Ngược lại, có những bộ phim kinh phí sản xuất chỉ tương đương với mức đầu tư dàn dựng một vở kịch nhưng lại đem về doanh thu lên đến cả trăm tỷ đồng. Nghịch lý đó đã và đang diễn ra trong thị trường điện ảnh Việt. Tuy nhiên, bình tĩnh suy xét vấn đề mới thấy, chuyện “làm chơi, ăn thật” ở đây hoàn toàn không phải là một trò chơi may rủi. Phần đông khán giả của nghệ thuật thứ bảy không đến mức “khó hiểu” như không ít người từng nghĩ...

Từ hiện tượng “Tiệc trăng máu”

Khoảng thời gian hậu giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường điện ảnh Việt khởi động trở lại một cách khá dè dặt. Nhiều dự án điện ảnh của các nhà sản xuất phim trong nước dù đã ở giai đoạn làm hậu kỳ, nhưng không vội vã cho phim ra rạp. Sự cẩn trọng đó là điều dễ hiểu, bởi không một đạo diễn, nhà sản xuất, nhà phát hành nào dám mạo hiểm tung sản phẩm ra thị trường khi mà “điểm rơi” còn chông chênh. Trong bối cảnh đó, một số phim có mức đầu tư kinh phí khiêm tốn, như: “Ròm” (đạo diễn Trần Thanh Huy), “Tiệc trăng máu” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Sài Gòn trong cơn mưa” (đạo diễn Lê Minh Hoàng)... vẫn “bình thản” ra rạp. Và rồi, “Tiệc trăng máu” đã tạo nên một hiện tượng. Phim được truyền thông ca ngợi rần rần. Công chúng kéo đến rạp chật cứng, nhiều nơi dù lịch chiếu dày đặc nhưng vẫn “cháy” vé. Chỉ sau 3 tuần công chiếu, phim đã vượt mức doanh thu 100 tỷ đồng.

Rời khỏi rạp, phải nói ngay và luôn, việc bỏ tiền ra mua vé xem “Tiệc trăng máu” hoàn toàn không uổng phí. Phim xem được. Đọng lại trong lòng khán giả là triết lý sống nhẹ nhàng mà sâu cay về tình bạn, tình yêu, gia đình... trong bối cảnh mọi thứ đều bị chi phối và lệ thuộc bởi công nghệ thông minh.

“Tiệc trăng máu” xoay quanh bữa tiệc của nhóm bạn thân 4 người. Họ gắn bó với nhau từ nhỏ. Lớn lên, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng. Người đã có vợ con. Người dang dở duyên tình vì “gay”. Người đang yêu say đắm...

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Tiệc trăng máu”. Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp

Một trò chơi kiểu “trẻ trâu” được khởi xướng. Tất cả để điện thoại trên bàn. Trong suốt buổi tiệc, nếu ai có tin nhắn, email, cuộc gọi... đều phải công khai cho mọi người biết. Và rồi, những chuyện riêng tư, những bí mật động trời đã lộ ra, không thể che giấu. Vợ chồng ly tán, gia đình nát tan, tình bạn sứt mẻ... Những bi kịch xảy ra không ai có thể lường trước. Tất cả đều ngỡ ngàng, đau đớn. Bữa tiệc ngắm nguyệt thực lãng mạn trở thành bữa tiệc máu và nước mắt. Máu loang đẫm cả trăng, nước mắt chan mây trời...

Nhưng... tất cả chỉ là giả định. Cái kết đảo chiều đã làm khán giả trút được gánh nặng. May mà không ai tham gia vào trò chơi ấy. Thế nên, sau bữa tiệc, môi son như đỏ hơn, nụ cười như tươi hơn, ái ân như được đốt thêm lửa nồng hơn, tình bạn vẫn khăng khít, gắn bó...

Triết lý sống của thời đại 4.0 mà phim truyền tải là: Mỗi chúng ta đều có 3 cuộc sống: Công khai, riêng tư, bí mật. Hãy cứ đẹp và vui với những gì công khai và có thể công khai. Đừng cố khai thác chuyện riêng tư của mỗi người và tuyệt đối không “khai quật” bí mật của nhau. Con người không ai hoàn hảo nên đừng bắt ai đó phải hoàn hảo theo cách hoàn hảo của công nghệ thông minh...

