Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, trong giai đoạn khó khăn của đất nước, chính hoàn cảnh ấy đã hun đúc cho Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) và những người cùng thế hệ với ông sớm có ý chí, lý tưởng cách mạng, nguyện hy sinh lợi ích cá nhân vì quê hương, đất nước-điều mà thanh niên hiện nay cần được vun đắp, bồi dưỡng.
Trò nghèo học giỏi
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, được biết không chỉ ông mà cả mấy anh em trong gia đình từ nhỏ đều rất ham học và học giỏi, sau này đều thành đạt. Điều gì đã thôi thúc hay đúng hơn là giúp ông và các em mình có được kết quả đó?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Anh em chúng tôi vốn không phải sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành khoa cử. Bố tôi là thương binh trong kháng chiến chống Pháp chuyển ngành làm một công chức ở cơ quan tỉnh xa nhà, mẹ tôi sức khỏe yếu, mất sức lao động. Lệ Thủy, Quảng Bình quê tôi là vùng quê nghèo, ruộng trũng, lắm thiên tai, trước năm 1975, lại chịu rất nhiều tàn phá của chiến tranh. Có những thời kỳ, chúng tôi phải học tranh thủ trong nhà hầm từ khoảng 4 giờ chiều đến 7 giờ tối, là khoảng thời gian máy bay địch ít hoạt động, chương trình học phải cắt xén nhiều môn và thời lượng môn học cũng phải cắt bớt. Hằng ngày từ tờ mờ sáng, bất kể trời mưa rét, tôi chân đất, cuốc bộ đi-về đoạn đường 7-8km, qua hai chuyến đò ngang để đến lớp, trước đó đã kịp đi nhổ câu ngoài đồng, lấy cá mang về nhà phụ giúp bố mẹ. Những hôm trở trời không có cá, anh em chúng tôi phải ăn vội bát cháo trắng rắc muối ớt để kịp đi học. Tôi nhớ thời kỳ học cấp 1, cấp 2, không dưới 4 lần tôi bị ngất xỉu do đói quá, được mọi người cấp cứu đưa về nhà. Hè đến, tôi lại đi khắp vùng để xin lại sách giáo khoa của các anh chị học lớp trước, năm nào may mắn thì năm học mới có vài quyển. Rồi lại giữ gìn sách cho em học sau (em trai sau Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài là GS, TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương), đến giấy nháp cũng phải viết đè mấy màu mực khác nhau để tiết kiệm.
|
|
Hoạt động tình nguyện của thanh niên Quảng Nam. Ảnh: HÒA TIÊN |
Với một gia đình đông con như nhà tôi hay hầu hết người dân quê tôi quen sống chung với bão lụt thì việc đủ rau cháo qua ngày đã là một việc hết sức khó khăn chứ khó nghĩ đến điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Có lần cuối tuần, thầy dạy toán do quý mến học trò chăm học, đã đi bộ tìm đến nhà tôi chơi. Muốn một bữa cơm tươm tất mời thầy, mẹ tôi chạy khắp xóm mới mang về được một quả trứng vịt, dầm nước mắm ăn cơm, thế mà cả chủ, cả khách ăn vẫn không hết.
Nhưng chúng tôi thật may mắn vì bố mẹ rất quan tâm đến việc học hành, có thể nói là hết sức chăm lo cho việc học của các con. Năm 1970, sau trận lụt nước ngập tới gần mái nhà, đồ đạc, lương thực, gia cầm, sách vở... trong nhà tôi bị sóng đập theo dòng nước trôi hết, chỉ còn lại xác nhà tranh rách nát. Tôi là anh cả, bước vào lớp 9 dù rất ham học nhưng đành bỏ học vì đứng trước một gia cảnh cực kỳ khó khăn. Một tuần sau bố tôi phát hiện ra và bắt tôi phải đi học tiếp. Tuy nghèo, nhưng nghe tôi nói thích một cuốn sách, bố tôi đã đi bộ hơn 40km, từ Lệ Thủy đến Đồng Hới để tìm mua cho con, bất chấp hiểm nguy bom đạn trên đường... Anh em tôi đã rất ý thức được những điều đó và học tập tốt. Tôi luôn đạt học sinh giỏi các năm học, còn đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn và Toán, được chọn đi thi quốc gia. Hết cấp 3, tôi thi đỗ vào Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng tôi đã gác lại ước mơ học hành để nhập ngũ.
