PGS, TS NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương: Cần phản ánh sinh động hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới

Ngoài Báo QĐND hằng ngày với nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin thời sự thì Báo QĐND Cuối tuần luôn dành những chuyên trang, chuyên mục, bài viết, sáng tác văn học về người chiến sĩ và đặc biệt là xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ rất đậm nét, sinh động, có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, thực tế nhiệm vụ và đời sống bộ đội cũng như nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc trong và ngoài Quân đội hiện nay cũng đặt ra những yêu cầu mới cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên tờ QĐND Cuối tuần cả về nội dung và hình thức thể hiện.

leftcenterrightdel

 Phó giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN THẾ KỶ.

Quân đội của chúng ta hiện nay đã có những bước trưởng thành về nhiều mặt, trong đó có cả bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ. Bản chất của Bộ đội Cụ Hồ dù trong quá khứ hay bây giờ vẫn vẹn nguyên nhưng rõ ràng, bộ đội hôm nay đã khác rất nhiều so với trước đây về cả điều kiện học tập, huấn luyện, năng lực, trình độ cho tới nhu cầu, thị hiếu... Do đó, văn học, nghệ thuật về bộ đội, cho bộ đội cũng đòi hỏi có bước phát triển mới. Đó là sự mở rộng về đề tài, không gian, đối tượng phản ánh, cách tiếp cận... Không chỉ là tôn vinh, ngợi ca mà các bài viết, sáng tác còn cần đấu tranh, phê phán, chỉ ra những mặt trái, cái xấu để góp phần xây dựng, bồi đắp tâm hồn người chiến sĩ cũng như đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Đó là những yêu cầu mới, buộc văn học, nghệ thuật cũng như bài viết ở các lĩnh vực đời sống văn hóa, tinh thần trên Báo QĐND Cuối tuần phải đào sâu, nghiên cứu, nghiền ngẫm hơn nữa để có thể phản ánh, định hướng bạn đọc tới những giá trị nhân văn cao cả.

---------------------

Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG: Tờ báo mang bản sắc riêng

 Thập niên 1960 khi tôi còn học phổ thông đã được tiếp xúc với Báo QĐND-tờ báo rất gần gũi với bạn đọc. Thời ấy, Báo QĐND đã có phần văn hóa, văn nghệ rất sát với đời sống, được cả bộ đội và nhân dân yêu thích. Nhưng dung lượng còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đông đảo độc giả. Khi Báo QĐND Cuối tuần ra đời đã thiết thực giải quyết được hai điều, thứ nhất là phát triển nội dung văn hóa, văn nghệ mà tờ QĐND hằng ngày chưa đáp ứng đủ; thứ hai là mở rộng lĩnh vực và đời hơn, phổ thông hơn tờ Văn nghệ Quân đội vốn đậm nét về lĩnh vực văn học và tính học thuật cao.

leftcenterrightdel

 Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG.

Sự ra đời của tờ QĐND Cuối tuần rất tự nhiên. Nếu chỉ ra đời do một ý tưởng, do ý chí của một người và chưa có một cơ sở vững chắc thì rất khó tồn tại. Nhưng Báo QĐND Cuối tuần ra đời bởi đòi hỏi tự nhiên đến nay đã 35 năm và đang ngày càng phát triển. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong Quân đội mà còn tiếp cận được bạn đọc ngoài Quân đội. Nhiều trang, mục đã trở thành bản sắc, nét riêng nổi bật so với nhiều tờ báo khác. Chẳng hạn như phần văn học được phát triển mở rộng đề tài, nội dung phản ánh và thu hút sự tham gia của các tác giả cả trong và ngoài Quân đội. Theo quan sát của tôi, hiện tại không có báo nào giới thiệu một cách thường xuyên trang thơ trang trọng, thể hiện tinh hoa của một tác giả như tờ QĐND Cuối tuần... Những điều đó khiến tờ báo ngày càng hấp dẫn, tiếp cận rộng rãi với độc giả hơn và cũng qua đó tiếp tục khẳng định, lan tỏa hình ảnh, vị thế của Báo QĐND.

--------------------

Nhà văn TRỊNH BÍCH NGÂN, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh: Gợi mở cảm hứng sáng tác

Là một bạn đọc, cũng là tác giả quan tâm tới đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, Báo QĐND Cuối tuần là tờ báo mà tôi cộng tác và quan tâm đón đọc. Một tờ báo đậm chất bộ đội cũng đã gợi mở, thôi thúc tôi trong việc sáng tác về đề tài này.

leftcenterrightdel

Nhà văn TRỊNH BÍCH NGÂN.

Văn học Việt Nam có nhiều thành tựu với nhiều tác phẩm có giá trị mà nhân vật trung tâm là người chiến sĩ QĐND Việt Nam với lòng quả cảm và sự hy sinh quên mình trong chiến tranh, tác giả hầu hết cũng là người lính Cụ Hồ. Tuy nhiên, nhân vật người lính trong thời bình, nhất là trong giai đoạn kiến tạo đất nước bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh, làm chủ khoa học, công nghệ... thì còn ít.

