Dù vẫn chưa đồng ý gặp nhau trực tiếp nhưng sau các cuộc đàm phán con thoi riêng rẽ với Mỹ tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, cả Nga và Ukraine đều nhất trí ngừng tấn công quân sự ở Biển Đen và vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Các thỏa thuận như bảo đảm an toàn hàng hải, chấm dứt sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu dân sự vào mục đích quân sự trên Biển Đen, cùng danh sách các cơ sở hạ tầng năng lượng cần bảo vệ đã được ký kết.

Đây là tín hiệu tích cực, là bước tiến tích cực trên con đường đưa Nga và Ukraine tiến gần hơn đến thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và cuối cùng là đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột. Những hy vọng đã bắt đầu nhen lên rằng Biển Đen sẽ không còn tiếng súng, thông thương sẽ nhộn nhịp trở lại, rằng tình cảnh của người dân Ukraine sẽ bớt khắc nghiệt hơn khi không còn phải sống trong cảnh tối tăm và giá rét do mất điện.

So với Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen mà Moscow và Kiev ký tháng 7-2022 dưới sự trung gian hòa giải của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho Ukraine có thể xuất khẩu lương thực và phân bón từ các cảng biển của nước này trên Biển Đen, Thỏa thuận ngừng bắn Biển Đen chưa phải là cú đột phá mở lối đến hòa bình. Tuy nhiên, cùng với cam kết ngừng tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, thỏa thuận trên là tín hiệu tích cực, cho thấy sự thay đổi nhận thức của cả Nga và Ukraine rằng lối thoát của cuộc xung đột là phải trên bàn đàm phán chứ không phải trên chiến trường.

Xét về tương quan lực lượng, Nga đang có những lợi thế. Sau cuộc tổng phản công giành lại vùng Kursk, Nga đang tận dụng cơ hội để mở rộng vùng đệm sang khu vực Sumi nhằm ngăn chặn Ukraine tái tấn công. Báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2025 của cộng đồng tình báo Mỹ công bố ngày 25-3 thừa nhận, trong năm qua, Nga đã chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tại Ukraine, cũng như “đang trên đường tích lũy đòn bẩy lớn hơn” để đạt được các điều kiện có lợi trong các cuộc đàm phán với Ukraine và phương Tây.

Nhưng dù có lợi thế, Nga vẫn chưa thể giành ưu thế tuyệt đối để tạo bước ngoặt trong cuộc xung đột. Trong khi đó, dù chịu nhiều thiệt hại ở Kursk và buộc phải lùi vào thế phòng ngự trên khắp chiến tuyến, Ukraine vẫn khôn khéo có những động thái chiến thuật như mở cuộc tấn công vào vùng Belgorod để buộc Nga phải phân tán lực lượng. Những cuộc tập kích bằng thiết bị bay không người lái vào sâu trong lãnh thổ Nga của Ukraine cũng gây ra nhiều thiệt hại.

Sau hơn 3 năm, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là cuộc chiến tiêu hao, thử thách sức chịu đựng của cả hai bên. Sự tàn phá cùng những thiệt hại về người và vật chất là vô cùng lớn. Xung đột càng kéo dài thì cơ hội phát triển của cả Nga và Ukraine càng hẹp lại. Trong bối cảnh đó, các thỏa thuận vừa ký kết dù chưa chấm dứt xung đột nhưng là cơ sở quan trọng giúp tạo dựng lòng tin vốn đã bị hủy hoại nặng nề bởi bom đạn, tháo bỏ bớt sự thù hận để Nga và Ukraine có thể ngồi trực tiếp với nhau trên bàn đàm phán.

leftcenterrightdel

 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) hội kiến Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, trong chuyến thăm tới nước này để đàm phán với phái đoàn Ukraine về cuộc xung đột với Nga, ngày 10-3-2025. Ảnh: THX/TTXVN

Một yếu tố thuận lợi ở đây là Mỹ từng là nhân tố kích động xung đột, là đồng minh chủ yếu của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, thì nay chuyển sang vai trò trung gian trong các nỗ lực kiến tạo hòa bình. Không chỉ là tuyên bố tranh cử, mục tiêu chấm dứt xung đột ở Ukraine đang là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trái ngược với tâm lý đối đầu trước đây, Nga và Mỹ hiện có một sự hiểu biết chung về nhu cầu giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Tuy nhiên, với một cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn, khốc liệt, kéo dài cùng những tổn thất vô cùng lớn về sinh mạng và vật chất như xung đột Nga-Ukraine, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình sẽ không hề dễ dàng. Trong khi Ukraine muốn một lệnh ngừng bắn toàn diện ngay lập tức, tiếp theo là thỏa thuận hòa bình có sự bảo đảm từ phương Tây, thì Nga yêu cầu một thỏa thuận toàn diện ngay từ đầu, đồng thời phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của phương Tây tại Ukraine sau khi có thỏa thuận.

Tư duy đi đến bàn đàm phán trên thế mạnh cũng đang khiến các cuộc giao tranh trên thực địa vẫn đang nóng lên. Thêm vào đó, xung đột Nga-Ukraine không đơn thuần từ mâu thuẫn song phương, mà là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, là hệ quả của cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt ở châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Mặc dù quan hệ Mỹ-Nga đã phần nào được cải thiện nhưng đối đầu Nga-châu Âu thì vẫn hết sức căng thẳng. Lợi dụng xung đột ở Ukraine để gây cho Nga một “thất bại chiến lược” vẫn nằm trong toan tính của giới chủ chiến ở châu Âu.

Con đường đi đến hòa bình ở Ukraine còn dài. Hiện mới chỉ là điểm khởi đầu trên con đường chông gai này và phía trước sẽ là các cuộc đàm phán hết sức khó khăn.

TƯỜNG LINH