Trông người mà ngẫm đến ta, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Điện ảnh Việt Nam bao giờ lập những kỳ tích mang vinh quang về cho Tổ quốc? Để tìm hiểu thực trạng và hướng phát triển của điện ảnh nước nhà, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cố vấn nghệ thuật Công ty TNHH BHD.

Phóng viên (PV): Theo ông, thành công vang dội của phim “Ký sinh trùng” có phải là bước nhảy vọt bất ngờ?

leftcenterrightdel
Đoàn làm phim “Ký sinh trùng” trên sân khấu Oscar 2019.

Nhà văn Ngô Thảo: Đúng là trong sáng tạo nghệ thuật, vẫn sẽ có trường hợp đỉnh cao nghệ thuật xuất hiện mà không ai ngờ tới. Đạo diễn phim “Ký sinh trùng” Bong Joon Ho là một nghệ sĩ lớn nhưng ông là con đẻ của một nền công nghiệp điện ảnh hùng mạnh. Qua nhiều năm quan sát điện ảnh Hàn Quốc, tôi cho rằng, thành công của phim “Ký sinh trùng” không phải ngẫu nhiên mà có. Người Hàn Quốc mất 25 năm phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có mũi nhọn điện ảnh mới tạo nền tảng để kiệt tác “Ký sinh trùng” ra đời.

Không chỉ có Hàn Quốc mà nhìn chung các nền điện ảnh phát triển (điển hình như Hồng Công, Trung Quốc) đều có quy luật khá giống nhau. Đầu tiên là sự chung tay với vai trò kiến tạo của chính quyền, các công ty tư nhân mạnh dạn đầu tư để tạo dựng thị trường phim ảnh theo bề rộng, bùng nổ các thể loại phim giải trí. Chính từ những bước khởi đầu làm phim giải trí mà họ tích lũy được vốn, quy trình làm phim, đội ngũ hành nghề để nâng tầm chuyên nghiệp và tiến tới sản xuất dòng phim nghệ thuật. Và cuối cùng phim nghệ thuật sẽ hòa với phim thị trường để phim thị trường cũng sẽ tự nâng cao trình độ lên một bước, tránh những phim quá say sưa cảnh giật gân, “nóng bỏng” ngây ngô.

PV: Ông có thể cho biết, Hàn Quốc đã thực hiện giải pháp cụ thể nào để trở thành nền điện ảnh hàng đầu châu Á?

leftcenterrightdel
Nhà văn Ngô Thảo

Nhà văn Ngô Thảo: Đã có nhiều công trình nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm phát triển thành công của điện ảnh Hàn Quốc cho nên tôi chỉ nêu ngắn gọn mấy ý chính. Mấu chốt để điện ảnh Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu muôn phương là do họ đã thiết lập một hệ thống thương mại chính quy, có tổ chức và kinh doanh hiệu quả.

Về phía Chính phủ Hàn Quốc có chiến lược phát triển văn hóa, lấy văn hóa mở đường cho kinh tế: Hơn 25 năm qua, bắt đầu từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc, với trai thanh gái lịch, từ ca nhạc, thời trang, mỹ phẩm, rồi các tác phẩm điện ảnh, họ đã cho thế giới nhìn thấy một đất nước tươi đẹp, văn minh, đầy tiềm năng sáng tạo. Chính nền văn hóa ấy đã mở đường cho kinh tế Hàn Quốc mở rộng đầu tư ra thế giới. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo quan trọng, như: Hỗ trợ tài chính và vốn sáng lập doanh nghiệp; giảm mức thuế thu nhập, bỏ phụ thu vé xem phim và khoản thuế đặc biệt khi nhập khẩu trang thiết bị ngành điện ảnh; có chính sách đặc biệt về nghĩa vụ quân sự cho những người có chuyên môn kỹ thuật cao…

Chính phủ khuyến khích các công ty, tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. Các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, SKC… đều có những dự án lớn đầu tư cho điện ảnh, góp phần bảo vệ thị trường nội địa trước làn sóng phim ngoại, nhất là phim Mỹ. Nếu để ý sẽ thấy người cảm ơn khán giả cuối cùng trên sân khấu lễ trao giải Oscar là bà Miky Lee, Phó chủ tịch Tập đoàn CJ, nhà sản xuất phim “Ký sinh trùng”. Bà Miky Lee là cháu nội của Lee Byung Chul, nhà sáng lập Samsung; gọi Lee Kun Hee, Chủ tịch đương nhiệm của Samsung bằng chú. Nhờ nguồn lực khổng lồ từ Samsung, năm 1995, Tập đoàn CJ lấn sân vào giải trí, nỗ lực xây dựng một hạ tầng giải trí quy mô, bao gồm hãng phim, hãng thu âm, kênh truyền hình âm nhạc, đặc biệt là hệ thống rạp chiếu phim. Sau này, họ xâm lấn toàn bộ thị trường Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những thua lỗ ban đầu đã có “tập đoàn mẹ” chống đỡ. Đó là điều các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này ở nước ta hoàn toàn không thể mơ đến.

Ngoài ra, giáo dục-đào tạo cũng đặc biệt được chú trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn, người Hàn Quốc gửi hàng trăm người có ý định trở thành nhà biên kịch sang các nền điện ảnh tiên tiến để học tập. Sang Mỹ thì đương nhiên nhưng lạ lùng là họ còn gửi người qua Đức học ngành… điều khiển học. Mục đích là để học sự logic, từ đó tạo kịch bản phim chặt chẽ, như phim truyền hình có khi các bà nội trợ vừa nấu cơm vừa nghe lời thoại cũng đã hiểu cốt truyện!

Tóm lại, kinh nghiệm thành công của điện ảnh Hàn Quốc là cởi mở, chấp nhận rủi ro, có khát vọng vươn lên, tổ chức hiệp đồng giải pháp phát triển điện ảnh một cách khoa học, quyết liệt. Thành công của điện ảnh Hàn Quốc không chỉ có tác dụng khuyến khích những nhà làm phim Việt Nam nuôi dưỡng giấc mộng lớn vươn ra thế giới mà thực chất đã cung cấp nhiều bài học thực tiễn giá trị.

PV: Sau 17 năm với dấu mốc là bộ phim “Gái nhảy” ra đời mở đầu cho xu hướng thương mại hóa điện ảnh, liệu điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đủ để vươn ra thị trường khu vực?

Nhà văn Ngô Thảo: Làm điện ảnh ở đâu cũng có một số khó khăn chung. Phim chiếu rạp là phải nghĩ đến lợi nhuận, tức là phải đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả. Tôi cho rằng, điện ảnh Việt Nam đang đi đúng hướng khi phát triển thị trường điện ảnh theo hướng chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của công chúng. Sau gần 20 năm, chất lượng các bộ phim ngày càng tốt lên; chúng ta tự hào có những bộ phim Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc vào dịp cao điểm, gần đây nhất là phim “Mắt biếc” đã làm “cháy vé” rạp phim.

Chuyện vươn ra thị trường khu vực vẫn là quá sớm, cần có thêm thời gian bởi chúng ta đang phát triển điện ảnh theo kiểu “xây nhà từ nóc”. Vài ba công ty trong nước thiếu vốn chung nhau làm phim và không có con đường nào khác là làm những phim giải trí, phim truyền hình, sản xuất các chương trình giải trí truyền hình để lâu lâu có tiền làm phim nghệ thuật. Tôi muốn nói là làm phim giải trí không có gì sai nhưng nếu có nguồn vốn xã hội đầu tư thì phim nghệ thuật sẽ nhiều lên. Đồng thời, điện ảnh Việt Nam sẽ rút ngắn bớt thời gian “tích cóp” kiếm tiền bằng phim giải trí.

Một điểm yếu khác của điện ảnh Việt Nam là thiếu nhân lực chất lượng cao ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất. Máy móc có thể nhập khẩu, có thể đi thuê nhưng kịch bản chẳng hạn, chẳng lẽ thuê nốt người nước ngoài viết? Ngay như Công ty BHD chúng tôi có mối liên hệ tốt với nhiều nhà biên kịch nhưng chất lượng kịch bản không đáp ứng để làm phim.

PV: Phải chăng để phát triển điện ảnh Việt Nam cần sự chung tay của toàn xã hội?

Nhà văn Ngô Thảo: Đúng vậy! Tôi muốn liên hệ với bóng đá Việt Nam một chút. Những thành công gần đây của bóng đá Việt Nam đã được phân tích nhiều, như: Đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ giỏi chuyên môn, có văn hóa, đạo đức; tìm được những huấn luyện viên có tâm, có tài; sự quan tâm nhiệt thành của Chính phủ, nhiều tập đoàn lớn hào phóng đầu tư… Điện ảnh Việt Nam muốn phát triển cũng phải được quan tâm, chăm lo, đầu tư tương tự như bóng đá.

Năm 2014, Đảng đã có Nghị quyết số 33, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới. Hai năm sau đó, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ trương, nhận thức đã có nhưng tôi chưa thấy các bộ, ban, ngành, địa phương có hành động cụ thể nào để phát triển điện ảnh. Tôi tin những người làm điện ảnh trong nước rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, không phải bằng đầu tư trực tiếp vì ngân sách có hạn mà bằng những chính sách kiến tạo thiết thực, công tâm.

Hiện nay đã có một số cá nhân được đào tạo điện ảnh bài bản ở nước ngoài nhưng con số vẫn khiêm tốn. Tôi vẫn cho rằng, tài năng ở nước nào cũng có cả, vấn đề là phải phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho tài năng phát triển. Không thể muộn hơn nữa, các bên liên quan cần ngồi lại để thống nhất một kế hoạch đào tạo nhân lực điện ảnh với mục tiêu cụ thể, nếu không nguy cơ tụt hậu có thể xảy ra. Luật Điện ảnh đang chuẩn bị sửa đổi, cần cập nhật những điều khoản mới cho phù hợp tình hình phát triển, nếu không cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho những người làm phim, giấc mơ vươn ra thế giới cũng chỉ dừng lại là giấc mơ. Cần nhận thức, điện ảnh không đơn thuần chỉ là một hoạt động văn hóa, mà còn là một ngành kinh tế có khả năng thu lợi lớn. Và cái lợi kép không ngành kinh tế đơn thuần nào theo kịp là thành công của nó sẽ giúp tạo dựng được hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, văn minh, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa.

Tôi luôn giữ niềm tin về điện ảnh Việt bởi chúng ta đi sau nhưng lại có lợi thế tiếp thu nhiều kinh nghiệm để bứt phá. Địa hình, phong cảnh nước ta quá nhiều cảnh kỳ thú. Lịch sử đất nước thời kỳ nào cũng có vô vàn câu chuyện bộc lộ tận cùng tình cảm hỉ-nộ-ái-ố, nếu biết cách thể hiện, nhất định có thể lôi cuốn khán giả, không chỉ trong nước. Mà chỉ riêng một nước có gần 100 triệu dân là một thị trường lớn cho công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh. Hơn hết, tôi cho rằng con người ở mọi nơi đều muốn xem những bộ phim có chất lượng, hấp dẫn, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, vì thế mọi nền điện ảnh đều có lợi thế trước phim ngoại.

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)