Phóng viên (PV): Với tập truyện “Hoàng mộc hương”, chị thấy thế mạnh hay niềm hứng khởi gì ở trong đó để cho ra đời tập truyện này?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tập truyện ngắn “Hoàng mộc hương” đậm đặc vấn đề thiện lương nhân bản con người, sự chuyển dịch, sự kết nối kiếp cõi thông qua thế giới thực và thế giới huyền ảo tâm linh. Đó chính là thông điệp tôi muốn gửi tới những bạn đọc yêu quý của mình. Nhất là vào đúng thời điểm đại dịch, tôi muốn thế giới phẳng này hiểu hơn có thế giới khác vẫn đang tồn tại quanh chúng ta. Thế giới đó rất minh bạch, đòi hỏi con người sống thực với chính mình, đòi hỏi con người bớt đi phần ác để sống đúng nghĩa chân-thiện-mỹ. Không phải do con người sống ác tâm mà có những thế lực bịa ra Chúa, Phật, thần, thánh để răn đe. Và thực sự là có một thế giới minh bạch, được phân chia, sắp xếp đúng tầng bậc mà ở những nơi đó, cái ác biết sợ hãi, bị trừng phạt.
|
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. |
PV: Vậy chị thích truyện ngắn nào nhất trong tập truyện?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi không thể phân định được thích truyện nào nhất hay truyện này không thích bằng truyện kia. Giống như những đứa con của mình. Tuy nhiên, tôi đặc biệt nhấn mạnh 4 mạch truyện:
Mạch thứ nhất: Viết về những câu chuyện đời bối cảnh rừng: “Hoàng mộc hương nở hoa”, “Muôn ngàn hạt châu”, “Đoạn trường thảo kiêu hãnh”, “Biên ải”.
Mạch thứ hai: Viết về anh hùng liệt sĩ gương sáng; cuộc đời ngổn ngang thế sự liên quan đến những người lính, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng: “Bên thềm gạch cũ”, “Mừng chiến thắng”, “Những bức thư gửi từ biển”, “Đêm dài”.
Mạch thứ ba: Viết về hiện thực cuộc sống, những đấu tranh mâu thuẫn nội tại và bức tranh xã hội chuyển hóa: “Ẩn sĩ và người đàn bà giấu mặt”, “Đỉnh tuấn mã”, “Mảnh đất cho Tô-ni”, “Thiên hạ thái bình”.
Mạch thứ tư là mạch truyện tâm linh: Thế giới tâm linh có mặt trong nhiều truyện. Nhưng đặc biệt đậm đặc kiếp cõi là “Câu chuyện của Nàng Thê”, một truyện ngắn gây rất nhiều luồng quan tâm khi tôi công bố lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và đưa lên mạng xã hội.
Cái tên “Nàng Thê” nhiều người hay dùng gọi tôi từ truyện này mà ra. Đã từng có người lập fanpage “Hội những người hâm mộ Nàng Thê”, hội viên tham gia đã lên gần nghìn người. Nhưng sau đó tôi quyết định thuyết phục họ giải tán, do không muốn ai đó hiểu nhầm tôi lăng xê danh tiếng.
“Câu chuyện của Nàng Thê” công bố lần này cũng là một cách tôi muốn thúc đẩy chính tôi sau này sẽ phát triển truyện ngắn thành truyện dài hoặc tiểu thuyết.
PV: Thường thì mỗi năm ra ít là một tập truyện, có thể nói chị “được” rất nhiều?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Những mất mát trải nghiệp của nhà văn, bạn cũng hiểu quá rõ. Cái được nhất là được bạn đọc mua sách về đọc. Và qua đó tôi có thêm những người bạn quý, có thêm những tri âm tri kỷ trên những trang sách. Từ đó, những tư tưởng tiến bộ được lan rộng.
Có lần tôi nghe một nhà hành đạo nói thế này: Nếu nhà văn chỉ đem bi kịch tang thương bi lụy đến cho thế giới này thì sẽ giết đi nhiều linh hồn sống. Nếu nhà văn đem lại niềm tin yêu cuộc sống, mang lại ánh sáng cho người đang mò mẫm đi, mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ và cho những mảnh đời bất hạnh, thì nhà văn ấy là nhà văn lớn. Cho dù ai đó cứ mặc sức phán quyết, rằng nền văn chương Việt Nam không có tác phẩm lớn, tôi luôn tự tin có rất nhiều nhà văn đang sống và làm việc trên mảnh đất này vẫn đang từng ngày nuôi dưỡng mạch tinh thần xã hội một cách khiêm nhường, âm thầm mà quyết liệt nhất. Và tác phẩm của họ chính là những tác phẩm lớn, không cần ai phải “khua chiêng gõ mõ”.
|
Bìa tập truyện ngắn “Hoàng mộc hương”. |
PV: Chị là một trong số ít nhà văn nữ còn “trụ lại” với truyện ngắn và vẫn có thành tựu. Chị có cách “nuôi” cảm hứng ra sao?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi nghĩ nếu mình yêu một cái gì đó thì mình sẽ có cách đến với nó, nắm giữ nó trong tâm hồn mình. Truyện ngắn là thể loại giúp tôi trình bày ngắn gọn những lát cắt trong cuộc sống. Tôi có thể ngồi viết nhanh, có thể nói được nhiều chiều. Đã từng có cuộc tọa đàm do Viện L’Espace-Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức, bàn về “Không gian đa chiều trong bút pháp Võ Thị Xuân Hà”. Hơn nữa, làm việc gì cũng có cả nội lực và ngoại lực. Ngoại lực là nhiều bạn đọc đón nhận truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà thật sự, không phải để giải trí, vì truyện của tôi đa tầng, đa nghĩa, độc giả khi đọc thường phải cùng hợp tác với câu chữ và ý tưởng của tác giả để nắm bắt thành câu chuyện cho chính họ. Kích thích sáng tạo của trí não và được trải nghiệm theo cách tư duy của họ. Các biên tập viên phụ trách trang văn nghệ của các báo cũng là một trong những đòn bẩy khiến tôi không thể không cộng tác. Có thể vì những ý tôi vừa nêu ra trên khiến tôi luôn không thể dừng viết và xa rời thể loại truyện ngắn.
