Đầu tiên vẫn là vấn đề con người
Phóng viên (PV): Thưa ông, mới đây, khi thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Có nhiều vấn đề đặt ra trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, theo ông luật mới cần tập trung những nội dung nào để điện ảnh phát triển?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nhấn mạnh của Chủ tịch nước cũng là chủ trương khi ban hành luật, với mục tiêu làm cho điện ảnh phát triển bền vững, và không chỉ một lĩnh vực điện ảnh mà còn tạo sự lan tỏa để các lĩnh vực khác phát triển. Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn đang cản trở điện ảnh, ngoài thực hiện theo quan điểm, mục tiêu của Đảng, quản lý điện ảnh theo xu thế chung của thế giới, đồng thời xử lý những vấn đề bất cập đang có của điện ảnh Việt Nam, thì một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết những vướng mắc ở tất cả 4 khâu của điện ảnh (nhân lực, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh). Tuy nhiên, đầu tiên vẫn là vấn đề con người. Cần có hệ thống chính sách tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tự do sáng tạo, được thể hiện hết tài năng, tạo ra các tác phẩm điện ảnh có giá trị.
|
|
PGS, TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: THU HÒA |
Chúng ta đã có những chính sách nhưng chưa đủ để khuyến khích sự sáng tạo. Chẳng hạn, liên quan đến việc bảo đảm sự tự do của nghệ sĩ để họ có thể thăng hoa sáng tạo thì cơ chế hậu kiểm phải bảo đảm. Nhưng không có nghĩa không cần tiền kiểm mà tiền kiểm cần được thể hiện bằng hệ thống quy định rõ ràng để người làm phim... biết cái gì được làm và không được làm, tránh dẫn đến mâu thuẫn sau này khi tác phẩm hoàn thành lại không qua được khâu cấp phép phân loại phim. Các quy định ấy cần thể hiện rõ ràng, đơn nghĩa, dễ hiểu. Đây cũng là việc ta chưa làm được trong luật hiện hành, bởi vẫn còn nhiều nội dung có thể hiểu nhiều cách, gây khó khăn cho người làm phim và cả người cấp phép phân loại phim. Cùng với đó, cần có chính sách nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh, từ: Đạo diễn, biên kịch, diễn viên, lý luận và phê bình...
Thứ hai, phải khai thác tốt tiềm năng văn hóa dân tộc. Đất nước ta có kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá để làm chất liệu cho phim Việt Nam. Trong khi người Trung Quốc, Hàn Quốc đã sử dụng rất tốt kho tàng lịch sử của mình để tạo ra những bộ phim chinh phục thế giới thì Việt Nam chưa làm được như vậy.
Một điều nữa không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay là phải áp dụng công nghệ làm phim đang rất cập nhật trên thế giới. Và thứ tư là yếu tố kỹ năng kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh là điều Việt Nam đang thiếu và phải đầu tư nhiều hơn. Chúng ta đang làm phim mà chưa biết áp dụng những kỹ năng kinh doanh để phim đến được với đông đảo khán giả, tạo hiệu ứng xã hội tốt. Phim còn có thể kết nối đến thời trang, du lịch, mỹ phẩm... Những câu chuyện này cũng cần được thể hiện bằng luật qua những chính sách khuyến khích hướng kết hợp điện ảnh với các ngành, lĩnh vực khác.
Khi chúng ta thực hiện đồng bộ được 4 yếu tố trên thì điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển, cập nhật khu vực và thế giới.
PV: Vậy, thưa ông, chúng ta đang có những ưu thế, thuận lợi gì để thực hiện mục tiêu đưa điện ảnh Việt Nam phát triển cập nhật khu vực và thế giới?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Có thể khẳng định, chúng ta đang có nhiều thế mạnh. Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều bộ phim Việt Nam ăn khách có doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ đồng, hơn cả phim nhập ngoại rất nhiều. Vì vậy, thuận lợi đầu tiên là chúng ta đang có thị trường nội địa rộng lớn mà nhiều quốc gia ao ước. Họ sớm nhận thấy điều này nên thời gian qua, Việt Nam nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn từ các công ty phát hành phim nước ngoài. Đó là chỉ báo cho thấy chúng ta có thị trường điện ảnh tiềm năng.
Chúng ta cũng có đội ngũ nghệ sĩ, đạo diễn tài năng, thể hiện bằng việc nghệ sĩ Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế. Khi sửa Luật Điện ảnh, có nhiều ý kiến của đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim, phê bình điện ảnh quan tâm góp ý, điều đó thể hiện sự tâm huyết với điện ảnh của họ. Khi tất cả cùng chung một khát vọng phát triển nền điện ảnh nước nhà, chúng ta có quyền tin vào sự bứt phá của điện ảnh Việt Nam trong những năm sắp tới.
Và một yếu tố thuận lợi vô cùng quan trọng nữa là chính sách của Đảng, Nhà nước cho sự phát triển điện ảnh đang dần hoàn thiện và tốt hơn. Chúng ta có cả chiến lược phát triển điện ảnh, quy hoạch phát triển điện ảnh, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó các chỉ tiêu về điện ảnh rất rõ ràng như đến năm 2030, doanh thu điện ảnh là 250 triệu USD, trong đó phim Việt Nam là 125 triệu USD. Giờ chúng ta lại đang sửa luật, điều đó thể hiện quyết tâm chính trị để phát triển điện ảnh là rất lớn.
