QĐND - Trước cuộc xâm chiếm trở lại Việt Nam của thực dân Pháp trong giai đoạn cuối năm 1946, đầu năm 1947, nhiều học giả, báo chí tiến bộ của Pháp đã lên tiếng phản đối và đánh giá đó là một “chính sách phản động”.

Việt Nam mong muốn hòa bình

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tru-man khẳng định, Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và mong muốn được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hòa bình và phồn vinh thế giới. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Báo L’humanité của Pháp lên tiếng ủng hộ. Ngày 1-11-1945, tòa báo cho đăng bài “Chính sách phản động đặt nước Pháp đối đầu với các nước đồng minh”. Bài báo cho rằng “Chính sách bạo lực ở Đông Dương đang đặt nước Pháp vào tình trạng đối đầu với Mỹ”. Bài báo phê phán quan điểm của Cao ủy Pháp ở Đông Dương Thi-ê-ri Đác-giăng-li-ơ (Thierry d’Argenlieu) khi ông ta vừa đặt chân tới Sài Gòn đã tuyên bố: “Chắc chắn máu của người Pháp sẽ phải đổ thêm một chút nữa để bản hiệp ước với Đông Dương được ký kết”. Bài báo nêu rõ quan điểm rằng: “Chúng tôi rất đau buồn vì máu đã đổ quá nhiều” và “Việc người Pháp liên minh với người Anh để xâm chiếm Đông Dương chứng tỏ rằng, họ đã và đang đi ngược lại những lời bảo đảm trịnh trọng mà họ đã tuyên bố”.

Phản ánh về mong muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam, ngày 2-11-1945, Báo L’humanité đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Hãng thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội, trong đó nêu rõ: Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thương lượng với Pháp ở Việt Nam hoặc ở Pháp.

Sự bế tắc của Hội nghị Phông-ten-nơ-blô và quan điểm của Việt Nam tại hội nghị này cũng được báo chí ở Pa-ri phản ánh. Theo đó, ngày 7-9-1946, AFP đưa tin: “Bất đồng sâu sắc giữa Pháp và Việt Nam về những vấn đề cơ bản đang có nguy cơ khiến cho các vòng đàm phán về những vấn đề cụ thể ở Phông-ten-nơ-blô trở nên vô giá trị”. Bình luận về vấn đề này, tờ L’humanité đặt ra câu hỏi và trả lời: “Có phải người ta muốn bảo vệ các tờ-rớt quốc tế và Ngân hàng Đông Dương bằng mọi giá không, hay đây là bộ mặt mới của chính sách tai hại của phương Tây? Rõ ràng đây không phải là cách người ta bảo vệ lợi ích thực sự của nền dân chủ và của nước Pháp vì điều đó đòi hỏi một sự hợp tác chân thành giữa nền Cộng hòa Pháp và Việt Nam”.

Về những hành động quân sự của Pháp ở Việt Nam, ngày 19-11-1945, Báo L’humanité đăng bài “Tại Đông Dương, người ta theo đuổi một chính sách tai hại và phản dân chủ”. Bài báo nêu rõ tại các vùng chiến sự ở Nam Bộ, lính Pháp cùng với máy bay và xe thiết giáp tiếp tục mở các chiến dịch “bình định” địa bàn nông thôn và đóng thêm nhiều đồn bốt mới.

 

leftcenterrightdel
 Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). Ảnh tư liệu

 

Những hành động leo thang quân sự của Pháp sau “Tạm ước Việt-Pháp” ngày 14-9-1946 được các báo của Pháp phản ánh đậm nét. Trong đó, ngày 13-10-1946, AFP đưa tin Chính phủ Việt Nam phản đối nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương tàn sát thường dân Việt Nam tại Nam Bộ. AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Võ Nguyên Giáp khi ông nhắc tướng Moóc-li-e (Morliere), Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Kỳ, rằng “nhà cầm quyền Pháp đang chuẩn bị thực hiện Tạm ước bằng việc tàn sát tất cả những người Việt Nam yêu nước. Pháp không chỉ sẽ đánh mất tình hữu nghị Pháp - Việt, mà còn có nguy cơ đẩy quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng không thể vãn hồi”.

