Sở dĩ tôi trích dẫn ý kiến trên vì đã có những phát biểu cho rằng nếu Giải thưởng Văn học thiếu nhi (VHTN) có giá trị tiền bạc rất cao thì sẽ là “đòn bẩy” cho VHTN Việt Nam phát triển!
Là một người đã tham gia việc xét Giải thưởng Sách thiếu nhi (trong đó có sách VHTN) của Hội Xuất bản Việt Nam từ năm 2005 đến nay, tôi thấu hiểu việc “đãi cát tìm vàng” khó khăn như thế nào. Việc tìm được một cuốn sách hay để trao “giải vàng” không phải chỉ là sự đồng thuận của ban giám khảo, bởi cuốn sách đó phải được công chúng, nhất là bạn đọc trẻ em yêu thích thực sự. Cuốn sách ấy phải có sức thuyết phục bạn đọc không chỉ là trẻ em mà còn cả các bậc cha mẹ, các nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung… Từng là biên tập viên sách văn học của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, tôi cũng thấu hiểu việc tìm được một tác phẩm hay, phát hiện một tài năng mới là một việc khó khăn như thế nào. Chọn một bản thảo để in sách không chỉ hợp với ý tưởng giáo dục của người lớn mà còn phải đủ hấp dẫn tâm lý thiếu nhi để tác phẩm tồn tại được trên thị trường sách hiện nay.
Nhìn lại quá trình 45 năm từ sự kiện ngày 30-4-1975 đất nước Việt Nam thống nhất, thị trường sách thiếu nhi được mở rộng cả nước, chúng ta không thể không thấy rằng sách thiếu nhi nói chung, trong đó có VHTN đã có những bước phát triển đáng kể. Trong khoảng thời gian này, VHTN chúng ta có hai tác phẩm đã có tiếng vang với thế giới, đó là cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (NXB Trẻ năm 2001) của Nguyễn Ngọc Thuần được Giải thưởng Peter Pan-giải thưởng của Ủy ban quốc tế về sách dành cho thanh thiếu nhi tại Thụy Điển và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (NXB Trẻ năm 2008) của Nguyễn Nhật Ánh được Giải thưởng các nhà văn Đông Nam Á (Southeast Asean Writers Award) do Hoàng gia Thái Lan chủ trì. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước khi được giải thưởng quốc tế còn có bộ sách Kính vạn hoa (45 tập, do NXB Kim Đồng xuất bản từ năm 1995 đến 2002) đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay, Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một tác giả được bạn đọc thanh thiếu nhi yêu thích nồng nhiệt mỗi khi ra mắt sách mới. Ông cũng là nhà văn có những tác phẩm được chuyển thành phim thành công như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015) và Mắt biếc (năm 2019). Bên cạnh các tác giả và tác phẩm nổi bật như đã nêu trên, hằng năm đều có các tác phẩm VHTN được dư luận quan tâm như cuốn sách Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây của tác giả Trương Huỳnh Như Trân (NXB Kim Đồng, năm 2018)-Giải thưởng Sách hay của Viện Giáo dục IRED, TP Hồ Chí Minh, năm 2018; Xóm bờ giậu của tác giả Trần Đức Tiến (NXB Kim Đồng, năm 2018)-giải B Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019…
Điểm qua một vài thành tựu như vậy để mong các bạn chớ nên quá bi quan về tình hình VHTN hiện nay. Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến so sánh các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần và các tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay với những tác phẩm đã được các thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu thích trước đây như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và Quê nội của Võ Quảng…
Về thơ hiện nay cũng không phải là không có các tác giả cho ra mắt những tập thơ cho thiếu nhi được dư luận chú ý, như: Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Dắt biển lên trời và Địu chữ qua Cổng Trời của Hoài Khánh; Chào thế giới, bây giờ con đã đến của Lê Minh Quốc… Cũng như văn xuôi, những lời phê bình, nhận định về thơ thiếu nhi hiện tại so sánh với thơ Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa… trước đây đang nêu ra những vấn đề cần tranh luận.
VHTN Việt Nam quả thực có vấn đề lớn về lý luận văn học! Những nền tảng lý luận của VHTN Việt Nam liên quan đến sự đánh giá, phê bình VHTN, liên quan đến cách đọc của người thẩm định, liên quan đến thị hiếu của lớp người hưởng thụ văn học và liên quan đến cả quan niệm sáng tác của các tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay.
VHTN còn gắn bó với việc dạy và học văn hiện nay ở nhà trường. Việc đào tạo một tác giả VHTN không phải bắt đầu từ sự phát hiện tài năng từ một cuộc thi, cũng không phải là việc mở ra các trường lớp dạy viết văn, các trại sáng tác thơ văn tuổi học trò… Việc đào tạo ra một nhà văn tương lai bắt đầu từ lớp 1, từ việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở bậc tiểu học, từ toàn bộ chương trình sách giáo khoa văn học và cách thi cử hiện nay. Việc đào tạo ra một nhà văn đồng thời với việc tạo ra một lớp công chúng thưởng thức văn học trong tương lai, cũng không thể tách rời việc đào tạo ra một lớp các nhà nghiên cứu phê bình văn học của thế kỷ mới. 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa, chúng ta có các thế hệ nhà văn mới “sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không” (lời Bác Hồ) là trông vào ngành giáo dục của chúng ta hiện nay.
Có một thực tế là chúng ta đang thiếu trầm trọng một đội ngũ chuyên gia VHTN từ Trung ương đến các trường đại học, các viện nghiên cứu văn học, các hội đoàn văn học, các NXB… Chuyên gia VHTN không phải chỉ là các tác giả viết cho thiếu nhi mà còn là các nhà chuyên môn đọc thẩm định phê bình các tác phẩm VHTN, các nhà chuyên môn đủ trình độ ngoại ngữ để kết nối giao lưu giữa VHTN Việt Nam với VHTN thế giới.
Chúng ta rất mong muốn xây dựng được một nền VHTN Việt Nam tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Trước hết, chúng ta phải có được một đội ngũ chuyên gia VHTN nòng cốt có tài năng, tâm huyết và trình độ chuyên môn ngang tầm với các chuyên gia VHTN thế giới. Việc đầu tư cho VHTN phải bắt đầu từ việc đào tạo một lớp chuyên gia trẻ tuổi. Từ đó, chúng ta mới có thể tổ chức nghiên cứu gìn giữ toàn bộ di sản VHTN Việt Nam đã có, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ mới, xây dựng một nền văn hóa đọc tốt đẹp cho các tầng lớp nhân dân.
Văn học trẻ em không phải chỉ là cho trẻ em mà là để phục vụ cho tất cả những người lớn từng là trẻ em muốn mãi mãi gìn giữ cách nghĩ trong sáng trong tâm hồn. Văn học trẻ em không phải chỉ để cho trẻ em mà còn là để bảo vệ mãi mãi sức sống xanh tươi nguyên thủy của trái đất đang càng ngày càng già cỗi và suy yếu bởi những tham vọng vô hạn của con người. Hy vọng rằng, VHTN Việt Nam sẽ phát triển và góp phần xứng đáng vào dòng chảy VHTN toàn nhân loại.
(*) Theo Tư duy như Einstein (NXB Kim Đồng, năm 2020, tr.207)
Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN (Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam)