Thời gian gần đây, hàng loạt di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị xâm phạm trái phép, sai phạm trong quá trình tu bổ, phục hồi. Mới đây nhất, trong quá trình tu bổ, phục hồi di tích cấp tỉnh chùa Bạch Tượng (Nga Sơn, Thanh Hóa), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt.

Trước những vi phạm Luật Di sản văn hóa, cuối cùng, cơ quan chức năng đành phải ra quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng, khiến những người làm văn hóa không khỏi xót xa.

Ấy vậy mà chuyện làm “hỏng” di tích như ở Thanh Hóa, hay thậm chí chuyện biến di tích hàng trăm năm tuổi thành công trình một ngày tuổi như ở đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cũng không phải chuyện lạ của ngành văn hóa. Nguyên nhân của mỗi sự việc sau khi được nghiêm túc kiểm điểm thì nhiều, nhưng chắc chắn trong đó có trách nhiệm không nhỏ của cán bộ quản lý văn hóa địa phương.

Thiếu sâu sát, trách nhiệm, việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương và triển khai công việc chuyên môn chưa hiệu quả, thậm chí là vẫn còn nhiều cán bộ văn hóa thiếu kiến thức chuyên môn, không phân biệt được tu bổ di tích và xây dựng mới...

leftcenterrightdel
Trao chứng nhận cho học viên tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế (tháng 5-2020). Ảnh: HUẾ THƯƠNG

Thực tế những vấn đề bất cập trong lĩnh vực văn hóa đã cho thấy không ít hạn chế của cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương. Hiện nay, dù đội ngũ cán bộ văn hóa đã ngày càng được chuẩn hóa nhưng trong lĩnh vực rộng và nhạy cảm, phức tạp này, trình độ chuyên môn chắc chắn vẫn phải được coi là một yếu tố quan trọng.

Cán bộ quản lý văn hóa trước hết phải am hiểu văn hóa, phải hiểu đặc điểm tình hình địa phương thì mới biết cần làm gì, làm như thế nào. GS, TSKH Tô Ngọc Thanh chia sẻ: “Điều đáng mừng là hiện nay ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã có nhiều cán bộ văn hóa là người bản địa, phần nào hiểu hơn về đặc điểm văn hóa, phong tục địa phương. Nhờ vậy, việc quản lý nhà nước về văn hóa và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng hiệu quả hơn”. 

Nói về chuyện văn hóa địa phương, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc, cũng phải thốt lên: “Cán bộ văn hóa ở cơ sở rất nhiều người không hiểu văn hóa, không yêu văn hóa, không say mê văn hóa bản địa. Có khi cán bộ quản lý văn hóa được điều từ lĩnh vực khác sang nên họ không hiểu gì hết. Đó là tồn tại rất lớn”.

Vậy nên, cho đến bây giờ vẫn còn nhiều người ở Đắc Lắc thở dài khi nhắc lại chuyện cán bộ văn hóa địa phương thuê trang phục biểu diễn lấp lánh, trang điểm xanh đỏ cho bà con lên thành phố biểu diễn cồng chiêng, múa xoang. Theo nhà văn Niê Thanh Mai, chuyên môn là một chuyện, điều quan trọng là cán bộ quản lý văn hóa cần tâm huyết.

Chuyên môn nghiệp vụ yếu kém có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể cứu vãn với văn hóa, nhưng còn nghiêm trọng hơn khi cán bộ quản lý văn hóa lại thiếu cả năng lực lãnh đạo, quản lý, thiếu chuẩn mực đạo đức, lối sống... 

Từ năm 2014, khi đánh giá nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ ra: “Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm”.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chậm được khắc phục và thấy rõ hậu quả qua những ví dụ cụ thể về sai phạm của cán bộ quản lý văn hóa ở một số địa phương. Trong năm 2021, có thể dễ dàng thấy không ít thông tin trên các báo về cán bộ quản lý văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh ở nhiều địa phương bị xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí vi phạm pháp luật vì nhiều sai phạm khác nhau: Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm bị kỷ luật khiển trách do có hạn chế, thiếu sót, sai phạm trong thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ giai đoạn 2017-2019; bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vân Hồ (Sơn La) bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do đã vi phạm trong việc chuyển giao kỷ niệm chương và thực hiện chi trả tiền thưởng cho các đối tượng thụ hưởng thời gian trước đó; ông Lê Văn Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa bị xử phạt 15 tháng tù giam vì tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

Khắc phục những bất cập của văn hóa ở địa phương sẽ phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa các cấp. PGS, TS Nguyễn Văn Huy (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, cán bộ văn hóa ở địa phương rất cần có kiến thức, năng lực chuyên môn, nhưng nếu chưa được đào tạo bài bản thì trước hết phải là người có đạo đức, lối sống chuẩn mực và tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Nói nôm na là "làm văn hóa, trước hết phải có văn hóa".

DƯƠNG THU