Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ có 5 phim truyện vi-đê-ô và phim tài liệu tham gia giải “Cánh diều vàng” của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2007, tổ chức đầu tháng 3-2008 tại thành phố Hồ Chí Minh. So với các năm trước, năm nay số lượng phim dự giải kể trên không nhiều và chưa “toàn diện”, nhưng trong điều kiện thực tế của Điện ảnh Quân đội nhân dân những năm gần đây, thì đó là một cố gắng lớn. Và đặc biệt, bằng những kết quả tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn xứng đáng là một cơ sở có đẳng cấp trong “làng” điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Nghệ sĩ ưu tú, Thượng tá Vũ Văn Chính-Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân- cho biết:

- Trong số 5 phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân tham gia giải “Cánh diều vàng” năm nay, có bộ phim tài liệu nhựa màu “Những hy sinh thầm lặng” (biên kịch và đạo diễn: NSƯT Phạm Huyên) đã đoạt giải Ba của Liên hoan phim môi trường toàn quốc năm 2007. Phim nói về những công việc thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm của bộ đội hóa học trong việc xử lý môi trường tại những vùng đất nhiễm chất độc đi-ô-xin do đế quốc Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam trước đây. Công chúng xem phim không chỉ cảm phục sự hy sinh và tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ hoá học, mà còn cảm phục sự “dấn thân” của những nghệ sĩ áo lính dám xông vào những vùng đất nguy hiểm để phản ảnh hiện thực khắc nghiệt và đau thương do chất độc hóa học Mỹ gây nên. Ngoài ra, hai bộ phim tài liệu “Bức tượng đài vĩnh cửu” (phim nhựa màu) và “Để lại mùa xuân” (phim vi-đê-ô) là những đề tài “cũ” nhưng có cách làm mới, tạo hiệu quả nghệ thuật cao. “Bức tượng đài vĩnh cửu” ghi tạc hình tượng vĩnh hằng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Để lại mùa xuân” kể về tấm gương hy sinh của nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao trong cuộc chiến đấu với những phương tiện hủy diệt tối tân của đế quốc Mỹ để thông đường, thông xe ra mặt trận; mang lại sự bình yên cho những xóm làng thân yêu… Câu chuyện đã được sách báo viết nhiều, nhưng đến lượt các nhà làm phim quân đội kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh, vẫn gây xúc động lớn cho người xem…

- Thưa anh, thế là giải “Cánh diều vàng” năm nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân lại vắng bóng phim truyện nhựa. Bao giờ thì điện ảnh quân đội lại có những bộ phim sử thi hoành tráng như: “Hoa ban đỏ”; “Đêm Bến Tre”; “Tiếng cồng định mệnh”…?

- Điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó kinh phí là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Hiện tại, mỗi năm kinh phí làm phim của chúng tôi chỉ tám trăm (800) triệu đồng, trong khi các hãng trong nước, mỗi bộ phim truyện của họ được cấp trên ba tỉ đồng vẫn còn phải chạy thêm các nguồn tài trợ khác. Vả lại, phim truyện nhựa không phải là thế mạnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Cảnh trong bộ phim truyện vi-đê-ô “Mùa thu không cô đơn” của Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 2007. Ảnh: NAM ĐÔNG

- Thưa anh, ngay như phim tài liệu vốn được thừa nhận là thế mạnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân suốt nhiều chục năm qua, gần đây cũng không gây ấn tượng trong dư luận, không giành những giải cao tại các kỳ liên hoan phim và giải “Cánh diều vàng” hằng năm?

- Chúng tôi không né tránh những hạn chế, thậm chí là non yếu của đội ngũ làm phim quân đội trong giai đoạn “chuyển giao thế hệ” cực kỳ khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn tích cực trước những kết quả mà điện ảnh quân đội đạt được tại các cuộc “thi thố” gần đây. Giải “Cánh diều vàng 2006”, chỉ có Hãng phim tài liệu-khoa học trung ương và Điện ảnh Quân đội nhân dân đoạt giải Vàng và Bạc ở thể loại phim tài liệu, còn các hãng khác đều không có. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV (năm 2007), Điện ảnh Quân đội nhân dân có một phim đoạt giải của Ban giám khảo và 4 cá nhân đoạt giải diễn viên và quay phim. So với nhiều hãng khác thì như thế đâu phải là thấp? Vả lại, mỗi cuộc thi và mỗi loại giải có những tiêu chí, cách nhìn nhận đánh giá khác nhau. Ở nước ta, từng có nhiều bộ phim được giải cao tại Liên hoan phim quốc gia nhưng lại chẳng được đánh giá cao ở giải “Cánh diều vàng” và ngược lại. Ngay cả hai bộ phim đã được giải vàng tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương năm ngoái, nhưng lại chỉ được giải bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2007…

- Có ý kiến cho rằng, sở dĩ phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân gần đây ít gây ấn tượng vì không bắt kịp-hoặc là né tránh-những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Đó là những đề tài “thời thượng” và ăn khách.

- Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị văn hóa-nghệ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, có đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Chúng tôi làm phim không phải để đi thi thố mà trước hết là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa-nghệ thuật của bộ đội, nhân dân; thông qua đó mà phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và quân đội giao phó. Hơn 80% phim chiếu trong các tuần lễ phim quốc gia do Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) tổ chức là của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đó cũng là “giải thưởng” đặc biệt dành cho những người làm phim trong quân đội.

- Năm 2008, Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ “chào hàng” những sản phẩm gì đáng chú ý?

- Kế hoạch làm phim năm 2008, số lượng phim truyện vi-đê-ô và tài liệu nhựa nhiều hơn mọi năm. Trong đó, bộ phim truyện 2 tập “Đánh trận giả ở Hoàng Sơn” (Kịch bản của Khuất Quang Thụy, đạo diễn: Đặng Thái Huyền) có đề tài khá thời sự với nhiều tình tiết “đời thường” gay cấn, đã xong phần hậu kỳ. Bộ phim truyện “Mười ba bến nước” chuyển thể từ truyện ngắn đoạt giải thưởng Hội nhà văn của Sương Nguyệt Minh đã sắp sửa bấm máy. Hy vọng tập ba của xê-ri phim chiến tranh có tên “Cuộc chiến không chiến tuyến” sẽ gây được tiếng vang như tập 1 “Đất và người” và tập 2 “Câu chuyện thành trì”…

- Xin cảm ơn anh và xin chờ đón những tác phẩm mới của Điện ảnh Quân đội nhân dân!

BÙI DUY thực hiện