Tôi cười đáp lại câu nói đùa ấy và bước vào khoang 8 của mình, cất gọn hành lý rồi đi pha một ly cà phê. Giờ đã gần mười giờ đêm, ngoái nhìn ra ngoài cửa thấy những ngôi nhà hai bên đường đã tối om, cửa đóng then cài. Giờ này ở Hà Nội, cánh cửa nhà tôi cũng đang khóa ngoài. Mấy người bạn khi tiễn tôi về sau cuộc nhậu chắc cũng đang say giấc trong chăn ấm và chắc nhẩm tôi cũng như họ. Ai biết rằng tôi đang phiêu du trên chuyến tàu này. Dù mua vé toa nằm nhưng có lẽ đêm nay tôi sẽ thức để trở về với những ký ức của mình. Tôi đi lấy nước pha cà phê và đắm mình vào chuyện xưa như một thước phim quay chậm.

Để tôi nhớ xem nào, hôm đó tôi cũng mua vé khoang 8 này, cũng thấy trống 3 giường lúc tàu khởi hành. Khuya, tàu dừng lại ở một ga thưa người, hơn 10 toa xe rùng mình khiến tôi tỉnh giấc. Tôi khó chịu, đúng là đi tàu dù gì cũng nhốn nháo như đi chợ. Tàu dừng hẳn, một người phụ nữ bước lên toa của tôi, theo sau là một người đàn ông và đứa bé chừng hơn 10 tuổi. Vậy là 3 vị khách mà tôi không hề chờ đợi đã xuất hiện. Họ cẩn thận nhìn số khoang, số giường và chào tôi.

Nhưng đến khi quan sát một lượt, nhận ra sự hiền lành, chất phác của họ, tôi lại nghĩ, giá không có sự xuất hiện của tôi ở đây, hẳn gia đình này là một thế giới riêng. Sự ngẫu nhiên đôi khi lại khiến người ta rơi vào hoàn cảnh thật khó xử. Chừng như hiểu được ý nghĩ đó, chị vợ bảo: “Có bác, chuyến tàu đêm nay vui hơn”. Anh chồng thì bảo: “Thế là cuộc kiếm tìm của mình được an ủi phần nào”.

Nghe giọng nói của họ, tôi đoán là người ở mạn Bắc đèo Hải Vân, có thể là Bình-Trị-Thiên một thời. Bữa tối được họ dọn ra đơn giản với xôi nếp, muối vừng, một ít mắm Huế và vài lát bánh mì. Anh chồng chưa ăn vội mà đi kiếm nước sôi pha trà. Anh rót ra cái nắp bình giữ nhiệt và mời tôi thưởng thức cùng.

leftcenterrightdel
Minh họa: MINH ĐỨC 

Trà Thái Nguyên thơm uống trên tàu Bắc-Nam có một vị riêng. Giờ tôi mới để ý thấy họ ăn mặc rất nghệ sĩ. Quần áo vải thô được dệt kiểu thủ công, màu sắc có lẽ do họ tự thiết kế nên rất độc đáo, hai vợ chồng đều búi tóc, dáng cao gầy nhưng nhanh nhẹn. Họ tự nhiên và cởi mở như thể tôi đã là một người quen của gia đình từ rất lâu. Những câu chuyện bắt đầu mở ra giữa 3 chúng tôi dù lúc đó kim đồng hồ đeo tay đã chỉ gần một giờ sáng. Lâu lắm, tôi mới có cuộc đối ẩm thú vị như thế này, đúng là “trà tam, rượu tứ” như người xưa đã nói:

- Không giấu gì anh, chúng tôi thường có những cuộc đi điền dã, cũng là những cuộc tìm kiếm về một miền quê của ông ngoại tụi nhỏ nhưng kết quả lần nào cũng như lần nào. Không có manh mối và hy vọng.

Người phụ nữ kể rằng, ngày trước cha cô là bộ đội vào Nam chiến đấu. Ông từng có tình cảm sâu nặng với một người phụ nữ ở ngoài đó nhưng chính ông đã từ bỏ khi không muốn làm xáo trộn những gì đang diễn ra sau chiến tranh.

