “Hố đen”.

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở kịch "Hố đen". Ảnh: HOÀNG SONG HÀO 

PV: Sân khấu, nhất là sân khấu kịch nói quân đội luôn cần những tác phẩm mới mang tính tư tưởng sâu sắc, thông điệp ý nghĩa về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm về Bộ đội Cụ Hồ ngày hôm nay, thưa anh?

Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng: Đây đúng là một vấn đề khó khăn, thách thức đối với chúng tôi và cũng là thách thức từ chính các tác giả. Thực ra, không phải không có kịch bản mới về bộ đội ngày hôm nay, nhưng chúng tôi là những người sáng tạo lần thứ hai và cũng phải “có bột mới gột nên hồ”. Để chọn được kịch bản tốt dàn dựng không phải là việc dễ dàng. Hằng năm, nhà hát tổ chức trại sáng tác kịch bản đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, mời các tác giả trong và ngoài quân đội tham gia, đi thực tế. Các tác giả cũng rất cố gắng nhưng tác phẩm phản ánh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới vẫn chưa được như mong đợi.

Trước thực trạng này, chúng tôi khắc phục bằng cách khai thác, làm mới các kịch bản cũ về bộ đội trong chiến tranh, sau chiến tranh để nói câu chuyện của ngày hôm nay. Cùng với đó, chúng tôi cũng chủ động bồi dưỡng, phát huy sức sáng tạo từ đội ngũ biên kịch của nhà hát. Năm 2020, khi thấy kịch bản “Những ngày không bình yên” của Thiếu tá Vũ Thu Phong (Phòng Nghệ thuật) có tứ hay, ban lãnh đạo nhà hát đã quyết định mời đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng góp ý cho kịch bản và cộng tác để dàn dựng vở diễn. Tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" năm 2020, vở kịch đã giành huy chương bạc. Đó là kết quả rất ý nghĩa. Với các tác giả khác của nhà hát cũng vậy, chúng tôi chủ trương, từ kịch bản vở diễn đến những kịch bản ngắn, hoặc những sáng tạo khác... nếu hay, tốt thì chúng tôi đều đón nhận, nếu hay vừa phải, hoặc chưa hay lắm thì phải mời chuyên gia góp ý thêm để làm cho hay hơn. Qua đó, cũng giúp các tác giả của nhà hát được học hỏi, phát triển và hứa hẹn cho những tác phẩm mới.

PV: Hiện nay, sân khấu cả nước đang đứng trước yêu cầu đổi mới để hấp dẫn khán giả. Từ năm 2016, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã rất mạnh dạn với sân khấu thử nghiệm trong vở kịch “Dưới cát là nước”, đến nay thì sao, thưa anh?

Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng: Đòi hỏi thay đổi để thích ứng là điều nghiễm nhiên và sân khấu kịch quân đội cũng không nằm ngoài yêu cầu đó để có tác phẩm hấp dẫn, tạo món ăn tinh thần mới mẻ cho bộ đội và công chúng. “Dưới cát là nước” là một thử nghiệm mới, “Hố đen” cũng là một cách đổi mới... Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực sáng tạo qua mỗi tác phẩm, có thể là đổi mới về đề tài, hình thức thể hiện, lối diễn... nhưng như tôi đã nói, dù đổi mới thế nào, vở diễn cũng phải hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ.

Thử nghiệm, giao thoa trong nghệ thuật thực ra là điều rất khó thuyết phục nhau. Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu từng nói rằng, một vở diễn thành công thì khán giả chỉ biết Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu là đạo diễn, nhưng họ không biết rằng đạo diễn cũng đã tiếp thu từ những người khác để tạo nên tác phẩm. Tôi rất tâm đắc với chia sẻ ấy và nhiều khi vẫn nói vừa vui vừa thực tế rằng, tôi là người đứng đầu nhà hát, là người chịu trách nhiệm, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, nhưng một mình tôi dù có ba đầu sáu tay cũng làm sao bằng được trí tuệ của nhiều người cộng lại. Vậy thì tại sao mình không lấy ý kiến của anh em, không “tranh thủ” trí tuệ của tập thể!

Khi tôi nhận nhiệm vụ phụ trách nhà hát, cũng là lúc đơn vị đang có nhiều việc cần làm, rồi dịch Covid-19 xuất hiện... đã đặt ra cho tôi và tập thể những thách thức lớn để làm sao có được những tác phẩm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Sau hơn hai năm nhìn lại, dù chưa có gì đáng kể nhưng điều khiến tôi tự hào chính là chúng tôi đã tập hợp và phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể qua từng tác phẩm gửi đến khán giả.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)