Tiếng thơm để lại

Phóng viên (PV): Thưa ông, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã kết tinh nên nền văn hóa Việt đặc sắc, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghiên cứu về các triều đại từ thời kỳ dựng nước đến nay, theo ông, chúng ta có văn hóa liêm chính không?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Chắc chắn có một văn hóa liêm chính của người Việt Nam chúng ta. Văn hóa đó được hình thành trước hết từ nền giáo dục dân gian, được đúc kết bằng các câu tục ngữ, như: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Chớ có bờm xôm, để đời tiếng xấu”; hay “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; hoặc “Áo rách cốt cách người thương”. Những lời dạy ấy làm cho con người từ bé sớm biết “trọng danh” (danh dự) hơn trọng thực (miếng ăn, tiền bạc và vật chất) và “giữ danh”, coi danh dự là tài sản quý, là điều thiêng thiêng, mất nó thì không lấy gì bù đắp được. Về sau, người Việt chịu ảnh hưởng của Nho giáo và giáo dục khoa cử Nho học, đã tiếp thu một số tri thức trong Nho giáo trở thành phương châm sống, chuẩn mực đạo đức như “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và cao hơn cả là với người quân tử “Thực vô cầu bão, cư vô cầu an”. Đó chính là phương châm sống, phẩm chất đạo đức quan trọng của kẻ sĩ, người làm quan. 

leftcenterrightdel
 Khuê Văn Các tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - biểu trưng cho tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Ảnh: vanmieu.gov.vn

PV: Trong lịch sử, văn hóa này được thể hiện, minh chứng qua thực tế như thế nào, thưa ông? 

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Ở đây chỉ dừng lại phân tích qua hành xử của đội ngũ quan lại các cấp thì văn hóa liêm chính thể hiện trước hết ở sự xả thân vì công việc, đem hết tài năng, tâm đức để phụng sự triều chính, làm tròn trách nhiệm, coi sự đóng góp với đời là tài sản quý và lớn, là sự nghiệp của người làm quan. Văn hóa liêm chính còn là không lợi dụng chức quyền để vơ vét của công; không vun vén cho người thân; không dung túng, tiếp tay cho người thân trục lợi; không nhận hối lộ của liêu thuộc và dân chúng, công tâm trong xét xử những vụ việc, nhất là các vụ án... Nhiều người vì thương dân mà không nhận cả bổng lộc được nhận “hợp luật”. Rất nhiều vị quan sống rất đạm bạc vì thanh liêm, về hưu sống trong bần hàn, thậm chí có người chết ở công sở chỉ có bộ quần áo đang mặc trên người, ấy là trường hợp Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân thời vua Minh Mạng-người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (nay thuộc TP Hà Nội).

Nguyễn Đăng Huân sinh ra trong nghèo khó, đến nỗi nhà không có nổi tiền mua dầu đèn, phải bắt đom đóm bỏ vào lọ để lấy ánh sáng mà học. Nhưng suốt những năm đi học, trong túi ông lúc nào cũng có tấm thẻ bài khắc hai chữ Trung-Hiếu. Sau này đỗ đạt, làm quan Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam), ông nổi tiếng là vị quan có lòng nhân ái, công bằng, chính trực, hết mực thanh liêm, được người dân kính trọng, yêu mến. Kể cả khi về lo tang cha, nhiều người đưa lễ vật đến, ông đều từ chối. Làm quan nhưng ông chỉ ở nhiệm sở một mình, còn vợ con vẫn ở quê nhà. Năm 34 tuổi, ông mất khi đang làm việc tại bộ Lễ. Tài sản chỉ có chiếc túi, bên trong là vài bộ quần áo cũ và chiếc áo ấm mới được vua ban, ngoài ra không có tiền hay thứ gì quý giá. Vua thấy vậy vô cùng thương tiếc và truy phong chức quan, ban thưởng tiền giúp đỡ gia đình ông và cho người lo mai táng chu đáo. Sự thanh liêm, trong sáng của Nguyễn Đăng Huân được vua ban tặng 8 chữ: “Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại”, tức là: Giữ được thanh bạch nên người đời không nguôi nhớ tới ông quan liêm khiết.

Phần nào bị phai nhạt

PV: Tới ngày nay, văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ có được phát huy và thể hiện rõ ra sao, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Xã hội chúng ta, từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nhìn nhận một cách khách quan, một thời gian rất dài, tuyệt đại đa số cán bộ các cấp sống thanh liêm hay vẫn giữ được văn hóa liêm chính từ các cụ để lại. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn. Nguyên nhân của sự giữ được văn hóa liêm chính đó là cán bộ các cấp được giáo dục và thấm nhuần lý tưởng của người cộng sản, lo cho dân, chia sẻ khó khăn cùng nhân dân, sống thanh đạm.