Bốn lần lỡ học đại học
PV: Là người ham học, lại đứng trước cánh cổng đại học với tương lai rộng mở, ông có thấy tiếc nuối khi chọn nhập ngũ?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Thật ra năm 1972, chuẩn bị có giấy gọi nhập học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì cũng có đợt tuyển quân ở địa phương, năm đó tôi đã đủ tuổi nhập ngũ. Bố tôi biết con rất ham học nên hỏi tôi muốn đi học đại học hay nhập ngũ. Tôi nói với bố rằng tôi sẽ đi bộ đội, khi nào về sẽ lại học tiếp. Lúc đó nói là vậy chứ cả tôi và bố đều hiểu, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, đất nước còn chia cắt thì ngày về ấy còn không biết là khi nào. Nhưng tôi không tiếc nuối, đắn đo gì cả, khi đó tôi nhập ngũ như một lẽ rất tự nhiên, khi mà cả nước, quê hương, tất cả mọi người đều tập trung cho cách mạng. Thanh niên của quê hương cách mạng như tôi lại càng vinh dự, tự hào cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm của tôi.
Tôi vừa nhập ngũ theo đơn vị thì ở nhà bố tôi nhận được giấy báo nhập học của tôi. Chiến tranh, các đơn vị cơ động liên tục, bố tôi không biết con đang ở đâu, phải đi hỏi thăm mấy tháng mới tìm được đơn vị tôi ở trên núi Ba Rền. Khi đó tôi đang làm liên lạc cho ban chỉ huy tiểu đoàn, ông gọi tôi ra một góc đưa ra tờ giấy báo nhập học và hỏi tôi có muốn về đi học không. Tất nhiên bố tôi hỏi vậy để động viên thôi chứ ông biết làm sao tôi về đi học được. Nhưng tôi biết trong câu hỏi ấy của bố chất chứa cả niềm hy vọng, khát khao học hành của chính ông. Đến giờ tôi vẫn nhớ rất rõ tờ giấy báo nhập học ấy.
Sau giải phóng năm 1975, Nhà nước có chủ trương cho những người đã từng đỗ đại học về học tiếp. Đơn vị tôi cho lựa chọn về hay ở lại đều được vì khi đó tôi đã là thiếu úy và tôi chọn ở lại quân đội. Năm 1977, sư đoàn tôi có chủ trương gửi một số cán bộ ra đào tạo tại các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh để phục vụ cho xây dựng đơn vị sau chiến tranh, tôi được thông báo đã xét trong danh sách đi học. Nhưng tập đoàn Pôn Pốt xua quân tiến công biên giới Tây Nam của ta, chiến tranh biên giới nổ ra. Tôi cùng đơn vị hành quân cơ động khắp tuyến biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc suốt năm 1977-1978, sau đó tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1979-1981. Năm 1982, một người em lại lấy giấy gọi nhập học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho tôi nhưng tôi vẫn mong muốn ở lại quân ngũ. Mặc dù 4 lần lỡ nhịp học đại học, nhưng chính quân đội đã giúp tôi được tiếp tục học tập, không chỉ là học đại học mà còn sau đại học, đào tạo tôi trở thành một giảng viên.
|
|
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài. Ảnh: THU HÒA |
PV: 4 lần lỡ nhịp đi học đại học, những lần đó ông có nghĩ đến việc sau này mình sẽ học gì và học như thế nào không?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Ngay khi đi bộ đội tôi đã nghĩ sau này sẽ học đại học, tất nhiên khi nào về thì không rõ. Sau này tôi thấy mình vẫn còn rất may mắn so với nhiều đồng đội khác vì vẫn có thể trở về để được đi học. Vốn ham học, ham đọc nên khi làm chiến sĩ thông tin liên lạc, công vụ, quân lực... tôi vẫn tự học nếu có điều kiện. Tôi đọc được một số sách của Lênin, rồi mượn tài liệu học tập của chính trị viên tiểu đoàn, nói chung là đọc tất cả những gì có thể, dù khi đó còn trẻ, tự đọc nên không hiểu được mấy nhưng thấy rất hay, thích. Trong quá trình tham gia chiến đấu, nhặt được một vài quyển sách Toán, Lý, tôi vẫn mang theo tranh thủ đọc, làm cho một số anh em rất ngạc nhiên. Học hành là khát vọng của thanh niên, tuổi trẻ, ai cũng mong muốn được học cao. Tôi nghĩ vậy. Nhưng khi đó tất cả đều được đặt dưới nhiệm vụ chiến đấu giải phóng đất nước. Thanh niên thế hệ chúng tôi đều nhận thức được điều đó, đều mang lý tưởng hy sinh lợi ích cá nhân để vì tập thể, đất nước. Đó cũng là kết quả của quá trình giáo dục phổ thông và sinh hoạt các tổ chức đoàn thể tốt.
