GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 

Văn hóa phải thấm vào từng con người

Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố con người, chính “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Để phát triển bền vững đất nước, bên cạnh sự phát triển về kinh tế-xã hội và môi trường, còn cần phải đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững về văn hóa. Bởi, văn hóa chỉ có ở con người và loài người; văn hóa chính là “nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”.

leftcenterrightdel
GS, TS Nguyễn Trọng Chuẩn. Ảnh: GIAO TUYẾN 

Văn hóa phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội và vào từng con người; vào lĩnh vực chính trị với tư cách là văn hóa chính trị; vào kinh tế với tư cách là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; vào tổ chức, quản trị và điều hành đất nước... Văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống phải góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và thực thi trách nhiệm của mình đối với xã hội đó một cách tốt nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động. Bởi vậy, cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, có khả năng thực thi cao về văn hóa để tránh rơi vào tình trạng hô hào hoặc kêu gọi chung chung, đặc biệt không để xảy ra tình trạng tăng trưởng kinh tế làm tổn hại hay hủy hoại các giá trị văn hóa...

GIAO TUYẾN (ghi)

 

PGS, TS VÕ VĂN THẮNG, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: 

Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực ở cơ sở

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với việc xây dựng chiến lược nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nói chung, người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số nói riêng là vấn đề nguồn nhân lực. Đây là khâu then chốt để vực dậy các hoạt động văn hóa, tạo ra “đời sống văn hóa tinh thần” ở các thiết chế văn hóa và quan trọng hơn là gìn giữ được các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người dân nông thôn, dân tộc thiểu số. Vấn đề nguồn lực con người trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, triết học, xã hội học, chính trị... đề cập. Tất cả đều khẳng định, nguồn nhân lực văn hóa-con người cá nhân và cộng đồng là chủ thể của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

leftcenterrightdel
PGS, TS Võ Văn Thắng. Ảnh: THU PHƯƠNG 

Xây dựng đời sống văn hóa nói chung, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, trước tiên cần phải xây dựng được nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sẽ tạo ra nhiều hoạt động văn hóa phù hợp. Đây là vấn đề lớn, cần sự quan tâm chặt chẽ của lãnh đạo cơ sở, của ngành văn hóa các cấp chứ không thể chỉ cá nhân cán bộ văn hóa. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành văn hóa cần nghiên cứu xây dựng được mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Cụ thể như: Kế hoạch hoạt động hằng năm của các trung tâm văn hóa; các tổ chức hội... gắn với hoạt động văn hóa trong đời sống xã hội hằng ngày của người dân ở từng địa phương, đơn vị... Có như vậy mới đem lại đời sống văn hóa tinh thần thật sự cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

MAI PHƯƠNG (trích từ tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021)

 

PGS, TS TRẦN THỊ MINH THI, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 

Chú trọng xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiều mục tiêu cần quan tâm trong xây dựng gia đình và quan tâm tới các thành viên gia đình. Văn kiện nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, qua đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng với đó, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" là văn bản chỉ đạo rất quan trọng về công tác gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị tiếp tục khẳng định công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Chỉ thị đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

leftcenterrightdel
PGS, TS Trần Thị Minh Thi. Ảnh: THẾ KHA 

Với những đặc điểm thể hiện mức độ đang chuyển đổi nhanh, phức tạp, đa dạng của giá trị gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại và hậu hiện đại, cũng như mức độ tồn tại đồng thời các giá trị gia đình thuộc các giai đoạn hiện đại hóa khác nhau ở gia đình Việt Nam đương đại, việc xây dựng được hệ giá trị gia đình Việt Nam để định hướng sự phát triển của xã hội là cực kỳ cần thiết. Theo đó, những vấn đề gia đình cần quan tâm trong thời gian tới là xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam vừa tiếp thu được giá trị nhân văn, tiến bộ trong hội nhập, vừa giữ được bản sắc dân tộc và những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp.

MINH PHONG (trích từ tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021)

 

Đại tá, nhạc sĩ NGUYỄN XUÂN THỦY, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:

Đào tạo nghệ thuật phải là đầu tư bậc cao

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù nên đòi hỏi đào tạo nghệ thuật cũng cần có cơ chế, sự quan tâm, đầu tư, sử dụng đặc thù. Đào tạo nhân tài nghệ thuật cho quốc gia phải xác định như một nghề đầu tư cho tương lai, đầu tư bậc cao, lâu dài và có lộ trình. Điều đó đòi hỏi cần giải quyết những vướng mắc, bất cập trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay.

Thứ nhất, tổ chức đơn vị đào tạo hiện nay chưa phù hợp. đào tạo nghệ thuật không thể dàn trải, áp dụng mô hình như các ngành nghề khác. Hiện nay, một số địa phương thực hiện chủ trương đưa các trường trung cấp, cao đẳng nghệ thuật vào trường đại học vùng hoặc sư phạm vùng. Điều đó chưa phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Ngoài ra, theo hệ thống quản lý giáo dục hiện nay thì đào tạo trung cấp, cao đẳng nghệ thuật được xem nằm trong hệ thống đào tạo nghề của quốc gia, thuộc quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Kể cả đào tạo lên bậc đại học, sau đại học, nghệ thuật cũng là đào tạo nghề biểu diễn. Nên chăng cần quản lý theo ngành dọc là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và liên thông từ phổ thông, sơ cấp, trung cấp, đại học, sau đại học trong một trường.

leftcenterrightdel
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: THU HÒA 

Thứ hai, với đội ngũ đào tạo, giảng dạy nghệ thuật, ngoài vấn đề bằng cấp phải có uy tín, bề dày trong hoạt động nghệ thuật và kinh nghiệm, sự truyền nghề, truyền cảm hứng là rất quan trọng. Những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú tham gia giảng dạy cần được hỗ trợ, ủng hộ, đãi ngộ xứng đáng, có sự vận dụng quy định, tiêu chuẩn phù hợp.

Thứ ba, với những trường đào tạo nghệ thuật cần được đầu tư đặc thù về cơ sở vật chất. Điều này rất cần sự đầu tư, hỗ trợ dài hạn từ Nhà nước.

Thứ tư, công tác tuyển chọn vào các trường nghệ thuật phải được thực hiện kỹ càng, phát hiện những em thực sự có năng khiếu, tài năng. Các em phải được bảo đảm điều kiện, có chế độ đãi ngộ, học phí, học bổng, cơ hội phát triển, môi trường làm việc... đủ để cho các em yên tâm học hành, cống hiến.

DƯƠNG THU (ghi)