Quỹ điện ảnh là cần thiết
PV: Như ông nói, chúng ta có thị trường tiềm năng cho điện ảnh, nhưng phim doanh thu trăm tỷ lại hầu như là phim thị trường, thậm chí là phim làm lại kịch bản nước ngoài. Về lâu dài, đó không phải là hướng đi bền vững. Suy cho cùng, để ghi dấu cho một nền điện ảnh phát triển thì vẫn cần những bộ phim nghệ thuật chất lượng, đậm đà bản sắc dân tộc được quốc tế công nhận, nhưng có vẻ như chúng ta đang thiếu điều đó, ngay cả phim Nhà nước cũng đã lâu rồi không có tác phẩm ấn tượng, thưa ông?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta phải có tư duy phát triển điện ảnh không phân biệt phim tư nhân hay Nhà nước để có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển điện ảnh. Phim tư nhân thường lấy thị trường, doanh thu làm thước đo quan trọng nên họ luôn phải xem xét thị hiếu của khán giả để làm phim. Điều này có điểm tích cực nhưng điểm tiêu cực là nhiều khi chạy theo thị hiếu thị trường làm cho giá trị nghệ thuật bị ảnh hưởng. “Tiệc trăng máu”, “Em là bà nội của anh” rất ăn khách nhưng làm lại kịch bản của nước ngoài nên không thể hiện được hoặc rất ít giá trị văn hóa Việt Nam trong đó và chắc chắn không thể mang tranh tài, đại diện cho đất nước, con người Việt Nam được. Mà trong điện ảnh, “càng địa phương càng thế giới”, tức là phải làm những bộ phim thực sự mang bản sắc Việt Nam thì mới vươn ra thế giới được.
Thực tế những năm vừa qua, sự phát triển điện ảnh của chúng ta vẫn khá đơn điệu, không đa dạng dòng phim, chủ yếu chạy theo thị trường. Mà đến một lúc nào đó, khán giả cũng sẽ thấy chán với dòng phim giải trí đơn thuần. Lịch sử phim “mì ăn liền” rất dễ lặp lại nếu chúng ta chỉ để cho điện ảnh được định hướng bởi thị trường. Chúng ta phải khắc phục tình trạng đó thì mới hy vọng có phim vươn tầm thế giới như phim “Ký sinh trùng” của Hàn Quốc.
PV: Như ông nói, trong điện ảnh, “càng địa phương càng thế giới”. Dân tộc ta có biết bao câu chuyện lịch sử, đề tài có thể làm chất liệu cho điện ảnh, nhưng lâu nay chỉ khai thác được rất ít vốn quý ấy. Người làm phim dường như “ngại” đi vào những đề tài này. Làm sao để khuyến khích, phát huy sự sáng tạo của con người-yếu tố đầu tiên cho điện ảnh phát triển, như ông đã nêu?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trong thời gian dài, chúng ta luôn đòi hỏi tôn trọng sự toàn vẹn của những sự thật lịch sử trong các bộ phim. Luật hiện hành cũng quy định không được xuyên tạc lịch sử. Đây là điều có thể gây cản trở cho người làm phim. Chúng ta phải có tư duy thoáng, cởi mở hơn, coi sự kiện lịch sử như “cái đinh đóng trên tường” còn bộ phim như cái áo mắc vào đó. Cần có những điều cấm nhưng không nên để những điều quá chi tiết khiến người ta ngại, né tránh và chọn làm những bộ phim hiền lành. Điều này không có lợi cho sự phát triển điện ảnh luôn cần có sự sáng tạo, đa dạng trong thể loại, cách thể hiện.
Đó cũng là một lý do luật lần này đưa ra quỹ điện ảnh. Dù nhiều người phản đối vì trong bối cảnh hiện tại nghị quyết Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật đều không ủng hộ có thêm các quỹ; chúng ta cũng đang có quá nhiều quỹ và không ít trong đó hoạt động kém hiệu quả, trùng những khoản chi Nhà nước. Theo tôi, vấn đề không phải do quỹ điện ảnh mà do các cơ quan quản lý nhà nước không cho ra đời và vận hành quỹ hiệu quả được. Trên lý thuyết, quỹ này sẽ dùng để điều tiết sự phát triển điện ảnh. Điện ảnh cần sự đa dạng trong hình thức cũng như văn hóa, giống như là sự đa dạng sinh học trong tự nhiên vậy, điều đó rất cần thiết cho sự phát triển. Nếu ta chỉ theo một con đường, chỉ tư duy theo một phía thì đến lúc nào đó sẽ bế tắc. Điện ảnh cần những dòng phim thử nghiệm, phim độc lập, những dòng phim nghệ thuật mà có thể thời điểm hiện tại chưa phù hợp với thị trường nhưng tương lai sẽ khác. Điện ảnh cũng cần hỗ trợ cho nghệ sĩ, người làm phim trẻ...
Một thực tế nữa là nhiều phim Việt Nam tham gia liên hoan phim quốc tế nhận sự tài trợ từ các quỹ nước ngoài. Mà ta biết rõ rằng, quỹ nước ngoài sẽ hoạt động theo tiêu chí, định hướng của họ, có thể không phù hợp với những giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội Việt Nam. Khi nhận sự tài trợ ấy, các nhà làm phim nhiều khi phải chiều theo thị hiếu, yêu cầu của các quỹ đó nên phim có thể đoạt giải ở nước ngoài nhưng không qua được hàng rào cấp phép phân loại phim trong nước. Và như thế lại tạo ra mâu thuẫn giữa những người làm phim độc lập với quản lý nhà nước, từ đó đẩy lên thành mâu thuẫn trong điện ảnh, rất không nên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG THU (thực hiện)