Một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt lý tưởng
PV: Vậy ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về lý tưởng của thanh niên hiện nay?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Thế hệ trẻ, thanh niên thời nào cũng có khát khao, lý tưởng, nó xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, đất nước, nhất là hiện nay đất nước phát triển, hội nhập quốc tế, thanh niên được giáo dục rất cơ bản, có điều kiện tốt về mọi mặt. Thời chúng tôi, tất cả vì tiền tuyến, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cũng qua chiến đấu gian khổ có rất nhiều tấm gương sáng vì lý tưởng cách mạng phấn đấu, hy sinh, làm cho thanh niên chúng tôi cảm phục, học tập… Bây giờ đất nước hòa bình, kinh tế-xã hội phát triển nên thanh niên cũng có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng có nhiều tác động, như ta vẫn nói là mặt trái kinh tế thị trường, khiến một bộ phận không nhỏ thanh niên phai nhạt lý tưởng. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của ta cũng có không ít hạn chế, bất cập nên còn nhiều vấn đề về đạo đức cách mạng, lối sống của thanh niên cần được quan tâm.
PV: Hạn chế đó cụ thể là gì, thưa giáo sư?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Đó là công tác giáo dục chưa thực sự được coi trọng, hình thức, phương pháp giáo dục nhiều khi cũng chưa phù hợp với thực tiễn. Tôi thấy bây giờ người ta ngại học chính trị. Nhiều nơi, nhiều chỗ học đối phó, không hiệu quả, cốt lấy bằng cấp. Tổ chức lớn nhất của thanh niên là đoàn thanh niên có hệ thống đồ sộ, bài bản từ Trung ương đến địa phương nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với quy mô tổ chức. Có lẽ chỉ quân đội là một trong những nơi mà tổ chức đoàn thanh niên chặt chẽ, hoạt động thực chất; còn không ít nơi khác, nhất là ở một số địa phương còn hình thức, hoạt động không hiệu quả, kể cả tổ chức hội sinh viên. Tôi tìm hiểu thấy một số bạn thanh niên ở địa phương ngay cả sinh hoạt đoàn còn không tham gia, nhưng khi cần xin giấy xác nhận sinh hoạt đoàn thì vẫn làm được ngay!
Ngày trước, chúng tôi ở địa phương sinh hoạt rất thường xuyên, nghiêm túc, bài bản hằng tuần, hằng tháng. Ngoài quán triệt nhiệm vụ, giáo dục lý tưởng, động viên thanh niên xung kích thì còn thực hiện nhiều nhiệm vụ của địa phương, còn hoạt động văn hóa-văn nghệ rất vui vẻ, thiết thực. Bây giờ tình trạng hoạt động của đoàn thanh niên ở một số nơi không được như trước đây.
PV: Vậy theo ông, làm sao để bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh niên một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay?
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Văn Tài: Thanh niên liên quan đến tổ chức đoàn nhưng hoạt động lại “đầu voi đuôi chuột”. Cần tổ chức lại đoàn thanh niên để hoạt động hiệu quả hơn; cần có nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú. Ví dụ như ngày trước chúng tôi thường được nghe các dũng sĩ, anh hùng từ các đoàn trong chiến trường miền Nam ra kể chuyện chiến đấu, qua đó được truyền cảm hứng rất nhiều, vừa thấy tự hào, tràn đầy nhiệt huyết, lý tưởng. Cùng với đó, tổ chức đoàn cũng cần song trùng với các tổ chức chính quyền, cơ sở đào tạo, tổ chức chính trị-xã hội với những nội dung chương trình giáo dục, tuyên truyền phù hợp với nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc một cách đầy đủ…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)