Vượt qua mọi rào cản

Sinh năm 1990 trong gia đình người đồng bào Vân Kiều đông con, cuộc đời Hồ Văn Bôn không may mắn, khi anh sinh ra đã mang trong mình khuyết tật vận động. Từ nhỏ, chân phải của anh Bôn đã bị teo, liệt hoàn toàn. Có thời điểm, anh như chìm sâu trong mặc cảm, tự ti. Thế nhưng anh đã chọn cách đứng lên với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh Bôn quyết tâm đi học để trang bị cho mình thêm kiến thức, kỹ năng và khuyết tật không làm anh gục ngã. Ngược lại, nó là động lực để anh cố gắng hơn mỗi ngày. Những ngày tháng gồng mình làm việc, dù chân tay không được lành lặn như bao người khác, anh vẫn kiên trì từng bước trên con đường gian khó ấy. Chính sự chăm chỉ và bản lĩnh đã mở ra cho anh con đường khác, học tin học văn phòng, một điều tưởng như xa xỉ với những người dân tộc vùng sâu, vùng xa. 

leftcenterrightdel

Anh Hồ Văn Bôn trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. 

Những năm học THPT, anh Bôn thường phải đi gần 10km để đến trường. Đó là thời gian khó khăn không thể nào kể hết nhưng anh đã vượt qua. Năm 2016, để mình không bị tụt lại phía sau, anh ra Hà Tĩnh học tin học. Và ở đây, anh Bôn gặp người con gái mà sau này trở thành người bạn đời của anh, nhưng trớ trêu thay, chị cũng không được khỏe mạnh. Nhưng với anh Bôn, đó không phải là rào cản. Anh chọn gắn bó, chọn đồng hành và quyết tâm xây dựng một mái ấm hạnh phúc cho hai người. Một tình yêu giản dị, thuần hậu như núi rừng quê anh, nhưng chứa đựng bên trong là tình người mãnh liệt.

Khó khăn này nối tiếp khó khăn khác, sau khi sinh cho anh Bôn một đứa con gái, bệnh tình của vợ anh ngày càng trở nặng. Chị thường xuyên lên cơn động kinh, đánh đập cả chồng và con. Cả nhà sống tạm bợ trong một căn nhà nhỏ tại thôn Klu. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ được dựng lên bởi những tấm ván mục nát, nắng luôn rọi tới đầu và chỉ cần vài cơn mưa nhỏ cũng có thể bị ngập.

Anh Bôn chia sẻ rằng: “Nghị lực là biết đứng dậy, bước tiếp và luôn tìm thấy ý nghĩa trong mỗi việc làm dù nhỏ nhất. Tình yêu thương không phải lúc nào cũng hoàn hảo, mà là sự chấp nhận và kiên định đồng hành với nhau”. Với suy nghĩ ấy, anh đã đồng hành để chia sẻ với vợ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tinh thần “thân khuyết, tâm không khuyết” 

Có thể nói, cuộc sống của anh Bôn và gia đình không hề dễ dàng. Ngoài khoản trợ cấp ít ỏi mỗi tháng, anh phải vay tiền ngân hàng theo diện hộ nghèo để mở quán tạp hóa nhỏ tại nhà. Bên cạnh đó, anh cũng làm cộng tác viên cho Hội Người khuyết tật huyện Đakrông (nay là xã Đakrông), thu thập phiếu điều tra xã hội học với giá 20.000 đồng mỗi phiếu-một công việc tưởng nhỏ nhưng lại góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và giúp đỡ những người khuyết tật như anh. Với anh, dù đôi chân không vững nhưng niềm tin và ý chí trong anh thì chưa bao giờ chùng xuống. 

Năm 2018, anh Hồ Văn Bôn được tham gia một lớp tập huấn do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức về các chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh. Sau khóa học, anh chủ động tìm đến các cán bộ Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh để học hỏi thêm, nâng cao kiến thức nhằm giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn.

Năm 2019, nhờ sự tận tâm và sự hiểu biết sâu rộng về các chính sách liên quan đến người khuyết tật, anh Bôn được nhận làm cộng tác viên thu thập thông tin người khuyết tật có nhu cầu tư vấn chính sách tại Đakrông. Dù đôi chân không được lành lặn nhưng anh không ngừng nỗ lực, lặn lội đến các bản làng xa xôi nhất để gặp gỡ, thăm hỏi và tư vấn cho những người đồng cảnh ngộ. Anh trở thành chiếc cầu nối giữa người khuyết tật và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều gia đình. Đến nay, anh đã tìm hiểu thông tin, tư vấn các chính sách, pháp luật cho rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn.