Tuy nhiên, từ khi nền kinh tế nước ta chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp bị cám dỗ trước đồng tiền, nguồn lợi vật chất, đã xa rời lý tưởng cao đẹp mà họ được giáo dục, xa rời văn hóa liêm chính, dẫn đến tha hóa. Thể hiện ở việc lợi dụng chức quyền, cương vị công việc được giao để vun vén trục lợi bằng rất nhiều hình thức, dẫn đến phải xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền, rất nhiều trường hợp bị truy tố, chịu án tù. Có thể nói, văn hóa liêm chính trong một bộ phận đông cán bộ lãnh đạo các cấp đang bị phai nhạt nên “động đến chỗ nào là thấy sai phạm chỗ đó”.

leftcenterrightdel
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính 

PV: Trong cuốn “Người đứng đầu Thăng Long-Hà Nội (1010-1945)” của mình, ông từng tổng hợp trong hơn 8 thế kỷ được nghiên cứu (từ khi Lý Thái Tổ rời đô Hoa Lư năm 1010 đến năm 1888), trong 145 vị đứng đầu đơn vị hành chính đặc biệt này thì có 4 vị bị mất chức do mắc các tội tiêu cực, thiếu trách nhiệm. Liên tưởng đến ngày nay, ông có suy nghĩ thế nào khi thời gian gần đây, không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, không chỉ mất chức mà còn bị xử lý về pháp luật?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Như đã nói ở trên, thời phong kiến, quan lại các cấp từ bé đã được giáo dục liêm chính thông qua giáo dục gia đình và giáo dục Nho giáo nên họ luôn biết giữ liêm, giữ danh, sợ mất danh dự, không chỉ là mất của bản thân mà còn là của gia đình, dòng họ, làng xã nên tình trạng vi phạm pháp luật trong đội ngũ quan lại các cấp nhìn chung không phổ biến, không nặng nề. Còn ngày nay, một bộ phận đông cán bộ đã xa rời lý tưởng, tự suy thoái, bị cám dỗ trước “nguồn lợi” mà họ có thể có được khi ở cương vị lãnh đạo.

PV: Có phải bởi do thời nay, làm quan có quá nhiều cám dỗ về vật chất hơn thời xưa không, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Đó cũng là lý do, là nguyên nhân quan trọng. Thời phong kiến và cả thời ta, trước khi có nền kinh tế thị trường, đời sống vật chất, nguồn lực của cả nước, cả xã hội thấp nên quan lại nếu có tham nhũng thì chỉ “thu” được số tiền, vật chất nhỏ. Ngày nay, khi kinh tế phát triển vượt bậc (so với trước), nguồn lực tài chính, vật chất của xã hội và cộng đồng rất lớn nên một bộ phận đông cán bộ lãnh đạo các cấp bị cám dỗ. Mỗi người được giữ một cương vị lãnh đạo hay được giao một công việc nào đó đều có cơ hội đến với tiền bạc, vật chất... và khi sự quản lý, giám sát không chặt chẽ là cơ hội lớn nhất cho anh ta trục lợi. Đặc biệt, có những thứ trước đây không có giá trị lớn, nổi trội so với các thứ khác, như ruộng đất thì giờ đây lại có “siêu giá trị” và không được quản lý chặt nên cán bộ có chức quyền dễ bị tha hóa nhất. Bởi thế mà hiện nay, chiếm đa số các vụ tham nhũng và tham nhũng lớn là liên quan đến đất đai.

Để người làm quan luôn để lại tiếng thơm

PV: Có thể khẳng định rằng, thời nào cũng tồn tại quan tham, nhưng quan thanh liêm thì luôn để lại tiếng thơm, được người dân ghi nhớ, nhiều người được lập đền thờ phụng. Nhưng thời nay, làm sao để văn hóa liêm chính thấm sâu vào mỗi người làm quan, để người làm quan luôn sống trong lòng dân, thưa ông?

PGS, TS Bùi Xuân Đính: Sự liêm chính của đội ngũ quan lại ngày xưa hay cán bộ ngày nay có được phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố.

Trước hết, là giáo dục lý tưởng, nhân cách sống cho con người. Thời phong kiến, cha ông ta làm tốt điều này và một thời gian dài trong xã hội ta trước đây, chúng ta cũng làm tốt điều này. Còn ngày nay, giáo dục đang có vấn đề, tôi không bàn sâu.

Thứ hai, hệ thống thanh tra, giám sát có vai trò rất quan trọng trong việc chế ngự các hành vi tham nhũng. Thời phong kiến, Nhà nước có một hệ thống thanh tra các cấp, độc lập và chặt chẽ, tiến hành thường xuyên; còn ngày nay, chúng ta làm chưa thực sự hiệu quả, vì thế, một bộ phận đông cán bộ trục lợi, làm càn nhưng chậm bị phát hiện.

Thứ ba, việc xét xử các hành vi tham nhũng thời phong kiến kịp thời, nghiêm khắc, thậm chí sử dụng nhiều hình phạt nặng nề, làm cho quan lại biết sợ, phải “dè chừng khi có ý định tham nhũng và nếu đã mắc, chịu hình phạt thì không dám tái phạm. Còn chúng ta, việc xử lý cán bộ sai phạm cho đến trước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò đốt củi”, không kịp thời, hình phạt nhẹ, nhiều trường hợp được bao che nên họ nhờn luật, không sợ luật, tham nhũng chồng tham nhũng, dây chuyền.   

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)