Những năm qua, đa phần cộng tác viên viết cho Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” là những cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý và một số phóng viên, biên tập viên các tạp chí chuyên về văn hóa-nghệ thuật cùng những cán bộ, chuyên gia, như: GS, TS Nguyễn Chí Bền; GS, TS Từ Thị Loan; PGS, TS Phạm Lan Oanh; PGS, TS Lê Văn Chiến; TS Nguyễn Thị Minh; Đại tá, nhà văn, Nguyễn Thanh Tú; Đại tá, TS Phạm Duy Vụ; Đại tá, TS Nguyễn Đức Độ...
Có thể nói, bằng tinh thần lao động nghiêm túc và sáng tạo, các cộng tác viên đã mang đến cho chuyên trang này sức sống mới, cổ vũ mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa và có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về các loại hình nghệ thuật của dân tộc cũng như sự phát triển của nó trong đời sống xã hội đương đại.
    |
 |
Tranh minh họa bài viết "Để đạo hiếu là văn hóa trường tồn" của họa sĩ Mạnh Tiến đăng trên Chuyên trang "Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật" (trang 10), Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, số 1446, ra ngày 17-9-2023.
|
Trong dòng chảy của đời sống hiện đại, tin tức về văn hóa và nghệ thuật, một phần cốt lõi trong đời sống tinh thần của xã hội tuy không nhiều so với tin tức ở các lĩnh vực khác nhưng luôn có xu hướng tăng lên. Thời gian gần đây, Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” tiếp tục phát huy thế mạnh là nơi trao đổi chuyên sâu các nội dung về văn hóa, văn học, nghệ thuật..., đăng tải nhiều bài viết có sức lan tỏa, nhận được sự quan tâm của bạn đọc, như: “Trăn trở với tranh dân gian Đông Hồ” (Xuân Quỳnh); “Bản lĩnh thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ” (Thượng tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Ánh); “Hội tòng quân-nét đẹp văn hóa Việt” (Đại tá Trịnh Bá Hưng); “Ứng xử với lễ hội truyền thống” (TS Bàn Tuấn Năng)...
Qua trao đổi với các cộng tác viên, đặc biệt là những người đã có thâm niên từng có thời gian dài cộng tác với chuyên trang thì thấy nổi lên mấy vấn đề. Trước hết, viết cho Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” là một thử thách lớn, bởi yêu cầu cao cả về nội dung, hình thức và ngôn ngữ thể hiện. Viết cho chuyên trang không giống như viết tin, bài thời sự, càng không thể chỉ là phô diễn vốn từ hay cảm xúc cá nhân mà đòi hỏi người viết phải có tư duy lý luận sắc bén, khách quan, đặc biệt là vững về đường lối, chủ trương của Đảng, những nội dung quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Nói một cách khác, người viết phải có tình yêu văn hóa-nghệ thuật, am hiểu đời sống, thấu cảm với con người.
Do đề tài viết cho chuyên trang rất đa dạng, có phạm vi rất rộng và luôn nằm trong sự tác động của các lĩnh vực khác. Ví dụ ở lĩnh vực văn hóa, đã có rất nhiều nội dung được khai thác và nó liên quan rõ nét đến các vấn đề: Chính trị, kinh tế, xã hội và các mặt tâm lý, đời sống... nên đòi hỏi người viết phải định hình, định dạng và làm rõ định nghĩa hoặc khái niệm của vấn đề; làm rõ vị trí của vấn đề và sự phát triển của vấn đề trong xã hội đang ở mức độ nào, ảnh hưởng với cộng đồng, xã hội ra sao... Những chủ đề được yêu thích lâu dài thường gắn với bản sắc văn hóa, sự chuyển mình thẩm mỹ, sự tác động giữa nghệ thuật và đời sống. Có thể là “văn hóa ứng xử”, “trách nhiệm của điện ảnh với lịch sử”, hay “làm thế nào để giữ bản sắc mà không bảo thủ”.
Khác với các chuyên trang khác, “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” là nơi để đặt vấn đề, gợi suy ngẫm, phản biện, thậm chí khơi gợi tranh luận. Bài viết vì thế cần có chính kiến rõ ràng, nhưng không cực đoan; cần cảm xúc chân thành, nhưng không sa vào cảm tính. Chủ đề của các bài trong diễn đàn bám sát đời sống, nhưng không chạy theo xu hướng hời hợt. Ví dụ khi viết về trách nhiệm của nghệ sĩ, tác giả cần đặt họ trong một dòng chảy văn hóa, đặt câu hỏi về giá trị nghệ thuật, đạo đức công chúng hay trách nhiệm truyền thông. Ngược lại, viết về chèo, cải lương, mỹ thuật cổ truyền cũng không cũ nếu người viết tìm thấy chiều sâu nhân bản và đặt trong tương quan xã hội hôm nay.
