Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Quảng Châu (Trung Quốc), sau nhiều năm hoạt động ở Pháp, Liên Xô. Một trong những nhiệm vụ cấp bách được Người quan tâm thực hiện là thành lập tổ chức cách mạng Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo Thanh Niên-cơ quan ngôn luận của Hội. Ngay từ số báo đầu tiên, Người đã coi đây là công cụ chuẩn bị về mặt tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản để lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam; với nhiệm vụ lúc đó là phải tập hợp toàn dân, khơi dậy lòng yêu nước, dưới sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm. Bản thân Nguyễn Ái Quốc vừa làm công tác chỉ đạo, tổ chức tờ báo vừa trực tiếp viết bài.

Thời gian đầu, báo ra mỗi tuần một số 2 trang, cũng có số 4 trang, về sau, do điều kiện in gặp nhiều khó khăn nên có số cách nhau 3 đến 5 tuần. Cũng bởi là tờ báo cách mạng đầu tiên, lại xuất bản ở nước ngoài, điều kiện có nhiều khó khăn, việc trình bày, in ấn cũng hoàn toàn thủ công nên số lượng bản in không nhiều. Báo in ở nước ngoài rồi được bí mật gửi về nước, đưa đến các cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và một số cơ sở cách mạng khác, phục vụ công tác tuyên truyền.

leftcenterrightdel

Báo Thanh Niên số 63 ra ngày 3-10-1926.Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam 

Báo Thanh Niên in bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, trên khổ giấy kích thước khoảng 13x19cm. Các bài viết ngắn gọn, có lập luận, trích dẫn, so sánh các vấn đề một cách dễ hiểu. Nội dung bên cạnh vạch trần tội ác của thực dân và bè lũ tay sai, triều đình phong kiến bạc nhược, báo còn nêu nhiều sách lược đấu tranh giải phóng dân tộc; khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam, việc cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam cần đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga... qua đó khích lệ tinh thần yêu nước, cổ vũ đồng bào ta đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin với đường lối cứu nước, vận dụng phù hợp lý luận với thực tiễn cách mạng Việt Nam nên sau khi ra đời, Báo Thanh Niên đã có sức thuyết phục, tuyên truyền mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. 

Đồng chí Hoàng Quốc Việt sau này trong cuốn hồi ký “Con đường theo Bác” đã kể lại rằng, mỗi lần Báo Thanh Niên được mang về nước là lớp thanh niên các ông hồi đó chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát, còn chép đi chép lại đến thuộc lòng. Qua các bài báo, dù chưa được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhưng ông đã học được ở Người rất nhiều, đó là lý tưởng cách mạng và cách làm cách mạng, về chủ nghĩa yêu nước thương dân, ghét bọn ăn bám, bóc lột, cướp nước. Ông nhấn mạnh rằng: “Bài học đầu tiên mà Bác dạy cho chúng tôi là bài học "tư cách người cách mạng”.

Báo Thanh Niên đã hoàn thành sứ mệnh với 202 số báo (số đầu tiên ra ngày 21-6-1925, số 202 ra ngày 14-2-1930). Có thể nói, ngoài việc đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Thanh Niên trong giai đoạn lịch sử từ năm 1925 đến 1930 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tờ báo cách mạng; góp phần to lớn trong việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930, cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Với việc sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người đặt nền móng khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là một nhà báo lớn, bậc thầy của bao thế hệ người làm báo nước nhà. 

HOÀNG DƯƠNG