Không chỉ đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên có sự tham dự của các thành viên mới kết nạp, đưa BRICS trở thành BRICS+, hội nghị lần này còn ghi dấu ấn bằng nỗ lực cụ thể hóa tham vọng của nhóm, mà như đánh giá của Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva rằng đây là “sự kiện lớn trong bối cảnh BRICS hướng tới thúc đẩy dân chủ, chủ nghĩa đa phương, hòa bình, phát triển và sự tham gia của xã hội”.
Thế giới đang đứng trước nhiều chuyển biến mà biến số lớn nhất là sự thay đổi về mặt cấu trúc trong trật tự quốc tế. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc trưng của trật tự thế giới là các quy tắc và những cơ chế phối hợp tương ứng do các nước phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ thiết lập, thường được gọi là “trật tự thế giới tự do”. Các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã trở thành 3 trụ cột duy trì trật tự tài chính và thương mại toàn cầu.
    |
 |
Rio de Janeiro trong tình trạng khẩn cấp (ngày 05-7-2025). Ảnh: TITA BARROS/REUTERS |
Không thể phủ nhận trật tự đó đã tạo điều kiện cho sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản trong thập niên 1950 và 1960, đồng thời thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa lan rộng, tạo động lực cho sự trỗi dậy đồng loạt của các nền kinh tế mới nổi vào đầu thế kỷ 21. Thế nhưng, mô hình “tân tự do” lại làm cho bất bình đẳng toàn cầu ngày càng thêm sâu sắc. Chỉ trong vòng một thập kỷ qua, khoảng 3.000 tỷ phú trên thế giới đã thu về hơn 6.500 tỷ USD, trong khi dòng chảy hỗ trợ quốc tế sụt giảm và gánh nặng nợ của các nước đang phát triển gia tăng.
Những cơ chế già cỗi của các thể chế tài chính WB và IMF thì dẫn đến nghịch lý mà báo chí mô tả là một “Kế hoạch Marshall ngược”, khi chính các nền kinh tế mới nổi thực chất lại đang tài trợ cho các nước phát triển. WTO thì rơi vào tình trạng tê liệt, không ngăn được sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, tạo ra những bất lợi nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã phơi bày những nguy cơ của sự phụ thuộc toàn cầu vào Phố Wall, trong khi các lệnh trừng phạt quốc tế tràn lan là lời cảnh báo rằng độc quyền của phương Tây có thể dẫn đến lộng quyền.
Bức tranh toàn cầu ảm đạm đến mức Tổng thống Brazil Lula da Silva phải thốt lên: “8 thập kỷ sau ngày chủ nghĩa phát xít bị đánh bại và Liên hợp quốc ra đời, chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ chưa từng có của chủ nghĩa đa phương. Những thành quả khó khăn mới đạt được như các thể chế về khí hậu và thương mại đang bị đe dọa”. Khó có thể tưởng tượng từ vai trò dẫn dắt, nay Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đình chỉ các khoản đóng góp khiến WTO tê liệt.
Mô hình toàn cầu hóa tự do đã trở nên lỗi thời. Để lấp đầy khoảng trống mà sự suy thoái của trật tự quốc tế cũ tạo ra, BRICS đưa ra giải pháp “Nam bán cầu”, tức là tăng vai trò của các nước phương Nam trong việc thúc đẩy một trật tự thế giới mới công bằng, hợp lý và có trình tự. Với 10 thành viên chính thức và nhiều đối tác, chiếm gần 40% GDP toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới, BRICS đã vượt Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về quy mô dân số, sức mạnh kinh tế, phạm vi địa lý và tính đại diện địa chính trị. BRICS hoàn toàn có khả năng đem lại cho cộng đồng quốc tế một triển vọng mới và một giải pháp quản trị toàn cầu đại diện cho các quốc gia thuộc Nam bán cầu.
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam bán cầu vì quản trị bao trùm và bền vững hơn” cùng một loạt sáng kiến được thông qua, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này góp thêm một động lực nhằm viết lại các quy tắc quản trị toàn cầu cho tương lai. Tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi các thể chế toàn cầu cải cách, đồng thời bày tỏ ủng hộ chính sách ngoại giao đa phương trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng thương mại tiếp diễn. Mục tiêu là hướng tới một trật tự quốc tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn và có trật tự hơn, nơi các quốc gia BRICS và Nam bán cầu sẽ đóng vai trò là những nhân tố chủ động trong quản trị chứ không phải là những “chú cừu im lặng”.
Trong tham vọng của BRICS, quyền lực quốc tế phải được phân bổ lại để tương xứng với quy mô của các nước Nam bán cầu. Chẳng hạn như trong IMF, quyền biểu quyết của các quốc gia BRICS sẽ phải đạt tối thiểu 25%, thay vì chỉ 18% như hiện tại. Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an cũng cần phải có những cải tổ để biến tổ chức này trở nên “dân chủ hơn, mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn và năng suất hơn”, đặc biệt là tăng cường đại diện của các nước đang phát triển trong các cơ quan ra quyết định quan trọng của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, khắc phục điều mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo là hơn 60% dân số thế giới hiện chưa được đại diện đầy đủ trong các thể chế toàn cầu được hình thành từ thế kỷ trước, khiến các tổ chức này không đủ khả năng đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.
Tất nhiên, nỗ lực của BRICS không phải là tham vọng lật đổ hay tạo ra một hệ thống song song, chống lại phương Tây. BRICS ra đời không phải để đối đầu mà chỉ là một mô hình khác, một cách tiếp cận khác về trật tự thế giới theo hướng chuyển đổi trật tự đó từ mô hình “trung tâm/ngoại vi” sang mô hình “công bằng/trật tự”.
TƯỜNG LINH