Cách đây một tuần, tôi có cuộc trò chuyện thú vị về văn chương với Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng. Ông đã gợi cho người viết văn những đề tài mới về người lính trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước để hội nhập toàn cầu. Nhờ đó, tôi có thêm đề tài để tiếp tục nỗ lực viết thêm nhiều tác phẩm mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

-----------------

Nhà thơ, nhà báo BÌNH NGUYÊN TRANG (Báo Nhân Dân): Ấn phẩm giàu tính sáng tạo, đậm chất văn nghệ

Đối với tôi, Báo QĐND Cuối tuần là một ấn phẩm báo chí giàu tính sáng tạo, đậm chất văn nghệ. Tờ báo là mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây bút hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn hóa-nghệ thuật tham gia. Các bài viết trên Báo QĐND Cuối tuần luôn hướng đến mục tiêu nhân văn, gần gũi với đời sống. Tôi nghĩ, với sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban biên tập Báo QĐND đã chọn hướng đi rất đúng cho tờ QĐND Cuối tuần. Ở đó, các bài viết không chạy theo sự kiện bề mặt, mà luôn được triển khai sâu hơn với những góc nhìn, kiến giải riêng của người viết. Với kinh nghiệm của một người đã làm việc ở nhiều ấn phẩm chuyên san báo chí, tôi thấy rằng, việc theo sát thời sự nhưng mang tính chuyên sâu, cách viết sáng tạo, uyển chuyển là hướng đi phù hợp nhất cho ấn phẩm báo chí có độ trễ về thời gian.

leftcenterrightdel

Nhà thơ, nhà báo BÌNH NGUYÊN TRANG.

Đặc biệt, các trang dành cho sáng tác văn xuôi, thơ đã trở thành thương hiệu của Báo QĐND Cuối tuần, với cách giới thiệu tác phẩm, tác giả trang trọng, phần minh họa đẹp, hấp dẫn. Không chỉ các trang sáng tác, mà hình thức của Báo QĐND Cuối tuần nói chung có một phong cách riêng, phù hợp với báo chí hiện đại. Xin được tri ân Báo QĐND Cuối tuần vì đã luôn mở rộng cửa với các cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn học-nghệ thuật. Đối với cá nhân tôi, QĐND Cuối tuần luôn là ấn phẩm báo chí mà tôi chờ đợi để đọc mỗi tuần.

-------------------

Thượng tá, nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Ô cửa sổ nuôi dưỡng tâm hồn người lính

Năm 1996, vừa rời ghế nhà trường, tôi nhập ngũ và qua nhiều đơn vị. Trong những đầu báo hiện diện tại Phòng Hồ Chí Minh của đơn vị, tôi chú ý đến tờ QĐND Cuối tuần. Tôi cảm thấy như có một người bạn đồng hành khi phần văn hóa, văn nghệ của báo vô cùng gần gũi, khiến tôi và đồng đội gần như đã thấy mình trên mỗi trang báo in màu đẹp và sinh động. Những gì được đọc, được thấy trên tờ báo khiến tôi tưởng như có một mối giao cảm, gần gũi và thân thương, thôi thúc mình cũng muốn viết gì đó, chia sẻ gì đó... Và tôi đã cầm bút trải lòng mình.

Sau đó, dù những năm tháng tôi công tác tại Trường Sa hay ở đơn vị nào, suốt những bước đường đó, Báo QĐND Cuối tuần luôn là người bạn đồng hành. Nhờ những trải nghiệm đầu đời quý giá đó, sau này, làm việc tại các ấn phẩm báo chí của Quân đội, khi tổ chức tin, bài, xây dựng từng số báo, từng chuyên mục, tôi luôn nhắc mình hãy hướng về cơ sở, nghĩ đến những người lính đang làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo, tại các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như tôi đã từng được thụ hưởng khi là người lính ở đơn vị.

leftcenterrightdel

Thượng tá, nhà văn NGUYỄN XUÂN THỦY.

Tôi thấy rằng, Báo QĐND Cuối tuần thông qua cách làm “báo mềm”, bên cạnh tờ báo hằng ngày luôn cập nhật thời sự, thông qua cách làm việc tận tụy và sự kết nối chặt chẽ với những người viết ở cơ sở của các biên tập viên đã tạo ra một không gian văn hóa, văn nghệ cho người lính, góp phần kiến tạo tâm hồn người lính, là mảnh đất để những hạt mầm văn chương, báo chí sinh dưỡng, nảy nở.

Tôi nghĩ về những người lính như tôi, từ chỗ là bạn đọc, rồi trở thành cộng tác viên, sau này trở thành những người viết chuyên nghiệp, thành nhà văn, nhà báo khoác áo lính. Có được điều đó chính từ bởi những nhịp cầu duyên mà một trong những nhịp cầu đầu tiên ấy chính là Báo QĐND Cuối tuần, ô cửa sổ nhỏ xinh đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người lính.

HOÀNG DƯƠNG - VŨ HỒNG (ghi)