- Thực ra tôi nghĩ chính ông cũng không muốn trở lại. Có thể có một hố sâu ngăn cách trong lòng. Con người ta có trăm thứ ái ngại mà anh lạ gì. Hằng đêm, cha tôi vẽ hoặc tạc tượng. Khi không muốn khơi lại quá khứ, người ta sẽ gửi những tâm sự đó vào nghệ thuật.

- Chắc vì thế mà chị đã yêu hội họa. Vẽ là cách để hiểu cha mình hơn chăng?

- Vâng, có thể là như vậy, nhưng thực ra tôi chỉ đam mê ký họa. Những bức vẽ không màu chỉ có sáng và tối. Chắc vì lẽ đó nên tôi thích đi tàu đêm. Anh có tin không, ánh sáng trong đêm cũng là một cơ duyên. Chỉ cần chúng ta đủ duyên là có thể nắm bắt được cảm hứng bất chợt đó.

Anh chồng không nói gì, lặng lẽ lấy quyển marker pad và bút sắt đưa cho vợ. Chị vợ đón lấy và quay sang tôi. Có lẽ họ đã quá hiểu nhau, quá thấu cảm những suy nghĩ trong lòng.

- Đêm nay tôi chưa biết phải vẽ gì, chuyến ra Bắc lần này ngổn ngang. Còn anh, anh kể về quê hương của mình đi! Tuổi thơ của anh như thế nào, biết đâu điều ấy lại gợi cảm hứng cho tôi.

Tôi kể với họ rằng lúc nhỏ tôi hay ra cái hố bom sâu hoắm ở xóm mình. Mấy đứa nhỏ thường túm áo nhau mon men bò xuống để được nhảy tâng tâng trên lớp lá tre phủ đầy. Chiến tranh đã găm vào lòng đất mẹ một vết thương, cây lên xanh, đến cả chiếc lá khô cũng không quên phải lấp đầy cái hố đó. Thời gian đi rất chậm nhưng kiên nhẫn và bền bỉ.

Ngày đó là những năm đầu thập niên 1970. Xóm nhỏ vùng bán sơn địa chỉ có chừng dăm nóc nhà. Tất cả đều là người cùng quê Tiên Lữ (Hưng Yên) lên đây theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới. Một ngày, bác Hòa trưởng xóm gọi tất cả cặp vợ chồng từ 4 nhà kia lại, đóng cửa bàn bạc gì đó. Lũ trẻ chỉ nghĩ chắc đó là việc của người lớn, chẳng can dự gì đến mình.

Một lần, tôi với thằng Mẫn đang nấp trong bụi cây để rình bắn chim thì thấy đám cây bụi trước mắt lay động. Theo kinh nghiệm của mấy đứa trẻ miền núi thì đó là người đi săn hoặc thú lớn. Đợi thêm một lúc, tôi thấy một chú bộ đội nhô đầu lên. Lạ nhỉ, sao có bộ đội ở đây? Tôi định nhỏm lên để tiếp cận thì thằng Mẫn gàn. Nó thì thầm vào tai tôi: “Chẳng may là biệt kích giả vờ làm bộ đội, thấy mình nó thủ tiêu thì sao?”. Nghe thế tôi đâm hoảng, tiếp tục ngồi im theo dõi.

Chiều ấy, hai thằng bé men theo hướng người mặc quân phục đi, tìm đến một khu đồi được ngụy trang nghiêm ngặt. Bỗng dưng, thấy dì tôi xuất hiện, hai người nắm tay nhau đi dọc con suối... Thằng Mẫn bảo: “Hay đó là người yêu của dì mày?”.

Nhiều năm sau, người làng tôi kể lữ đoàn xe tăng đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và rời đi thực hiện nhiệm vụ mới. Bỗng một chiều khi cơn mưa vừa tan, nắng chiều còn ánh lên phía đồi thì nghe tiếng máy bay gầm rú. Tiếng bom nổ long trời lở đất, đất đá bay tứ tung, cả một xóm nhỏ biến mất trong sự ngỡ ngàng. Nhưng may mắn, trước đó, xã đội đã có sự chuẩn bị cho bà con tránh bom trong hang đá, chỉ có lợn, gà và nhà cửa bị bom tàn phá...

