Mùa chiến dịch đặc biệt
Cuối năm 1974, trong khi các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam đang diễn ra sôi động tại Thủ đô Hà Nội với những cuộc hội thao, hội diễn quy mô toàn quân thì nhiều phóng viên thuộc các phòng biên tập: Chính trị, Quân sự, Quân sự địa phương và Tổ ảnh được lệnh sẵn sàng vào chiến trường miền Nam. Rồi một ngày đầu năm 1975, cuộc tiễn đưa cùng lúc 9 phóng viên, trong đó có đến 5 người thuộc lớp mới và trẻ, diễn ra ở sân sau ngôi nhà số 7 Phan Đình Phùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khác với những cuộc xuất quân lên đường trước đây khá lặng lẽ vì phần nào cũng phải lo đến yếu tố bí mật, lần này hầu như mọi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đang có mặt ở tòa soạn đều đến chia tay, chúc anh em lên đường. Theo kế hoạch, những phóng viên đi đợt này sẽ đến các vùng mặt trận ít hoặc chưa từng có phóng viên nào của Báo đến được. Đoàn 9 người được chia thành 3 nhóm. Nhóm do Trần Hữu Tòng dẫn đầu gồm Anh Ngọc, Hà Đình Cẩn đến vùng cực Nam Trung Bộ. Hai nhóm gồm Tô Phương, Trọng Lượng, Vũ Đạt, Thiều Quang Biên do Tô Vân và Cao Tiến Lê dẫn đầu đi vào các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Có thêm nhiều phóng viên đi xa, đi sâu nghĩa là chiến trường đều gần lại nhiều lắm, thông tin từ những vùng xa xôi cần lắm. Thời đánh Mỹ, bộ đội và nhân dân ta thèm nghe đài, đọc báo lắm. Báo, thậm chí một tờ giấy để đến được tay chiến sĩ ở mặt trận xa, ít lắm. Có những tờ báo hay mảnh báo anh em chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Những bài báo viết về chiến trường, vùng quê xa được các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc, phát sóng đến được với quân và dân ta chủ yếu bằng kênh sóng lợi hại này. Chính vì nhu cầu thông tin của người đọc nên đi sâu, ghi chép nhiều, viết kỹ là phương châm chung của mọi phóng viên chiến trường. Được đi, đi xa là cơ hội mơ ước của nhiều nhà báo.
Sau chuyến đi của đoàn phóng viên như nói ở trên thì một số phóng viên đi riêng lẻ cũng lần lượt lên đường. Đặc biệt, tháng 2-1975, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước cùng các nhà báo Khánh Vân, Trần Ngọc, Nguyễn Thanh đi công tác mà chúng tôi chỉ biết rằng đoàn sẽ đi vào chiến trường. Các anh lên đường khẩn trương không có tiễn đưa gì. Sau này mới biết các anh vào miền Đông Nam Bộ, khu Phước Long, thị xã đầu tiên được giải phóng (tháng 1-1975). Và chính các anh gặp được bất ngờ lớn không thể hình dung trước khi lên đường. Đúng lúc bắt đầu từ Tây Ninh ra Bắc thì trận Buôn Ma Thuột diễn ra. Tổng biên tập quyết định: Đi nhanh, viết ngay, viết nhanh nhất để ra đến Hà Nội là có bài đăng kịp thời. Không cầu toàn như các chuyến đi trước, các anh kể lại rằng cùng thống nhất gặp gì, thấy gì, nghe gì viết nấy, giờ nghỉ ngơi kê sổ lên đầu gối mà viết; gặp ai trên đường cũng hỏi, dừng xe một vài phút cũng có thể chụp ảnh.
Phóng sự “Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị” ra đời và lên mặt báo ngay sau khi đoàn về đến Hà Nội. Phóng viên Nguyễn Trần Thiết có mặt tại Buôn Ma Thuột và phóng viên Đức Toại từng qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng tham gia viết. Số người ký tên dưới phóng sự dài thêm.
Ngược với các đơn vị đang truy kích địch và di chuyển về phía Nam, đoàn phóng viên phải đi ra Bắc để đưa bài, ảnh lên mặt báo. Đồng thời, lúc này Tổng biên tập cần có mặt tại tòa soạn để tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng làm báo và nội dung các mảng tin tức, bài, ảnh từ chiến trường gửi về, đặc biệt là các bài bình luận chiến sự và chiến cuộc. Quân ta thần tốc, tòa soạn và phóng viên cũng phải vậy, theo các cánh quân thần tốc.
