1. “Kiến tạo” không phải là khái niệm xa lạ trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa kiến tạo là một khái niệm thể hiện tư duy và hành động của cá nhân, tổ chức hay cộng đồng, hướng đến giá trị tích cực, bền vững cho xã hội. Đây là một biểu hiện văn hóa khuyến khích sáng tạo, dấn thân, trách nhiệm và lấy lợi ích chung làm trung tâm. Nói một cách ngắn gọn thì văn hóa kiến tạo là hệ giá trị thúc đẩy con người chủ động sáng tạo, hành động tích cực, chung tay xây dựng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng và quốc gia.
Nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc nhận thấy văn hóa kiến tạo ở Việt Nam gắn liền với dựng nước, giữ nước, với văn minh nông nghiệp lúa nước. Đó không chỉ là văn hóa đánh đuổi giặc ngoại xâm, kiến tạo nền độc lập, hòa bình; bảo vệ, giữ yên bờ cõi non sông mà còn là văn hóa mở đất, mở cõi kết hợp với xây dựng kinh tế, mở mang các ngành nghề thủ công, phát triển thương nghiệp, khai dân trí, xây dựng nền văn hóa mới...
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra bước ngoặt kiến tạo chính trị, xóa bỏ ách đô hộ hơn một nghìn năm của phương Bắc, mở ra thời kỳ chủ quyền thực sự cho người Việt. Ngay sau khi giành được độc lập, Ngô Quyền đã đặt đô ở Cổ Loa, kế thừa di sản Âu Lạc, khơi dậy tinh thần dân tộc, khẳng định nền chính trị độc lập của người Việt. Ông cho xây dựng tổ chức hành chính, quân đội theo mô hình riêng, độc lập với hệ thống phương Bắc; bãi bỏ cát cứ địa phương như họ Khúc, họ Dương và tìm biện pháp xây dựng bộ máy tập trung quyền lực, hoạt động thống nhất từ trung ương tới địa phương, kiến tạo nhà nước pháp quyền sơ khởi, từ đó dẫn dắt dân tộc đi vào tiến trình hình thành quốc gia độc lập lâu dài.
Với sự kiến tạo ấy, Ngô Quyền đã tạo tiền đề cho các triều đại sau như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần tiếp tục xây dựng một quốc gia độc lập, phát triển trên nền tảng văn hóa riêng kéo dài 1.000 năm. Ngô Quyền đã để lại bài học lớn về vai trò của tư duy kiến tạo trong lãnh đạo: Chiến thắng chưa đủ, quan trọng là phải biết thiết lập, tổ chức, duy trì quyền lực một cách chính danh và vì dân.
Năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Nguyễn Trãi thay vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) viết “Bình Ngô đại cáo”, tác phẩm được xem là một bản tuyên ngôn độc lập lần hai trong lịch sử Việt Nam. Đây là một áng văn chính luận mẫu mực, đồng thời cũng là một văn bản mang đậm tinh thần văn hóa kiến tạo, khẳng định chủ quyền dân tộc, đề cao đạo lý nhân nghĩa và vạch ra tầm nhìn xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, điều đó đồng nghĩa với việc lãnh đạo không phải để cai trị mà là để kiến thiết xã hội an lạc, bảo vệ đời sống dân sinh. Trên thực tế, Nguyễn Trãi đã đề xuất các chính sách khoan sức dân, cấm bắt lính tràn lan, khuyến khích phục hồi nông nghiệp, hướng đến ổn định xã hội, phục hồi sản xuất, nuôi dưỡng lòng dân.
Nguyễn Công Trứ, một viên quan thời Nguyễn cũng mang đậm tư tưởng kiến tạo. Ông không màng danh lợi, trực tiếp xuống ruộng cùng dân khai hoang lập ấp, tạo nên vùng đất Kim Sơn, Tiền Hải phồn vinh. Ông là minh chứng sinh động cho văn hóa hành động: Gần dân, cùng dân làm thực chất và vì hạnh phúc của nhân dân.
Nói đến văn hóa kiến tạo không thể không nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người suốt đời lấy nhân dân làm trung tâm của tư tưởng cách mạng. Hồ Chí Minh không chỉ nêu tư tưởng mà sống và hành động như một công bộc đúng nghĩa, từ cách ăn, mặc cho đến lối sống giản dị, sát dân.
Như vậy, văn hóa kiến tạo vì dân không phải điều mới mà là di sản văn hóa chính trị của dân tộc, là phẩm chất làm nên vĩ nhân, văn hóa Việt Nam.