Anh chia sẻ: “Dù khó khăn đến mấy tôi cũng luôn nghĩ mình phải đứng lên vì bản thân và những người xung quanh. Tôi muốn những người khuyết tật không cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, mà biết rằng mình vẫn có giá trị, vẫn có thể làm được nhiều điều tốt đẹp”.

Có lần gặp anh ở một buổi tập huấn tại Đakrông, chúng tôi được nghe anh kể về hành trình của mình với ánh mắt đầy nhiệt huyết: “Có những hôm đi bộ hàng chục cây số trên con đường lầy lội, tôi nghĩ chỉ cần một người được giúp đỡ, một người hiểu và được hỗ trợ thì bao mệt mỏi cũng xứng đáng”.

Trong quá trình giúp đỡ người khác, chính anh cũng cảm thấy mình đang được chữa lành. Mỗi ngày anh cảm thấy yêu đời, yêu người hơn. Bản thân anh cũng được nhiều chương trình, dự án, tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm, giúp đỡ. Anh không ngại khó, không ngại khổ giúp đỡ cộng đồng, vì với anh, đó là bổn phận và trách nhiệm. Những câu chuyện anh kể, nụ cười anh mang đến cho người khuyết tật trên địa bàn như những giọt nước trong suối nguồn, làm dịu đi bao nỗi đau và bất công của cuộc sống.

leftcenterrightdel

Anh Bôn (hàng đầu, thứ tư, từ phải sang) tham dự Đại hội đại biểu Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Như cây hoa rừng lan tỏa hương sắc

Những nỗ lực của anh đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền, Hội Người khuyết tật, các tổ chức xã hội trên địa bàn và được tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị năm 2023. Đặc biệt, cũng vào năm 2023, anh vinh dự được tuyên dương trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức-một minh chứng rõ nét cho sự kiên cường, quyết tâm và tấm lòng nhân ái của anh.

Có lẽ anh Hồ Văn Bôn sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc khi biết tin mình được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chọn là một trong 35 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Anh tâm sự: “Lúc đó, nước mắt tôi như muốn trào ra. Tôi thấy hạnh phúc khi những nỗ lực của mình được đền đáp. Có nhiều hồ sơ từ khắp mọi miền đất nước gửi về cho ban tổ chức chương trình và may mắn đã mỉm cười với tôi”.

Sự kiên cường của người thanh niên tiêu biểu ấy không chỉ dừng lại ở việc vượt qua nghịch cảnh cá nhân, mà anh còn lan tỏa sức sống mạnh mẽ, ánh sáng hy vọng tới nhiều người. Giữa những con đường mòn quanh co, giữa những bản làng xa xôi, có một người đàn ông dù khuyết tật vẫn âm thầm mang theo yêu thương, sự sẻ chia và niềm tin bất khuất. Tấm lòng ấy thật giản dị nhưng cao cả, mang đậm chất rừng núi, đậm đà tình người miền cao. Ngoài những hoạt động xã hội, gia đình cũng là điểm tựa vững chắc cho anh. Người vợ của anh-người đồng hành trong hành trình này-dù mang trong mình nhiều nỗi đau bệnh tật, vẫn là nguồn động lực lớn giúp anh vượt qua khó khăn. Tình yêu và sự chăm sóc lẫn nhau giữa họ như một câu chuyện đẹp giữa đời thường, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lòng tin và sự chân thành.

Anh Hồ Văn Bôn không chỉ tô điểm cho núi rừng Đakrông mà còn là tấm gương sáng tiếp thêm động lực và niềm tin cho lớp trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, không chịu đầu hàng số phận. Anh luôn nghĩ rằng: “Khuyết tật không phải là giới hạn, mà là khởi đầu cho một hành trình mới”. Trò chuyện với anh, tôi cảm nhận cuộc đời anh Hồ Văn Bôn đầy sức sống như cây hoa rừng, dù có phải chống chọi với bao nhiêu bão tố, gió núi mưa ngàn vẫn vươn lên, vẫn nở hoa và tỏa hương sắc ngọt ngào cho đời.

NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH