Từ trong gian khó
“Người Hàm Rồng”-bộ phim của Điện ảnh QĐND tham dự Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (năm 1967) đã khiến bạn bè quốc tế ngỡ ngàng, thán phục và mang về Giải đặc biệt Joris Iven. Bộ phim ghi lại những hình ảnh sinh động, phản ánh không khí chân thật, đầy xúc động của quân và dân ta bằng mọi giá bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)-con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trong chiến tranh, trước sự bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Để thực hiện được bộ phim, đoàn làm phim đã lên đường vào những ngày sát Tết Đinh Mùi 1967, bỏ lại không khí nô nức đón năm mới để vào trận địa, mặc bao lần bom rơi ngay bên mình cũng không rời máy quay.
Ngày 17-8-1960, tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn Điện ảnh Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND Việt Nam được thành lập. Ra đời sau so với nhiều loại hình nghệ thuật khác trong quân đội, tuy trang thiết bị còn hạn chế, nhân lực còn thiếu thốn, non trẻ về nghề nghiệp nhưng với ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ, Đoàn Điện ảnh Quân đội đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ với hàng trăm bộ phim như “Người Hàm Rồng”. Đội ngũ làm phim của Điện ảnh QĐND luôn sẵn sàng lên đường ra các mặt trận. Với chiếc máy quay phim và khẩu súng, họ đã có mặt ở mọi chiến hào, trên khắp các mặt trận miền Bắc, miền Nam, sát cánh cùng Quân tình nguyện Việt Nam tại hai nước bạn Lào, Campuchia. Cũng chính từ nơi mưa bom bão đạn ấy, với bao thước phim chân thực, sống động, tinh thần bất khuất kiên cường của quân dân ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được các phóng viên Điện ảnh QĐND ghi lại. Nhiều bộ phim tài liệu ra đời rất kịp thời, mang hơi thở nóng bỏng của mặt trận, phản ánh sự anh dũng trong chiến đấu của quân và dân ta ngoài mặt trận đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội, nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà. Để có được những kết quả góp phần vào chiến thắng của dân tộc, bao phóng viên, nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh QĐND phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ, thậm chí bằng cả tính mạng của mình. 38 nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh QĐND đã ngã xuống trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng chục người mang trong mình những vết thương, di chứng chiến tranh... tất cả để ghi lại những thước phim vô giá.
Không chỉ “Người Hàm Rồng”, trong giai đoạn này, Điện ảnh QĐND đã có rất nhiều bộ phim gây được ấn tượng, có ý nghĩa lớn, giành được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước như: “Dòng thác bạc” (Giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim Leipzig, năm 1968), “Trận địa mặt đường”, “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào” (Giải Bồ câu Vàng Liên hoan phim Leipzig, năm 1972); hàng chục Giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam như: “Mỹ không chừa, Mỹ còn chết”, “Chiến đấu giữ đảo quê hương”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đánh tay không”, “Một ngày Hà Nội”, “Bắn rơi chiếc may bay thứ 2.500”, “Chiến thắng Khâm Đức”, “Quanh địa ngục Cồn Tiên”, “Cồn Cỏ anh hùng”, “Trận địa bên sông Cấm”, “Trận địa mặt đường”, “Những cô gái C3 Quân Giải phóng”, “Hà Nội bản hùng ca”...
Tiếp nối những thước phim hào hùng
Thời bình, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh QĐND tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật để tiếp nối truyền thống trong quá khứ. Những bộ phim như: “Chiến thắng lịch sử năm 1975”, “Cuộc đụng đầu lịch sử”, “Đường mòn trên Biển Đông”, “Mười ba bến nước”, “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc”, “Người trở về”, “Ngày về”... đã góp phần làm nên thương hiệu phim Điện ảnh QĐND.