2. Ở thời đại mới, dân trí, dân sinh và kỳ vọng của xã hội đều thay đổi. Sự tác động, ảnh hưởng từ hội nhập với khu vực và thế giới đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao về văn hóa kiến tạo, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên không thể chỉ “làm đúng” mà phải “làm tốt”, “làm mới” và giúp nhân dân mang lại hiệu quả kinh tế. Họ không chỉ thi hành chính sách mà còn phải tìm ra phương thức đổi mới để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả lâu dài.
Gần đây nhất, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã sắp xếp thời gian để livestream quảng bá vải thiều, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bán hết hơn 54 tấn vải thiều trong 6 giờ là một ví dụ điển hình về văn hóa kiến tạo. Trước đó, tại Hà Nội, đồng chí Lê Văn Bính, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, nay là Bí thư Đảng ủy xã Phượng Dực (Hà Nội) đã tiên phong áp dụng công nghệ số vào quản lý và phát triển kinh tế. Khi làng nghề gặp khó, đồng chí Lê Văn Bính đã lập fanpage, quay video, hướng dẫn từng hộ gia đình bán hàng online. Kết quả: Doanh thu thương mại điện tử toàn huyện đạt hơn 4.000 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2025, so với chỉ 147 tỷ đồng của cả năm 2023. Con số ấy nói lên sức mạnh thực sự của văn hóa kiến tạo bắt đầu từ cán bộ địa phương.
Hai ví dụ trên đã cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích. Khi khoa học-công nghệ phát triển sẽ giúp cán bộ các cấp rút ngắn thời gian giải quyết công việc bàn giấy, hành chính, giảm được các cuộc họp để có điều kiện đến gần dân, ứng dụng công nghệ giúp dân trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc này đã tác động rất mạnh vào niềm tin xã hội, làm sáng rõ vai trò của chính quyền trọng dân, vì dân. Khi cán bộ cấp cao không ngại làm điều dân dã, không ngại xuất hiện trên mạng xã hội, không ngại “làm khác” để mang lại lợi ích phục vụ nhân dân thì đó là biểu hiện rõ nhất của tinh thần dám làm, dám chịu để nhân dân được lợi.
Ngày nay cần phải hiểu khái niệm “kiến tạo” rộng và sâu mới có ý nghĩa thiết thực. Không chỉ là Chính phủ kiến tạo, xã hội kiến tạo ở tầm quản trị quốc gia mà phải được hiểu ở tầng sâu hơn, đó là kiến tạo hệ giá trị đạo đức và hành động văn hóa, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có tư duy phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.
Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở cần đổi mới tư duy về phương pháp, tác phong làm việc theo hướng thấm nhuần văn hóa kiến tạo như một phẩm chất đạo đức công vụ. Đội ngũ cán bộ cần chuyển từ thói quen điều hành sang đồng hành với dân để phát triển. Tiếp đó, cần giảm thói quen làm việc mệnh lệnh sang sáng tạo, dành thời gian đi cơ sở, tích cực nghiên cứu, làm những gì nhân dân cần để tạo ra không gian cho sáng kiến từ cơ sở. Tiếp đó, cần giảm dần thói quen tuân thủ sang thói quen chủ động kiến thiết để đạt mục tiêu hiệu quả thực tiễn và bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số ngày càng phát triển, thách thức lớn nhất không phải là kỹ thuật mà là niềm tin xã hội. Niềm tin ấy chỉ có thể có được khi người dân thấy cán bộ nói thật, làm thật, chịu trách nhiệm thật và mang lại lợi ích thật cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự hỏi đã đến với dân bao nhiêu lần, nghe bao nhiêu ý kiến thật và có dám nhận sai-dám sửa, dám gánh vác trách nhiệm không?
Văn hóa kiến tạo là một "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong dòng chảy của lịch sử văn hóa dân tộc, đã được các bậc vĩ nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh... đến thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay kế thừa bằng những việc làm mới. Muốn Việt Nam thịnh vượng, trước hết phải nuôi dưỡng một hệ sinh thái văn hóa kiến tạo từ mỗi cán bộ, công dân. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên dám từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, thúc đẩy khát vọng phụng sự như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy thì chắc chắn niềm tin xã hội sẽ bền vững và mục tiêu Việt Nam thịnh vượng sẽ không còn xa.
Đại tá, TS TRẦN VĂN LỢI