Đây có thể coi là nỗ lực nhằm hồi sinh chương trình “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI), thường được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”, mà cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khởi xướng năm 1983. Thời đó, với tham vọng giành ưu thế chiến lược trong cuộc đua siêu cường, ông Ronald Reagan muốn tạo một cú đột phá về công nghệ quân sự, cho phép vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô trước khi chúng vươn tới Mỹ. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, tiêu tốn hơn 30 tỷ USD mà không đem lại kết quả khả quan nào, SDI đã âm thầm bị gác lại.
Hơn 40 năm sau tham vọng không thành của ông Ronald Reagan, ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, ra lệnh cho quân đội lên kế hoạch chi tiết về việc thiết kế và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới. Trong con mắt của ông Donald Trump, nguy cơ từ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân và các cuộc tấn công trên không tiên tiến khác “vẫn là mối đe dọa thảm khốc nhất mà Mỹ phải đối mặt”.
    |
 |
Điện Capitol, tức Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters |
Sắc lệnh hành pháp của ông Donald Trump báo hiệu sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận của Mỹ với hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo tính toán của ông Donald Trump, những tiến bộ trong công nghệ quân sự giờ đã đủ cho phép Mỹ giành chiến thắng trong bất cứ cuộc “chiến tranh giữa các vì sao” nào xuất hiện trong tương lai. Với việc lên kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới, ông Donald Trump chính thức hợp pháp hóa tầm nhìn đầy tham vọng trong cuộc đua giành ưu thế chiến lược trước các đối thủ Nga và Trung Quốc.
Vũ khí siêu việt mà ông Donald Trump muốn sở hữu chính là Vòm Vàng. Hệ thống này là sự kết hợp nhiều hệ thống phòng không, đủ khả năng bảo vệ sự an toàn không chỉ cho lãnh thổ nước Mỹ mà còn cả tài sản của Mỹ trên khắp thế giới. Trái tim của Vòm Vàng là hệ thống các vệ tinh có khả năng theo dõi “mạng lưới vạn vật” tấn công của đối phương-thuật ngữ dùng để chỉ các tàu vận chuyển, máy bay ném bom, tàu chiến mang tên lửa hạt nhân nhằm vào Mỹ. Nhóm vệ tinh thứ nhất sẽ theo dõi hướng di chuyển của toàn bộ tên lửa trên thế giới, trong khi nhóm thứ hai được trang bị tên lửa đánh chặn hoặc vũ khí laser có nhiệm vụ vô hiệu hóa các tên lửa hay các phương tiện tấn công nhằm vào Mỹ.
Xét về tính năng và thành phần cấu thành, Vòm Vàng của Mỹ là sự nâng cấp lên một tầm mới của hệ thống đánh chặn tên lửa và rocket “Iron Dome” (Vòm Sắt) khá nổi tiếng do Tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel hợp tác với hãng Raytheon của Mỹ chế tạo. Được triển khai từ năm 2011 với vai trò là lớp cuối cùng trong hệ thống phòng không mặt đất đa tầng, Vòm Sắt đã thể hiện khả năng thực chiến khá hiệu quả, phát hiện và tiêu diệt hầu hết tên lửa của Iran và các nhóm vũ trang Hamas, Hezbollah, Houthi ở Trung Đông phóng vào Israel.
Tuy nhiên, chiến tích của Vòm Sắt không dễ lặp lại với Vòm Vàng. Sự khác biệt lớn nhất là quy mô bảo vệ của Vòm Sắt nhỏ hơn 400 lần so với Vòm Vàng bởi lãnh thổ của Israel quá nhỏ bé so với Mỹ. Thêm vào đó, phần lớn đất đai của Israel là sa mạc bằng phẳng, dễ phòng thủ hơn nhiều so với không gian đa dạng của Mỹ. Nói một cách dễ hiểu thì Vòm Sắt được thiết kế để đối phó với các loại tên lửa tầm ngắn và di chuyển chậm. Trong khi đó, đối thủ của Vòm Vàng là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, đầy uy lực, có khả năng vươn tới tầng cao khí quyển rồi lao xuống trái đất với tốc độ siêu thanh. “Đó là sự khác biệt giữa thuyền kayak và tàu chiến”, ông Jeffrey Lewis-Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, Mỹ, nhận xét.
Trên thực tế, đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là điều không dễ dàng. Để nâng tỷ lệ đánh chặn thành công, hệ thống phòng thủ tên lửa phải tìm cách tiêu diệt các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay khi chúng vừa được phóng ra khỏi hầm chứa. Tuy nhiên, giai đoạn phóng của các tên lửa này rất ngắn, thường chỉ kéo dài từ 3 đến 5 phút. Để có thể phát hiện nhanh các mục tiêu, hệ thống Vòm Vàng phải sử dụng hàng nghìn vệ tinh trên quỹ đạo quanh trái đất. Đây là kế hoạch rất tốn kém mà muốn hiện thực hóa nó, nước Mỹ sẽ phải bỏ ra tới 2,5 nghìn tỷ USD, một con số khổng lồ mà chưa biết hiệu quả thế nào.
Việc vũ khí hóa không gian còn làm dấy lên mối lo về nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ khí hạt nhân, nhất là trong bối cảnh đa số hiệp ước quốc tế kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ đã bị xóa bỏ. Hiện nay, Nga và Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để duy trì sự cân bằng chiến lược với Mỹ. Nếu Washington đơn phương thiết lập hệ thống Vòm Vàng, Moscow và Bắc Kinh sẽ nhanh chóng mở rộng và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả.
Và điều quan trọng nhất là tham vọng giành ưu thế trong “chiến tranh giữa các vì sao” chỉ là ảo tưởng, bởi chiến tranh hạt nhân không có người chiến thắng.
TƯỜNG LINH