Tuần trước, Ấn Độ đã tiến hành hàng loạt vụ không kích vào các địa điểm bên trong lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Đây được coi là hành động đáp trả vụ tấn công khủng bố hôm 22-4 khiến hơn 20 dân thường thiệt mạng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. Pakistan trả đũa bằng một loạt các đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào các cơ sở quân sự quanh khu vực Kashmir của Ấn Độ.
Kể từ năm 1947, khi Anh chia cắt tiểu lục địa Ấn Độ và thành lập nhà nước Ấn Độ theo đạo Hindu và Pakistan theo đạo Hồi, quan hệ giữa hai quốc gia Nam Á này chưa bao giờ suôn sẻ mà ngòi nổ là khu vực Kashmir. Vào thời điểm phân định lãnh thổ, các vùng nằm giữa Ấn Độ và Pakistan là Kashmir và Jammu được trao quyền tự lựa chọn sáp nhập vào quốc gia nào mình muốn. Với gần 75% dân số theo đạo Hồi, nhiều người tin rằng Kashmir đương nhiên sẽ trở thành một phần của Pakistan. Tuy nhiên, Quốc vương Hari Singh cai trị Kashmir và Jammu lại quyết định đưa hai vùng này gia nhập Ấn Độ, khiến Pakistan bất bình. Cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai nước bùng nổ.
    |
 |
Đụng độ vẫn tiếp diễn sau khi Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn ngày 10-5. Ảnh: Xinhua |
Năm 1948, Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết, tuyên bố “việc Jammu và Kashmir sáp nhập vào Ấn Độ hay Pakistan nên được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu dân ý dân chủ, tự do và công bằng”. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không có cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức tại các khu vực này. Năm 1949, với sự trung gian hòa giải của LHQ, cuộc chiến tranh đầu tiên giành quyền kiểm soát Kashmir kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chia 2/3 vùng Kashmir cho Ấn Độ kiểm soát, phần còn lại do Pakistan nắm giữ.
Tuy nhiên, bình yên vẫn chưa trở lại với Kashmir khi cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này. Hệ quả là từ năm 1947 đến nay, 3 cuộc xung đột lớn giữa hai nước đã nổ ra mà nguyên nhân đều xuất phát từ Kashmir. Sau cuộc xung đột vào tháng 12-1971, Ấn Độ và Pakistan ký Hiệp định Simla, chuyển đường ngừng bắn theo thỏa thuận năm 1948 thành đường kiểm soát (LoC), coi đó như đường biên giới trên thực tế giữa hai nước ở khu vực Kashmir. Nhưng LoC cũng không chấm dứt được xung đột. Thỉnh thoảng, đụng độ nhỏ lẻ giữa lực lượng vũ trang của hai nước vẫn diễn ra dọc theo LoC.
Trở lại với vụ tấn công khủng bố hôm 22-4. Một nhóm tự xưng là Mặt trận kháng chiến (TRF) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, Ấn Độ cho rằng Pakistan có “liên hệ xuyên biên giới” với vụ khủng bố bởi TRF chỉ là một tổ chức bình phong của Lashkar-e-Taiba, một nhóm có trụ sở tại Pakistan. Mối nghi ngờ của Ấn Độ không phải không có cơ sở. Trong nhiều thập kỷ, tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nhiều nhóm phiến quân vũ trang được Islamabad bí mật hậu thuẫn đã hoạt động mạnh mẽ nhằm thống nhất lãnh thổ dưới sự cai quản của Pakistan hoặc trở thành một quốc gia độc lập.
Hiện hai nước đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đe dọa đình chỉ các hiệp ước quan trọng, đóng cửa biên giới và thu hồi thị thực công dân của nhau. Đây là sự đổ vỡ lớn nhất trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 2019, khi một vụ đánh bom xe liều chết khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng xảy ra ở Kashmir. Ngoài các cuộc không kích, binh sĩ hai nước đã đấu súng dọc theo LoC. Một động thái đáng lo ngại khác là Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước về nguồn nước sông Ấn, một thỏa thuận kéo dài 6 thập kỷ về việc chia sẻ nguồn nước của hệ thống sông quan trọng giữa hai quốc gia. Pakistan cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào của Ấn Độ nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng chảy sẽ bị coi là “hành động chiến tranh”.
Xét về tương quan lực lượng, Ấn Độ đang chiếm ưu thế. Nước này hiện xếp thứ 4 trong Bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2025, trong khi Pakistan ở vị trí thứ 12. Ấn Độ duy trì khoảng 1,46 triệu quân nhân tại ngũ và 1,15 triệu binh sĩ dự bị. Quân số thường trực của Pakistan là 654 nghìn người, được hỗ trợ bởi 500 nghìn nhân viên bán quân sự. Ấn Độ cũng có ngân sách quốc phòng lớn hơn, khoảng 79 tỷ USD cho năm tài chính 2026 so với con số 7,6 tỷ USD của Pakistan. Khoảng cách đáng kể này có thể tác động đến năng lực hoạt động và hiện đại hóa quân đội của nước này.
Tuy nhiên, những thống kê trên trở nên vô nghĩa nếu biết rằng cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo “Trạng thái lực lượng hạt nhân thế giới” mới nhất do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố, Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 180 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số của Pakistan là khoảng 170 đầu đạn. Gần đây, chiến dịch hiện đại hóa hạt nhân của Ấn Độ, đặc biệt là vụ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-5 tích hợp công nghệ đa đầu đạn phân hướng vào đầu năm 2025, đã tăng đáng kể tầm bắn và độ linh hoạt cho vũ khí hạt nhân của nước này. Pakistan cũng đang tìm cách bám theo sát các bước tiến của Ấn Độ.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang và lịch sử đối đầu sâu sắc, Ấn Độ và Pakistan đang thực sự đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột nguy hiểm. Với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một thỏa thuận ngừng bắn đã được dàn xếp. Tiêng súng đã tạm lắng sau 4 ngày đụng độ căng thẳng. Tuy nhiên, "ngòi nổ" Kashmir thì vẫn chưa được vô hiệu hóa, bất cứ lúc nào cũng có thể phát hỏa, đốt nóng quan hệ Ấn Độ-Pakistan.
TƯỜNG LINH