Có một hiện thực làm lòng ta ấm lại...
Phóng viên (PV): Ông có thể nhận xét khái quát về đời sống văn học Việt Nam trong năm 2021 vừa qua, khi nước ta cũng như thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có một hiện thực làm lòng ta ấm lại, là khi dịch Covid-19 đổ bộ vào đời sống xã hội và chúng ta thực hiện giãn cách ở nhiều thành phố, nhiều người nghĩ mọi hoạt động sẽ bị dừng lại, trong đó, đặc biệt là các hoạt động văn học, nghệ thuật. Chính lúc đó, nhu cầu đọc sách, đến với sách để tìm sự chia sẻ và tinh thần vượt qua thách thức lại tăng lên. Sách được người dân coi như một mặt hàng cần thiết. Thời gian này, nhà văn có một khoảng thời gian tĩnh lặng lại để suy ngẫm về những gì mình đã viết và những tác phẩm sẽ viết. Còn người đọc cũng nhờ sách để suy nghĩ về cuộc sống trên thế gian này, giữ vững niềm tin và nhận ra rằng: Nhân loại đã đi qua bao thăng trầm, binh biến, bệnh tật và chết chóc, nhưng đời sống luôn luôn chứa đựng những vẻ đẹp bên trong nó, con người chỉ cần bước tới mở bàn tay ra và đón nhận.
Riêng các công việc của HNV Việt Nam vẫn tiến hành và còn mở ra những sự kiện mới như chuẩn bị cho Giải Tác giả trẻ lần thứ nhất, chuẩn bị cho cuộc phát động sáng tác về đề tài thiếu nhi phục vụ chiến lược văn học thiếu nhi. Việc gặp gỡ bị hạn chế rất nhiều, nhưng hình thức hội thảo, giao lưu trực tuyến được thực hiện khá phong phú với các nhà văn trong nước, các nhà văn quốc tế và giao lưu với bạn đọc. Covid-19 không cản trở được sự sáng tạo cũng như tiếp cận với bạn đọc nhưng nó được thực hiện trong một hình thức khác.
|
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Giải thưởng Văn học năm 2021 chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng các tác phẩm vào chung khảo năm nay rất đa dạng, mới mẻ và chất lượng. Chúng ta đều biết rằng: Trong những thăng trầm của lịch sử nhân loại lại thường sinh ra những tác phẩm văn học lớn. Nghĩa là, những thăng trầm đó đã gợi mở những suy nghĩ mang tính tư tưởng và cho nhà văn nhìn thấy con đường của nhân loại rõ hơn. Vì thế, tác phẩm của nhà văn lạ hơn từ những hiện thực đó.
PV: Bằng cách riêng của mình, các nhà văn đã nhập cuộc nhạy bén và kịp cho ra đời nhiều tác phẩm cổ vũ, động viên tinh thần các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, như in sách, báo, tạp chí, nhất là báo điện tử và cả trên mạng xã hội. Ông có nhận xét gì về văn học mảng đề tài thời sự này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tiếng nói của nhà văn thực sự có ảnh hưởng khi đất nước đứng trước một thách thức nào đó. Và lúc này là trước sự tấn công của dịch Covid-19. Nhà xuất bản HNV cấp phép khá nhiều tiểu thuyết, bút ký, ghi chép, trường ca... về cuộc sống của con người trong đại dịch. Những tác phẩm này vừa phản ánh hiện thực đời sống, vừa hé lộ cho người đọc thấy tinh thần sống của con người Việt Nam trong những khó khăn và thách thức. Các tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam làm chúng ta xúc động, yêu thương và tự hào về dân tộc mình. Các nhà văn Việt Nam cho dù sáng tác theo trường phái hay khuynh hướng nào thì vẫn luôn luôn đặt số phận con người lên trên hết. Trong mỗi trang viết, mỗi sự bày tỏ trên mạng xã hội của người viết luôn hướng tới lòng nhân ái, sự sẻ chia và niềm hy vọng con người sẽ đi qua mọi thách thức. Đấy chính là bản chất của văn học và sứ mệnh của nhà văn.