    |
 |
Gặp mặt cộng tác viên Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 với chủ đề "Dấu ấn Bộ đội thời bình" năm 2023. Ảnh: PHẠM HƯNG
|
Người viết bước vào diễn đàn như một người đối thoại: Với công chúng, với giới nghệ sĩ, với nhà quản lý và nhiều khi với chính mình. Một vấn đề tưởng nhỏ như việc giới trẻ quay lưng với chèo, quan họ, hát xoan và các loại hình nghệ thuật khác cũng có thể là chìa khóa để mở ra câu chuyện lớn hơn: Sự gián đoạn trong truyền dẫn văn hóa dân tộc. Thường người viết mở đầu bài diễn đàn bằng một câu chuyện chân thật hoặc một vài vấn đề có tính chất thời sự được dư luận đang quan tâm. Và từ câu chuyện ấy, người viết không dừng lại ở “nhớ lại”, mà phải nâng tầm khi dùng nó như chất liệu để khai mở vấn đề lớn hơn.
Thông thường, các tác giả cộng tác viết bài cho chuyên trang có phương pháp thực hiện rất cơ bản. Các tác giả thường đi từ một hiện tượng cụ thể, có thể là một bộ phim gây tranh cãi, một cuộc triển lãm để phân tích nguyên nhân, hệ quả, bối cảnh rồi từ đó đưa ra quan điểm. Quan điểm ấy phải có cơ sở, phải được dẫn dắt bởi dữ liệu, số liệu, lời chuyên gia hoặc đối thoại xã hội. Viết cho diễn đàn, không thể “nói lấy được” và đặc biệt là không có tính áp đặt chủ quan.
Để tăng tính thuyết phục cho bài viết, các tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh để làm bật lên bản chất vấn đề. Ví dụ so sánh hiệu quả, công tác tổ chức bảo tồn các di tích giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; so sánh điện ảnh Việt Nam với Hàn Quốc; khán giả truyền hình nông thôn với thành thị... giúp người đọc không chỉ hiểu một hiện tượng mà còn thấy được tương quan rộng hơn. Cách viết này phù hợp khi phân tích sự dịch chuyển thẩm mỹ, sự phân tầng công chúng hay những khác biệt vùng miền, thế hệ.
Thực tế cho thấy, không ít bài viết trong diễn đàn mang tính phê phán cái xấu, cái chưa đẹp, thậm chí phê phán những hành vi phản văn hóa. Ví dụ như bài “Ngăn chặn hành vi phản cảm trong đi bão", tác giả, Đại tá, TS Nguyễn Đức Độ đã phê phán hành vi “đi bão”, một tên gọi mới của giới trẻ Việt Nam mỗi khi đội bóng giành chiến thắng. Tác giả viết mở đầu trực diện và chỉ rõ ý định phê phán: “Thời gian gần đây, cụm từ “đi bão” dùng để chỉ hoạt động ăn mừng chiến thắng đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người trong xã hội, nhất là giới trẻ mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia giành chiến thắng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu “đi bão” thực sự văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động này ngày càng xuất hiện những hành vi phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật cần ngăn chặn kịp thời".
Một bài viết cho Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” sẽ khô cứng nếu thiếu chất văn. Nhưng chất văn không phải ở việc hoa mỹ hóa ngôn từ mà ở sự chính xác của cảm xúc, sự tinh tế của hình ảnh, sự mềm mại trong lý lẽ. Người viết tốt là biết điểm dừng, biết gợi thay vì sa đà thông tin để người đọc không chỉ hiểu mà còn thấy, nghe, chạm vào vấn đề bằng tất cả giác quan. Điều đặc biệt hơn khi các họa sĩ Phòng Thư ký tòa soạn, Báo QĐND đã thổi hồn cho chuyên trang bằng những hình ảnh minh họa đậm chất sáng tạo và mang tính nghệ thuật đã giúp cho các bài viết mang lại hiệu ứng tích cực hơn.
Chọn một giọng điệu riêng trữ tình, châm biếm, nghiêm cẩn hay tự sự cũng là cách người viết xây dựng bản sắc trong diễn đàn. Không ai muốn đọc một bài lý luận “chung chung như báo cáo”, cũng chẳng ai chịu được một bài cảm xúc tuôn trào không kiểm soát. Chất văn trong diễn đàn được duy trì đều đặn và dường như thành thương hiệu riêng, đó là sự hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, giữa hình và ý, giữa cái cụ thể và cái khái quát.
Viết cho Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” là một hành trình dấn thân. Bởi trong mỗi bài viết của chuyên trang, tác giả không chỉ chuyển tải thông tin mà còn kiến tạo giá trị, khơi mở nhận thức và gìn giữ hồn cốt dân tộc trong từng câu chữ. Để làm được điều đó, các tác giả cần lý trí, cần cảm xúc, niềm tin vào vai trò của văn hóa-nghệ thuật trong đời sống xã hội.
Thời gian tới, Chuyên trang “Diễn đàn Văn hóa-Nghệ thuật” rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác chặt chẽ hơn của các cộng tác viên, các chuyên gia, nhà khoa học để góp phần truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đồng thời góp phần xây dựng bản sắc riêng của tờ báo chiến sĩ.
ĐỨC TÂM