80 năm sau khi chủ nghĩa phát xít Đức cùng đồng bọn bị tiêu diệt, trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng dường như đang xuất hiện ngày một rõ hơn xu hướng đổi đen thành trắng về giai đoạn lịch sử bi thảm này. Ở không chỉ một quốc gia có vẻ như người ta không muốn nhắc tới chiến công và những sự hy sinh to lớn của Liên Xô trong thế chiến thứ hai. Theo nhiều nhà quan sát, đây không phải là chuyện tình cờ mà là cả một dự án đang được thực hiện bởi khao khát rửa hận từ phía hậu duệ của những kẻ đã đứng sát cánh cùng Adolf Hitler trong thế chiến thứ hai. Không những thế, dường như những thế lực này còn muốn “chiêu tuyết” cho các tiền bối đã từng phạm vô số tội ác trước nhân loại...
Tác giả Cassandre G, trên báo Pháp AgoraVox, ngày 21-4 đã đặt ra câu hỏi” “Điều gì đang xảy ra hôm nay với vai trò quyết định của Hồng Quân trong việc đập tan chủ nghĩa Đức Quốc xã, với gần 27 triệu công dân Liên Xô đã hy sinh, mà phần lớn số này là những người dân lành? Vị trí nào sẽ được dành cho việc tưởng niệm ngày 9-5, và trước hết, sự quên lãng ngày lễ đó có ý nghĩa gì?” Theo tác giả Cassandre G. thì ngày 9-5 năm nay có thể sẽ trở thành một thời điểm bước ngoặt. Đó là ngày mà trước đây từng là ngày Chiến thắng trước “đế chế thứ ba” nhưng hiện nay đang dần dần trở thành đấu trường của một sự đối đầu ý thức hệ. Đàng sau những bài phát biểu ngày lễ theo kiểu đánh lận con đen ở phương Tây và sự lờ tịt đi có tổ chức những sự thực lịch sử là cả một âm mưu nhằm đổi thay chiều gió một cách quyết liệt hơn. Dường như ở phương Tây, với sự trỗi dậy của những hậu duệ phát xít đang hiện hình rõ hơn quyết tâm đảo ngược lịch sử, xáo trộn chính tà, mù quáng bài Nga, chứ không chỉ bằng lòng với sự quên lãng những ngày lễ trong quá khứ.
Tuy nhiên, đó là một sai lầm lớn vì dễ dẫn tới những quyết sách tất yếu đi vào ngõ cụt. Theo chuyên gia phân tích tình hình quốc tế người Mỹ, cựu nhân viên CIA Larry Johnson, những chính trị gia châu Âu đang hùa theo xu hướng bài Nga bất chấp thực tế đã không học được gì từ lịch sử, vì “họ không có tiềm năng, không có nền tảng công nghiệp, không có sức mạnh quân sự mà cứ vẫn muốn gây hấn với Nga”.
Một điều đáng buồn là ngay ở một số nước cộng hòa từng thuộc Liên bang Xô viết cũng xuất hiện câu chuyện mà như thủ lĩnh liên minh chính trị đối lập “Cơ hội” ở Moldova, chính trị gia Lungu, nhận định, các nhà lãnh đạo mê muội bởi khát vọng hội nhập phương Tây đang cố tình “chà đạp lên những sự thật lịch sử”. Ngày 24-4, chính quyền Moldova đã ra lệnh cấm công dân nước mình kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên quảng trường chính của thủ đô Chisinau (Kishinev) và cũng không đưa ra những địa điểm khác để tiến hành nghi thức diễu hành của "Trung đoàn bất tử”. Một điều đáng nhắc nhở là quảng trường chính đó vốn có tên là Quảng trường Chiến thắng và suốt 59 năm qua từng gắn bó với các dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5. Nghị sĩ Moldova thuộc khối “Chiến thắng” Regina Apostolova cho rằng, chính quyền Moldova cần ý thức rõ hơn nguy cơ từ việc viết lại lịch sử vì nếu không có Ngày Chiến thắng thì cũng sẽ không có Ngày châu Âu mà ở Moldva đang muốn coi là xu hướng thời thượng...
Cần thấy thêm rằng, tại một vài nước châu Á cũng đã xuất hiện những sự việc tương tự. Còn nhớ, ngày 6-8-2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong bài phát biểu của mình tại lễ kỷ niệm các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima đã lờ đi không nhắc tới việc thảm họa này cũng như thảm họa bom nguyên tử ở Nagasaki xảy ra là do máy bay Mỹ. Trước đó, ngày 18-3-2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, khi đề cập với các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, cũng đã lờ đi việc Mỹ là thủ phạm gây nên những thảm họa này. Một chuyện nực cười là tháng 9-2023, bà Ursula von der Layen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu EU) gần như “gắp lửa bỏ tay người” khi phát biểu trong buổi lễ trao huân chương của Hội đồng Đại Tây dương, hướng về Thủ tướng Nhật lúc đó là ông Kishida Fumio, đã đưa ra những nhận định dễ khiến người nghe hiểu rằng gây ra thảm kịch hạt nhân tại Hiroshima là chính nước Nga chứ không phải Mỹ. Dù biết thế là không đúng nhưng đại diện của “Hòn đảo Mặt trời mọc” khi đó vẫn điềm nhiên lặng thinh...
Thế hệ nào cũng cần biết đúng lịch sử đất nước mình và thế giới để những bi kịch cũ không lặp lại. Ngay như Nhật hoàng Naruhito hồi cuối tháng 2-2025, trước lễ sinh nhật lần thứ 65 của mình, cũng đã nhắc tới tầm quan trọng của việc truyền lại ký ức về thế chiến thứ hai: “Năm nay sẽ tròn 80 năm sau chiến tranh. Tôi mong muốn điều đó sẽ trở thành nguyên cớ mới để suy nghĩ sâu sắc hơn về khổ ải của những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Nhật Bản để sự tôn trọng hòa bình hằn sâu vào trái tim và để suy nghĩ về hòa bình”. Ông cũng nhận định: “Hiện nay ký ức về chiến tranh đang bị xóa nhòa đi. Điều quan trọng là làm sao để kinh nghiệm đắng đót từ những gì đã trải qua và lịch sử được lưu truyền từ thế hệ đã trải qua chiến tranh tới những thế hệ không phải biết tới nó”.
HỒNG THANH QUANG