Như tin đã đưa, ngày 15-5, lực lượng hải quân Estonia với sự hỗ trợ của không quân NATO đã cố gắng chặn đường của tàu chở dầu Jaguar mang cờ Gabon đang di chuyển ở vùng biển quốc tế. Con tàu này xuất phát từ cảng Sikka của Ấn Độ và đi về cảng Primorsk ở gần Saint Petersburg của Nga. Tham gia phi vụ này có các tàu tuần tra của Estonia, một số máy bay, trong đó có máy bay tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Khi Jaguar đang đi qua khu vực vịnh Phần Lan, nó đã bị đối phương chèn ép để buộc phải ra khỏi vùng biển quốc tế vào nơi mà nó có thể bị bắt giữ. Tuy nhiên, đội hình điều khiển tàu đã cương quyết chống lại các áp lực và đi theo hành trình hợp pháp đã định. Và sau đó, khi trên bầu trời biển Baltic xuất hiện một máy bay tiêm kích Su-35 của Nga thì phía Estonia và các đồng minh đã phải thôi chơi trò mèo vờn chuột với tàu chở dầu Jaguar. Trước đó, Estonia với lý do “kiểm tra giấy tờ” cũng đã chặn tàu chở dầu Kiwala đang trên đường tới cảng Ust-Luga của Nga.
    |
 |
Hải quân Estonia tìm cách kiểm tra một tàu chở dầu nghi thuộc "hạm đội bóng tối" của Nga. Ảnh: Hải quân Estonia |
Tất nhiên, những sự cố “vuốt râu hùm” như thế không thể được Moscow bỏ qua một cách dễ dàng. Ngày 18-5, Nga đã sử dụng biện pháp gọi là “bắt giữ con tin” vào mục đích ngoại giao theo cách mà Estonia đã làm: Lần đầu tiên, lực lượng biên phòng Nga bắt giữ tàu chở dầu Green Admire của Estonia khi con tàu này rời cảng Sillamae để tới cảng Rotterdam của Hà Lan. Con tàu này mang cờ Liberia, đi theo lịch trình đã định nhưng vẫn bị phía Nga chặn lại để “kiểm tra giấy tờ” một cách rất đúng luật pháp quốc tế. Và việc này đã diễn ra không tình cờ. Moscow đơn giản là muốn cho Tallin biết rằng, nếu bạn không chơi đẹp thì bạn khó có thể không bị gây khó dễ từ phía đối phương.
Hiện người Estonia đang lo ngại rằng, vụ việc xảy ra với tàu Green Admire mới chỉ là “cánh chim báo tin buồn” với Tallin và có thể phía Nga sẽ tiếp tục những câu chuyện tương tự đối với các con tàu chở dầu khởi hành từ cảng Sillamae. Đây là hải cảng chính yếu của Estonia, nơi có khoảng 30 con tàu xuất phát đi khắp thế giới mỗi tháng.
Cũng cần phải thấy rằng, Tallin không thể trách ai trước khi tự xem xét lại mình. Gieo gió thì hiển nhiên sẽ phải gặt bão. Theo nhận định của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Bryen, cách cư xử hiện nay của Tallin là một trò khiêu chiến đối với Moscow. Cũng theo lời ông Bryen, năm 2025, tại Estonia đang diễn ra nhiều việc khiến người ta phải liên tưởng tới những gì từng diễn ra tại Ukraine trong thập niên trước với những chuyện liên quan tới lịch sử và quá khứ chưa xa. Tallin đang thực hiện một giai đoạn hành động mới để tháo gỡ những công trình tưởng niệm các quân nhân Nga. Cán bộ Viện Bảo tàng Quân sự Estonia đã phá bỏ các biển tưởng niệm những người lính Xô viết từng hy sinh để giải phóng Estonia khỏi bọn phát xít tại nghĩa trang Tallin. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bryen cho rằng, những việc làm như thế thể hiện quan điểm của chính quyền Estonia hiện tại không công nhận vai trò của Moscow trong chiến thắng tại Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là một cách bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa Quốc xã... Xét lại lịch sử theo cách này luôn là cách đổ thêm dầu vào lửa!
Và không chỉ thế, các đại diện chính thức của Tallin thời gian gần đây ngày càng công khai hơn trong những phát biểu mang tính thù địch với Moscow và rất mạnh mồm khoe cơ bắp dù ai cũng biết rằng, đó lắm khi chỉ là trò “cáo mượn oai hùm” vì thực lực quân sự của Estonia cũng như các nước vùng Baltic khác rất hạn chế. Ngày 19-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Đức Bild đã ngạo nghễ tuyên bố rằng, Estonia là một trong những nước thành viên NATO được chuẩn bị tốt nhất cho việc xung đột vũ trang với Nga. Thậm chí ông này còn lớn tiếng: “Tôi không sợ Nga!... Chúng tôi có thể tập hợp 44 nghìn quân trong vòng không đầy 48 giờ. Tôi biết có rất ít quốc gia có thể tập trung lực lượng nhanh như thế...”.
Estonia trong thời gian qua đã tìm đủ mọi nguồn lực để bổ sung cho ngân quỹ quốc phòng. Hạ tuần tháng 4 vừa qua, Thiếu tướng Vahur Karus, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Estonia cho biết, nước này đang có ý định xây dựng một căn cứ quân sự ở sát vùng biên giới với Nga tại thành phố Narve. Đầu năm 2025, Tallin tuyên bố sẽ chi ra 30,5 triệu euro để củng cố phòng thủ khu vực biên giới với Nga và mở rộng khả năng quan sát tình hình. Dự kiến, chuỗi phòng thủ sẽ bao gồm gần 600 hầm ngầm và 14 hầm ngầm đầu tiên trong số này sẽ phải được xây dựng xong vào mùa thu năm nay. Ngày 13-5, Tallin cũng đã thông báo rằng Chính phủ Estonia sẽ chuyển 200 triệu euro không sử dụng trong các lĩnh vực khác từ quỹ EU sang các mục đích quốc phòng trong những năm tới. Với Tallin, những con số trên có thể lớn nhưng chắc chắn sẽ trở nên quá nhỏ bé với tiềm lực quân sự của một cường quốc như Nga.
Tâm trạng quyết chiến của giới tinh hoa chính trị Estonia trong thực tế không được nhiều người dân nước này hưởng ứng. Theo các cuộc điều tra xã hội ở Estonia, nếu Tallin bị tấn công bởi một kẻ thù giả định nào đó thì cứ 5 người Estonia sẽ có một người ngay lập tức “bỏ của chạy lấy người” sang phương Tây.
Bài học Ukraine vẫn đang đỏ máu hằng ngày. Có lẽ Tallin cũng như Riga hay Vinius cần có một tư duy chính trị tỉnh táo hơn đối với những láng giềng gần, đặc biệt là Nga. Hòa dịu vẫn hơn là khiêu chiến. Không nên trở thành con tốt thí của những người đang điều hành NATO ở Brussels.
HỒNG THANH QUANG