Phóng viên (PV): Anh nổi tiếng là một người say mê đọc sách và ham học, trong khi cả đời gắn bó với quân ngũ. Vậy, anh làm thế nào để thỏa niềm say mê đọc sách trong môi trường rất khắt khe về thời gian cho cá nhân?

Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương: Thời trẻ, nhập ngũ vào đơn vị, ngoài việc nghiêm túc chấp hành các chế độ trong ngày, trong tuần, tôi được giao thêm nhiệm vụ cùng các đồng chí trong tổ chọn bài, tổ chức đọc báo hằng ngày của đơn vị. Thế là sau giờ huấn luyện, tôi dành thời gian đọc báo để tìm, chọn lọc bài đọc phù hợp và mấy anh em thay nhau đọc báo trước đơn vị mỗi buổi. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới và học lớp tiểu đội trưởng, tôi về công tác tại đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới nên có nhiều cơ hội tiếp cận sách, báo, tài liệu huấn luyện chiến sĩ mới. Nhờ đó, tôi luôn đọc sách, nạp kiến thức mới và việc này thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ. Sau 3 năm rèn cán, rèn binh, tôi được quân đội cử đi học biệt phái tại Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội-PV). Có lẽ những ngày tháng miệt mài huấn luyện trong quân ngũ giúp tôi ý thức sâu sắc về việc học, việc rèn. Với cương vị là chiến sĩ, đảng viên, là lớp trưởng, bí thư chi đoàn, tôi đã dồn sức “học bù” và giữ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong mắt sinh viên. Sau năm thứ nhất, với kết quả học tập tốt, tôi được Hội đồng nhà trưởng tuyển chọn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí gửi đi học ở Liên Xô, chuyên ngành Triết học từ năm 1982 đến 1988, sau đó tôi trở về phục vụ quân đội cho đến nay.

PV: Có thể khẳng định, anh đã đạt được rất nhiều thành công trong chặng đường công tác của mình. Nếu đúc rút ngắn gọn kinh nghiệm học tập, nghiên cứu của mình, anh chia sẻ điều gì?

Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương: Tôi nhớ một nhà hiền triết dạy rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Đúng vậy, tôi đã dành tất cả thời gian cho công việc, toàn tâm toàn ý với nó; tự đưa ra công thức chỉ đạo công tác học tập, nghiên cứu: Đọc, đọc, đọc-suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ-viết, viết, viết. Tức là, đọc thật nhiều, nghĩ thật kỹ, viết thật chín. Với nhà giáo, nhà khoa học, phải “tích tiểu thành đại”, giống như câu chuyện con quạ khôn ngoan, phải thả từng viên sỏi vào bình nước cho đến khi nước dâng lên mới uống được. Với tôi, có được chút kết quả, thành công chẳng có gì khác ngoài việc lao động cần cù, chịu khó, miệt mài học tập, kiên trì phấn đấu. Mặt đất sinh ra vốn không có đường đi, do người ta đi lại nhiều mà thành lối mòn, sau thành đường. Tôi sinh ra cũng không phải đã là nhà nghiên cứu, là thầy giáo. Nhiều người bảo tôi biết cầm cày trước khi cầm bút vì lên 7 tuổi tôi đã ra đồng giúp bố dắt trâu, vực trâu, bò cho người làng. Việc đi trước con trâu khó tránh khỏi nguy hiểm khi nó bướng bỉnh lồng lên, và đến khi nó đi ngoan ngoãn, biết cày bừa cũng là một quá trình. Tôi chiêm nghiệm việc dạy học của tôi cũng thế.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương. Ảnh: DƯƠNG HÒA 

Lúc ở quê, tôi đọc bất cứ cái gì mình có thể đọc, đi bộ đội, học tập ở trường đại học, bản thân ý thức rõ hơn phải học tốt để làm việc, là cách tốt nhất để tri ân những người đã giúp đỡ, phục vụ tốt nhất cho quân đội. Khi vào nghề, làm giảng viên, tôi gặp nhiều khó khăn vì học viên hầu như đều có quân hàm cao hơn, chức vụ cao hơn, có đồng chí tuổi đời cũng lớn hơn, nên tôi càng phải đọc nhiều, chuẩn bị kỹ để giảng dạy. Ở cương vị, chức trách nào, đối tượng người học, quan hệ, tiếp xúc ra sao, tôi đều rất trân trọng, nghiêm túc tiếp cận tài liệu, chuẩn bị chu đáo giáo án, không được phép sai sót.

Rõ ràng, yêu cầu, nhiệm vụ càng cao càng đòi hỏi phải đọc nhiều, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Với tôi, "người" trợ giúp đắc lực nhất chính là sách, sách từ lâu đúng nghĩa là “người thầy thứ hai” của tôi. Cùng với đó, để làm việc tốt rất cần lòng tự trọng, sự sĩ diện, tính liêm sỉ của bản thân. Nó là động lực vô cùng mạnh mẽ để nuôi dưỡng sự đam mê, nghị lực. Đọc sách một ngày chưa biết được nhiều điều, đọc một tháng thấy bắt đầu khác, nhưng đọc một năm thì thấy khác rõ ràng, và đọc nhiều năm thì khác hoàn toàn với người không đọc hoặc đọc ít. Đọc sách nhiều như việc ăn cơm, uống nước vậy, dưỡng chất sẽ ngấm vào người và nuôi dưỡng cơ thể, trí tuệ khỏe mạnh. Ngày nhỏ thì mượn sách để đọc, khi đi làm, dù lúc đầu, tiền lương không cao nhưng tôi luôn dành phần để mua sách. Có được cuốn sách hay quý lắm. Đến giờ, tôi vẫn tìm mua sách mình cần. Thời gian rảnh hay cuối tuần, tôi vẫn thường đọc sách để nạp thêm tri thức, làm cho mình mới hơn, thay đổi tốt lên, tránh trì trệ, bảo thủ. Đó là cách tri ân, tôn trọng người viết, người đọc, đối xử có văn hóa với học viên, chiến sĩ và nhân dân.

Với tôi, đọc được nhiều đã khó, viết được sách hay khó hơn nhiều, nhất là sách có sức thuyết phục, chạm vào trái tim người đọc. Viết sách cần nhiều thứ lắm, là bước thăng hoa của trí tuệ, sự kết tinh của quá trình lao động, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống và tự bộc lộ nhân cách mình, là phơi bày toàn bộ trí tuệ, tầm nhìn, tư tưởng, tình cảm, ân tình và lương tâm, trách nhiệm. Tôi thấy vui khi sách của mình được tái bản nhiều lần, đặc biệt khi đến các đơn vị thấy các cuốn sách của mình trong thư viện, phòng Hồ Chí Minh, nhất là khi nó đã sờn cũ, nhăn nhàu bởi những đánh dấu vì được đọc nhiều.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)