Khởi sinh cho những tác phẩm lớn
PV: Thưa ông, theo nhận xét chung thì văn chương viết về đại dịch kịp thời, nhiều tác phẩm nhưng nhìn chung chưa có tác phẩm xuất sắc. Điều đó cũng một phần do đặc trưng văn học phải có độ lùi nhất định. Theo ông, chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta mới đương đầu với dịch Covid-19 trong một, hai năm, bởi thế, để có một tác phẩm xuất sắc về đề tài này ngay trong lúc này thật khó. Nhưng tôi biết chắc rằng, với sự biến động lớn và đa nghĩa như thế chính là nơi khởi sinh cho những tác phẩm lớn sau này. Không ai muốn đại dịch xảy ra, nhưng đại dịch là một hiện thực quá đặc biệt, chứa đựng quá nhiều vấn đề của nhân loại và quá nhiều câu chuyện đã diễn ra mà trước đó chúng ta không hình dung được. Vì thế, nó sẽ mang đến cho nhà văn một nguồn hiện thực vô cùng phong phú và đặc biệt. Hiện thực này phải được suy ngẫm và có thời gian để những gì lớn lao, sâu thẳm của con người sẽ hiện ra, nhà văn sẽ ngồi xuống và viết. Cũng như cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đã kết thúc gần một nửa thế kỷ và người đọc vẫn đợi chờ một tác phẩm thực sự vĩ đại để dựng lên một cách sống động nhất cuộc chiến tranh vĩ đại ấy. Tôi có trò chuyện với một số nhà văn và thấy họ đang ấp ủ những ý tưởng lớn về con người qua đại dịch. Bản thân tôi cũng đang ghi chép, suy nghĩ về số phận con người qua những ngày đại dịch để hy vọng mình sẽ tìm ra một câu chuyện cần phải viết về những ngày này.
|
|
Một số tác phẩm văn học về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 |
PV: Hai năm gần đây, hoạt động văn học cũng đã có nhiều cách thức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh (ngày thơ online, ra sách online, tọa đàm trực tuyến...). HNV Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đời sống văn học sang thời kỳ “bình thường mới” như thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thế giới đã thực sự sang một trang khác và mọi vận hành của đời sống cũng phải thay đổi. Online đã trở thành một hình thức sống mới của con người. HNV Việt Nam đã và đang thiết kế các chương trình dựa vào công nghệ 4.0 để các hoạt động vẫn tiếp tục và đạt hiệu quả tốt nhất như các hội thảo, tọa đàm... trực tuyến, đề án sách điện tử, thư viện, bảo tàng điện tử... Tất nhiên, chúng ta muốn được sống trong một đời sống mà con người tự do giao kết với thiên nhiên và với con người. Tôi tin cuối cùng con người sẽ trở lại một đời sống bình thường thực sự. Nhưng dịch Covid-19 đã làm con người phải nghĩ lại và thay đổi nhiều điều trong cuộc sống.
Thời kỳ mới của văn học thiếu nhi và tác giả trẻ
PV: Được biết, từ ngày nhậm chức, ông rất quan tâm đến văn học trẻ (những người viết trẻ) và văn học thiếu nhi (viết cho/về thiếu nhi). Xin ông cho biết những chuyển động và kết quả bước đầu của hai mảng văn học này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Một thời kỳ mới của văn học thiếu nhi đã được khởi xướng. Từ năm 2021, HNV Việt Nam có giải thưởng văn học thiếu nhi. Đầu tháng 1-2022, hội sẽ làm lễ phát động cuộc vận động văn học viết về thiếu nhi. Có một điều đang cảnh báo người lớn chúng ta về những vấn đề của trẻ em như tự kỷ, bạo lực... Nếu chúng ta không chuẩn bị “dinh dưỡng tâm hồn” cho những đứa trẻ này thì khi trở thành người lớn, xã hội chúng ta sẽ phải đối mặt với những điều đáng sợ. Bởi thế, gieo những hạt giống nhân tính vào tâm hồn trẻ thơ lúc này giống như tiêm “vaccine” để chống lại những con “virus” phá hoại tâm hồn và nhân cách trong tương lai. HNV Việt Nam sẽ kêu gọi sự đóng góp của xã hội để hằng năm in những tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng tặng trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Cũng vào thời gian này, hội sẽ trao Giải Tác giả trẻ lần thứ nhất. Tôi tin rằng, những tác phẩm của Giải Tác giả trẻ sẽ mang lại một nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn trẻ và bạn đọc. Thời gian đi rất nhanh. Những nhà văn trẻ đang độ tuổi trên dưới 30 lúc này sẽ trở thành chủ nhân của nền văn học sau 10 đến 20 năm nữa. HNV cùng mọi tổ chức có trách nhiệm phải nói với các nhà văn trẻ rằng: Tương lai thuộc về họ và họ chính là những người xác lập, định đoạt số phận của nền văn học trong tương lai. Việc lập ra Giải Tác giả trẻ là cách để HNV Việt Nam bày tỏ niềm tin vào những nhà văn trẻ. Và khi một con người được đặt niềm tin, họ sẽ có một ý thức để không phản bội lại niềm tin ấy.
HNV Việt Nam khóa 10 nhận thấy, đây là một chiến lược lớn không chỉ của hội mà của toàn xã hội, ở mọi quốc gia và mọi thời đại. Các hoạt động này mở ra một chương mới cho văn học thiếu nhi và nhà văn trẻ để góp phần xây dựng những công dân tương lai, chuẩn bị lực lượng cho một nền văn học tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÒA (thực hiện)