Lâu nay, tranh cãi xung quanh mức chi cần thiết cho quốc phòng đã trở thành chủ đề gây chia rẽ nghiêm trọng trong NATO. Trong năm 2024, các quốc gia thành viên NATO đã chi hơn 1,3 nghìn tỷ USD cho quốc phòng, cao hơn nhiều so với con số khoảng 1 nghìn tỷ USD của một thập kỷ trước. Tuy nhiên, có tới gần 2/3 trong số đó là chi phí của Mỹ, với hơn 840 tỷ USD, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra bất bình.

Với con mắt thực dụng của nhà tỷ phú, ông Donald Trump cho rằng đó là bằng chứng cho thấy các đồng minh châu Âu đang lợi dụng sức mạnh quân sự của Mỹ, tận hưởng “cái ô an ninh” của Washington mà không chịu chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Trong cơn tức giận, ông Donald Trump từng nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi NATO, cũng như không cam kết bảo vệ những thành viên NATO không đáp ứng yêu cầu về mức chi tiêu quốc phòng.

leftcenterrightdel
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson rời căn cứ hải quân ở Busan, Hàn Quốc ngày 7-3-2025, để tham gia cuộc tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ mang tên “Lá chắn Tự do”. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cùng với những khác biệt liên quan đến phương cách giải quyết xung đột Nga-Ukraine, vấn đề tư cách thành viên NATO với Ukraine, tranh chấp thương mại..., tranh cãi liên miên về mức chi tiêu quốc phòng đã làm rạn nứt nền tảng xuyên Đại Tây Dương của NATO, đặt ra nghi ngờ về mức độ mà các lợi ích và giá trị của Mỹ phù hợp với các đồng minh châu Âu như thế nào. Đến khi ông Donald Trump đưa ra những diễn giải khác nhau với điều 5 của Hiến chương NATO, một trong những nguyên tắc nền tảng xác lập nguyên tắc phòng thủ tập thể của liên minh, châu Âu hiểu rằng mình không thể chậm trễ.

Trước viễn cảnh Mỹ có thể rút bớt vai trò cũng như cắt giảm sự hiện diện quân sự ở lục địa già, châu Âu đã buộc phải nhượng bộ, thay đổi nhận thức về nhu cầu cấp bách của việc tăng cường năng lực phòng thủ chung như yêu cầu của Washington. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hà Lan lần này được cho là thiết kế riêng nhằm đáp ứng kỳ vọng của ông Donald Trump về tăng chi tiêu quốc phòng.

Hạn chế đề cập sâu đến các chủ đề có thể gây tranh cãi như Ukraine hay Nga, Tuyên bố chung nhân kết thúc hội nghị chỉ gồm 5 khổ, ngắn nhất trong lịch sử, tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng nhằm phù hợp điều mà báo chí mô tả là “khẩu vị của ông Donald Trump”. Theo Tuyên bố chung, các nước thành viên NATO nhất trí nâng chi tiêu quân sự lên 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong vòng 10 năm tới. Nếu yêu cầu trên được đáp ứng, ngân sách quốc phòng của NATO sẽ tăng lên cả nghìn tỷ USD/năm.

Đây là quyết định mang tính lịch sử, tạo bước ngoặt trong NATO. Tuy nhiên, để dung hòa giữa yêu cầu của Mỹ và sức chịu đựng của châu Âu khi mức chi tăng vọt, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã đề xuất chia nhỏ mục tiêu: 3,5% trong tổng số 5% GDP sẽ là chi tiêu cốt lõi dành cho quân đội và mua sắm vũ khí, 1,5% còn lại sẽ phân bổ cho các khoản chi “liên quan đến quốc phòng” như cải thiện đường sá và cầu cống, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế khẩn cấp, tăng cường an ninh mạng, khả năng phục hồi dân sự cũng như củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của NATO. Thời gian chuyển đổi cũng được kéo dài từ nay đến năm 2035.

Với cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, châu Âu hy vọng chính quyền của ông Donald Trump thấy rõ sự nghiêm túc của các đồng minh bên kia Đại Tây Dương trong việc sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Mỹ, từ đó tạo động lực giúp hâm nóng lại cam kết đồng minh mà Washington có phần sao nhãng. “Điều này sẽ khiến NATO công bằng hơn, để bảo đảm bất kỳ ai cũng phải đóng góp công bằng cho an ninh của chúng ta. Trong thời gian quá dài, một đồng minh là Mỹ đã gánh chịu quá nhiều gánh nặng của cam kết đó. Điều đó ngày hôm nay đã có sự thay đổi”, Tổng thư ký NATO Mark Rutte khẳng định.

Tất nhiên, hiện thực hóa mục tiêu này không dễ dàng. Nhiều nước châu Âu sẽ phải chật vật tìm nguồn tài chính để đáp ứng yêu cầu của NATO. Hiện nay, vẫn có tới 10 thành viên NATO thậm chí còn chưa đạt mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Sắp tới, chính phủ nhiều nước châu Âu phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc thuyết phục quốc hội và người dân chấp nhận mức chi tiêu quốc phòng tăng mạnh trong bối cảnh ngân sách hạn chế và nhu cầu chi cho các lĩnh vực xã hội ngày càng gia tăng.

Thực tế thì sự đồng thuận bên ngoài tại Hà Lan không xóa đi được những tranh cãi gay gắt bên trong nội bộ NATO, khi nhiều nước châu Âu tỏ ra miễn cưỡng chấp thuận tăng ngân sách quốc phòng để làm hài lòng Mỹ. Trước hội nghị, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez từng phàn nàn rằng mức chi tiêu 5% GDP “không cân xứng và không cần thiết”, đồng thời khẳng định nước này sẽ chỉ chi 2,1% GDP cho quốc phòng “không hơn không kém”. Còn Thủ tướng Slovakia Robert Fico thì lưu ý rằng nước ông có “những ưu tiên khác trong những năm tới ngoài vũ khí”. Ngay cả Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng cảnh báo rằng, việc tăng ngân sách chưa đủ để giải quyết các vấn đề an ninh.

Nhưng châu Âu không có con đường nào khác. Đó là cái giá phải trả nhằm hâm nóng lại quan hệ với Mỹ. Bởi nếu không có cam kết đồng minh từ bên kia Đại Tây Dương, sự tồn tại của NATO sẽ bị đặt dấu hỏi.

TƯỜNG LINH