“Làm chơi” cũng phải... công phu

Nếu nhìn vào kinh phí và quá trình làm phim thì quả đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã “làm chơi, ăn thật”. Làm chơi mà ăn thật, triết lý đó đúng với mọi thời đại, nhưng không linh nghiệm với tất cả mọi người. Bởi suy cho cùng, muốn “chơi” được kiểu đó, người chơi phải có đẳng cấp. “Tiệc trăng máu” vay mượn kịch bản của điện ảnh Italy. Trước khi được Việt hóa, nhiều nước ở châu Á cũng đã thực hiện những phiên bản khác nhau và đều đạt được những thành công nhất định. 

Biểu hiện rõ nhất của kiểu “làm chơi” ở “Tiệc trăng máu” là để tiết giảm tối đa chi phí, Nguyễn Quang Dũng làm phim như làm... kịch. Phim chỉ có hai bối cảnh chính là bãi biển Vũng Tàu và một căn hộ chung cư cao cấp ở TP Hồ Chí Minh. Xét về kinh phí, “Tiệc trăng máu” chỉ là loại “săn sắt”. Nhưng việc vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng thì quả những gì đoàn làm phim thu được không phải là “con cá rô” mà là một “con cá mập” cỡ bự. Cá mập sống ở đại dương nhưng Nguyễn Quang Dũng lại câu được nó ở... kênh Nhiêu Lộc.

Nhưng, “nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Sở dĩ Nguyễn Quang Dũng có biệt danh Dũng “khùng” bởi anh rất giỏi kể chuyện, rất giỏi biến hóa, rất giỏi sử dụng các ngón nghề đạt đẳng cấp “tuyệt chiêu” để thu hút khán giả. “Làm chơi” như thế cũng phải rất công phu. Anh đã tạo cho chuyện phim sự hài hước theo kiểu nửa đùa nửa thật để những bi thương không bị đẩy đến bi lụy, dù có đôi lúc, sự hài hước ấy hơi... mất vệ sinh. Thoại ngắn, đổi cảnh quay liên tục, mạch phim nhanh, kết phim bất ngờ, cách kể chuyện thật mà giả, giả mà như thật... khiến phim của Nguyễn Quang Dũng giống như món ăn, nguyên liệu rẻ, chi phí ít nhưng nhờ khéo chế biến nên rất thơm ngon. Nhìn xa hơn nữa thì thấy, gần 20 năm qua, ngoại trừ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bị chê tơi tả, còn thì hầu hết các bộ phim của Nguyễn Quang Dũng đều rất ăn khách và được đánh giá tốt. Tiêu biểu phải kể đến: “Nụ hôn thần chết” (năm 2008), “Giải cứu thần chết” (năm 2009), “Những nụ hôn rực rỡ” (năm 2010), “Mỹ nhân kế” (năm 2013), “Tháng năm rực rỡ” (năm 2018)... Thế nên, việc “Tiệc trăng máu” “làm chơi, ăn thật” cũng không có gì bất ngờ với đạo diễn “mát tay” này. Với những gì đã thể hiện, Nguyễn Quang Dũng xứng đáng là một người thợ trang trí nội thất giỏi nghề và hiếm, nhưng để hy vọng anh trở thành một kiến trúc sư của điện ảnh Việt thì khó. Ấy là bởi, điều mà nền điện ảnh chúng ta cần xây dựng và vươn tới không thể chỉ mãi quẩn quanh ở những tiếng cười, điệu cười, cách gây cười, những câu chuyện cười..., dù thực sự, tiếng cười rất cần cho cuộc sống.

Mà không riêng Quang Dũng, phần lớn các đạo diễn có phim ăn khách ở thời điểm hiện tại cũng chỉ quẩn quanh ở những đề tài giải trí, phổ biến là hài hước, kinh dị, tình yêu đồng tính... với  mục tiêu đạt doanh thu phòng vé. Công chúng chưa thấy xuất hiện những nhân tố mới đủ sức nặng để có thể tạo nên những “Cánh đồng hoang”, “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”... của thời hội nhập. Nhìn vào danh sách các bộ phim sẽ nối gót “Tiệc trăng máu” ra rạp từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu-2021, như: “Trái tim quái vật”, “Bí mật của gió”, “Chồng người ta”... ai cũng thấy rõ điều đó.