Theo các cánh quân thần tốc
Khi Huế, rồi Đà Nẵng vừa giải phóng thì Trưởng phòng Biên tập Quân sự Công Bằng và phóng viên Đức Toại cũng kịp đến bằng các chặng bay trực thăng và ô tô từ Hà Nội qua Đồng Hới vào. Từ Trường Sơn vào đến Đà Nẵng trước đó một ngày, tôi may mắn được gặp hai anh. Thế là tôi viết bài ngay trong đêm để kịp gửi qua các anh trong hành trình nhanh nhất ra Hà Nội. Sáng hôm sau, không phải “tướng ngoài trăm dặm tự quyền giết địch”, phóng viên nào cũng phải độc lập tác chiến, tự chọn hướng đi, cách đi để theo kịp diễn biến chiến trường.
Thực ra đến những ngày cuối tháng 4, hầu như không phóng viên nào được nghe đến tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhưng tất cả đều bám sát bước chân của các đơn vị đang tiến vào các thị xã, thành phố. Nhiều mũi phóng viên Báo QĐND được hình thành cùng thế trận hiệp đồng của các cánh đại quân vừa hành tiến, vừa chiến đấu. Từ phía Tây Sài Gòn, hướng của Đoàn 232, rời vùng biển, xóm ấp hành quân bộ cùng bộ đội rồi hướng thẳng về Sài Gòn bằng đủ cách và phương tiện nhanh nhất. Thiều Quang Biên theo một đơn vị tấn công vào Tổng nha Cảnh sát đô thành, còn Cao Tiến Lê, Trọng Lượng... đi nhờ xe người dân từng đoạn. Vũ Đạt nhảy lên chiếc xe jeep của quân ngụy bỏ lại. Không biết lái, anh nhờ người dân hướng dẫn nhanh rồi tự lái về giữa phố phường Sài Gòn đang tấp nập. Nhóm của Tô Phương qua Củ Chi vào nội đô. Nhóm Nguyễn Trần Thiết bám theo các đơn vị đi đầu của cánh quân phía Bắc nên đã đến được Dinh Độc Lập vào chiều 30-4. Lợi thế từng ở cùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong Phái đoàn liên hợp quân sự 4 bên tại trại Davis trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất năm 1973 nên các anh trở lại đây. Các anh nhờ máy điện tín công suất lớn 15W chuyển bài đầu tiên của báo chí Việt Nam ra đăng cùng lúc trên Báo QĐND và Báo Nhân Dân.
Đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tiến công từ phía Đông, tôi-phóng viên Mạnh Hùng-có mặt sớm tại Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975, kịp thời viết về trận chiến cuối cùng của bộ đội ta trên hướng xa lộ Biên Hòa tiến vào Dinh Độc Lập. Bài báo được gửi qua chuyến bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất về Gia Lâm (Hà Nội).
Từ Phan Thiết, Đà Lạt, Hà Đình Cẩn và Anh Ngọc cũng nhanh nhạy chia tay các đơn vị bộ đội địa phương để về Sài Gòn từ hướng Đông. Cũng hướng này còn có các phóng viên độc lập đi dọc miền Trung như: Khương Thế Hưng, Hoàng Như Thính... Đặc biệt, chuyến xe thần tốc do hai lái xe thay phiên nhau điều khiển chạy thẳng từ Hà Nội gần hai ngày đêm kịp có mặt ở Sài Gòn. Nhóm phóng viên dày dạn bậc nhất này gồm: Phạm Phú Bằng, Nguyễn Đức Toại, Vũ Ba. Các anh đến trong đêm và cũng rời đi ngay trong đêm nhằm hướng các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ. Các anh là nhóm phóng viên đầu tiên đến được Cà Mau, mảnh đất tận cùng phía Nam Tổ quốc. Sau đó, một nhóm khác, Phan Hiền và Hoàng Như Thính cũng đến được một số tỉnh miền Tây và là nhóm đầu tiên ra được đảo Phú Quốc (nay thuộc tỉnh Kiên Giang)...
Những ngày đầu tháng 5-1975, trên mặt Báo QĐND rực rỡ với dòng tít lớn của bài bình luận “Đỉnh cao chiến thắng huy hoàng” cùng các bản đồ “Nước non liền một dải” và các bản đồ chiến sự khác với hàng loạt bài, ảnh về ngày toàn thắng, về không khí tưng bừng ở các địa phương vừa giải phóng.
Ở Sài Gòn, Ban biên tập tiền phương của Báo sớm được thành lập, đóng tại 2 bis Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh). Gia tài đầu tiên là những chiếc xe máy địch bỏ lại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây, phóng viên ảnh Triệu Hùng và nhóm Anh Ngọc, Mạnh Hùng đi xe máy ra Vũng Tàu gặp gỡ tốp anh em tù chính trị đầu tiên được đón từ Côn Đảo (nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở về.
Sau đó là chuyến đi của Anh Ngọc, Mạnh Hùng ra Côn Đảo. Cũng từ trụ sở Ban biên tập tiền phương, các phóng viên Nguyễn Thắng, Khắc Xuể ra Cam Ranh (Khánh Hòa), lên tàu hải quân đến với quần đảo Trường Sa.
MẠNH HÙNG