 

Sau khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và Lạng Sơn, AFP, tờ L’humanité và nhiều tờ báo khác tại Pháp liên tục đưa tin về những vấn đề liên quan đến sự kiện này. Ngày 26-11-1946, tờ L’hummanité đã đăng bài: “Những vụ gây rối ở Hải Phòng và Lạng Sơn là hậu quả tồi tệ của việc vi phạm Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3”. Bài báo dẫn lại lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thông điệp gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân toàn thế giới: “Tôi rất tiếc về những vụ gây rối do một số người Pháp gây ra do họ không hiểu rõ về người Việt Nam. Rõ ràng, những người Pháp gây ra do họ không hiểu rõ về người Việt Nam. Rõ ràng những người này đã đi ngược lại ý chí chung của nhân dân Pháp”. Bài báo cũng cho rằng: “Những vụ gây rối bi thảm ở Hải Phòng, Lạng Sơn do các đối tượng không đếm xỉa tới lợi ích của hai nước Pháp - Việt thực hiện, là hậu quả trực tiếp của việc vi phạm Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946”.

Ngay sau đó, ngày 27-11-1946, Báo L’humanité tiếp tục có bài “Việc vi phạm các hiệp định là nguyên nhân của các vụ gây rối bi thảm ở Hải Phòng”. Báo L’hummanité cho rằng, mặc dù quân đội Pháp liên tục gây hấn ở khắp mọi nơi, nhưng cơ hội thương lượng vẫn còn. Bài báo nhấn mạnh: “Nhân dân Pháp không dễ bị lừa. Họ không muốn rằng, chiến tranh chỉ là giải pháp duy nhất có thể ở xứ Đông Dương, nơi mà những người Việt Nam yêu nước và những người kháng chiến đang cùng nhau chiến đấu chống lại sự áp bức của Nhật Bản và sự phản bội của Chính phủ Vi-chi (Vichy). Nhân dân Pháp hiểu rằng, cơ hội để thương lượng vẫn còn nếu người ta thực sự muốn chấm dứt việc vi phạm các thỏa thuận đã ký”.

Vào đầu tháng 12-1946, khi tướng Moóc-li-e, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Võ Nguyên Giáp đưa ra yêu cầu cấm các lực lượng quân sự hoặc bán quân sự của Việt Nam, kể cả đội tự vệ đồn trú ở Hải Phòng, đồng thời cho rằng quân đội Pháp kiểm soát tất cả các tuyến đường kết nối quân đồn trú của Pháp, Báo L’humanité cho rằng, đây được coi như bản tối hậu thư thực sự được gửi cho Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, “Bản tối hậu thư này trái với tinh thần Hiệp ước ngày 6-3 và 19-4-1946”. Cũng phê phán về sự kiện này, ngày 3-12-1946, AFP cho rằng, sau sự kiện tướng Pháp gửi tối hậu thư cho ông Võ Nguyên Giáp, tại Hà Nội, dường như vị thế của Chính phủ Việt Nam đang được tăng cường.

Khi cuộc chiến tranh đã cận kề, ngày 12-12-1946, Hãng thông tấn AFP tiếp tục đưa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phóng viên Báo Paris-Sài Gòn, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, không muốn chiến tranh.

Tuy nhiên, những cố gắng nhằm duy trì hòa bình của Việt Nam bị phía Pháp bỏ qua. Thực dân Pháp tăng cường gây sức ép, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và đã lãnh đạo nhân dân đứng lên quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Chính giới Pháp đã chọn giải pháp quân sự

Trước tình hình leo thang chiến tranh của Pháp, nhân dân Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh công tác chuẩn bị kháng chiến lâu dài, quyết tâm giữ cho được nền độc lập dân tộc.