Đã làm thì làm cho tới

Quy luật kinh doanh “vốn nhiều, lãi khủng” chưa hẳn đúng với thị trường điện ảnh Việt, ít nhất là cho tới thời điểm này, dù làn sóng các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đã tạo một luồng gió mới đầy sinh khí cho nghệ thuật thứ bảy. Lý giải điều này, đạo diễn Charlie Nguyễn (Việt kiều Mỹ) cho rằng, để thu hút khán giả đến rạp, yếu tố quyết định vẫn là chất lượng phim. Nếu phim dở, dù có được đầu tư kinh phí lớn, có chiến lược quảng bá rầm rộ đến mấy cũng khó níu chân khán giả. Tiền nhiều chưa chắc đã có phim hay. Cái hay của phim nằm ở câu chuyện phim, cách kể chuyện của đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên...

Bộ phim “Lửa Phật” do Dustin Nguyễn đảm nhiệm cả 3 vai trò: Kịch bản, đạo diễn và diễn viên chính được cho là có kinh phí lớn nhất thị trường điện ảnh Việt từ trước đến nay, với mức đầu tư lên đến 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng ở thời điểm năm 2012-2013). Đây cũng là bộ phim đề tài giả tưởng đầu tiên của Việt Nam. Kinh phí “khủng”, quảng bá rầm rộ, lại ở thời điểm Dustin Nguyễn và Ngô Thanh Vân (vai nữ chính) đang tỏa sáng rực rỡ, có lượng “fan” (người hâm mộ) thuộc tốp đầu thị trường giải trí ở Việt Nam lúc bấy giờ, vậy nhưng ra rạp được ít suất chiếu thì “Lửa Phật” hóa... “lửa tắt”. Một câu chuyện giả tưởng được kể rời rạc, chắp vá, phi lý. Xem đến khuôn hình cuối cùng, khán giả vẫn không hiểu đạo diễn muốn gửi gắm điều gì ngoài những màn đánh đấm long trời lở đất của các ngôi sao võ thuật điện ảnh. Tham vọng làm một bộ phim “bom tấn”, thiết lập các kỷ lục cho điện ảnh Việt của Dustin Nguyễn thất bại. Dù được chào mời tại nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, nhưng nhà sản xuất vẫn lỗ nặng vì vắng khán giả. Phim cũng trắng tay ở các liên hoan sau đó.

Chung số phận với “Lửa Phật” là “Tây Sơn hào kiệt” (năm 2010), từng xác lập kỷ lục Việt Nam là phim có đại cảnh hoành tráng nhất từ trước đến nay. Mức đầu tư kinh phí lên đến 12 tỷ đồng, nhưng nhà sản xuất chỉ thu về được khoảng 3 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng là vì cách kể chuyện quá rườm rà. Quá nhiều tình tiết trong một câu chuyện nên mạch phim vì thế mà rời rạc, không có tình huống nào được giải quyết tới nơi tới chốn...

Sau những cú ngã ngựa vì tham vọng “bom tấn” bất thành, các đạo diễn, cả Việt kiều và trong nước rất dè dặt khi chọn đề tài làm phim. Thế nên công thức “thơm-ngon-bổ-rẻ” cứ thế lặp đi lặp lại. Dù truyền thông vẫn tốn nhiều giấy mực để ca ngợi phim nọ, phim kia “cháy” phòng vé, “sao” nọ, “sao” kia đắt show, nhưng nhìn bức tranh của điện ảnh Việt hiện nay, không ít người phải thốt lên: Chẳng lẽ đời sống xã hội của chúng ta khi lên phim chỉ có cười cợt hài hước, đánh đấm, ngoại tình, đồng tính, ma mị... như vậy thôi sao? Tinh thần dân tộc ở đâu? Nhân vật thời đại ở đâu? Các đề tài được xã hội quan tâm ở đâu?...

Khán giả chưa và không bao giờ quay lưng với những tác phẩm điện ảnh khai thác những đề tài có tâm và có tầm như thế. Vấn đề là trong môi trường giải trí có quá nhiều sự lựa chọn, lại phải đặt trong sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm điện ảnh nhập khẩu, rằng đã đầu tư làm thì phải làm cho tới. Chỉ một câu chuyện thôi, thật điển hình, thật hấp dẫn, thật xuất sắc, kể cho hay, làm cho tới..., không có lý do gì khán giả lại không kéo nhau đến rạp.

PHAN TÙNG SƠN