Từ một lực lượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn nghiệp vụ, máy móc phương tiện thiếu thốn, thô sơ, trình độ kỹ thuật non trẻ, đến nay, Điện ảnh QĐND đã trở thành một đơn vị sản xuất phim chuyên nghiệp, khép kín (từ tiền kỳ đến hậu kỳ) với các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện cùng đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ sáng tác, kỹ thuật, hành chính được đào tạo bài bản. Đây có thể coi là sự trưởng thành vượt bậc, sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh QĐND suốt 60 năm qua. Trong suốt quá trình hình thành và trưởng thành, phát triển, Điện ảnh QĐND đã cùng có mặt tham gia vào nhiều mốc son, dấu ấn trọng đại của lịch sử chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thông qua các bộ phim phản ánh nhanh nhạy, chân thực, kịp thời, đã phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng như đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Nếu như trong quá khứ, các chiến sĩ, nghệ sĩ xông pha ra trận địa, không ngại bom đạn chiến tranh để ghi lại những thước phim trở thành chứng nhân lịch sử, trở thành một phần lịch sử văn hóa dân tộc, thành tài sản tinh thần vô giá của lớp lớp thế hệ người Việt Nam thì thời bình, các thế hệ của điện ảnh quân đội vẫn tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, không ngại gian khổ đến mọi miền Tổ quốc từ đồng bằng tới miền núi, từ biên giới tới hải đảo để có những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, phản ánh đời sống, công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ, những tấm gương người tốt truyền cảm hứng. Những bộ phim về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng làm lay động lòng người, góp phần to lớn vào việc giáo dục, định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước, quân đội trên mặt trận văn hóa, tư tưởng cũng như sự phát triển của nền điện ảnh cách mạng nước nhà. Đặc biệt, là một đơn vị làm công tác văn hóa-nghệ thuật-báo chí, với nhãn quan nhạy bén của người chiến sĩ và luôn giữ được định hướng đúng đắn về chính trị, Điện ảnh QĐND đã và đang cho ra đời những bộ phim mang nội dung sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, góp phần giáo dục thẩm mỹ, xây dựng nhân cách, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong điều kiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhằm giữ vững nền độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Bằng phẩm chất nghệ sĩ-chiến sĩ, bằng những tác phẩm điện ảnh xuất sắc đã được ghi nhận và sự đóng góp xứng đáng cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, năm 1990, Điện ảnh QĐND vinh dự, tự hào được đón nhận danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.
Từ năm 2014 đến nay, với đề án hiện đại hóa các cơ quan báo chí quân đội 2014-2025, Điện ảnh QĐND được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là TCCT giao thực hiện nhiệm vụ “hai trong một”: Vừa là cơ quan văn hóa, nghệ thuật, đồng thời là cơ quan báo chí tuyên truyền. Các bộ phim của Điện ảnh QĐND đều được phát sóng trên các kênh truyền hình phục vụ khán giả cả nước. Từ năm 2016 đến nay, 100% các bộ phim do Điện ảnh QĐND sản xuất đều được phát hành trong mạng lưới phát hành phim quân đội và phát sóng trên nhiều kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Công an nhân dân; kênh truyền hình các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu... đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, ấn tượng tốt đối với công chúng.
60 năm qua, “vốn liếng” của Điện ảnh QĐND không chỉ là những giải thưởng, phần thưởng cao quý mà thiết thực hơn, đó là gần 1.400 bộ phim các thể loại, hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa và hàng nghìn phút phim tư liệu số. Cùng việc không ngừng sản xuất phim phục vụ bộ đội và nhân dân, Điện ảnh QĐND còn làm tốt nhiệm vụ quản lý, lưu trữ, liên tục bổ sung vào kho tư liệu quý giá này. Mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động của điều kiện kinh tế thị trường, song Điện ảnh QĐND vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, tiếp nối truyền thống vẻ vang của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Những tác phẩm ra đời trong thời gian gần đây ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng, gặt hái được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim Việt Nam, Giải Cánh diều, Giải Báo chí Quốc gia, Liên hoan truyền hình toàn quốc... đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Điện ảnh QĐND trong nền điện ảnh, báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Điện ảnh QĐND đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1990); Huân chương Quân công hạng Nhì, (năm 1980 và 1984); Huân chương Chiến công hạng Nhất (các năm 1968, 1970, 1997); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1990); Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1995); Huân chương Nhà nước Campuchia (năm 1991); Huân chương Issara Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 1991); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2010); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2015); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2020) và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Các giải thưởng: 15 giải thưởng quốc tế; 31 Giải Bông sen Vàng, 47 Bông sen Bạc, 13 giải thưởng cá nhân xuất sắc, 30 giải khuyến khích và bằng khen tại các Liên hoan phim Việt Nam; 4 giải A-Cánh diều Vàng, 18 giải B-Cánh diều Bạc, 22 giải C, giải khuyến khích và bằng khen tại các Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam; 1 giải A, 8 giải B, 5 giải C, 5 giải khuyến khích và bằng khen tại các Giải Báo chí Quốc gia; 1 giải xuất sắc, 10 giải A, 16 giải B, 9 giải C, 5 giải khuyến khích và bằng khen của Bộ Quốc phòng; 5 giải Bạc, 1 bằng khen tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc và nhiều giải thưởng của các bộ, ngành khác.
|
HOÀNG DƯƠNG