*

Bức ký họa đã hiện ra khi chị vợ buông cây bút xuống. Chị vẽ theo ký ức của tôi nhưng có giọt nước mắt đọng trên khóe mắt. Chị cẩn thận đưa bức ký họa cho tôi và bảo:

- Tặng anh, kỷ niệm chuyến tàu đêm thú vị.

Tàu đến ga Đông Hà, hai vợ chồng lục tục chuẩn bị hành lý. Cậu con trai vẫn mân mê bức bức tượng gỗ nhỏ khắc hình chú gà trống. Tôi xoa đầu đứa nhỏ, nó ngước nhìn tôi: “Chú biết nhà điêu khắc Đặng An chứ, là ngoại của con đó, ngoại làm con gà này cho con”. Tôi giật mình, sao cái tên lại quen đến thế, đoàn tàu vội vã chuyển bánh rời sân ga...

*

Từ khi dì tôi mất, chú rể tôi ít đi đâu xa, ông thường ngồi trầm tư bên chén trà. Sự im lặng ấy miên man như một khúc ca buồn vô ngôn. Tôi sang nhà ông phải đi men quanh hố bom ngày nào. Khi bước vào sân, thấy ông đang trầm tư, chỉ khi gõ vào cánh cửa im lặng, tôi mới tìm ra câu trả lời:

- Ngày trước, vì sao chú luôn chịu đựng sự cáu kỉnh của dì Hạnh cháu?

- Vì phụ nữ sinh ra để chúng ta trân trọng mà con.

- Nhưng vì chú rất yêu dì.

- Thực ra, chú thấy mình vừa may mắn vừa có lỗi. Dì đã từng có một người chồng, ai cũng nghĩ người lính đó đã hy sinh trong chiến trường Quảng Trị.

- Người đó có điểm gì đặc biệt không chú?

- Nghe nói người đó là sinh viên đang theo học mỹ thuật. Có lần dì của con nhìn thấy một người giống ông ta đang đứng bên kia hố bom ngó sang. Nhưng khi dì chạy đến nơi thì ông ta đã biến mất. Chỉ có một lần duy nhất như thế.

Chú tôi im lặng. Có lẽ nào đó chính là người lính xe tăng mà tôi bắt gặp đi cùng dì, là người cha của chị họa sĩ tôi gặp trên tàu vừa rồi. Tôi vội vã đặt chuyến tàu vào miền Trung. Tôi mở ba lô ra xem, bức ký họa ánh lên trong ánh bình minh ngày mới. Một hồi còi vang lên đầy hào hứng. Tàu đang vào ga Đông Hà, chuyến tàu mở ra một ngày đầy ấm áp. Tôi sẽ đi tìm họa sĩ Đặng An, tìm lại những ký ức của dì tôi, của ông và của bao người...

leftcenterrightdel
Tác giả Bùi Việt Phương. 
"Chuyến tàu ký ức" kể về hai chuyến tàu của một người đàn ông. Chuyến tàu trước, anh ngồi khoang 8, tại đó, anh gặp một gia đình vợ chồng họa sĩ. Nhân duyên là điều kỳ lạ, ban đầu, anh tưởng mình đang là kẻ xen vào gia đình họ trong sự xếp đặt của những tấm vé. Nhưng hành trình ấy đem lại cho họ sự sẻ chia, thấu hiểu và mở ra cả những câu chuyện cũ đang chờ được giải mã... để người đàn ông quyết định lên chuyến tàu lần thứ hai, cũng ngồi khoang 8 để tìm đến sân ga ấy với một đích đến cụ thể. Dường như họ đang cùng nói đến một câu chuyện, về những con người mà chiến tranh ly tán khiến họ lạc mất nhau. Rõ ràng là anh ta đã hy vọng thế. Ở đời, đôi khi, niềm hy vọng cứu rỗi tất cả và giải quyết tất cả. Bùi Việt Phương luôn biết cách để tô đậm những ký ức mờ nhạt nhất về chiến tranh dù thời gian có lùi xa bao lâu. (Nhà văn TỐNG NGỌC HÂN)

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG