Lực lượng đông nhưng chưa mạnh

Phóng viên (PV): Với hơn 1.500 hội viên như hiện nay, có thể nói Hội VHNT các DTTS Việt Nam đang có lực lượng đông đảo để hoạt động mạnh, thưa ông?

Ông Nông Quốc Bình: Những năm gần đây, bằng việc đổi mới hoạt động, phát huy sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, cùng với việc thành lập và hoạt động hiệu quả của các chi hội cấp tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã có những đóng góp, phát triển nhất định. Chúng tôi vẫn tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống và sáng tác. Trong đó, công tác bảo tồn gồm: Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ được thực hiện khá tốt. Mới đây, chúng tôi vừa xuất bản 1.500 đầu sách là các công trình nghiên cứu, sưu tầm về VHNT DTTS và vẫn còn rất nhiều công trình cần được tập hợp, xuất bản. Đặc thù của lĩnh vực VHNT các DTTS là các văn nghệ sĩ sinh sống, hoạt động sáng tạo ở những địa bàn điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, gắn bó với đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa. Nhưng các văn nghệ sĩ luôn giữ vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng với những đóng góp ở các loại hình văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, biểu diễn...

Tuy vậy, dù lực lượng của hội hiện nay có thể nói là hùng hậu nhưng mảng sáng tác lại không nhiều, trong khi bên cạnh sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị truyền thống thì sáng tạo những giá trị mới về VHNT của các dân tộc cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta dễ thấy, đời sống xã hội ngày càng có nhiều thay đổi, không đến mức khiến người sáng tạo chao đảo tinh thần nhưng cũng có một bộ phận văn nghệ sĩ không hoàn toàn tập trung vào riêng đề tài DTTS mà phần nào phân tán ra, sáng tác ở các đề tài, lĩnh vực khác nữa. Đó cũng là lẽ thường. Tất nhiên, tôn chỉ mục đích của hội ngoài viết về đồng bào còn là viết cho đồng bào nữa.

leftcenterrightdel
Ông Nông Quốc Bình. Ảnh: THU HÒA 

Thấu hiểu để tạo ra tác phẩm giá trị

PV: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin sẽ tác động lớn đến nhu cầu thưởng thức VHNT của đồng bào. Thực tế này đặt ra yêu cầu gì cho đội ngũ sáng tác hiện nay, thưa ông?

Ông Nông Quốc Bình: Đúng là nhu cầu, cách thức thưởng thức VHNT của đồng bào khác hơn cũng chi phối nhiều đến người sáng tác. Vì vậy, văn nghệ sĩ càng cần phải gắn bó với đồng bào để hiểu đồng bào muốn gì, cần gì thì mới tạo ra những tác phẩm có nội dung, tư tưởng nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đồng bào và phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của các dân tộc. Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có màu sắc văn hóa, đời sống khác nhau, thậm chí cùng một dân tộc ở vùng khác nhau cũng không giống nhau. Sẽ không có một công thức hay yêu cầu nào chung cho các văn nghệ sĩ nhưng chắc chắn một điều cần phải có khi làm VHNT, đặc biệt là với DTTS, đó chính là không thể thiếu tâm huyết và say mê.

Bên cạnh đó, giai đoạn hiện tại, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị VHNT các dân tộc cũng đặt ra những vấn đề mới. Chẳng hạn với việc phát triển du lịch tại các vùng DTTS hiện nay, mặt tích cực dễ thấy là giúp đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào được nâng lên nhưng mất bản sắc văn hóa là nguy cơ thường trực. Không có một lý thuyết cụ thể để định lượng thế nào là bản sắc văn hóa, thế nào là tính quốc tế, tính dân tộc... chỉ có thể phụ thuộc vào đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, người dân tự cảm nhận cái gì phù hợp, cái gì cần thiết cho đồng bào mình. Ví dụ khi dàn dựng cho đồng bào những tiết mục biểu diễn phục vụ khách du lịch, tức là đang làm công tác sáng tạo, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, thì nên có sự tham gia của cơ quan văn hóa với người có chuyên môn sâu để hỗ trợ và định hướng. Mặc dù hiện tôi chưa thấy có hiện tượng chệch choạc nhưng đó là vấn đề đặt ra cần quan tâm. Tất nhiên, văn hóa là sự giao thoa, cộng hưởng nhưng cái cốt lõi cần phải giữ được. Giả sử những tiết mục trình diễn của đồng bào phục vụ du lịch mà không có bản sắc, du khách cũng sẽ không thấy được sự độc đáo, hấp dẫn để tìm đến. Vì thế, chính từ đồng bào, muốn hấp dẫn khách du lịch thì sẽ phải biết chọn lọc, giữ gìn bản sắc, cái hay, cái đẹp của dân tộc mình.