Để làm cơ sở cho quân đội Pháp tăng cường thêm lực lượng cho Đông Dương, ngày 5-12-1946, tướng Lơ-cléc (Leclerc) báo cáo cho nhà cầm quyền Pháp về tình hình ở Việt Nam. Lơ-cléc cho rằng: Vấn đề hòa hợp tối đa lợi ích của người Pháp và người Việt Nam ở Bắc Kỳ cần nhờ sự tồn tại của Chính phủ Việt Nam...

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc ở Việt Nam nổ ra, Thủ tướng Pháp Lê-ông Blum (Léon Blum) đã nói với các nghị sĩ Pháp rằng: “Các ngài đừng kỳ vọng vào một sự phục hồi chớp nhoáng... Chúng ta bị đặt trước nhiệm vụ phản đối bạo lực”. Ngay sau đó, ông ta cử tướng Lơ-cléc đến Đông Dương để xem xét tình hình quân sự, điều kiện vật chất, tinh thần của binh lính Pháp cũng như các nhu cầu về nhân lực, vật lực của binh lính Pháp.

Nhà sử học Pi-e Giuốc-nu (Pierre Journoud) cho rằng, sau chuyến đi Đông Dương này, Lơ-cléc đã gửi báo cáo “chín chắn” về tình hình Việt Nam cho Lê-ông Blum.

Nhận định về một số nhân vật lịch sử có liên quan tới sự kiện ngày Toàn quốc kháng chiến của Việt Nam, Lơ-cléc cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam “là một người luôn bảo vệ độc lập, một người yêu nước vĩ đại và ông ấy có thể sẽ giúp dung hòa tối đa lợi ích của nước Pháp và Việt Nam”. Nhận định này của Lơ-cléc là hoàn toàn chính xác nhưng chính giới Pháp đã không căn cứ vào ý kiến của Lơ-cléc để tiếp tục cuộc đàm phán Việt-Pháp nhằm dung hòa lợi ích hai bên. Chính giới Pháp đã chọn giải pháp quân sự nên cuộc chiến tranh đã nổ ra.

Nhận định về quan điểm của Đờ Gôn (De Gaulle) đối với chủ trương sử dụng quân sự đối với Việt Nam, nhà sử học Xtên Tôn-nét-xơn (Stein Tonnesson) cho rằng, mặc dù đã rút lui khỏi quyền lực nhưng Đờ Gôn lại rất hài lòng về cuộc thử thách sức mạnh này và cho rằng, quân Pháp có thể nhanh chóng tạo được sự cách biệt so với đối thủ của mình: “Ông ấy tỏ ra lo sợ việc nối lại đàm phán giữa Hồ Chí Minh và Mai-rút Mu-tê (Mairus Moutet)” (Bộ trưởng Hải ngoại Pháp dưới thời Chính phủ Phê-lích Gu-anh (Felix Gouin).

Đánh giá về tướng Lơ-cléc, nhà sử học Pi-e Giuốc-nu cho rằng: Lơ-cléc đã gián tiếp gợi ý Chính phủ Pháp từ bỏ chính sách vũ lực, nhằm ủng hộ những cố gắng thực sự của Hồ Chí Minh để dung hòa các lợi ích của nước Pháp và của Việt Nam.

Qua những trang tư liệu của Pháp, bản thân giới lãnh đạo nước Pháp có hai quan điểm, đàm phán hòa bình theo khuynh hướng chung của thế giới khi vừa thoát ra khỏi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và quan điểm tiếp tục một cuộc chiến tranh mới để tái chiếm Đông Dương. Tuy nhiên, quan điểm đàm phán hòa bình đã bị giới quân sự Pháp tìm mọi cách phá hoại. Điều đó đã buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ.

DANH LỢI - HẰNG PHƯƠNG