Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cách chức tướng 4 sao Charles Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và đề cử Trung tướng Dan Caine, nhân vật thân cận với ông thay thế. Cùng rời Lầu Năm Góc với tướng Charles Brown còn có 5 chỉ huy cấp cao khác, gồm nữ Bộ trưởng Hải quân đầu tiên của Mỹ Lisa Franchetti, Phó tham mưu trưởng không quân và các Tổng cố vấn pháp lý của Lục quân, Hải quân và Không quân.

Cải tổ bộ máy sau khi lên nắm quyền không phải là động thái bất ngờ với các tân tổng thống. Tuy nhiên, sự ra đi hàng loạt của các quan chức quân sự cấp cao kể trên không đơn giản chỉ là nỗ lực cải tổ nhằm nâng cao trách nhiệm, loại bỏ các chính sách được cho là không hiệu quả và tập trung vào việc tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội Mỹ như lời khẳng định của Nhà Trắng. Động thái này được cho là bắt nguồn từ những bài học cay đắng trong quá khứ khi ông Donald Trump liên tục xung đột với giới lãnh đạo quân sự.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, các bộ trưởng quốc phòng và nhiều tướng lĩnh cao cấp chính là những người chỉ trích ông gay gắt nhất. Hàng loạt đề xuất của ông như rút quân đội Mỹ khỏi Syria, dùng tên lửa phá hủy các phòng điều chế ma túy ở Mexico chuyên tuồn hàng sang Mỹ, sử dụng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình trên đường phố ở Mỹ... đã gặp sự phản đối mạnh mẽ từ các quan chức của Lầu Năm Góc. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là khi ông Donald Trump bực tức đến mức ám chỉ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thời đó là tướng Mark Milley có thể bị xử tử vì tội phản quốc do chống lại ông. 

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump có cái nhìn tiêu cực về đội ngũ lãnh đạo quân đội. Giờ đây với ông, tiêu chí quan trọng nhất với bất kỳ ai muốn bước vào Lầu Năm Góc là lòng trung thành, thực chất là trung thành với bản thân ông. Ông tin rằng nếu các chỉ huy quân sự cấp cao không thể hiện đầy đủ sự ủng hộ và lòng trung thành với các chính sách và chiến lược của chính phủ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ra quyết định của quân đội và đe dọa an ninh quốc gia. 

Từ quan điểm đó, việc lựa chọn tướng lĩnh vào các chức vụ chủ chốt không còn chỉ tập trung vào năng lực và kinh nghiệm quân sự mà nhấn mạnh hơn vào việc liệu họ có sẵn sàng thực hiện theo đúng chiến lược chính trị của Tổng thống hay không. Điều đó giải thích vì sao một viên tướng nổi tiếng như ông Charles Brown, cựu phi công chiến đấu, bị cách chức vì có những quan điểm khác với ông Donald Trump. Trong khi đó, một viên tướng chưa có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu hay giữ vai trò tư lệnh trong các dịch vụ quân sự lớn như ông Dan Caine lại được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, điều chưa từng có trong lịch sử quân đội Mỹ. 

Không những thế, bên cạnh yếu tố chính trị, vấn đề văn hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ sa thải. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Donald Trump cảnh báo sẽ cho ra đi các tướng lĩnh bị mô tả là “thức tỉnh”. Đây là một thuật ngữ ám chỉ những người chủ trương công bằng chủng tộc và xã hội, đặc biệt là trong việc thúc đẩy các chính sách như “đa dạng, bình đẳng và hòa nhập” (DEI). Nhưng với ông Donald Trump, các chính sách này làm suy yếu hiệu quả và sức chiến đấu của quân đội Mỹ. Động thái mạnh nhất của ông Donald Trump chống “thức tỉnh” trong quân đội là chiến dịch nhắm vào các quân nhân chuyển giới. Theo miêu tả của ông, đây là những người yếu đuối không nên để trong quân đội. “Tôi sẽ sa thải họ. Bạn không thể có một quân đội thức tỉnh”, ông khẳng định. 

leftcenterrightdel
Ông Donald Trump. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN 

Tất nhiên, hành động mạnh tay của ông Donald Trump khiến chính trường Mỹ lo ngại và chia rẽ, thậm chí là tạo ra sự chống đối. Phe Dân chủ cho rằng đằng sau cuộc thanh lọc này là toan tính “thanh trừng” các tướng lĩnh cấp cao không hoàn toàn đồng tình với các chính sách của ông Donald Trump. Còn quyết định thay thế Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân là sự gia tăng ảnh hưởng của chính quyền ông Donald Trump đối với giới lãnh đạo quân đội, là nỗ lực của Nhà Trắng tăng cường sự kiểm soát chính trị đối với các chỉ huy cấp cao.

Trong hành động phản đối, 5 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ tổ chức một phiên điều trần khẩn cấp xung quanh việc sa thải Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và một số lãnh đạo quân sự cấp cao khác. Bức thư đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về việc chính quyền hiện tại có đang cố gắng “chính trị hóa quân đội” và làm suy yếu các giới hạn pháp lý đối với quyền lực của Tổng thống hay không. “Chúng tôi, giống như nhiều người Mỹ khác, bao gồm cả các binh lính, phải kết luận rằng những nhà lãnh đạo này bị sa thải vì lý do hoàn toàn đảng phái”, 5 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viết.

Tranh cãi đang diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, cuộc sa thải hàng loạt sĩ quan quân sự cấp cao mới chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực cải tổ quân đội Mỹ của ông Donald Trump. Hiện trên bàn làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã đặt sẵn kế hoạch cắt giảm hàng chục tỷ USD từ ngân sách quốc phòng và dự kiến còn nhiều tướng lĩnh khác sẽ ra đi. 

Cơn lốc đang nổi lên trong Lầu Năm Góc.

TƯỜNG LINH