leftcenterrightdel
Đồng bào dân tộc thiểu số xem trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: THU HÒA 

PV: Như ông chia sẻ, để có được những tác phẩm VHNT đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đồng bào các dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì cần phải hiểu họ. Với những tác giả không phải người DTTS, đó có phải là một hạn chế, khó khăn?

Ông Nông Quốc Bình: Đừng nghĩ chỉ người DTTS mới sáng tác hay về dân tộc mình. Thực tế lâu nay, đội ngũ sáng tác VHNT chủ yếu lại không phải người DTTS. Chính người Kinh đã và đang tham gia đóng góp rất nhiều vào quá trình bảo tồn, phát huy, quảng bá, sáng tác và đóng vai trò đầu tàu, sau đó mới là tác giả người DTTS. Hạn chế là nếu không phải người DTTS, có thể sẽ có những điều hiểu chưa thấu đáo, dễ dẫn đến có cái chưa phù hợp. Nhưng tôi tin, và tôi đã thấy bao năm nay, hầu hết những người đã đến với đồng bào đều là người tâm huyết.

Tôn trọng sự khác biệt

PV: Nhưng đội ngũ nghiên cứu, sáng tác là người DTTS chính là lực lượng quan trọng và hiểu, gần gũi nhất với đồng bào. Cần có sự bồi dưỡng, phát triển đội ngũ này như thế nào, thưa ông?

Ông Nông Quốc Bình: Thời đại "thế giới phẳng", văn nghệ sĩ người DTTS dù ở vùng sâu, vùng xa cũng không còn quá cách biệt với thành phố, với thế giới về thông tin, kiến thức và dần dần họ sẽ tự biết cần phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu của đồng bào mình. Thực tế, trong mấy nhiệm kỳ vừa rồi, các nghệ nhân ở các dân tộc đã chủ động điều chỉnh mình, không bó buộc vào những nội dung, đề tài cũ nữa mà cởi mở để học hỏi những cái mới, mang hơi thở đương đại. Đó là điều đáng mừng.

Với vai trò của mình, Hội VHNT các DTTS Việt Nam thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi, hỗ trợ các công trình nghiên cứu... nhằm khuyến khích, động viên sự sáng tạo của hội viên. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị mở đợt tập huấn, nói đúng hơn là chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo VHNT các DTTS cho khoảng 30 người ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây là khu vực rất có tiềm năng nhưng lực lượng sáng tác còn hạn chế, chưa khai thác được nhiều. Trong lĩnh vực VHNT các DTTS, cần xác định rằng mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có thế mạnh riêng, không thể áp đặt, đòi hỏi vùng nào cũng phải phát triển được tất cả các loại hình. Khu vực miền núi phía Bắc có thể mạnh về văn xuôi, còn ở Nam Trung Bộ lại phát triển về nghệ thuật biểu diễn... Cần hiểu được điều đó để ưu tiên phát triển thế mạnh của từng vùng.

Với văn nghệ sĩ cũng vậy. Đôi khi sáng tác của họ nhiều người thấy còn ngô nghê nhưng điều quan trọng nhất là họ hát, họ nói được tiếng lòng của đồng bào. Có thể một tác phẩm nổi tiếng cả nước, được giải thưởng lớn nhưng khi đưa đến đồng bào dân tộc có chắc họ chấp nhận? Nhưng một bài thơ, bài hát của người DTTS lại được đồng bào yêu thích, coi là hay, nội dung, ý tứ đi vào lòng người thì đáng quý chứ? Người Tày khác người Mông, người Ê Đê không phải vấn đề văn hóa cao hay thấp, dân tộc to hay nhỏ mà là những giá trị nào phù hợp với họ. Các dân tộc đều bình đẳng, việc áp đặt, so sánh hay đánh đồng trong văn hóa luôn là điều tối kỵ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

DƯƠNG THU (thực hiện)