PV: Chị từng chia sẻ “nhà văn không được phép nghèo”. Vậy nhà văn hiện đại làm thế nào để “không nghèo”?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Nghèo đi đôi với thiếu thốn. Nhà văn mà thiếu thốn thì làm sao có đủ năng lượng sống, làm sao học thêm, làm sao giúp được ai? Vì vậy không cần phải giàu có (về vật chất), nhưng nhà văn nhất thiết không được nghèo (cả tinh thần và vật chất).
Bạn và tôi, chúng ta đều đang lăn lộn ngoài cuộc sống thực, làm đủ thứ việc, vừa để trải nghiệm, vừa để thử thách trí tuệ, vừa để cho mình không nghèo nàn về tâm hồn, có chút tạm đủ về vật chất để được học thêm, để được ngồi viết. Đó là cách mà tôi vẫn đang vận hành hiện nay.
Có một vấn đề, tất cả các nhà văn thực sự thường đa tài và luôn vượt qua những gian nan mà số phận họ được thử thách.
PV: Thời đại công nghệ lên ngôi, nó làm mọi thứ được rút ngắn lại, tiện ích hơn, nhưng đôi khi sự tác động ấy lại có thể làm văn học trở nên mờ nhạt đi trong đời sống. Chị có nghĩ như vậy không?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Thời đại 4.0, con người động nhiều hơn tĩnh. Mà người châu Á được xếp vào thể tạng và tâm năng tĩnh. Chính vì vậy, công nghệ 4.0 bổ sung cho sự thiếu hụt về cái sự “động”. Về bản chất lại là rất tốt cho châu lục này. Văn học chưa bao giờ bị mờ nhạt đi trong cuộc sống của chúng ta, chỉ là dòng chảy văn học tuân theo quy luật tự nhiên, như đồ thị hình sin. Không phải đường xuống là sự thụt lùi, sự yếu, thiếu và mờ nhạt, mà là chuẩn bị cho sự vượt lên mạnh mẽ.
Chính vì vậy, tôi luôn thấy sự khả quan ở văn học ngay cả khi đến bất cứ đâu cũng chỉ thấy người Việt ta cầm điện thoại di động để kết nối, chat và có vẻ “manh động” trong bất cứ vấn đề nào của xã hội.
Tôi chỉ lo ngại là chính các cây bút tự cho mình sự dễ dãi câu chữ, văn phong cắt cụt theo văn “mạng”, và tưởng như không cần học hành rèn luyện, không cần tu nghiệp hy sinh cũng có thể được người đời đón nhận tác phẩm.
PV: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà xưa nay nổi tiếng là một người mạnh mẽ, tháo vát. Ít khi thấy chị buồn phiền hoặc cũng có thể là chị đã giấu cảm xúc của mình quá giỏi. Lúc buồn phiền hoặc trắc trở trong cuộc sống, chị thường làm gì?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi viết. Mà khi viết thì thường tôi không buồn phiền gì nữa. Nếu buồn phiền hay đau ốm thì tôi không thể viết nổi. Lao động viết giúp tôi tỉnh táo hơn khi giải quyết các công việc thường nhật của một người phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong cuộc sống và công việc. Có những tài liệu nói rằng lao động trí óc giúp con người ta luôn tỉnh táo. Tôi là người thẳng thắn, lạc quan, không phải là tuýp người biết giấu cảm xúc thật. Nếu thấy tôi vui vẻ thì đó chính là cảm giác thật của tôi.
PV: Vậy, sắp tới chị có in tiểu thuyết?
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Tôi dành cho những trang tiểu thuyết sự chuẩn bị dài hạn. Những ý tưởng tiểu thuyết luôn thường trực trong tôi. Tôi không chú trọng viết tiểu thuyết ngôn tình, nhưng cũng không xua tay chê bai thể loại này. Với những thể loại nhỏ trong ngôn tình như: Thể loại hiện đại có đô thị tình duyên, dốc lòng nhân sinh, thương đấu, hào môn thế gia, hắc bang/hắc đạo (xã hội đen), thanh xuân vườn trường, thanh mai trúc mã, võng du (nam nữ chính cùng chơi một game online, từ thế giới ảo phát triển tình yêu ra thế giới thực)... Rồi thể loại cận đại/cổ đại/cổ trang xuyên không, huyền huyễn, tương lai/vị lai giá không, mạt thế... Có thể một nhà văn hiện đại sẽ biết cách trình bày ý tưởng của mình thông qua khá nhiều thể loại bút pháp, để có được một tác phẩm xứng đáng với mong mỏi của độc giả.
Còn để thực hiện được là sự cộng hưởng rất nhiều vấn đề: Tôn trọng thế giới đa chiều, không được phép nghèo, đi thực tế theo cách riêng mình, sức khỏe, nuôi dưỡng và phát triển thực thụ mạch nguồn tinh thần, thời gian.
Tôi không cho phép mình dễ dãi viết ra những tác phẩm dài dằng dặc mà không đem lại gì cho xã hội. Tất nhiên, tôi sẽ xuất bản tiếp tiểu thuyết, nối tiếp những mạch tinh thần của hai cuốn tiểu thuyết của tôi đã được tái bản nhiều lần là “Tường thành” và “Trong nước giá lạnh”.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
VĂN HỌC (thực hiện)